Pháo đài đồng bằng
Ngay trưa hôm ấy, hai cánh quân ồ ạt kéo vào làng Nguyễn. Một vài quả mìn nổ dưới đồng rào tre ở cổng Đông, cổng Bắc.
Ba khu trại đầu làng, xe xích sắt hùng hục xông vào ủi đổ mọi vật. Tường nhà nát bét. Giậu xương rồng, giậu dâm bụt bạt nghiêng từng mảng. Vườn chè gãy tướp cành lá. Chuối ngả như bão quét. Hai vết xích nghiến đứt đôi chiếc sân nề vữa...
Trong làng, lửa rừng rực trên hàng trăm nóc nhà. Tre nứa nổ đôm đốp như súng nổ. Khói mù mịt một góc trời. Chim chóc bay bạt sang các làng xa.
Hai ngôi đình cũng cháy. Cột lim đình Thượng to đẫy ôm, lửa khó bén, giặc trát xăng nhựa vào làm mồi. Bức đại tự sơn son thếp vàng ba chữ “Đại Tai Nguyên” bị lửa liếm bốn góc, đứt dây treo, rơi xuống vỡ tan. Mè rui cháy, mái ngói sập xoang xoảng. Khói gỗ lim pha mùi xăng nhựa hăng hắc, khét lẹt...
Những cây chuối cháy trụi lá, giơ mấy cái dọc chín nẫu lên trời như cánh tay chới với.
Những ngôi nhà cháy đã tắt lửa, khói vẫn âm ỉ bốc. Mùi thóc cháy lan tỏa làm gan ruột mọi người cồn cào, xót xa.
Một con trâu cột gần nhà, mái rạ cháy đổ ụp xuống lưng, đốt trụi lông, đuôi cụt ngủn như chiếc roi đỏ hỏn.
Giặc đốt phá liền ba ngày. Cháy sạch sành sanh những mái nhà rạ. Cháy hết chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà...
Hai ngôi đình chỉ còn lại những bức tường cháy sạm, vữa long ra, lỗ chỗ từng mảng như da người phải bỏng.
Đường làng ngập tro bụi. Cây cối xám sạm tro bụi. Mặt những cụ già nhọ nhem tro bụi.
Trận tàn phá này nặng nề, tai ác gấp chục lần trận càn tháng ba năm trước.
*
* *
Một tiểu đoàn lính Âu Phi trở lại đóng ở phố Tăng. Một tiểu đoàn nữa đóng ở đồn Nguyễn.
Ngày nào giặc cũng vào làng Nguyễn. Chúng bám riết từ sáu giờ sáng đến năm giờ tối. Đêm chúng về chỗ đóng quân, bắn moóc cầm canh vào các cổng, chặn người làng Nguyễn đi về.
Bọn đồn Nguyễn được dịp khua khoắng tung hoành, cho bõ hơn một năm vật lộn với làng Nguyễn như mèo vật rơm. Tổng trấn bù nhìn Bắc phần Nguyễn Hữu Trí về tận đây, chiếu ống nhòm thị sát làng Nguyễn, pháo đài Việt Minh ở giữa vùng đồng bằng trống trải. Cái pháo đài bằng đất và tre gai đã làm uổng công cuộc hành quân tảo thanh của các binh đoàn cơ động Âu Phi tháng ba năm ngoái; đã kháng cự binh lực của mười bốn đồn bốt địa phương hợp lại... “Cần phải triệt hạ làng này, không để sót một nóc nhà, một bụi cây, một thước lũy... Biến nó thành bình địa. Quét sạch Việt Minh du kích. Lập bằng được hội tề, bảo an...” - Nguyễn Hữu Trí ra lệnh.
Các đồn Ri, Gòi lùa vệ sĩ và phu đến làng Nguyễn lấp hào hố. Mìn giật, lũy đất đổ ụp từng mảng. Xăng dầu vẩy vào những bụi tre gai dày sít, phóng lửa cháy trụi lá; cây cành quờ quạng trơ ra như những con cá nướng bị gỡ hết thịt.
Những tên lính thạo nghề tìm hầm bí mật len lủi vào các góc vườn, mỗi thằng một cái thuốn sắt dài hàng mét, nhọn hoắt. Chỗ nào nghi có hầm, chúng choãi chân, mắm môi xoáy mũi thuốn xuống. Vài con chó béc-giê mõm dài ngoẵng như đầu chày, ria ngo ngoe, mũi hít hít. Thấy hơi lạ, chúng sủa gâu gâu, hai chân trước cào cào tung bụi đất... Chúng nó tìm được mấy cái hầm có người. Xả tiểu liên, quẳng lựu đạn xuống. Người chết, người bị thương...
Trong làng, đàn bà trẻ con chưa về. Các ông cụ, bà cụ lủi thủi bên những mảng tường đất, tường gạch chưa đổ. Vài ba cái vòi tre gác ngang gác dọc, bên trên phủ tàu chuối, tàu cau. Chỗ ở của các cụ.
Ngoài đồng lúa chín rũ. Giặc xếp hàng ngang mấy chục thằng, giày đinh xéo tràn, lùa đuổi những ai trốn lủi dưới đồng, làm cho lúa càng nát rối. Những nắm thóc vàng óng, mẩy như hạt chanh dí xuống bùn, dưới vết giày to bè của giặc.
Đàn chim ri hàng trăm, hàng trăm con từ đâu bay tới, chụp xuống đậu trên những bông lúa chín, vừa mổ ăn vừa làm rơi rụng.
Những đàn chuột đồng lũ lượt từ các gò đống chui ra, cắn đầu bông lúa tha vào tổ...
Đồng lúa phờ phạc, xơ xác, như người bị bệnh sốt rét ác tính cần được cấp cứu tức thì.
2
Gần nửa đêm, bà Nếp đưa Cự về gặp Tuyền ở trại đồng. Hai người chui vào cái bếp, mái lụp xụp làm ghé vào chái nhà. Chủ đi tản cư, bếp lạnh toát, hơi bồ hóng nồng nồng, tro trấu hôi hôi...
Cự ngồi xổm phía ngoài, mắt nhìn ra đồng lúa, chọn sẵn đường rút chạy.
- Ở đây có hầm! - Tuyền nói nhỏ.
- Thấy bảo nó tìm được nhiều hầm?
- Tìm được. Ít thôi!... Nhưng nó nói đại ra để dọa... Mấy hôm nay tôi vẫn bám hầm.
- Ở trong làng?
- Ừ!
“Nói khoác!” - Cự nghĩ, rồi hỏi:
- Tình hình này, các anh tính thế nào?...
Không đợi Tuyền trả lời, Cự gợi ý: - “Việc cốt từ bây giờ là thu nhặt cho được vụ lúa mùa. Nhà cửa của nả cháy sạch rồi, phải gỡ lấy hạt thóc. Kẻo giêng hai chết đói hàng xốc...”.
Thấy Tuyền lắng nghe, Cự dấn thêm:
- Đồn nó đưa tin, lập tề nó mới cho gặt. Dạo trước, ta hứa hão với nó, đánh đổi lấy hơn trăm người bị bắt. Bây giờ phải thế nào nó mới tin... Mà thế nào thì cũng phải làm, để gỡ hột lúa về nhà!
Tuyền vẫn lặng lẽ... Xem Cự có ý gì hay?... Cự nóng ruột về vụ lúa mùa. Cho cả làng, cho riêng nhà Cự. Nỗi lo lắng rất đúng... Đêm qua, Duyệt và Tuyền cũng bàn việc ấy... Phải gặt gọn lúa mùa, làm vụ chiêm. Phải bảo vệ số cán bộ, đảng viên và thanh niên còn lại. Phải giữ kỳ được số súng và số du kích còn lại... Ba việc sinh tử đối với làng Nguyễn... Còn cách làm ba việc ấy trong lúc này? Phải khôn khéo, làm được việc này không hại đến việc kia...
Tuyền nói cho Cự nghe điều ấy, rồi hỏi:
- Anh có mẹo gì thì nêu ra, ta bàn với nhau?
Cự cúi đầu, nghĩ ngợi... “Mẹo! Mình đã có một mẹo, đáng lẽ đưa ra hồi tháng ba năm ngoái... Cũng may, kìm lại được. Không thì mang tiếng cầu an, còn tệ hơn chuyện chạy dài... Nhưng bây giờ phải đưa ra... Gãi đúng chỗ ngứa rồi! Thuốc đúng bệnh rồi! Chỉ có chịu thầy!...” - Cự nói, ra vẻ dè dặt, lưỡng lự:
- Tình hình làng ta bây giờ... không hiểu chi ủy nhận định thế nào?... Liệu có phải lập tề vỏ không?... Phải khéo léo chống đỡ với giặc, lại khéo léo bảo vệ cho ta... - Cự nhìn Tuyền nhấn cho rõ, để khỏi gánh trách nhiệm về câu nói của mình - Ý kiến này không phải của tôi đâu. Mấy hôm nay các cụ già đều bàn tán vậy... Nói với anh là phản ánh với chi ủy về tư tưởng quần chúng.
- Cái việc lập tề vỏ là hạ sách. Nó như con dao hai lưỡi. Người cầm dao phải giỏi. Không thì đứt tay...
- Nhưng làng ta lại ở vào cái thế bắt buộc phải lập. - Cự nói xen.
- Ừ, gọi là “bắt buộc” cũng được! Nhưng phải nắm chắc chuôi dao. Tức là người của ta ra khoác áo tề... Chi ủy dự kiến đưa anh ra. Vì anh tháo vát, linh lợi. Lại là con nhà khá giả, giặc không nghi ngại, dễ làm việc...
“À, thế ra các tướng đã tính đến mình”. - Cự nghĩ, rồi làm như giẫm phải than hồng - Hứ, xin các đồng chí cử người khác... Tôi ra làm có mấy cái phiền. Trước hết, tôi bị quần chúng hiểu lầm. Đảng viên gì mà lại làm tề. Ai thanh minh cho tôi. Sau nữa, vô phúc bị lộ, giặc nó tóm ngay gáy. Đầu chả phải, phải tai. Đi ngủ với giun có ngày...
BÚT NGỮ
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam