Đêm sinh nhật
Năm mươi mốt ngọn nến nhỏ như bó bút chì màu đỏ được dựng lên trên mặt bàn gỗ. Chưa được đốt lên, những cây nến chụm lại như bãi cây cụt đầu, ứa máu sau các trận bom, với đủ loại bom chụp, bom xuyên, bom phá, bom cháy... mà giặc Mỹ từng tiêu hủy nhiều cánh rừng nơi chị từng bám giữ. Mặt bàn đen nhèm xóa đi màu gỗ nguyên thủy. Những vết mọt ăn dài theo thớ gỗ như chiến hào xẻ ngang dọc. Giống như mặt đất thời bom đạn, giống như cánh rừng bị triệt phá thời hủy diệt. Vậy mà, đêm nay chiếc bàn cùng năm mươi mốt ngọn nến trở về với chị trong nỗi cô đơn, nuối tiếc và nhớ nhung.
Chị thẫn thờ bước ra cửa. Ðêm cuối xuân sậm đen và ẩm ướt. Ðom đóm đã bắt đầu lác đác lập lòe phía bờ ao. Những chú ếch vừa thoát khỏi giấc ngủ suốt mùa đông, khoét mà đất để ra khỏi hang, đã bắt đầu rời rạc tiếng gọi bạn tình. Tĩnh lặng và ẩm lạnh trong mông lung cùng trời đất. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng gió rét cuối vụ cọ vào tàu lá chuối khô rào rạt. Tiếng mưa rả rích thất thường… Chị đứng lặng bên cửa như chưa bao giờ được dõi tìm trong cái khoảng đen vô tận kia một tia chớp đầu mùa, một niềm hy vọng mỏng manh, một chút lửa thắp vào trái tim đã nguội lạnh. Nào có thấy gì đâu, chỉ có đôi chân tê cứng và cặp mắt ráo hoảnh. Bộ quân phục bạc thếch, đường chỉ có đoạn mục đứt mà chị chọn để mặc cho cái đêm sinh nhật của mình đã ngấm đượm gió bấc và mưa dầm.
*
* *
Năm mươi mùa xuân đi qua nhanh như một tiếng thở dài. Thế là đêm nay chị mới sực nhớ đến sinh nhật của mình, cái ngày mà mẹ chị đã cho ra đời một đứa trẻ, một thiếu nữ và hôm nay là một người đàn bà bị hạnh phúc hắt hủi. Ngày này cách đây vừa tròn năm chục năm, chị cất tiếng khóc chào đời và cũng là ngày mẹ chị qua đời vì băng huyết. Chị lớn lên không biết một giọt sữa của mẹ. Chỉ có người bố ở vậy nuôi nấng hai anh em chị, khuyên dạy hai anh em và thổi vào đứa con những hy vọng như trong các truyện cổ tích. Ở một vùng quê chiêm khô mùa thối, từ đời nọ đến đời kia, trẻ con và người lớn luôn cầu mong có một bữa cơm no bụng, chưa một ai biết đến sinh nhật của mình. Người ta chỉ nhớ đến ngày chết để kiếm lưng cơm, quả trứng tưởng nhớ người đã khuất và hy vọng linh hồn người chết phù hộ độ trì cho người đang sống. Những ngày ấy, bố cố chạy để có lưng cơm, bát canh, nải chuối trịnh trọng đặt trên bàn. Bố rì rầm cầu khấn điều gì mà hai anh em đứng bên cạnh cũng không rõ, chỉ biết nước mắt đọng đầy hai hố mắt và tiếng sụt sùi thườn thượt nỗi đau. Tàn ba nén hương, ba bố con cúi gằm mặt xì xoạp cho qua bữa.
Cứ vào cái đêm ấy, bố ôm chặt đứa con gái côi cút vào lòng và chỉ nói mỗi câu: “Giá mẹ còn sống, bố con ta đâu đến nỗi này” rồi nằm im cho hết đêm. Chị không bao giờ hình dung ra mẹ, nhưng tin rằng, chị là hiện thân của mẹ và sẽ đón nhận sự đau khổ của mẹ. Năm mười bốn tuổi đã thành con gái, chị mới biết ngày giỗ mẹ chính là ngày sinh của mình. Chị quên sao được ngày giỗ thứ mười bẩy, mâm cỗ có đủ thịt gà, thịt lợn, canh miến, xôi đỗ và có thêm ông chú, bà dì và mấy đứa em họ. Bố vui lắm, ăn nhiều và uống nhiều. Sau bữa cơm, bố cứ chằm chằm nhìn đứa con gái côi cút bỗng nói to:
- Thắng ơi, Huệ ơi, các con có biết không? Ngày mẹ sinh con Huệ cũng là ngày mẹ mất, bố cứ tưởng không đứng dậy được. May mà mẹ các con phù hộ, hai anh em con cứ lớn, cứ khôn. Bố mừng lắm, nói ngoài tai, nếu không may… thì bố cũng yên tâm rồi!
Vẫn như trẻ con ngày nào, Thắng và Huệ ôm lấy cổ bố mà không kìm được nước mắt. Chị cũng không ngờ rằng đấy là lần cúng mẹ cuối cùng của bố và là bữa cơm ly biệt với anh Thắng trước ngày nhập ngũ và sau đó mãi mãi không về. Buồn đau và cô đơn, năm sau Huệ cũng đi bộ đội…
Chị vẫn đứng lặng bên cánh cửa, như thể chờ đợi một cái gì đó trong đêm sinh nhật của mình. Khuya lắm rồi. Tiếng ếch gọi bạn tình đã im lặng từ bao giờ mà chị không hay. Chỉ còn tiếng gió bấc cuối vụ và tiếng mưa dày hạt rít lên to hơn, vọng xa hơn. Hình như phía nơi xa thẳm có cả tiếng hú gọi của đồng đội cách đây vừa tròn ba chục năm. Chị quên làm sao được cái tiểu đội con gái mà chị làm A trưởng, nó trùng hợp đến kỳ lạ. Cả mười hai cô gái đều mười tám tuổi, đều mang tên các loài hoa. Có hẳn ba đứa tên Lan. Lan béo lùn gọi là Lan cối xay. Lan gầy, cao lêu nghêu gọi là Lan nghêu. Lan đen nhẻm gọi là Lan cháy. Mười hai đứa đều cùng tỉnh, cùng nhập ngũ một ngày, cười bất chợt và khóc cũng bất chợt, hay dỗi cơm và cũng hay liếc nhanh những anh chàng lái xe đơn lẻ đi qua. Tiểu đội con gái trụ ở một cung đường trong tuyến vận tải Bắc - Nam, tạm gọi là vị trí ẩn giấu những bí mật, nơi thưa thớt tiếng bom, tiếng đạn. Không ai biết đấy là sự cất giấu lực lượng cho một tuyến đường quan trọng sau này. Mười hai cô gái sa vào cảnh an nhàn. Vẫn đủ sáu lạng gạo một ngày, nửa cân ruốc một tháng, các cô chỉ còn trồng rau, vào rừng đào củ, mò thêm cua đá và cá suối. Bữa cơm no đủ, thêm chất, cả mười hai cô đều béo trắng. Khổ nhất vẫn là không được cười to, hát to và không có việc khẩn thiết thì không được ra khỏi hang. Ăn xong lại ôm nhau khe khẽ hát. Lại ăn, lại ngủ suốt gần sáu tháng trời, buồn tẻ giữa đại ngàn Trường Sơn.
Chị làm sao quên được sáng sớm đúng ngày sinh của mình thì tất cả các cô gái trong tiểu đội lần lượt bước vào tuổi mười chín. Máy bay Mỹ điên cuồng gào rít. Và chiều tối khi tiểu đội mười hai cô gái trở thành mục tiêu và túi bom. Những trái bom chụp, bom xuyên, bom bi, bom na-pan, bom phá cùng các loại mìn bướm, mìn tai hồng, mìn tơ nhện… chụp xuống. Cánh rừng bị tướp xé. Mặt đất nứt ra vòng quanh vùng chiến sự. Chị vẫn nhớ rằng, lúc được đồng đội đưa lên khỏi mặt đất, tất cả im ắng đến rợn người. Mùi thuốc bom, thuốc đạn và hơi của lửa vẫn còn nồng nặc phả vào. Mười một cô gái trong tiểu đội đã trộn vào với đất, với đá, vào khói bụi, vào màu xanh của núi rừng Trường Sơn. Như thể, cả mười một cô tiên giáng thế chịu tội đày ải nơi cõi trần tục, bỗng trở về với thiên cung. Lúc đó, rõ ràng chị gào lên rất to: “Lan cối xay ơi, Lan nghêu ơi, Lan cháy ơi, Hồng ơi, Cúc ơi, Ðiệp ơi, Phượng ơi, Ðào ơi, Nhài ơi, Mận ơi, Bưởi ơi. Chúng mày nỡ bỏ tao ở lại đây ư? Có nghe tiếng tao gọi không?”, nhưng đất đá, bùn nước đã ghìm lại những âm thanh ấy ở đáy hố bom.
Trời ơi, bây giờ Huệ mới thấy thế nào là âm phủ. Nó tối đặc và lạnh buốt, im lặng đến vỡ tung cả đầu óc, nứt toác từng thớ thịt, cắt đứt từng mạch máu. Cái chết đang chậm chạp gặm dần từ đầu các ngón chân, ngón tay… May mà, một thân cây bị xé dọc tạo thành đường dẫn dưỡng khí đến với Huệ theo hình vặn vỏ đỗ. Một lượng không khí tối thiểu để Huệ duy trì sự sống được tính bằng giây, bằng phút. Niềm hy vọng vào sự sống như nghìn cân treo dưới sợi tóc đã mỉm cười với chị, đã kéo chị từ cõi chết trở về với mặt đất đá, với rừng cây và đồng đội, mà giặc Mỹ vừa định chôn sống chị và giết chết mười một bông hoa mọc ở quanh chị…
Năm mươi năm chậm chạp đi qua đời chị. Chị không còn nước mắt để khóc mẹ, khóc bố, khóc anh Thắng và khóc mười một bông hoa trong tiểu đội con gái ngày nào. Vào đúng cái ngày định mệnh trùng lặp đến ghê người hàng năm, đúng mười giờ đêm ngày hăm tư tháng ba âm lịch, chị lại xếp mười hai bát cơm, mười hai đôi đũa, mười hai quả trứng, mười hai đĩa muối, mười hai nén hương…một dành cho mẹ và mười một dành cho tiểu đội con gái. Có một chiếc đĩa nhỏ để ở giữa giường nằm, đặt một nhánh huệ kép, là dành riêng cho ngày sinh của chị. Cái lệ ấy chỉ tồn tại tròn hai mươi chín năm kể cả sáu năm chung sống với chồng. Năm nay chị đột ngột tổ chức sinh nhật riêng cho mình vào đúng mười giờ đêm – trước hai giờ cúng mẹ, sau hai giờ cúng mười một cô gái mang tên các loài hoa. Năm mươi mốt cây nến màu hồng, nhỏ như chiếc bút chì đỏ chưa được đốt lên, vẫn như khu rừng bị phạt ngọn, ứa máu đặt trên chiếc bàn chằng chịt vết mọt theo thớ gỗ, như chiến hào ngang dọc trên mặt đất. Chị lê từng bước ra ngoài cửa đến chiếc ghế ba đai xiêu vẹo, nhẩn nha thắp lửa và im lặng đếm lại tuổi mình.
*
* *
Ngày Huệ trở về, cái làng nhỏ bé ấy chưa xóa hết vết tích của chiến tranh. Những chiếc hố cá nhân còn nguyên ở hai bên đường, sau trận mưa đêm qua nước dâng đầy, lều phều các bọc trứng của chão chuộc, ễnh ương và lá tre. Những chiếc hầm chữ “A” vẫn nằm cạnh đầu hồi của từng ngôi nhà. Làng toàn tiếng người già và trẻ con. Lác đác có người từ các mặt trận trở về trong tiếng reo mừng. Thi thoảng có người báo tử trong tiếng gào thét. Làng trong chiến tranh niềm vui thì ít, nỗi đau xót thì quá nhiều…
Tập tễnh bên chị là một người thương binh đứng tuổi và khỏe mạnh, cùng an dưỡng ở Quân khu, chấp nhận về chung sống với chị. Gia đình chị còn ai đâu, họ hàng thưa thớt làm sao phải thưa, phải gửi. Sau chiến tranh, vác được cái thân xác về là may lắm rồi, đằng này chị lại có cả một người chồng thì vui nữa chứ sao? Họ hàng nghĩ vậy, làng nước nghĩ vậy, mừng thôi chứ ai dám trách. Ngôi nhà tường gạch lợp rạ đã dột nát. Cỏ mọc từ vườn vào sân và vươn những ngọn dài xuyên qua tường, qua cửa. Những cây mít, cây ổi, cây khế, cây hồng xiêm… phủ kín cả vườn. Chúng cứ tự nhiên xanh tốt, ra hoa kết trái, chín thì tự rụng xuống đất mà không một ai dám vào hái quả, kể cả bọn trẻ hám ăn. Bờ tre đổ rạp chặn đứng lối đi, tre khô, tre xanh, măng mọc tận đầu nhà. Chim chóc và các loài rắn, rết, ếch nhái, chuột… đã có một khu cư trú an toàn. Ngôi nhà của chị, mảnh vườn của chị, trở thành nơi linh thiêng mà không ai nỡ phá phách khi người con đầu đã hy sinh và cô con gái đi mãi chưa về. Suốt một tháng từ sửa nhà, dọn vườn, đêm ấy chị mới có chồng thực sự. Họ cứ nằm bên nhau cho hết đêm, bỡ ngỡ như vừa dọn tới một cái hang khi phải chuyển theo chiến dịch.
Anh kể rằng, gia đình anh nằm bên bờ sông Giám của huyện Cẩm Giàng. Cả xã trồng ớt. Khi mùa nước dâng cao và ào ạt chảy về là đúng mùa ớt chín. Cả vệt bãi rực đỏ chạy dọc bờ sông. Ngày nhỏ anh thường ra sông vào mùa ớt, nhặt nhạnh những củ khoai mọc mầm còn sót lại trên cánh bãi, chùi qua vạt áo là ngấu nghiến ăn. Khoai mầm ngọt lắm, ăn sống và không rửa càng ngọt. Con sông Giám qua đây tính khí thất thường, lúc ngoạm từng mảnh bờ bên này, lúc ngoạm bờ bên kia. Con trâu mộng đực bơi giỏi nhất làng của nhà anh đã bị mảng bờ cuốn cùng dòng nước, đến tận cầu Phú Lương mới vớt xác được. Bố mẹ anh mất sớm, trước khi nhập ngũ anh phải cưới vợ để có người coi cửa, coi nhà. Vợ anh từng là xã đội phó, từng cùng với trung đội trực chiến săn máy bay Mỹ. Vợ chồng chỉ ở với nhau chưa tròn tháng và mười ngày phép trước khi anh đi “Bê”. Không hiểu chị đánh mất lòng chung thủy hoặc vô vọng chờ cái ngày anh trở về, hay những cái lán phòng không thấp lè tè và nằm sâu vào mặt đất trong những ngày cái sống và cái chết không phân định rõ… mà chị đã phản bội anh. Có thể vì xấu hổ với làng nước hay sợ anh còn sống trở về mà phải ôm con rời khỏi làng. Nghe đâu, lấy một ông góa vợ người Mán, người Mèo ở miền núi phía bắc nào đó, đến tận bây giờ vẫn biệt vô âm tín. Sau những ngày an dưỡng, anh về quê và gửi lại nhà cửa, vườn tược cho một người trong dòng tộc, rồi nguyện suốt đời nhận quê chị làm nơi sinh cơ lập nghiệp lâu dài…
Hai vợ chồng cứ nằm nghe tiếng thổn thức của hai trái tim bất hạnh và cầu mong nó hòa lại thành một trái có lửa. Sáu năm sống với nhau, bốn lần có thai và lần lâu nhất cái thai chỉ tồn tại trong cơ thể chị có sáu tháng. Và lần xảy thai cuối cùng, theo lời khuyên của bác sĩ, chị buộc phải đình sản nữ mới có cơ may sống tiếp. Anh vẫn động viên an ủi, nhưng chị lại thấy anh bắt đầu buồn. Nhiều lúc anh cứ ngồi thừ ra hàng giờ hút thuốc lào và uống rượu. Nhiều đêm anh bật dậy, lững thững xuống bếp nấu cám, nấu cơm và tự pha một ấm trà uống cho tới sáng. Anh vẫn im lặng và chăm sóc chị nhiều hơn, đỡ đần chị nhiều hơn. Chị biết mình có lỗi với anh, với gia đình anh, với cả dòng họ của anh.
Lựa vào đúng lúc anh vui nhất, chị bảo:
- Anh biết đấy, giặc Mỹ đã hủy diệt quyền làm mẹ của em mất rồi. Hay là, anh…
Anh hiểu và gạt đi:
- Chỉ nói dại. Không có con chung thì chúng ta xin đứa con nuôi cũng tốt chứ sao? Cầu mong em đừng bao giờ nhắc đến điều này nữa!
Chị hiểu. Nhưng, cứ mỗi lúc nhìn anh ngồi thừ ra hàng giờ nhìn trời nhìn đất, chị không chịu được. Chị tìm về quê anh, nói rõ với ông bác, ông chú và quyết định hỏi cho anh một người vợ. Mọi thủ tục xong chị mới về. Nửa tháng sau, chị giục anh cùng về quê giỗ mẹ. Chị bán hết mọi thứ, kể cả đôi hoa tai mà bố trao lại cho chị trước khi ra đi. Ðám cưới bất ngờ được tổ chức… Chiều hôm ấy chị xin phép anh và gia đình họ mạc ra về. Chị ngậm ngùi nói:
- Em đã trả được cho anh món nợ. Xin chào từ biệt anh. Anh đừng lo tới em. Em chỉ van xin anh một điều, đừng bao giờ trở về quê em nữa. Chúng ta lấy nhau chẳng cần đăng ký, chia tay nhau cũng chẳng giấy ly hôn, hãy thanh thản lên anh!
Chị đi như chạy về phía ga Cao Xá, không ngoái lại, đau đớn và mỏi mệt…
*
* *
Những ngọn nến vẫn rừng rực cháy. Ngôi nhà đơn lạnh bỗng lung linh. Chị vẫn ngồi như thế, đếm lại từng cây nến, như đếm lại cái tuổi của mình. Chị không đủ can đảm để thổi tắt năm mươi mốt ngọn nến như sợ cuộc đời của chính mình đang bị thổi tắt. Chị nhắm mắt lại và từ từ thiếp đi trên thành ghế…
Ngôi nhà của chị bỗng lung linh, huyền ảo. Bao nhiêu người quây quanh lấy chị và chúc mừng ngày sinh nhật thứ năm mươi mốt của chị. Ai cũng trẻ, cũng đẹp và nụ cười vô tư đến kỳ lạ. Mẹ đấy ư? Ôi, mẹ đẹp lắm, trẻ lắm và mãi mãi với cái tuổi hăm mốt. Mẹ ôm chặt chị vào bộ ngực còn căng sữa. Mùi sữa của mẹ còn thơm lắm thế mà suốt năm chục năm qua chị chưa hề được một giọt. Rồi, mẹ khóc, tiếng khóc nức nở và nuối tiếc: “Huệ ơi, con có biết không? Ðã sinh ra kiếp người là phải nhận lấy sự khổ đau. Cắn răng mà sống, rồi mới thấy niềm vui, con ạ!”. Bố cố nắm chặt hai vai gầy của chị, nói: “Bố nuôi con từ lúc con mới có một ngày tuổi. Vất vả lắm, nhọc nhằn lắm và cô đơn lắm, con ơi! Nghĩ tới mẹ con và thương sự côi cút của hai anh em con, bố đã vượt qua được. Con người có được hạnh phúc phải biết chịu đựng, con ạ!”. Anh Thắng nắm chặt bàn tay trái chị, đôi mắt và nụ cười còn tươi nguyên như chàng trai hai chục tuổi, khỏe mạnh và đẹp trai. Anh bảo, dù có khổ đau gấp vạn lần để được sống như em hôm nay, anh cũng thấy hạnh phúc lắm. Mười một bông hoa trong tiểu đội con gái vây quanh chị, cười vô tư và nói cũng vô tư. Chúng nó bảo, cứ sống đi, sống đàng hoàng vào và vui vẻ lên, đừng phụ lòng bọn tao!...
Hình như... anh ấy đến. Ðã sáu năm rồi, xa cách gì đâu mà chị chưa một lần gặp mặt. Hình như anh đang vuốt nhẹ lên mái tóc thưa thớt và điểm bạc của chị. Anh không cười, nhưng chị biết, đôi mắt ấy cũng buồn lắm chứ chả vui vẻ gì khi đã có thêm người vợ và hai người con trai. Anh đang thủ thỉ bên tai chị, rằng thêm một tuổi là thêm một năm vất vả và buồn đau. Nhưng chúng ta còn sướng gấp triệu lần so với đồng đội còn nằm rải rác khắp Trường Sơn và khắp miền Nam! Huệ ơi! Em có biết không, đúng ngày này suốt sáu năm qua, đúng vào cái giờ trọng đại của gia đình em, của tiểu đội con gái của em và của em, anh đều lặng lẽ đến rồi cũng lặng lẽ đi. Anh không dám bước vào ngôi nhà của chúng ta, sợ phản bội lại lời hứa với em và sợ em buồn thêm, đau khổ thêm. Ðêm nay, suốt ba giờ đồng hồ trong gió bấc và mưa rét cuối vụ, để được ngắm điều kỳ lạ chưa từng thấy trong đêm sinh nhật của em. Ðắn đo mãi, anh quyết định bước vào ngôi nhà mà sáu năm trước chúng ta từng hạnh phúc. May mà em đã không đẩy anh ra với gió rét và mưa phùn. Anh suốt đời mang ơn em! Huệ ơi, anh mang một nhánh huệ kép đến tặng em đây này…
- Thật vậy à, anh?
Chị nói như mê sảng và choàng tỉnh. Ngôi nhà vẫn bừng sáng. Năm mươi mốt ngọn nến rừng rực, lung linh và ấm áp. Ðứng bên chị, đúng là anh rồi, tuy có già đi chút ít nhưng hôm nay thì anh trẻ lắm, vui lắm, trên tay là chiếc đĩa nhỏ đặt một bông huệ hai nhánh. Thế là, suốt sáu năm qua, đêm nay, chị mong chờ một tia chớp thì nó đã đến.
Ôm chầm lấy anh, gục đầu vào bộ ngực lép kẹp của anh, chị rấm rứt khóc.
Truyện ngắn của Thiếu Văn Sơn
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh