Thứ 6, 26/04/2024, 03:31[GMT+7]

Bến đợi

Chủ nhật, 27/02/2022 | 20:07:02
28,131 lượt xem
Thiếu tướng Nguyễn An, Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn là tác giả của tác phẩm văn học “Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều”. Tác phẩm bao gồm những mẩu chuyện, bài thơ, văn của cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong trên mặt trận Trường Sơn vừa anh dũng chiến đấu, mở đường, bảo vệ đường, phục vụ chiến trường vừa hưởng ứng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” có liên quan đến Truyện Kiều suốt 16 năm (1959 - 1975). Trong lời giới thiệu tác phẩm, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn viết: “Ngay cái tên sách đồng chí Nguyễn An đặt “Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều” cũng là một sáng tạo. Cái hay ở đây là tác phẩm đưa Truyện Kiều vào cuộc sống trận mạc - nơi bom đạn vô cùng tận! Nơi gian khổ vô cùng tận! Nơi chủ nghĩa anh hùng cách mạng phát triển vô cùng tận!...”.

Vinh dự và tự hào, Vũ Hồng Thái, quê làng Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, là chiến sĩ của Binh đoàn Trường Sơn gần 10 năm anh dũng và hy sinh ấy (1967 - 1976). Ngoài việc trực tiếp cầm súng ra trận, ông còn góp phần vào phong trào văn hóa văn nghệ bằng sáng tác văn thơ, báo chí phục vụ chiến trường trên cương vị Chính trị viên Đại đội thuộc Tiểu đoàn 45, Binh trạm 42, Sư đoàn 473, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Cảm xúc của một tâm hồn nghệ sĩ trên hành trình cuộc đời từ khi sinh ra, tham gia cách mạng, đến nay Vũ Hồng Thái đã sáng tạo nên tác phẩm văn chương “Bến đợi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2021), là đầu sách thứ năm của ông sau 4 tập thơ đã xuất bản: Nguồn cội (2004), Tôi yêu (2007), Huyền thoại Trường Sơn (2009), Từ tâm (2019). 

Khi đất nước thống nhất, năm 1976, bến đợi làng Bích Du đón người con rời tay súng về quê hương. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục học tập, rèn luyện, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình. Nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình. 

“Bến đợi” - tuyển tập thơ và ký của Vũ Hồng Thái từ bài thơ đầu tay (1964) đến nay là 58 năm. Tâm huyết, trí tuệ, lý tưởng, tình yêu của tác giả với Đảng, với Tổ quốc, quê hương, gia đình, đồng đội và với “người với người sống để yêu nhau” đã là tự sự, không hư cấu (người thật việc thật, có địa danh địa chỉ minh tường) trên từng trang viết. “Bến đợi” được viết ra từ cây bút đã qua thử thách gian khổ đói nghèo, khói lửa chiến tranh, hòa bình xây dựng quê hương, nỗi đau nhân tâm thời hậu chiến... Đúng là “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh!” 

“Bến đợi” với 80 bài thơ, 2 trường ca, 19 bài ký, 5 tiểu luận phê bình văn học của các nhà văn viết về các tác phẩm văn học của Vũ Hồng Thái, 3 bản nhạc của nhạc sĩ Thái Dương phổ thơ tác giả, dày gần 400 trang, in đẹp. Thật vinh dự, các tác phẩm của Vũ Hồng Thái khi trình làng đến nay đã có 1 tướng lĩnh của Binh đoàn Trường Sơn và 4 nhà văn, nhà phê bình văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình và Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu, bình phẩm, đánh giá trên văn đàn là chất lượng và mang nhiều giá trị nhân văn. Các nhà phê bình văn học rất trân trọng những trang viết của Vũ Hồng Thái. Phần phụ lục của tác phẩm có đăng toàn văn 5 bài phê bình văn học ấy của Tướng Võ Sở, nhà văn Đức Hậu, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên, nhà giáo Lương Hữu, nhà giáo Đỗ Lâm Hà. 

Chao ôi, “Thị khôn mọc ở giữa làng/Thị ngoan trăm họ thiếp chàng đều yêu”, và từ ấy cái tâm của thị tự nhiên hương: “Thị vàng cho nắng thu vàng/Thị thơm cho cả xóm làng ta thơm” (thơ Vũ Hồng Thái). Đây là sợi chỉ đỏ tư tưởng nghệ thuật của “Bến đợi” gửi đến bạn đọc. Và với lý tưởng sống tự lòng văn nhân “Sống cốt ở chữ Tâm - chữ Đức/Học tập suốt đời theo Bác vì dân/Tự do - Độc lập góp phần/Dân giàu nước mạnh, muôn lần nhớ ơn” (thơ Vũ Hồng Thái). Đây là chân dung văn học của cựu chiến binh Vũ Hồng Thái. 

Tác giả của “Bến đợi” nguyên là một cựu chiến binh Binh đoàn Trường Sơn anh hùng, nguyên là một cán bộ chính trị của Đảng và từ sâu thẳm trái tim khối óc luôn mang một tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn học và làm văn học. “Bến đợi niềm tin ngày về” trên trang viết đã bảo tồn nguyên hình bóng ấy... Bạn đọc ở trên bình diện ấy càng trân trọng cái uyên thâm, sáng tạo văn chương của Vũ Hồng Thái. 

Vũ Hồng Thái, văn chương đã đến tầm độ chín; xem ra trong nội vụ, ngọn lửa tâm hồn nghệ sĩ đang bùng cháy. “Bến đợi” chưa phải bến sau cùng. 

Đỗ Lâm Hà

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày