Thứ 6, 17/05/2024, 10:48[GMT+7]

Thái Thụy: Thời tiết thất thường, người nuôi trồng thủy sản bất an

Thứ 3, 11/04/2017 | 08:49:30
1,841 lượt xem
Bước vào thời vụ thả giống thủy sản vụ xuân hè năm 2017, thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thả giống của người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Thái Thụy nuôi vụ mới.

Theo kế hoạch, tổng diện tích NTTS năm 2017 của huyện Thái Thụy hơn 4.010ha, trong đó NTTS nước mặn (nuôi ngao) 1.010ha, nước lợ hơn 1.400ha (nuôi tôm hơn 1.109ha), nước ngọt 1.600ha. Đặc biệt, năm nay, Thái Thụy phấn đấu nuôi tôm theo hình thức thâm canh công nghệ mới hơn 35ha tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Thượng, Thái Đô, Thái Nguyên, Thụy Hà; diện tích còn lại thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế…

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, xung quanh tiết Thanh minh khi thời tiết ổn định, nhiệt độ trên 200C là thời điểm thích hợp để thả giống thủy sản. Tuy nhiên, thời tiết những ngày gần đây mưa nắng thất thường, trời âm u, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thả giống. 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, tính đến ngày 7/4 toàn huyện đã nuôi thả được 75 triệu con tôm sú và hơn 30,2 triệu con tôm thẻ, đạt 30% kế hoạch. Huyện dự kiến kết thúc nuôi thả giống thủy sản trước ngày 30/4. Một số xã đang có số lượng nuôi thả tôm giống lớn là Thụy Trường (hơn 24 triệu con), Thụy Hải (gần 21 triệu con), Thái Thượng (14 triệu con)…

Nông dân huyện Thái Thụy thả giống tôm vụ xuân hè.

Ông Bùi Đình Thái - người nuôi tôm xã Thái Thượng cho biết: Gần 1ha nuôi tôm của gia đình tôi đã cải tạo xong từ cuối tháng 3, hiện đang chuẩn bị xuống giống nuôi thả. Tuy nhiên, độ mặn và pH thấp, nếu thả nuôi thủy sản vào lúc này tôm sẽ bị dịch bệnh và chết. Tôi cũng như nhiều hộ dân khác chờ thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống nuôi thả. 

Một người nuôi tôm khác là ông Lê Ngọc Trường (xã Thụy Hải) thì cho biết: Với diện tích gần 1ha, tôi đã xuống giống gần 40 vạn con tôm sú được hơn 1 tuần nay. Tôm giống được tôi lựa chọn mua từ một trại giống lớn, có uy tín ở thành phố Hải Phòng nên rất bảo đảm về chất lượng. Điều khiến tôi lo lắng nhất hiện nay là có mưa phùn, trời âm u khiến nhiệt độ, độ mặn, độ pH trong nước dễ thay đổi nên tôm hay bị sốc môi trường, có thể dẫn đến chết hàng loạt. Do vậy tôi phải mua vôi, hóa chất về xử lý nguồn nước.

Theo ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, để bảo đảm cho công tác thả giống và ngăn ngừa dịch bệnh trong quá trình NTTS vụ xuân hè năm 2017, ngành Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm, bãi triều, vùng chuyển đổi tập trung. Kết quả, đã cải tạo được 3.520ha, chiếm gần 90% tổng diện tích NTTS năm 2017, trong đó diện tích nuôi nước lợ cải tạo được 1.235ha, diện tích nuôi nước ngọt cải tạo được 1.115ha, diện tích nuôi ngao bãi triều cải tạo được 1.010ha. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đôn đốc, hướng dẫn người dân nuôi thả thủy sản theo đúng thời vụ, kỹ thuật. Khuyến cáo người dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, mật độ nuôi thả tại các vùng ngoài đê nuôi từ 2 - 3 con tôm sú/m2, nuôi bán thâm canh thả từ 15 - 20 con tôm sú/m2 (cỡ P15); với tôm thẻ chân trắng mật độ nuôi từ 80 - 100 con/m2 (cỡ P15), các diện tích tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh nên ương trong nhà bạt từ 20 - 25 ngày tôm đạt kích cỡ 5 - 6 gam/con tiến hành san thưa để nuôi thương phẩm. 

Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường công tác quản lý dịch bệnh trong môi trường nuôi; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở ương dưỡng, sản xuất con giống, kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản…, qua đó loại bỏ các nguồn con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới hiệu quả NTTS.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày