Thứ 4, 22/05/2024, 03:54[GMT+7]

Vụ lúa xuân năm 2011 ở Thái Thụy “Đất mặn” đã trả công người

Thứ 5, 07/07/2011 | 09:40:54
478 lượt xem
Về Thái Thụy những ngày cuối tháng 6, đến đâu cũng thấy cảnh người nông dân tất bật, hối hả thu hoạch nốt những ruộng lúa xuân cuối cùng, khẩn trương làm đất chuẩn bị cấy lúa mùa. Đi từ ngoài cánh đồng, vào đến thôn xóm phủ đều một màu vàng óng của lúa thóc, rạ rơm, khắp thôn quê tràn ngập một niềm vui được mùa lớn.

Tại vùng cấy giống lúa BC 15 trên cánh đồng thôn Hạ Liệt (xã Thái Giang) khi trời vẫn còn nắng gắt, hàng chục nông dân đã miệt mài cắt lúa trên thửa ruộng nhà mình. Kéo xong một chuyến lúa lên bờ, cụ ông Cao Xuân Mùi dừng lại quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, hồ hởi khoe: “ Tôi đã 75 tuổi, cả đời làm ruộng nhưng hiếm thấy vụ lúa xuân nào sâu bệnh ít như vụ lúa xuân năm nay. Hai vợ chồng cấy 4 sào, đều là giống lúa BC15, bình quân năng suất đạt 3 tạ/sào. Không chỉ có BC15, tất cả các giống lúa cấy ở Thái Giang đều được mùa, lúa thuần, lúa lai đạt từ 2,8 đến 3 tạ/sào, lúa chất lượng đạt khoảng 2,5 tạ/sào”.

 

Rời Thái Giang, chúng tôi đi qua Thái Thủy, Thái Nguyên, Thái Thượng, xuống Thụy Dũng, Thụy An rồi vòng về Thụy Hà, Thụy Bình, Thụy Sơn, Thụy Phong.... nơi nào cũng thấy lúa tốt bời bời, ruộng nào ruộng nấy trĩu bông, nặng hạt. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, vụ lúa xuân năm 2011, Thái Thụy được mùa lớn, năng suất cao ở tất cả các trà lúa, giống lúa, mọi chân đất, trung bình đạt khoảng 70 tạ/ha, có xã đạt 75 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, giống lúa lai và BC 15 vẫn chiếm ưu thế với năng suất đạt từ 73 đến 75 tạ/ha, các giống lúa chất lượng đạt khoảng 65 tạ/ha.

 

Đồng chí Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: để có được một  “mùa vàng trên đất mặn” như thế, nông dân Thái Thụy đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong suốt vụ sản xuất. Ngoài khó khăn chung về thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa xuân, Thái Thụy còn có những khó khăn riêng như: tỷ lệ đất nhiễm phèn, nhiễm mặn lớn, đầu vụ nguồn nước đổ ải phục vụ việc thau chua rửa mặn ít, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh lùn sọc đen vẫn còn tiềm ẩn ở nhiều nơi có nguy cơ bùng phát trở lại.

 

Dự đoán trước những khó khăn, nên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất như: xây dựng đề án, chỉ đạo lấy nước, bảo vệ thực vật, thời vụ gieo mạ, thời vụ cấy, cơ cấu giống lúa, các biện pháp chống rét ....được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát đúng.

 

Trong điều kiện nguồn nước thấp, huyện ra quân làm thủy lợi sớm, phối hợp với Công ty Thủy lợi Bắc Thái Bình chủ động lấy nước dự trữ trong hệ thống, điều tiết nước hợp lý nên đã lấy đủ nước đổ ải cho toàn bộ diện tích gieo cấy, thậm chí nhiều vùng được thau chua rửa mặn 2 lần. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C, hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chống rét cho mạ, bảo đảm đủ mạ để cấy.

 

Kết quả, đến ngày 25/2/2011, hơn 13.000 ha lúa xuân của Thái Thụy đã hoàn thành việc gieo cấy đúng trong khung thời vụ quy định. Trong đó, diện tích lúa ngắn ngày chiếm 96%; tỷ lệ giống lúa lai đạt 32%, lúa chất lượng chiếm 28%, các giống lúa thuần chiếm 40%.

 

Sau khi cấy lúa xuân, các tổ công tác, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đi kiểm tra, rà soát từng diện tích lúa cấy, diện tích gieo sạ hàng cải tiến, gieo vãi, phân loại trà lúa, giống lúa, hướng dẫn nhân dân chăm sóc bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, giữ mực nước mặt ruộng nông thường xuyên và không để thiếu nước trong thời kỳ lúa đẻ nhánh.

 

Huyện đã tổ chức 4 cuộc họp với ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp huyện, ra 11 công văn chỉ đạo sản xuất. Trong tháng 3, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa gieo sạ cho 10 xã có diện gieo sạ, gieo vãi. Đặc biệt,  UBND huyện đã kịp thời hỗ trợ 3.000đ/sào (tương đương 84.000 đ/ha) cho nông dân mua phân bón lá phun cho diện tích gieo cấy theo phương thức sạ hàng chậm phát triển, tạo cho bà con tâm lý yên tâm sản xuất.

 

Cùng với đó, công tác phòng trừ sâu bệnh cho toàn bộ diện tích lúa xuân cũng được Thái Thụy chủ động sớm: đối với bệnh lùn sọc đen tiến hành xử lý nguồn bệnh ngay từ khi ngâm ủ thóc giống lúc gieo mạ; với những giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn như BC15, Q5 tổ chức phun phòng ngay từ thời kỳ lúa đẻ nhánh. Huyện đã phát động toàn dân ra quân tham gia các chiến  dịch diệt chuột và ốc bươu vàng để giảm thiệt hại cho lúa.

 

Cũng theo lời ông Thoại, ngoài yếu tố chỉ đạo quyết liệt; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng cách, một trong những nguyên nhân để Thái Thụy được mùa lớn là do năm nay thời tiết cuối vụ rất thuận: sâu bệnh ít, toàn huyện chỉ tổ chức 2 đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh trên toàn bộ diện tích. Trong giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng, trỗ bông trời nắng nhiều, kết hợp có mưa, không bị ảnh hưởng của gió Tây Nam, tỷ lệ lép lửng hầu như không đáng kể, bông nào bông ấy đều trĩu bông chắc hạt.

 

Thời điểm này, nông dân Thái Thụy đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa xuân, dự kiến đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ giải phóng xong toàn bộ diện tích. Do thời vụ chậm hơn so với mọi năm từ 10 đến 15 ngày nên hầu hết bà con thu hoạch đến đâu tiến hành cày lật đất ngay đến đó phấn đấu cấy xong trà lúa mùa sớm trước ngày 5/7 và hoàn thành cấy lúa mùa đại trà trước ngày 15/7.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày