Thứ 6, 17/05/2024, 09:37[GMT+7]

Máy cấy khó xuống đồng

Thứ 2, 10/07/2017 | 16:44:42
3,648 lượt xem
Hiện nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch chiếm tỷ lệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích cấy lúa thủ công vẫn chiếm lớn mặc dù tỉnh có cơ chế hỗ trợ và nhiều mô hình trình diễn máy cấy được triển khai.

Cấy bằng máy ở xã Độc Lập (Hưng Hà). Ảnh: Nguyên Bình.

Để đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, ngoài hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất giống ngao, đóng mới tàu, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển cây màu vụ đông, UBND tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy cấy, máy gặt đập liên hợp) được hỗ trợ đến 50% đơn giá mua máy nhưng không quá 40 triệu đồng/máy cấy, 132 triệu đồng/máy gặt đập liên hợp. Tổng số máy hỗ trợ cho mỗi địa phương căn cứ vào diện tích lúa và kế hoạch theo phân kỳ hàng năm. Nhờ đó, Thái Bình là một trong những tỉnh có tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp khá nhanh. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa làm đất đã đạt trên 95%, tỷ lệ thu hoạch bằng máy trên 60%, tuy nhiên, tỷ lệ cấy bằng máy tăng chậm. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cấy bằng máy ở vụ xuân năm 2014 đạt 210ha, trong đó có 8 xã sử dụng máy cấy. Từ vụ mùa năm 2014, tỉnh bắt đầu triển khai cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 16, diện tích cấy bằng máy đạt 179,5ha, đến vụ mùa năm 2016 diện tích cấy bằng máy mới đạt trên 800ha (chiếm tỷ lệ 1,08% tổng diện tích gieo cấy lúa mùa). 

Nhiều chủ máy cấy gặp khó khăn vì thiếu diện tích bảo quản mạ khay.

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Hướng tới nền nông nghiệp quy mô lớn thì áp dụng cơ giới hóa nói chung, sử dụng máy cấy nói riêng là cần thiết. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều mô hình trình diễn máy cấy ở các địa phương để giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị lớn; công suất máy có giới hạn trong khi gieo cấy mang tính thời vụ. Cùng với đó, để máy cấy vận hành được cần đồng bộ từ khâu làm mạ, mạ phải được gieo trên khay đặc thù bằng công cụ sạ, phù hợp với cấu tạo máy. 

Hiện nay, ở một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để mở rộng diện tích cấy bằng máy, trong đó Nguyên Xá (Đông Hưng) là một điển hình. Là xã có nghề phụ phát triển mạnh, Nguyên Xá xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vào thời điểm chính vụ. Do có nhiều diện tích trũng xen kẹp, đồng đất không đồng đều nên việc áp dụng gieo thẳng không hiệu quả. Vụ mùa năm 2014, Nguyên Xá triển khai mô hình mạ khay, cấy máy, theo đó, HTX tiên phong đảm nhận dịch vụ gieo mạ khay cấy máy theo 2 hình thức: khoán trọn gói từ gieo mạ, cấy và chỉ cấy (nông dân tự gieo mạ). Lúa cấy bằng máy hàng cách hàng 30cm, cây cách cây có thể điều chỉnh tạo độ thoáng giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, bông lúa dài, tỷ lệ bông cao, trỗ đều. Với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với đặc thù của địa phương, máy cấy nhanh chóng được người dân đón nhận, đến nay toàn xã có 7 máy cấy, diện tích cấy bằng máy ở vụ mùa này dự kiến khoảng 200 mẫu. 

Ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Cấy máy quan trọng nhất là làm mạ khay, mạ phải được gieo đúng kỹ thuật, bảo đảm tỷ lệ, đất dùng để gieo mạ phải được xử lý kỹ để máy cấy đều. Cần từ 7 - 8 khay mạ để cấy cho mỗi sào ruộng, vì vậy nhiều chủ máy gặp khó khăn vì thiếu diện tích bảo quản mạ khay. Để giải quyết khó khăn ấy, HTX phối hợp với các chủ máy vận động người dân đưa mạ khay về gia đình tự chăm sóc, bảo quản. Chủ máy chỉ làm đất, ngâm ủ giống, gieo mạ sau đó bàn giao khay cho xã viên, đến vụ cấy đưa ra ruộng để máy cấy, giá thành thay vì từ 230.000 - 250.000 đồng/sào trọn gói nay giảm còn từ 90.000 - 100.000 đồng/sào.

Thực tế sản xuất cho thấy phương pháp gieo thẳng đang được nhiều địa phương áp dụng để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động vào chính vụ. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế là khoảng cách cây không đều, thường phải tốn công tỉa dặm sau cấy. Đặc biệt, chỉ áp dụng được khi chân ruộng chủ động nước, hạt mộng hay bị chuột ăn khi mới gieo. Để phát huy hiệu quả sau đầu tư, thiết nghĩ, có thể khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ hoạt động dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa từ khâu cung ứng mạ đến khâu cấy theo quy trình kỹ thuật đồng bộ.

Lúa cấy bằng máy được đánh giá là hạn chế sâu bệnh, rủi ro do thời tiết và các yếu tố ngoại cảnh nhiều hơn trong khi năng suất cao hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, cấy bằng máy mới chỉ áp dụng ở một số địa phương có nghề phụ phát triển do phụ thuộc vào mạ. Máy cấy có giá bán khá cao, lại phải đầu tư máy sạ hạt, khay nên không phải hộ dân nào cũng có điều kiện trang bị.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày