Pháo đài Đồng Bằng
Ừ... Có thể giặc nó mới “nhất định thua” chứ. Bác Hồ đã bảo!... Vậy anh nghe ý tứ thì kháng chiến chừng mấy năm nữa? Tôi chỉ mong thắng lợi để đón hẳn Bác về thăm làng Nguyễn ta... Anh uống nữa tôi sẻ cho nào... Thôi, ta lại xúm vào làm một chập nữa. Tối nay anh ấy mừng nhà mới, có chè mạn hảo Thái Nguyên đây rồi! Uống nước rồi khề khà nói chuyện thêm.
Tuyền xách đôi sọt vào góc bếp, treo ống mật ong vào con xỏ, rồi lên mái nhà.
- Mái sau, cậu lợp lấy nhá. Kẻo đêm mưa, vợ chồng dậy ngồi đội nón lại chửi tớ vụng - ông Soạn cười cười - tình hình êm êm, nhắn mẹ con nó về ít ngày chứ. Mừng cái nhà mới. Từ ngày giận nhau, hơn năm rồi còn gì... Mình ấy à, chửi nhau đập mâm đập bát, nhưng chỉ giận được ban ngày, nhiều lắm là đến nửa đêm.
- Nhà tôi, cô ấy giận lâu lắm. Cứ là cóc kêu rêu mọc... Hôm nọ tôi nhắn bà Bát, nói dối ốm, tưởng cô ấy sốt ruột về thăm. Ai ngờ...
- Nó tưởng anh có chỗ rồi! Nó chả về nữa đâu!... Cái bệnh ghen càng xa nhau càng ghen đẫy!
- Cô ấy cứ ghen bóng ghen gió, chứ có gì đâu! - Tuyền lẩm bẩm.
- Bóng gió à? Có chứng có cớ hẳn hoi đấy... Thấy bảo Dâu nó mua áo cho cậu phải không?
- À... áo thì có. Cũng chẳng vụng trộm gì, có bà Sen làm chứng. - Tuyền nói ra vẻ cứng nhưng vẫn ngượng nghịu.
- Thì cũng như áo các cụ tặng du kích. Chỉ có khác là nó còn trẻ nên mới sinh chuyện cho cậu.
- Nhà tôi biết à bác? - Tuyền lo lắng nhìn ông Soạn.
- Cô ấy ở thị xã làm gì biết được. Có đám cái The, cái Quất nó nói inh lên... Nó bảo chị Tuyền vào vùng địch. Anh Tuyền gọi mãi không về, lại còn thách già: “Muốn lấy cô nào thì lấy, đây chả thiết!”... Sự đời rắc rối thật cậu ạ... Đám con gái nó định gán cái Dâu cho cậu đấy!...
Tuyền nín lặng... Đám con gái quấy thật. Chuyện mình lo, họ biến thành trò vui...
- Giai không, gái góa thì chơi, cậu ạ!
- Nhưng mình không phải là “không”.
- Cậu có đủ lý rồi. Một là nó vào vùng địch, hai là nó thách lấy ai thì lấy. - Ông Soạn ra vẻ khách quan.
Tuyền ho “khục, khục” mấy tiếng... Ông ấy thử mình đấy. Đừng tưởng bở... Lý đã vậy còn phải tình... Lấy nhau đã một mặt con. Cô ấy vào vùng địch nhưng vào làm thuê kiếm ăn, chứ việt gian phản động gì... Vớ vẩn, cô ấy vặn cho cứng lưỡi: “Tôi lấy anh gia tài điền thổ có gì, tôi không đi làm lấy gạo nuôi con thì ai nuôi?”.
Ông Soạn tưởng Tuyền ngã lòng:
- Xung quanh làng xóm đồng tình, “làm” đi cậu ạ! Đời sống mới, chả tốn kém gì...
Liếc thấy ông Soạn nhìn mình, Tuyền ngờ ngợ: “Ông ấy vẫn thử đấy... Có đám con gái nó nói thật. Chúng nó nghĩ nông choèn choẹt ấy mà! Nghe chúng nó bằng đổ thóc giống ra mà ăn...”.
Trời tối dần. Mái nhà lợp xong. Ông Soạn tụt xuống, gại lưỡi dao xén mái trước cho phẳng. Còn thừa bó rạ, ông trải vào góc nhà thành cái ổ. Tuyền chạy sang bên bà Sen mượn chiếc chiếu. Đốt đèn sáng, gian nhà ấm cúng hẳn lên.
Gần năm trời Tuyền mới trở lại ngủ nhà mình. Ổ trải đúng chỗ cái giường cũ. Bức tường đất khoét một cái vòm để đèn vẫn còn đây, chỉ khác là lửa cháy sạm và mưa làm mòn mẻ góc cạnh. Hơi rạ chiêm được nắng thơm thơm hăng hăng lấn át hơi nền nhà ẩm mốc. Mùi xoan tươi, tre tươi hăng hắc, mùi nứa ngâm ai ải, nhưng chỉ thoáng qua... Tuyền cầm chổi phảy đi phảy lại bức tường, ngước mắt ngắm nghía mái nhà mình tự lợp lấy, gọn ghẽ chả kém ông Soạn... Thật không ngờ lại được thế này. Vợ không có nhà, mình mải công tác, bà con không giúp thì chỉ có cách đi ở nhờ... Rồi đây, có phải lăn lộn gấp năm gấp bảy để làm việc cho kháng chiến, mình cũng không dám chối. Dân lo cho mình thế này.
Bà Sen lịch ịch bưng sang một cái rổ đặt trước mặt Tuyền, kể lể:
- Cô ấy cứ bảo là đần, nhưng có nhiều cái khôn đáo để nhá! Nồi niêu, lọ lĩnh cô ấy quẳng lung tung góc vườn, chứ để trong nhà thì cháy nhẵn. Tôi nhặt nhạnh cất giúp cho chú, về có cái mà làm. Đây nhá, liềm, giao phay; cả mảnh gỗ băm rau lợn...
Bà Sen nhặt ra rồi lại xếp vào rổ:
- Sang bên tôi nhá. Nghe nói chú về, tôi bảo em thổi cơm... Liên hoan một bữa cơm dưa mắm cáy. Có chè mạn hảo đưa sang nhá. Tôi dặn cụ Nghệ, ông Soạn lại chơi... Này, các ông ấy chẳng họ hàng hang hốc gì với mình mà tính toán cho như người nhà. Phải có nhời cảm ơn người ta đến nơi đến chốn.
Tuyền ăn cơm xong thì cụ Nghệ, ông Soạn và anh em lân cận đến. Nước chè lạ miệng, uống nhiều, tỉnh như sáo; ai cũng muốn hỏi Tuyền một vài câu:
- Thấy bảo ở rừng sốt rét, anh xem ông Cụ nước da thế nào?... Ừ, Cụ phải khỏe cho con cháu nhờ.
- Này, nghe như anh nói thì Mường Mán họ đánh Tây cũng giỏi nhỉ?
- Chặp này các anh về chắc là lắm việc đây. Làm gì cũng được, cốt cho thằng Tây nó mòn mỏi, nó thua. Thế có đắp lũy như cũ nữa không anh?
- Anh lên đấy có mua được tí mật gấu không?... Ừ, làm gì có tiền mà mua. Của ấy đắt như vàng.
-...
Mọi người ra về. Tuyền cầm đèn soi quanh nhà một lượt. Chiếc nhà nhỏ nhưng có một người nên vẫn cảm thấy rộng và lạnh. Soi rổ đồ đạc bà Sen vừa bưng sang, Tuyền nhặt ra từng chiếc ngắm nghía. Cái liềm, Nuôi cầm từ hồi cắt cỏ cho trâu nhà chánh Củng đến khi ra ở riêng, rồi cắt rạ ở ruộng cấy tô. Lưỡi liềm mòn vẹt như mảnh trăng đầu tháng. Cái nắm liềm thấm mồ hôi, nó mòn như bàn tay Nuôi đã mòn... À đây, cái muôi dừa. Mảnh gáo vỡ ở bể nước mưa nhà Cự, Nuôi nhặt về kỳ cạch đẽo gọt làm muôi múc cháo cho cu Hoàn. Chiếc muôi nhỏ múc vừa lòng chiếc niêu đất... Nhìn chiếc muôi múc cháo mà nhớ thằng con. Thấm thoát đã hơn năm trời xa nó. Chắc bây giờ nó đã chạy nhanh. Mỗi hàm răng đã chín mười chiếc, nhai được cơm rồi... Mua cho nó vài cách mật ong kia, làm sao gửi đến tay Nuôi. Được ăn mật chắc nó thích lắm. Hồi ở nhà, mua được hào kẹo kéo, nó khư khư nắm trong bàn tay, đưa lên miệng mút dần cho đến hết mà vẫn còn thèm. Mút hết kẹo rồi mút đến ngón tay. Mẹ lau tay sạch thì lăn ra khóc, bắt đền...
Tuyền định ngày mai, có ai sang Đông thì gửi bà Bát cách mật, nhờ bà chuyển cho Nuôi. Đây vào thị xã không xa nhưng cách trở. Nhớ lại hôm tết, Tuyền dành dụm được đồng bạc, mua thanh bánh cáy gửi vào mà không đến tay Nuôi. Mấy thằng ngụy gác cầu Bo bất chợt khám thúng những người qua cầu. Tìm thấy thanh bánh cáy, nó bảo bà Bát: “Bà già này người làng Nguyễn, bắt cổ vào nhà giam!”. Bà Bát cãi không phải. Nó hoạnh: “Không phải người làng Nguyễn sao lại có bánh cáy?”. Rồi nó cầm thanh bánh đút vào túi quần, mắt lừ lừ: “Đi ngay. Lôi thôi, tôi tống vào nhà đá. Nghe cái giọng cũng biết bà ở làng Nguyễn rồi”. Thế là Tuyền chẳng cho vợ con được chút gì... Đời thật lắm chuyện éo le. Khi vợ ở nhà, không có ruộng phải đi làm thuê lấm mặt. Nay được tạm giao mấy sào ruộng, làm bao nhiêu thóc hưởng bấy nhiêu thì vợ con đi xa. Nhắn nhe năm lần bảy lượt không về. Nuôi tưởng Tuyền đã gắn bó với Dâu. Cái ghen làm cho người ta ghét nhau, ghét cay ghét đắng, ghét đến xúc đất đổ đi.
Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)
(còn nữa)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam