Thứ 6, 03/05/2024, 14:43[GMT+7]

Đào tạo nghề may công nghiệp Ðáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và lao động nông thôn

Chủ nhật, 24/08/2014 | 14:57:08
864 lượt xem
Những năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tổ chức thành công nhiều nội dung, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những hoạt động được ghi nhận, đánh giá cao đó là chương trình đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn, giúp các doanh nghiệp không chỉ giảm bớt nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực mà còn tạo cơ hội cho lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao đời sống ngay tại quê hương

Cơ sở may Tuấn Vân (xã Vũ Quý, Kiến Xương) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Ngọc Linh

 

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Nằm trong xu hướng chung của cả nước, ngành dệt may của Thái Bình có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất so với các lĩnh vực khác với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định. Những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh chuyển hướng đầu tư sản xuất về khu vực nông thôn để giảm áp lực về chi phí sản xuất, nhà xưởng, đặc biệt là nguồn lao động. Ðiều này đã giúp cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ được học và làm nghề ngay tại quê hương. Nắm bắt được xu hướng đó, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp đã mở từ 15 - 20 lớp dạy nghề may công nghiệp cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất.

 

Ðể làm được điều đó, hàng năm Trung tâm đều rà soát, nắm bắt nguồn lao động ở các địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Trước đây, hầu hết công nhân vào làm việc tại các cơ sở sản xuất đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc tay nghề chưa thông thạo, mỗi khi tuyển dụng các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để tự đào tạo. Từ khi có sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của Nhà nước, việc đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân đã được thực hiện bài bản và hiệu quả hơn hẳn. Sau mỗi khóa học, không những anh chị em công nhân được áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn có thêm nhiều người tìm được việc làm ngay tại quê hương, nâng cao thu nhập, đời sống gia đình.

 

Ông Bùi Duy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Vinh (Ðông Hưng) chia sẻ: Ðông Vinh đã nhiều lần được Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động của địa phương. Tuy nhiên, điểm mới đem lại hiệu quả rõ rệt nhất trong thời gian qua là đã phối hợp trực tiếp với doanh nghiệp tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nghề nhanh, bài bản hơn và có việc làm ổn định, qua đó góp phần giúp xã sớm hoàn thành tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới.

 

Sản xuất tại Công ty May công nghiệp Tuấn Hương (xã Ðông Vinh, Ðông Hưng).

 

Bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH May công nghiệp Tuấn Hương (xã Ðông Vinh) cho biết: Từ khi đi vào hoạt động năm 2010 đến nay, Công ty đã thu hút hàng trăm lao động trong và ngoài xã với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng mới nhà xưởng với mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, mua thêm 200 máy may và tuyển thêm 220 lao động. Do đó, việc phối hợp của Trung tâm với Công ty để đào tạo nguồn lao động là việc làm hết sức có ý nghĩa, đáp ứng được nhu cầu, giúp Công ty có được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mới.

 

Ðối với Công ty May Bình Minh, để theo kịp công nghệ của thế giới và các đơn hàng lớn của nước ngoài, từ ngày thành lập đến nay Công ty đặc biệt chú trọng đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại và chất lượng đào tạo nguồn lao động. Có những đơn hàng Công ty ký lên tới 140.000 sản phẩm, do đó chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào tay nghề người lao động. Thị trường ngày càng mở rộng, đơn hàng ngày càng nhiều do đó Công ty luôn cần có đội ngũ công nhân lành nghề. Vì thế, 3 lần được Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp tổ chức đào tạo hàng trăm lao động là hình thức hỗ trợ rất phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của Công ty.

 

Chị Vũ Thị Oanh (thôn An Ðồng, xã Ðông Giang, Ðông Hưng) chia sẻ: Ở độ tuổi ngoài 40, chưa từng được làm bất cứ nghề gì khác ngoài việc cấy 4 sào lúa, do đó ngay khi biết Công ty May công nghiệp Tuấn Hương tuyển công nhân và tổ chức lớp đào tạo nghề tôi đã thu xếp công việc để tham gia học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã đủ điều kiện để được nhận vào làm việc tại Công ty. Từ đó tôi không chỉ có việc làm ở gần nhà mà còn có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

 

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục đến các xã vùng xa, các khu vực chưa có nghề để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo phương châm “Ly nông bất ly hương”.

  Thu Thủy

 

  • Từ khóa