Thứ 2, 20/05/2024, 17:16[GMT+7]

Đông Hải nhiều khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 3, 04/04/2017 | 08:37:57
1,449 lượt xem
Đối với các hộ nuôi tôm, việc mất điện khiến các máy sục oxy không hoạt động làm cho tôm chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Không chỉ khó khăn về hệ thống lưới điện mà hệ thống thủy lợi và giao thông cũng làm hạn chế trong việc bảo đảm cho sự phát triển vùng nuôi thủy sản bền vững.

Hệ thống lưới điện bằng cọc tre tại vùng nuôi trồng thủy sản xã Đông Hải (Tiền Hải).

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở Đông Hải (Tiền Hải) đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nuôi trồng thủy sản gặp không ít khó khăn như hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi, điện và giao thông xuống cấp, gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân.

Đông Hải có 120ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 80ha ngoài đê, 40ha vùng chuyển đổi. Hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương đang bước vào vụ thả tôm mới. 

Tại vùng chuyển đổi, gia đình anh Đỗ Văn Thiểm, thôn Thành Long có diện tích 8.000mchia làm 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ hàng năm đầu tư kinh phí cải tạo ao đầm nên tôm ít dịch bệnh, mỗi vụ anh Thiểm thu nhập khoảng 500 triệu đồng. 

Nói về khó khăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Thiểm cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất là hệ thống điện chưa được ngành chức năng đầu tư cho vùng nuôi trồng thủy sản của xã. Vì thế, anh Thiểm phải kéo nhờ nguồn điện từ xã Đông Xuyên, dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, chất lượng điện áp không bảo đảm. Để khắc phục, anh Thiểm phải đầu tư mua máy phát điện dự phòng bảo đảm để máy sục oxy hoạt động liên tục. 

Không chỉ riêng anh Thiểm, sử dụng nhờ hệ thống lưới điện của xã Đông Xuyên để bảo đảm sản xuất cũng được anh Nguyễn Văn Chiểu coi là giải pháp tình thế. Anh Chiểu cho biết: Từ năm 2003 đến nay, các hộ dân nuôi trồng thủy sản của xã Đông Hải phải làm hệ thống cọc tre kéo điện từ lưới điện xã Đông Xuyên nên chất lượng điện áp không bảo đảm, gây mất an toàn và làm cháy mô tơ thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác phải đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua máy phát điện dự phòng. Đối với các hộ nuôi tôm, việc mất điện khiến các máy sục oxy không hoạt động làm cho tôm chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Không chỉ khó khăn về hệ thống lưới điện mà hệ thống thủy lợi và giao thông cũng làm hạn chế trong việc bảo đảm cho sự phát triển vùng nuôi thủy sản bền vững. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Hải cho biết: Vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của xã được xây dựng từ năm 2003. Hệ thống cống tưới, tiêu đường giao thông đã xuống cấp, hỏng nghiêm trọng. Mặc dù năm 2007 UBND huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng để khắc phục hệ thống cống, tuy nhiên hiện nay cống điều tiết nước đã hỏng không bảo đảm cấp nước vào vùng nuôi trồng thủy sản, gây khó khăn cho các hộ nuôi tôm. Chính vì vậy, việc đóng mở nguồn nước tại vùng trồng lúa và nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Khi có dịch bệnh, người nuôi thủy sản không chủ động được nguồn nước, dẫn đến tình trạng lấy nguồn nước ô nhiễm mang mầm bệnh vào ao nuôi, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để bảo đảm sản xuất, bước vào vụ nuôi tôm năm nay, HTX đã hướng dẫn bà con xử lý ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, khuyến cáo hộ dân chọn cơ sở cung cấp giống có uy tín mua giống; mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo thả nuôi đúng khung lịch thời vụ và giám sát chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi thủy sản.

Xã Đông Hải mong muốn, để lĩnh vực  thủy sản phát triển bền vững, chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm quan tâm, có giải pháp khắc phục đối với hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày