Thứ 6, 19/04/2024, 10:45[GMT+7]

Hưng binh đế nghiệp

Thứ 6, 17/02/2023 | 09:42:00
2,155 lượt xem
Theo tài liệu khảo cứu của Bảo tàng tỉnh, địa bàn huyện Thái Thụy có 1 bia đá được khởi tạo năm Xương Phù thứ 6 (1382) và 1 tấm mộc bài khắc năm Thiệu Long thứ 2 (1269) thời nhà Trần thế kỷ XIII - XIV, khẳng định: Thời nhà Trần, huyện Thái Thụy ngày nay thuộc phủ Long Hưng. Bia ký có ghi: “Thiên Trường - Long Hưng phủ, An phủ sứ ty...”, hiểu nghĩa là Long Hưng (Thái Bình nay) và Thiên Trường (Nam Định nay) đều là hai phủ ngang nhau của nhà Trần.

Lễ hội “Vật cầu” trong hội làng Bích Du (thường gọi là Hét), xã Thái Thượng (Thái Thụy) tưởng nhớ công lao rèn quân, luyện tướng của tướng quân Phạm Ngũ Lão thời nhà Trần, thế kỷ XIII.

Các nguồn khảo luận cho biết, trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII, nhà Trần nhiều lần bỏ trống kinh thành Thăng Long chọn hướng rút lui chiến lược về Long Hưng rồi lại phản công giành thắng lợi huy hoàng. Nguồn sử liệu cũng chứng minh, khởi phát làm giàu của họ tộc Trần ở vùng Hải Ấp trước khi bước lên ngai vàng thay thế nhà Lý suy vi đó là lời khẳng định của vua Trần Nhân Tông, vị vua kế nghiệp của nhà Trần sau 70 năm đạt mộng ngai vàng quyền lực: “...tổ tiên ta nối đời làm nghề chài lưới...” hay hiểu một cách nôm na là “làm giàu bằng nghề đánh cá”. Dù hiểu theo cách nào thì thực tế chứng minh xuất xứ của họ tộc Trần là sự gắn bó sâu sắc với sông nước: “Nhà ta (tức họ Trần) khởi nghiệp từ bãi biển, cho nên thích hình rồng vào vế đùi là có ý tỏ ra rằng không bao giờ quên gốc”.

Theo sách: “Đông A liệt thánh tiểu lục” trích từ “Hoàng tông ngọc điệp” thế phả nhà Trần do Trần Thánh Tông soạn năm Thiệu Long thứ 10 (1264) thì tên tuổi các bậc tiên đế họ Trần ở vùng Hải Ấp đều mang bộ Ngư (Cá), ví như Trần Cảnh tên cúng cơm là “Lành Canh”, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung tên cúng cơm là Ngừ, còn cao hơn Trần Kinh là (cá Kình), Trần Hấp là (cá Trắm), Trần Thừa là (cá Trê), Trần Tự Khánh (cá Ngạnh)... đủ mặt các loại cá. Dù ở phía Bắc (Đông Triều - Quảng Ninh) hay xuôi về phương Nam neo đậu ở Tức Mặc (Nam Định), rồi chếch sang Đông Bắc (Long Hưng) an vị mộ tổ, lập nghiệp vùng Hải Ấp thì họ tộc Trần đều chăm chỉ làm ăn, quanh năm vật lộn sinh kế bằng nghề sông nước để cuối cùng “đất lành, chim đậu” nhà Trần đã neo thuyền ở lại lập vạn chài, thủy cơ giàu lòng nhân ái, bao dung ở Long Hưng. Thời sơ khai, thiên hạ thường xuyên biến loạn, vốn thạo nghề sông nước, thời thế loạn lạc đã giúp nhà Trần trụ lại Hải Ấp mang theo nghiệp mới “dĩ nông vi bản” (lấy nghiệp trồng lúa nước làm kế lâu dài), họ tộc Trần buông dần mái chèo, lên bờ lập ấp. Tuy lên bờ trồng lúa nhưng nghiệp sông nước còn lưu khiến họ tộc Trần vùng Hải Ấp vẫn đủ tài sức “cướp lái, đưa thuyền” vẫy vùng sông nước, giúp nhà Lý đánh tan Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng mưu phản. Nghề sông nước lại có cơ duyên đưa họ tộc Trần vùng Hải Ấp bước dần sang nghiệp binh. Nhiều lần giúp vua tôi nhà Lý trừng trị kẻ làm phản khiến uy thế họ tộc Trần tăng cao, có cơ hội đưa hương binh lên kinh thành, lấy sông Hồng (Đại Hoàng giang) làm trục chính và sông Luộc (Nông Kỳ), sông Trà Lý (Tiểu Hoàng giang) làm hậu thuẫn tạo nguồn binh lực hùng mạnh, xuôi ngược vây ép kinh thành Thăng Long mỗi khi có biến. Nếu nhà Trần khởi nghiệp từ bãi biển như lời tự thuật của vua Trần thì trải qua biến cố, thăng trầm, lịch sử ghi nhận gia tộc họ Trần đạt tới đỉnh cao nghiệp võ. Hải Ấp, Long Hưng với những bãi biển, bãi sông không chỉ là nơi “cắm sào” neo đậu tàu thuyền tìm kế sinh nhai mà còn là nơi “địa phát đế vương”. Thời nhà Trần, đất đai Long Hưng kéo dài từ ngã ba Nông Kỳ đến cửa biển Đại Toàn (Lưu Đồn, Thụy Hồng, Thái Thụy) trên trục ngang của lộ Đông Nam với hệ thống sông, ngòi chằng chịt là điều kiện thuận lợi để họ tộc “nối đời làm nghề chài lưới” gắn với sông nước phát huy uy lực của những hương binh cũng vốn sinh kế bằng nghề sông nước trên địa bàn chằng chịt sông nước. Nhìn trên địa đồ, sông nước Long Hưng khởi đầu mối từ ngã ba Nông Kỳ (sông Luộc với sông Hồng) giữ một vị trí hết sức quan trọng trong lộ Đông Nam của nhà Trần và từ hệ thống sông này, quan quân nhà Trần có thể rút lui từ kinh thành Thăng Long ra biển hoặc từ biển ngược lên kinh thành và cũng có thể xuôi về phương Nam bằng nhiều đường sông, biển khác nhau mà không cần quay lại đường cũ. Đánh giá về tuyến phòng hộ quan trọng này, trong sách “Dư địa chí” của “Lịch triều hiến chương loại chí”, tác giả Phan Huy Chú đã lược khảo sắc sảo: “Bãi Xích Đằng là kho của các đời và là chỗ xung yếu, then khóa”. Thực tế, trải gần 800 năm, lịch sử vẫn ghi nhận, ngã ba Luộc (nay là địa phận xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) vẫn là nơi giao tiếp của nhiều dòng chảy và nơi gặp gỡ của nhiều lộ, phủ: Long Hưng - Khoái (Hưng Yên), Hồng (Hải Dương), Thiên Trường (Nam Định), Lý Nhân (Hà Nam). Từ địa bàn sông nước này, đội quân thủy, bộ của nhà Trần tương tác, nương tựa vào nhau để “phục binh” ở các bãi nổi trên sông, lợi dụng các nhánh sông chi lưu nhỏ từ sông Hồng, sông Luộc tạo con đường huyết mạch từ Thăng Long xuống hạ lưu nơi có nhiều lúa gạo làm lương thảo hoặc ngược lại, từ các miền quê xa kinh thành, thóc gạo, muối, đường và nhiều loại nhu yếu phẩm khác chuyên chở lên kinh thành.

Với triều đình nhà Trần, từ kinh thành Thăng Long theo dòng Hoàng Giang qua các quan sông, yếu hải tới ngã ba Nông Kỳ (Luộc) cánh cửa tâm linh mở toang và phía trước kinh thành đối diện với biển là khu lăng tẩm với mộ tổ họ tộc Trần được di dời từ Tức Mặc (Nam Định) sang Long Hưng (Thái Bình) và Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà), miền đất bao dung, nơi bao lần ôm ấp, chở che gia tộc nhà Trần. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, từ kinh thành Thăng Long, sông Hồng như dải lụa kéo về đến góc Tây Bắc lộ Long Hưng thì “lượn” gấp khúc tạo thành ngã ba cửa Luộc (cổ sử gọi là Nông Kỳ) với nhiều bãi sa bồi hiểm hóc. Sử cũ chép, đây là Hải Triều, cửa Hải Thị... Chi lưu sông Hồng là Luộc ôm bọc phía Bắc của Ngự Thiên (nay là các xã Hồng An, Tiến Đức, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) tiếp nối với dòng Hóa giang dài chừng 50km đổ ra cửa biển Đại Toàn (khu vực Lưu Đồng, Bát Đụn trang, Thụy Hồng ngày nay) cùng nhiều chi lưu khác lấy nước của Đại Hoàng giang, Tiểu Hoàng giang chia nhiều nhánh nhỏ, trong đó có dòng Diêm đổ ra cửa Diêm Hộ (nay là thị trấn Diêm Điền và xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy). Bên kia Long Hưng phía bờ Tây sông Hồng là lộ Thiên Trường, sông Cái đỏ nặng phù sa đổ nước ra cửa Ba Lạt...

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, tại làng Bích Du, nay thuộc xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, địa bàn đóng quân, luyện quân của tướng quân Phạm Ngũ Lão, tướng quân đã sáng tạo ra nhiều hình thức luyện quân phong phú, rèn luyện thể lực và ý chí quả cảm cho quân sĩ nhà Trần trong đó có môn “vật cầu”. Tham gia là 22 trai tráng được tuyển chọn là người trong làng và được chia làm 2 đội, mỗi đội gồm 10 quân và 1 tướng. Bên mặc trang phục màu đỏ là bên “tả” đại diện cho ngư nghiệp. Bên mặc trang phục màu xanh là bên “hữu” đại diện cho nông nghiệp. Quả cầu được làm bằng củ chuối hột trồng tại di tích nặng khoảng 8 - 9kg được “trình” lên bàn thờ chính hội để tế thánh trước khi được đem ra “vật” tại sân đấu của di tích. Mỗi đầu sân đấu được bố trí 2 cây “bồ” cao khoảng 2,5m để các cầu thủ của đối phương ném cầu vào và với thời gian 1 giờ được chia thành 2 hiệp, bên nào ném được quả cầu nhiều lần hơn bên đó sẽ giành phần thắng. Lễ hội “vật cầu”, còn gọi là lễ hội đền Hét được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm.

Quang Viện