Thứ 6, 26/04/2024, 22:17[GMT+7]

Bến đợi sông quê bến đợi bên lòng

Thứ 2, 13/09/2021 | 15:38:56
14,178 lượt xem
Là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu mở đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cựu chiến binh (CCB) Vũ Hồng Thái quê huyện Thái Thụy, nay nghỉ hưu tại thành phố Thái Bình. Ông nguyên là Phó Bí thư Thành ủy Thái Bình, đương nhiệm Chủ tịch Hội Truyền thống đường Trường Sơn tỉnh Thái Bình. CCB Vũ Hồng Thái đã xuất bản 3 tập thơ riêng và chủ biên 3 tuyển tập văn thơ của Hội CCB Truyền thống Trường Sơn Thái Bình tại NXB Hội Nhà văn, ông là cộng tác viên của một số cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Nhân kỷ niệm lần thứ 76 Quốc khánh nước nhà và chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12, trân trọng giới thiệu bài thơ “Bến đợi” của CCB Vũ Hồng Thái cùng bạn đọc.

Trong thế chiến thứ hai, nhà thơ Nga Konstantin Simonov có bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng và nhà thơ Tố Hữu dịch rất hay. Khi Simonov sang thăm Việt Nam đến chào Tố Hữu và hai nhà thơ Nga - Việt thành bạn tri ân, tri kỷ. Bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, được nhiều bạn đọc Việt Nam thuộc lòng, được trích ghi vào các lá thư tình giữa tiền tuyến và hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhà thơ Vũ Quần Phương có bài thơ “Đợi” - “Em đứng trên cầu đợi anh…”, nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc, ca sĩ Thu Hiền quê Thái Bình là người hát đầu tiên “Em đứng một mình đất lạ rồi thành quen - Đứng một đời em quen thành lạ - Đợi chờ - Chờ ai…”. Cố nhà thơ Lê Bính còn tâm sự với tôi nơi bàn Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Bình: “Cả đời làm thơ tôi chỉ mong sao làm ra được câu thơ như thế”. Hôm nay, CCB Vũ Hồng Thái góp vào thi đàn quê hương bài thơ “Bến đợi” với đề tài đậm dấu ấn lịch sử hiện đại của quê nhà nói riêng, của đất nước nói chung: “Đợi, cứ đợi…/Đợi cong đòn gánh em gái Diêm Điền/Đợi cong lưỡi liềm thôn nữ Bích Du” (Bến đợi). Từ “Đợi anh về” đến em đợi anh nơi “Đất lạ rồi thành quen”… “Đứng một đời em quen thành lạ” và hôm nay em đợi anh đến “cong đòn gánh, cong lưỡi liềm” - Hình tượng thơ lên án chiến tranh của nhà thơ các thời đã làm xao xuyến tâm tư nhân loại.

Bài thơ 31 câu, kết cấu thành 6 khổ, thơ tự do. Không gian thơ là vùng quê đồng bằng duyên hải (Thái Thụy, Thái Bình), thời gian thơ từ khi “chồng cuốc than ngoài Uông Bí” trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu cứu nước - đến nay xây dựng “Khu công nghiệp Thái Bình”… Bến đợi trong thơ Vũ Hồng Thái dài khoảng gần 100 năm!

Bến đợi sông quê nơi gần cửa sông Diêm “Ở đây gần biển xa nguồn/Dòng sông chảy chậm nỗi buồn lâu tan” (Thơ Vũ Quần Phương) nối hai bờ Nam (làng Bích Du) - Bắc (thị trấn Diêm Điền). Và bến đợi bên lòng là “Mười hai bến nước” của dân ca, “Bến không chồng” của văn học đương đại Thái Bình và bến đợi trong trái tim của các mẹ, các chị, các em có người thân ra trận bảo vệ Tổ quốc. Còn một loại bến đợi nữa, là những địa chỉ, hòm thư bí mật liên lạc giữa hậu phương và những cơ sở cách mạng, người đi hoạt động cách mạng “Người mẹ hiền ra bến Bắc đợi thâu đêm/Sợ con về giặc đang lùng bắt/Bến đợi này có hòm thư đặc biệt/Cong cá mắm có mật lệnh bên trong” (Tác giả muốn nói cụ bà thân mẫu của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh). Bến đợi sông quê - Bến đợi bên lòng đã xuất hiện đan cài vào nhau để tu từ, để lấy sự kiện tâm hồn nuôi thơ vừa lãng mạn trữ tình vừa hiện thực nhân quần thời đại - Ngợi ca công đức và tình yêu Tổ quốc của phụ nữ Việt Nam anh hùng, lên án chiến tranh; cầu mong thế giới hòa bình “Nước Việt Nam rất nhiều Bến đợi/Bến đợi nào cũng ghi mốc thời gian/Đây bến đợi mố đò Nam - Bích Du làng/Mố đò Bắc - Diêm Điền thị trấn” (Bến đợi).

Từ chính Bến đợi này đã là nhân chứng lịch sử cho “…bao cô gái tiễn chồng/Bao người em trốn cha tiễn bạn/…/Mẹ chống gậy chờ con, vợ mòn mỏi đợi chồng/ Em gái quê mắt đỏ như sông/Mong dáng ai chiều về đò cập bến” (Bến đợi) đối với người ra trận diệt giặc bảo vệ Tổ quốc, người đi hoạt động cách mạng, người tha hương xa xứ…

Từ chính Bến đợi này đã đón những người con quê hương trở về đất mẹ: Hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đã trở về nơi địa chỉ người nhận bức “Tạ từ ngôn” trước khi lên đoạn đầu đài của thực dân Pháp; Đại tướng Hoàng Văn Thái, một trong 34 chiến sĩ Đội Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, người cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954; Đại tá Bùi Quang Thận, người cắm lá cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, sau trận Điện Biên Phủ trên không, từ vũ trụ trở về; nữ Anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thị Chiên, tay không bắt giặc về lại với quê hương sinh ra mình… Và nhiều người con ra trận đánh giặc bảo vệ Tổ quốc đã trở về quê như: hài cốt liệt sĩ đã quy tập; thương bệnh binh còn sống; các CCB hôm nay... đã trở về đất mẹ thân thương. Nhưng đến nay nhiều người con quê hương ra đi, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi không trở về! Và “Đợi, cứ đợi và đợi…/ …/Đợi đến khi mẹ không ra được bến/Nằm thều thào vẫn đợi chờ con/Một mảnh xương thôi, một nắm đất con nằm/Mẹ ôm vào lòng ra đi mãn nguyện!” (Bến đợi).

Đến đây chủ đề thơ “Bến đợi”đã minh triết lui về quá khứ! Nhà thơ CCB Vũ Hồng Thái lại tiếp mở ra một Bến đợi hướng về tương lai “Tổ quốc Việt Nam, hòa bình, thống nhất/Bến đò đầu thôn - Bến đợi còn đây/Ghi công lao người ra trận/Người ở quê cũng anh dũng hy sinh/ Để Thái Thụy hôm nay - Khu công nghiệp Thái Bình” (Bến đợi). Bến đợi hôm nay, hướng về tương lai gần là sự thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX về việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, trong đó có khu công nghiệp Liên Hà Thái trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Bến đợi sông quê - Bến đợi bên lòng, nhìn về quá khứ ta tâm niệm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hướng về tương lai - Mong đợi “Giang sơn xã tắc vững âu vàng” và giàu đẹp - Như thơ.

Bến đợi

Nước Việt Nam rất nhiều Bến đợi
Bến đợi nào cũng ghi mốc thời gian
Đây bến đợi mố đò Nam - Bích Du làng
Mố đò Bắc - Diêm Điền thị trấn
Bến đợi này ghi mốc sử nước nhà.

Vợ ra bến đợi chồng cuốc than ngoài Uông Bí
Mong được mấy hào may áo tết cho con
Người mẹ hiền(1) ra Bến Bắc đợi thâu đêm
Sợ con về giặc đang lùng bắt.

Bến đợi này có hòm thư đặc biệt
Cong cá mắm(2) có mật lệnh bên trong
Bến đợi này bao cô gái tiễn chồng
Bao người em trốn cha tiễn bạn
Bến đợi này bao người chờ đợi
Mẹ chống gậy chờ con
Vợ mòn mỏi đợi chồng
Em gái quê mắt đỏ như dòng sông
Mong dáng ai chiều về đò cập bến.

Đợi, cứ đợi và đợi...
Đợi cong đòn gánh em gái Diêm Điền
Đợi cong lưỡi liềm thôn nữ Bích Du
Đợi chín năm anh Luật(3) về dạy múa sạp Điện Biên
Đợi ba mươi năm anh Thận(4) về cho búp bê em bé.

Đợi đến khi mẹ không ra được bến
Nằm thều thào vẫn đợi chờ con
Một mảnh xương thôi! Một nắm đất con nằm
Mẹ ôm vào lòng ra đi mãn nguyện.

Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất
Bến đò đầu thôn - Bến đợi còn đây
Ghi công lao bao người ra trận
Người ở quê cũng anh dũng hy sinh
Để Thái Thụy hôm nay - Khu kinh tế Thái Bình.

Vũ Hồng Thái

(1). Mẹ Nguyễn Thị Thùy - thân mẫu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong 7 người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

(2). Cong to hơn chum sành để muối cá chượp làm nước mắm của gia đình cụ Bùi Đình Lãm, lão thành cách mạng.

(3). Anh hùng Lực lượng vũ trang Tạ Quốc Luật - người thôn Quang Lang bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ.

(4). Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Quang Thận, xã Thụy Hải người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập - 11h30’ ngày 30/4/1975.

Đỗ Lâm Hà
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày