Thứ 6, 17/05/2024, 13:38[GMT+7]

Thái Thụy vẫn vắng bóng doanh nghiệp trong liên kết sản xuất

Thứ 6, 14/04/2017 | 08:28:22
1,310 lượt xem
Mục tiêu chuyển đổi từ 150 - 200ha cấy lúa sang chuyên màu đã, đang được huyện Thái Thụy thực hiện. Tuy nhiên, kết quả bước đầu mới chỉ dừng lại ở manh mún, nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Hiện nay, vẫn vắng bóng doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Thụy An thu hoạch tỏi. Ảnh: Trần Tuấn

Nói như phần lớn người làm nông nghiệp hiện nay thì chỉ về với đồng đất Thụy An mới tìm được dáng dấp của những người nông dân thực thụ. Quanh năm bám đồng, bám ruộng, hết cấy lúa lại trồng màu, người dân nơi đây mộc mạc, chất phác như chính đồng đất quê nhà. Cũng nhờ dốc sức cho nghề nông, mà họ đã làm ra những sản vật mà ít nơi có được. Dưa hấu, hành tỏi Thụy An… tất cả làm nên thương hiệu cho đặc thù đồng đất chua mặn này. Chẳng thế mà chỉ thu nhập từ vụ đông năm 2016, toàn xã đã đạt gần 22 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với vụ đông năm trước. Không chỉ dừng lại ở vụ đông, diện tích trồng màu trên đất hai lúa được mở rộng qua từng năm. Ở vụ xuân này, toàn xã chỉ có hơn 100ha cấy lúa, còn diện tích trồng màu lên tới hơn 160ha, tăng 10ha so với vụ xuân năm 2016.

Rõ ràng, điều kiện thuận lợi trong sản xuất, cộng với giá trị cây màu mang lại đã thực sự thuyết phục người nông dân. Tập trung cải tạo đất hai lúa, chuyển sang trồng màu đang là xu thế ở những địa phương có truyền thống thâm canh cây màu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chuyển đổi còn dừng lại ở manh mún, nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Điển hình như ở HTX DVNN Mai Diêm chưa bền vững, xã Thụy Hà, việc liên kết với Công ty Xuất khẩu nông sản Đồng Giao (Ninh Bình) được thực hiện từ vụ xuân 2016. Vụ đầu có 5ha trồng cải bó xôi. Qua 1 năm, vụ xuân năm nay đột nhiên hợp đồng bị phá vỡ. Nguyên nhân chính do chưa quy vùng tập trung. Thâm canh theo kiểu “xôi đỗ” phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, vậy là ông Trần Văn  Huế, Giám đốc HTX DVNN lại chạy đôn, chạy đáo để gõ cửa một số đầu mối tiêu thụ.

Phấn đấu chuyển đổi từ 150 - 200ha cấy lúa sang chuyên màu là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, huyện Thái Thụy đã quy hoạch sản xuất và căn cứ vào tình hình thực tế, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Lần đầu tiên, UBND huyện tổ chức hội thảo với sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, cấp ủy, chính quyền các địa phương, HTX DVNN trong toàn huyện, nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ. Tuy nhiên, nỗ lực ấy mới chỉ dừng lại ở giải pháp, còn thực hiện thì quả là vấn đề nan giải. Vẫn còn tình trạng liên kết thiếu bền vững. Đây cũng là bài toán cần có sự vào cuộc không chỉ của các cấp, các ngành, mà quan trọng hơn đó là vai trò của nông dân và doanh nghiệp. Cần có sự tương tác từ hai phía, nếu không lại tiếp diễn tình trạng phá vỡ hợp đồng. Và như vậy, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cấy lúa sang chuyên màu quy mô, bền vững sẽ khó thực hiện.

Hoàng Hương

(Đài TTTH Thái Thụy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày