Thứ 2, 20/05/2024, 23:38[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Cách làm của Đông Dương

Thứ 2, 24/04/2017 | 17:19:14
1,821 lượt xem
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Đông Dương (Đông Hưng) là nâng cao đời sống của nhân dân. Hết năm 2016, Đông Dương đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM.

Mô hình trồng cà chua được nhiều hộ nông dân xã Đông Dương triển khai, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã Đông Dương cho biết: Do nguồn kinh phí cấp cho xã hạn hẹp, tỉnh hỗ trợ 13 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 2,3 tỷ đồng nên chương trình xây dựng NTM của Đông Dương dựa rất nhiều vào sự đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân. Trước tiên, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích của NTM mang lại. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2011) đến nay, Đông Dương đã kẻ vẽ biển tường ở 4 thôn và treo nhiều pa nô, áp phích ở những nơi công cộng, thường xuyên viết tin, bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức hàng chục hội nghị triển khai, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức các cuộc họp để nhân dân bàn bạc, đóng góp ý kiến thực hiện các công việc: quy hoạch, dồn điền đổi thửa, làm giao thông thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn…

Từ năm 2011 đến nay, nguồn kinh phí xã Đông Dương vận động từ nhân dân và con em xa quê trên 10 tỷ đồng, các doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ 5 tỷ đồng, ngân sách xã trên 13 tỷ đồng, tiếp nhận xi măng của tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gần 2.000 tấn. Các gia đình có phần đất, công trình trên đất nằm trong diện giải tỏa đều tự nguyện phá dỡ, hiến đất mở rộng đường giao thông, xây nhà văn hóa… Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể còn vận động đoàn viên, hội viên hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, kỹ thuật, con giống… giúp họ phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao đời sống. 

Bà Phạm Thị Tuyết, thôn Phương Cúc cho biết: Gia đình tôi đã hiến 40m2 đất để mở rộng đường theo tiêu chí NTM, đóng góp các khoản theo quy định của thôn, đồng thời tham gia làm đường giao thông thủy lợi, giao thông nông thôn.

Cô và trò Trường Mầm non Đông Dương tham gia hoạt động ngoài trời.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Kiều: Trong xây dựng NTM, hơn ai hết người dân họ hiểu rõ thôn của họ, xã của họ đang cần gì, thiếu gì nên họ tích cực tham gia hiến kế, hiến công chung tay cùng chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí NTM. Bà con đồng thuận quy hoạch, cấy giống lúa chất lượng cao và rau màu có giá trị kinh tế trên cánh đồng lớn luân canh 4 vụ/năm, cung cấp cho công ty nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Hưởng ứng và hoàn thành sớm việc dồn điền đổi thửa, cứng hóa kênh mương và hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, đầu tư 6 máy gặt đập liên hoàn, 13 máy làm đất phục vụ sản xuất nhằm giảm ngày công, tăng năng suất. Người dân còn tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả; tham gia học nghề và phát triển nghề. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người dân toàn xã đạt 33,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,12%. 3/4 thôn xây dựng nhà văn hóa kết hợp đình làng với đầy đủ trang thiết bị phụ trợ phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Xã Đông Dương cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ truyền thống lên 3.600m2, mặt bằng chợ được bê tông hóa, có lán, có khu kinh doanh thực phẩm riêng biệt, có hệ thống nước sạch và phòng cháy, chữa cháy... Đông Dương đã huy động các nguồn lực xây mới các trường học, Trạm Y tế, nhà văn hóa xã... 

Ông Vũ Ngọc Quý, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Dương cho biết: Trạm Y tế xã được xây mới hoàn toàn với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, năm 2015 đưa vào sử dụng với số phòng và trang thiết bị tương đối đầy đủ. Do đó, chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân đã được nâng cao.

Dù đã đạt 19/19 tiêu chí nhưng Đông Dương đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nguồn kinh phí còn thiếu. Hiện nay, xã đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, theo lộ trình để tiếp tục huy động các nguồn lực, phấn đấu đến hết quý II/2017 thanh toán xong nợ xây dựng cơ bản.

Thu Hiền