Thứ 6, 26/04/2024, 20:45[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 06/07/2020 | 09:25:56
2,836 lượt xem

Ảnh minh họa.

Mấy hôm sau, ở trại Ba Vì có một lò rèn. Chiếc chuồng trâu cũ, tường đắp dày ba mặt, được chọn đặt lò rèn, để tiếng búa khỏi vang xa. Cái tiếng búa cục cấc, cục cấc, thời bình ở một góc quán, làm cho chợ Nguyễn thêm sầm uất nhộn nhịp, làm náo nức phấn chấn mọi người đi chợ... Tiếng búa ấy, thời chiến, giặc ghét cay ghét đắng. Nó cấm chở than, sắt đến. Nó bỏ tù thợ rèn. Thậm chí nó ném bom, giội đại bác vào nơi nào có tiếng búa ấy... Làng Nguyễn vẫn yêu tiếng búa ấy. Vì nó làm ra những thứ mà có tiền không ra chợ mua được: những thứ để giết giặc.
Cụ Thụ đưa cả mấy người nhà mình vào cái lò rèn này. Bà cụ kéo bễ, đôi chân nhún nhún ăn nhịp với đôi tay kéo lên, đẩy xuống. Hai chiếc đầu bông khi thò, khi thụt, phun gió đều đặn, thổi đỏ lò than.
Ông cụ đeo cái kính lão gãy gọng, dây gai quàng vào vành tai. Mắt ông đăm đăm nhìn cái răng bừa cũ, tay cầm móc thông lò cho gió vào mạnh, miệng “hừ... hừ...” giục bà cụ nhanh tay hơn.
Cô con gái đang mải miết giũa chông, nghe ông gõ chiếc búa nhỏ cạch cạch vào đe, vội bỏ giũa, cầm búa cái quay lại. Ông dùng kìm đưa chiếc răng bừa đỏ lựng lên đe.
Cục... cấc... cục cấc... cục cấc... Hai chiếc búa vuốt cái răng bừa dài ra, nhọn hoắt.
Dăm ba ngày một lần, bà Bát gửi về một ít than. Mấy bà cụ đi mua tóc rối, lông vịt, giấu than dưới đáy sọt mang về. Than mua tận ga Nam Định. Những bác công nhân xe hỏa vừa bán, vừa cho.

7


Mùa hè năm 1952.
Làng Nguyễn có ba người được cử vào Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình lên Việt Bắc. Tuyền dài chân, lúc nào cũng đi tốp đầu. Vai gánh đôi sọt tre, một bên đựng gạo, quần áo, một bên đựng muối. Hơn chục người ai cũng đem theo muối, thứ quà quý của biển lên rừng. Duyệt và Chuyển chậm chân hơn, đi sau. Từ Nguyễn đi bộ đến đê sông Hồng; vượt sông Hồng, rồi vượt sông Đáy. Ngày nghỉ rải rác trong những làng xóm thưa thớt, đêm ra đi. Lội qua những cánh bãi, bùn sa lút đầu gối, chân như có người rút xuống âm ty. Đi đò đồng, qua ruộng nước mênh mông như bể. Những cái đò nan nông choèn, nước mấp mí cạp, sóng vỗ lép nhép, lép nhép. Chị giao thông chỉ đẩy mạnh con sào là nước vục vào, người không chết đuối nhưng muối tan ra nước.
Trưa hôm ấy đến Hòa Bình. Tuyền bước chậm bên xác xe pháo giặc. Ở nhà, chỉ thấy những của nợ này trên đường 10, nghe nó nổ, nó gầm nhức óc. Nay đứng cạnh nó, đạp lên mũi, lên lưng nó... Không biết trong đám này, có cái nào về Thái Bình tác oai tác quái trong chiến dịch Trái Quít không?
- Đây là đồn gì, các anh?
- Tu Vũ đây!
Tuyền đứng hẳn lại, quên cả gánh muối nặng chĩu trên vai... À ra nó đây. Anh Đức 88 kể trận này, bộ đội ta đánh giỏi lắm. Đánh sụp lô cốt, boong-ke kiểu Mỹ... Xe tăng hạng nặng từ Hà Nội lên đây. Gớm chưa. To như đụn rạ mà vẫn phủ phục
- Tuyền ơi! Nom kìa! Tít dưới vực kia cơ mà! 105 đấy nhỉ! Mẹ nó! Ở Đông Các, nó bắt nạt mình.
Chuyển thích thú tìm ra một cái mà cả đoàn chưa ai thấy, Duyệt đặt hẳn đôi sọt xuống vệ cỏ, nheo mắt ngắm cảnh núi rừng chưa bao giờ thấy. Anh hỏi bâng quơ:
- Tu Vũ, không biết có dính gì đến sự tích Tô Vũ chăn dê không nhỉ... Không phải à... ờ hờ - Duyệt cười - Thấy ở chân đồi kia có đàn dê con.
Tuyền xoa xoa bàn tay vào tấm thép nhẵn thín bọc xe tăng, chân đá vào cái nhíp xe cam nhông lăn lóc bên cạnh. Cụ Thụ nhà mình vớ được của này cho vào lò rèn thì thích mê.
- Từ đây lên đến chỗ họp còn xa. Nhưng toàn đi ban ngày - Anh Nghị, chính trị viên tỉnh đội Thái Bình nói - Ta đi đông, cảnh giác máy bay nhá!
Tuyền nghe anh Nghị nói... Đấy, toàn đi ban ngày. Vùng tự do của ta rồi... Đất nước mình to như con voi. Giặc như đàn nhặng. Bay vù vù ngậu xị lên, nhưng đậu vào chân này thì bỏ ba chân kia, đậu vào bụng thì bỏ lưng, sườn. Đậu vào đâu cũng bị voi quật chết một ít...
- Ông Duyệt này! - Tuyền đập tay vào tấm lưng cánh phản của Duyệt - Mấy thằng cơ động đóng ở Tăng rút đi Hòa Bình là lên đây đấy!... Từ dạo ấy chỉ nghe nói... Không đi thì biết Hòa Bình là đâu... Thế là - Tuyền nhẩm tính một mình - Đầu năm 50, nó đánh Thái Bình, gọi là tạm chiếm được. Cuối năm 50, ta choảng nó ở biên giới, nó phải co lại ở Thái Bình. Năm 51, tháng 10, nó mở chiến dịch Trái Quýt sục lại Thái Bình; tháng 11, ta mở chiến dịch Hòa Bình, nó phải bỏ Thái Bình kéo đi mảng lớn... Cứ thế cò cưa. Mình dai sức là mình thắng.
Qua mười lăm ngày leo đèo lội suối, đoàn người đến đất Việt Bắc. Ai cũng đi chậm lại, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách xa gần đâu đây. Tiếng chim rừng nghe lạ mà quen. Tiếng gió thổi lá cây vi vút, rì rào...
Việt Bắc... á... á...
Việt Bắc... á... á...
Đây núi sông hùng tráng
Đây muôn năm còn ghi
Bao chiến công vẻ vang...,
Một khúc ca quen thuộc bỗng vang lên trong trí nhớ của Tuyền. Khúc ca ấy truyền về Thái Bình khoảng cuối năm 47, đầu năm 48, cùng với tin Tây thua ở sông Lô, ở đèo Bông Lau... Hồi ấy họp thanh niên là hát. Hát rất to. Hát rồi tưởng tượng về đất Việt Bắc núi cao, rừng thẳm, nơi Trung ương và Bác Hồ ngày đêm làm việc, lo toan cho cả nước. “Việt Bắc, mồ chôn quân Pháp”. Câu nói ấy làm cho mọi người làng Nguyễn náo nức phấn chấn. Rồi những năm giặc o ép, người làng Nguyễn hướng về Việt Bắc tin tưởng, mong chờ. Ở đấy, Bác Hồ gửi thư về vùng địch hậu, khuyên đồng bào quyết tâm chống giặc trong hoàn cảnh gian khổ, khó khăn...
Nghỉ vài ngày xem đồi, xem núi. Tuyền rất mê khu rừng um tùm tre xanh. Những cây tre to bằng bắp đùi, gióng dài, thân thẳng, ngọn vút lên cao... Tuyền vuốt bàn tay vào da cây xanh bóng, chít tay đo thân cây, rồi ngửa cổ nhìn ngọn cây... Làng Nguyễn mình mà được đám tre này rào rịu lại cho kín... Ôi chà, những mầm măng bụ bẫm, đẹp như đứa bé mới đẻ... Lá tre rụng tầng tầng lớp lớp, đặt chân lên êm như bước vào ổ rơm... Trên cây, con chích chòe khoe cái bụng trắng mượt như bông nõn, chốc chốc lại hót “xè... xè...”. Con chim khuyên nhảy nhót giữa chùm lá rậm, nghiêng ngó đôi mắt đen như hạt cườm, không chịu đứng im một giây. Ở chạc ba cây đa cổ thụ, một giò phong lan rủ chùm lá xanh dài lượt thượt như mớ quai thao...
Rồi Tuyền đến nơi họp, ở giữa cánh rừng tràn ngập màu xanh. Nắng tháng 5 ngoài trời chói chang là thế, nhưng lọc qua lớp lớp tán cây, lọt vào đây tươi tắn dịu dàng. Ngôi hội trường bảy gian. Những đoạn cây thon thon bóc vỏ làm cột. Mái dàn tre nứa còn xanh. Lá cọ lợp cũng xanh. Trong nhà, những dãy ghế ghép hai cây luồng dài, da nhẵn bóng. Bức thuận đan bằng nứa, nống xanh chen nóng trắng, đẹp như thêu. Giữa bức thuận treo cờ đỏ sao vàng, chân dung Hồ Chủ tịch. Một bằng vải treo ngang dòng chữ “Hội nghị du kích chiến tranh toàn quốc”.

(còn nữa)

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày