Thứ 4, 22/05/2024, 04:25[GMT+7]

Chi cục thú y Thái Bình Nỗ lực phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc

Thứ 6, 11/03/2011 | 08:32:20
2,280 lượt xem
Để chủ động đối phó với dịch bệnh cho đàn gia súc trước dịch lở mồn, long móng (LMLM) và một số bệnh khác, nhất là tại thời điểm giao mùa như hiện nay, Chi cục Thú y đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho ngành chăn nuôi phát triển.

Ảnh: Thành Tâm

Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, và thủy sản trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp; các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc, cúm gia cầm đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Đối với tỉnh ta chưa xuất hiện dịch lớn, sản xuất chăn nuôi đang phát triển theo hướng tích cực. Theo số liệu thống kê của hệ thống thú y cơ sở, đến hết tháng 2/2011 toàn tỉnh có 69 nghìn con trâu, bò; đàn lợn 728.962 con và 7,4 triệu con gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, trong điều kiện hiện nay thì tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là biện pháp phòng bệnh chủ động, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đây còn là biện pháp để tạo miễn dịch, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh lây lan, bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định. Xác định được vấn đề này, năm 2010, Chi cục Thú y đã chủ động thực hiện tiêm phòng dịch định kỳ vụ xuân hè, thu đông cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

100% xã, phường, thị trấn có gia súc đã tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch, với 555.502 liều vắc xin; trong đó có 488.765 liều vắc xin phòng bệnh đỏ, 14.640 liều tụ huyết trùng trâu, bò và 52.097 liều vắc xin dại. Tất cả các loại vắc xin tiêm đạt cao hơn so với năm 2009, như tiêm vắc xin dịch tả ở lợn tăng trên 16%, phó thương hàn tăng trên 58%... Thời gian tiêm phòng nhanh hơn và các chỉ tiêu tiêm tương đối đồng đều giữa các xã, số xã tiêm chiếu lệ hoặc số lượng quá thấp đã giảm.

Tuy kết quả có tăng hơn so với các năm trước, nhưng so với thực đàn thuộc diện phải tiêm ở một số thời điểm thì vẫn còn thấp. Cụ thể,  tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh đỏ cho đàn lợn so với số liệu thống kê tại thời điểm 1/4 và 1/10/2010, dịch tả mới chỉ đạt 14,41%, tụ dấu 7,68%, phó thương hàn 6,82%. Nguyên nhân của việc tiêm vắc xin đạt tỷ lệ thấp là do  dịch bệnh gia súc luôn diễn biến phức tạp và phát triển chăn nuôi tập trung ở nhiều địa phương còn tự phát, không theo quy hoạch nào.

Đồng thời việc giám sát dịch bệnh ở cơ sở chăn nuôi còn khó khăn, do cán bộ thú ý cơ sở chưa thực sự quản lý, hỗ trợ kỹ thuật được hết cho những điểm chăn nuôi này. Bên cạnh đó, đàn gia súc, gia cầm luôn tăng nhanh về số lượng, chủng loại, nhưng lại là chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, không tạo thành vùng chuyên canh.

Đặc biệt ý thức chấp hành pháp lệnh thú y của người dân còn hạn chế, nên việc áp dụng các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn. Việc quản lý buôn bán vắc xin tiêm phòng chưa hiệu quả, một số tổ chức, cá nhân tự cung ứng vắc xin cho người chăn nuôi mà không có sự giám sát và đồng ý của Chi cục Thú y...

Hiện nay đàn gia súc, gia cầm đang được các hộ chăn nuôi nhập đàn mới, bổ sung số lượng đã tiêu thụ sau Tết Nguyên đán vừa qua, đồng thời thời tiết giao mùa nên vật nuôi rất dễ nhiễm, truyền bệnh từ các nơi khác về. Nhằm tiếp tục bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển, Chi cục Thú y đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin.

Chi cục Thú y phấn đấu tiêm phòng 3 bệnh đỏ cho đàn lợn đạt từ 80% trở lên, tụ huyết trùng trâu bò đạt trên 60%, phòng bệnh dại chó, mèo từ 70% trở lên  so với diện phải tiêm. Để bảo đảm tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, các loại vắc xin cung cấp cho các địa phương sẽ được lấy từ nguồn dữ trữ của tỉnh, do Công ty TNHH một thành viên thuốc thú y trung ương và Xí nghiệp thuốc thú y trung ương sản xuất, phân phối. Mọi dụng cụ bảo quản, vận chuyển vắc xin cần phải theo đúng kỹ thuật, như vắc xin LMLM, dịch tả lợn, dại bảo quản ở nhiệt độ từ 2 -8oC...

Kinh phí vắc xin tiêm phòng bệnh đỏ cho lợn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được hỗ trợ vắc xin từ nguồn dự trữ phòng chống dịch tai xanh năm 2010 của tỉnh và trung ương; trang trại chăn nuôi tập trung, chủ trang trại tự lo kinh phí mua vắc xin. Các loại vắc xin khác và công tiêm, kinh phí mua bổ sung vật tư...sẽ huy động nguồn lực của các địa phương, tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không chỉ riêng trách nhiệm của ngành thú y, muốn có  hiệu quả cao, nhất thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để huy động nhân lực, nguồn lực tham gia phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân 2011, thời gian tiêm đàn lợn, trâu, bò từ 1/3 đến 10/3; đàn chó, mèo từ 8/3 đến 31/3/2011. Hiện, Chi cục Thú y đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của các huyện, thành phố để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời tập trung lực lượng để kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, cơ sở tiêm phòng tổng hợp tiến độ theo từng ngày, qua đây để uốn nắn kịp thời cơ sở nào không thực hiện nghiêm túc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc vụ xuân.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày