Thứ 7, 27/04/2024, 22:12[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 20/04/2020 | 09:02:50
2,469 lượt xem

Ảnh minh họa.

Tuyền nhìn Cự thăm dò trong bóng tối. Cự không nhận thì chi ủy phải họp lại tìm người khác. Đảng viên chẳng còn ai thay Cự để giặc có thể chấp nhận được.
- Vậy ý anh nên cử ai?
- Các anh có dự kiến ai nữa không?
Cự hỏi lại... Chẳng cần trả lời cũng biết là không. Trong đám cán bộ xã này chẳng còn mặt nào có thể làm được xã ủy... Mình chả chơi cái trò ghé đầu chịu báng; làm con rối cho người ta giật dây. Húc vào cái thế trên đe dưới búa mà chết à? Mình cũng biết đứng ngoài chỉ huy kẻ khác chứ!...
- Anh xem lý Bật thế nào? Lão ta cũng tháo vát đấy! - Cự gợi.
Tuyền ngần ngừ một lúc lâu:
- Chỉ ngại không nắm chắc được hắn ta!
- Nắm được chứ! Mình vững tay là nắm chắc được!
“Ai chả biết vậy - Tuyền nghĩ - Nhưng phải tính đến nước mình gặp khó khăn hơn chứ!...”.
- Anh sợ lão ta phản thùng chứ gì? Bố bảo cũng chả dám... Nhưng... ấy là tôi nghĩ thô thiển như vậy... Các anh nhìn xa trông rộng, tùy các anh... Còn tôi, tôi xin chịu - giọng Cự dứt khoát.
Tuyền chưa biết nói gì thêm... Việc thế mà bí. Cự tính toán, nói toạc móng heo thế là không nhận thật... Không phải là chối lấy lệ... Khéo mà phải đưa lý Bật ra. Tay này làm lý trưởng không lâu, bị quan trên cách chức về tội “Cộng sản ở trong làng hàng năm không biết”... Tuyền hỏi Cự:
- Anh liệu... ta nắm chắc được lý Bật không?
- Gì mà không chắc!... - Ra vẻ suy nghĩ một lúc, Cự tiếp - Tôi có thể giúp các anh một tay để nắm lão ta.
- Thật không?
- Thật!... Thế anh bảo nắm tề chỉ có chi ủy nắm thôi à? Cả chi bộ phải nắm chứ!
“Đưa Bật ra!... Cự bám sát Bật để nắm. Khéo mà được!... Có phải họp chi ủy bàn lại không?... Thôi, về chủ trương đã nhất trí rồi! Mình cứ cho Cự nắm Bật mà làm... Việc chần chừ kéo dài không lợi... Dân bị giặc tàn hại nhiều quá, có người đã quay ra oán ta...” - Tuyền bảo Cự:
- Vậy chính thức là chi ủy giao cho anh đứng ra thực hiện việc này. Anh liên lạc với lý Bật ngay, bàn cách cho hắn ta lên đồn. Trước hết, đòi nó cho dân về gặt lúa; nó không phá cây phá vườn nữa... Tạm đòi hai việc ấy. Nó gật thì về lập bảo an... Đánh đổi dần dần.
Cự lắc đầu:
- Nó chả nghe đâu. Tề phải đi đôi với bảo an. Mình còn biết nắm du kích cho chắc nữa là nó!
- “Ừ, thật đấy! Thằng giặc chẳng dại” - Tuyền cười thầm về dự kiến chủ quan của mình.
- Nói vậy thôi. Bảo an cũng có dự kiến rồi!
- Ai?
- Anh Phụ! Phụ kẹo kéo, quân báo ấy mà.
Cự ngẫm nghĩ rất lâu, đầu lắc lắc:
- Anh ấy... chưa chắc đồn nó tin... Nó cũng trông mặt để giao việc.
Dự kiến ấy chắc chắn cho mình, nhưng giặc không chấp nhận. Nó cũng nắm đằng chuôi chứ. - Tuyền nghĩ về ý kiến của Cự - Hay là đưa Cự ra? Cự làm chánh bảo an hay xã ủy đều ổn, giặc dễ chấp nhận. Được rồi, cho Cự làm chánh, Phụ làm phó, Cự giao dịch công khai với giặc, Phụ bí mật nắm lực lượng cho ta... Thế là ổn rồi!
Nghe Tuyền sắp xếp lại, Cự vẫn ngần ngại về Phụ. Thằng ấy khó bảo nhất hạng... Thôi được, hãy tạm vậy!... Còn mình? Nắm bảo an mà hay đấy. Hồi nọ mình đã nắm vũ dũng. Nhờ nó mà mình có thế lực... Bây giờ khác với bấy giờ, nhưng nắm vũ lực trong tay vẫn có thế, với giặc, cả với ta. Hơn đứt cái chân xã ủy đầu chày đít thớt... Nhưng mà mình vừa việc lý lẽ rất hăng để chối xã ủy, giờ vui vẻ nhận ngay sao tiện... Phải làm cách nào?... Hừ, thế mà bí!...
Cự ngồi ngẩn người, Tuyền lại tưởng Cự đắn đo không muốn nhận việc... Thế thì phải đả thông tư tưởng. “Nhiệm vụ đảng viên, bất cứ việc gì trên giao đều phải nhận làm bằng được! Có người ra trận chiến đấu, tuy biết mình sẽ hy sinh... Có người làm nhiệm vụ bí mật phải đội lốt tề, ngụy, bị dân hiểu lầm... Thời chiến không cho phép đảng viên lựa chọn công tác hợp với ý muốn của mình”.
Nghe Tuyền đả thông tư tưởng, Cự cười thầm... Gãi xù đầu lên, cúi gằm mặt xuống, Cự tỏ ra mình băn khoăn hối hận. Giọng Cự trầm trầm:
- Nói thật với anh, tôi có tính toán này nọ đấy. Nhưng... Anh nói vậy thì tôi nhận. Làm được hay không, các anh phải giúp đỡ tôi.

*
*     *

Đúng hai mươi tháng tròn, Cự không ra khu cầu Nguyễn. Cái hồi giặc mới về, đứng ở cổng Đông nhìn ra chỉ thấy những mái nhà bạt xám xịt, thấp lè tè. Vài tháng sau, tre tươi cả cây gài mắt cáo, ngọn cao vút vây kín những mái nhà lá bên trong... Rồi giặc bắn vào làng, Cự chẳng ló ra cổng Đông nữa... Hôm nay ra đây thấy khác hẳn. Bốn góc đồn Nguyễn bốn cái lô cốt boong-ke, bê-tông cốt thép, như bốn đống rạ to sụ, lùn tịt. Bốn mặt lô cốt, lỗ châu mai sâu hun hút, nòng súng nghếch lên bắn được người đi, chúc xuống bắn được người bò và chếch sang phải, sang trái... Gớm thật, nó nghiên cứu gớm thật. À ra bên trong thụt sâu xuống. Đứng được đến chục người. Ấy chết, mình nhìn kỹ quá, nó tưởng trinh sát... Toàn dây thép gai, cọc sắt. Lắm là của đổ vào đây. Kiên cố thật... Cự nhìn thẳng vào khu nhà ba Đỗng, đại úy trưởng đồn Nguyễn. Từ hôm làng Nguyễn lập tề, Cự đã đến đây ba lần. Lần thứ nhất chưa biết nếp tẻ ra sao, khúm núm đi sau lý Bật, Cự chỉ sợ giặc thộp ngực không cho về... Vùng này có dăm ba anh công tác cho ta quay ra quy thuận giặc, không bị nghi ngờ. Nhưng biết đâu... Cự là người làng Nguyễn, dễ bị để ý... Thế mà không sao. Thấy Cự đứng chân chánh bảo an, ba Đỗng nắm tay Cự lắc mạnh:
- Hình như ngôi nhà của ông vẫn còn?
- Vâng!
Ba Đỗng mỉm cười:
- Không phải quân cơ động nó bỏ sót đâu. Có sự can thiệp của chúng tôi đấy.
Đỗng nhìn Cự rồi nhìn Bật. Bật xoa xoa hai bàn tay, đầu hơi cúi. Cự làm theo.
- Đội bảo an của ông bao nhiêu người?
- Thưa ông trưởng đồn, chúng tôi tạm tuyển được một tiểu đội.
- Làng ông rộng. Du kích bị bắt nhiều, nhưng vẫn còn... Ông nên tuyển thêm. Mà phải những người đáng tin cậy...
Đỗng rót nước cho Cự, rồi cho Bật... Cự nhìn trộm Đỗng... Phải ngoài bốn mươi tuổi. Tay này cáo già đây... Lính mà da mỏng như da thông phán đầu tòa; ria kiến bò, áo cổ cồn trắng bong, lót trong áo ka ki màu cứt ngựa... Xếp Thả đổi đi, nghe đâu bị khiển trách bất lực, không trị nổi làng Nguyễn. Đỗng về đã mấy tháng, nay mới có dịp ra tay... Cự xem ra hắn vồ vập mình hơn lý Bật... Cũng lạ!

(còn nữa)

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày