Tiếng hót của họa mi
Ông nội tôi đón lấy con chim, khẽ lắc đầu: Tội nghiệp, nó bị chủ thải đi đây mà.
Nhưng tại sao nó lại không bay đi với đồng loại nó, mà còn để con người bắt lại được?
Ông bảo, nó là con chim bị bắt nhốt lồng từ khi còn non, bây giờ nó không thể tự kiếm mồi trong thế giới tự nhiên được nữa. Nó không thể ăn thứ gì khác ngoài cám công nghiệp, thứ mà từ bé chủ nó đã cho nó ăn. Những con chim như thế này, khi được thả tự do, do quá đói, chúng thường liều mình tìm đến những nhà nuôi chim cảnh, rồi bám vào thành lồng, thò mỏ vào ăn cám của con chim trong lồng. Nhiều con cam chịu để bị bắt nhốt lại, tiếp tục sống cảnh tù túng, chỉ để không phải chật vật mưu sinh. Loài người cũng lắm kẻ như thế cháu ạ. Có những người sẵn sàng chấp nhận cuộc sống gò bó, chỉ để nhàn thân mà thôi.
Ông tôi sống một mình trong ngôi nhà nhỏ dựng cạnh ao cá, xung quanh là vườn cây quanh năm sum suê, không cây này thì cây khác quả mọng trĩu cành. Ao cá lấy nước từ một cái mạch chảy từ trong núi ra nên lúc nào cũng trong veo, thấy rõ từng con cá đang bơi. Trong ngôi nhà nhỏ của ông tôi không hề có lấy một thiết bị điện tử nào, ngoài cái đèn pin. Tôi thích ngủ ở nhà ông, vì buổi sáng, cứ cỡ năm giờ là những con chim ngủ trọ trong vườn lại ríu ran chào ngày mới. Tôi chẳng hiểu gì về tiếng chim, chỉ thấy thích thú vì vui tai. Ông tôi thì khác, như thể ông hòa được hồn mình vào tự nhiên và thế giới tự nhiên quanh ông cũng hòa vào tâm hồn ông vậy. Ông bảo nghề chơi nào cũng lắm công phu. Chơi cây cảnh thì trước tiên phải hiểu về cây, rồi chăm cây còn hơn chăm bản thân. Nuôi chim cảnh cũng vậy, không hiểu về chúng thì chẳng mấy chúng sẽ bỏ ta đi.
Ông thường kể, hồi còn trẻ, ông cũng như những đứa trẻ làng khác, vì quá yêu chim nên muốn giữ chúng bên mình. Lần đầu tiên bắt được một con sáo đen, tính về dạy cho nó học nói, nhưng khi nhốt con sáo vào chiếc lồng đan bằng sợi cây mây, nó phản ứng dữ dội. Thì, con chim nào đang bay mà bị bắt nhốt chẳng như thế. Nhưng sáng hôm sau, con chim nhỏ đã cắn lưỡi tự tử. Vài lần gặp những con chim như thế, ông nhận ra rằng có những con chim không bao giờ chấp nhận bị nhốt trong lồng. Nó cần tự do. Nếu không được tự do, nó thà chết còn hơn.
Vì thế, tại sao có những người sẵn sàng chịu sống trong gò bó, chỉ để được nhàn thân, tại sao có những con chim chịu sống trong tù túng, không bao giờ được sải cánh bay, chỉ vì muốn có cám công nghiệp để ăn, như chú chim chào mào kia. Nhưng có những con chim, chỉ cần lấy đi tự do của nó một giây, nó cũng không chấp nhận.
Phía sau nhà ông là những quả đồi, một dòng suối, một thung lũng. Ông bảo, đó là thế giới của ông suốt một đời. Khi còn trẻ, sau những lần nuôi chim không thành, ông không còn muốn bắt chim về nhốt nữa. Thay vào đó, ông tìm cách hòa mình với tự nhiên. Ông mắc võng để ngủ trưa trong vườn, để nghe tiếng gió xào xạc trong vòm cây và tiếng chim líu lo tìm quả ngọt. Ông ngồi hàng giờ bên bờ suối để nghe những đàn chim đậu trên những cành cây đang hót.
“Có một loài chim có thể bắt chước được tiếng trẻ con khóc, tiếng chó sủa, mèo kêu, cháu có biết chim gì không?”
“Chim vẹt, sáo, nhồng, hay yểng ạ?”
“Không phải mấy con chim đó, cháu sẽ ngạc nhiên cho mà xem. Nó là họa mi”.
Họa mi? Loài chim hót hay nức tiếng đó sao?
Sau này, có lần tôi ngồi dưới gốc lộc vừng nhà bạn uống trà, bỗng nghe đâu đó tiếng mèo con, cún con ầm ĩ. Tôi nhìn quanh, chẳng thấy con mèo, con cún nào, chỉ có một chú họa mi đang nhảy nhót trong cái lồng nhỏ treo trên cây. Bạn bảo con chim này vốn hót rất hay, nhưng bạn đã sai lầm khi để nó tiếp xúc với mèo con, cún con trong nhà, bây giờ nó chỉ kêu tiếng mèo, tiếng cún mà thôi.
Tôi nhớ ông tôi kể ngày nào. Họa mi là loài chim rất thông minh, hót hay nhưng nó rất thích bắt chước giọng của loài khác. Nhược điểm là khi bắt chước quá nhiều, nó sẽ quên luôn giọng thật của mình. Người nuôi chim phải cách ly nó ra, cho nó ở cạnh một con họa mi nguyên giọng khác để nó lấy lại giọng. Nhưng có những con họa mi suốt đời không thể tìm lại giọng hót hay đã mất.
Ở đời cũng vậy mà. Có những người đã để mất chính mình, đến khi muốn trở về thì đã chẳng thể nào được nữa.
Phạm Thanh Thúy
(Hà Nội)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam