Thứ 5, 26/12/2024, 01:10[GMT+7]

Người viết vũ điệu ngôn từ và những tản văn biết hát

Thứ 3, 08/11/2022 | 20:49:21
43,826 lượt xem
Cuốn tuyển tập tản văn “Thấp thoáng đời nhau” của tác giả Hồ Huy được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022.

“Thấp thoáng đời nhau” gồm 35 tác phẩm rất đặc sắc, lựa chọn từ hơn 100 tác phẩm đã được đăng trên các báo, tạp chí và một số ấn phẩm gần đây, gây ấn tượng, cuốn hút độc giả. Đọc tản văn của Hồ Huy, người ta luôn phải trầm trồ bởi giọng văn lạ, rất riêng của anh. Có khi đang đọc đấy, cho dù chưa hết tác phẩm nhưng đã muốn đọc lại ngay câu vừa đọc. Ngôn từ đôi lúc ẩn dụ, giống như ta ngắm nhìn bức tranh trừu tượng, muốn tìm ra ẩn ý hay ý nghĩa của bức tranh ấy mà họa sĩ gởi gắm trong từng nét vẽ. 

Tác giả Hồ Huy.

Phương pháp viết của Hồ Huy chắc chắn nhưng bay bổng, diễn ngôn linh hoạt, mang tính thẩm mỹ trong câu từ, thuyết phục hoàn toàn người đọc bởi tính chân thực. Điển hình như tác phẩm “Thấp thoáng đời nhau”, tác giả đã làm được điều ấy. Một chút yêu thương, một chút nắng gắt dù chẳng làm nên mùa hạ, nhưng một thoáng nhìn lại khiến trái tim bồi hồi đến lạ, nhận ra nhau vỡ òa màu nắng, tô hồng đôi má nhỏ xinh.

“…Những thấp thoáng đời nhau dường như mách bảo yêu thương luôn ở những mạch ngầm. Giếng khơi nước trong. Có bao giờ chúng ta vô duyên vô cớ mà nhìn thấy được mạch ngầm? Con mắt nằm ở đôi chân và ánh sáng nằm ở trái tim…”. Cho dù chỉ “thấp thoáng” thôi nhưng tác giả đã kịp khắc họa rõ nét triết lý nhân sinh rất sâu sắc, đáng để người ta phải suy ngẫm… Có những lặng thinh mà mai sau sẽ trở thành những cái bóng thấp thoáng trong đời mỗi người.  

“Hoa đẹp chóng tàn. Lời hay gió bay. Vũ khí có thể hạ gục con người ta một cách nhanh nhất lại chính là sự giả dối. Hy vọng quá, hứa hẹn quá đôi khi lại chẳng bằng sự lặng thinh nhìn nhau…”

Ở tác phẩm “Cô gái Chư Đăng Ya” ta thấy sự mãnh liệt trỗi dậy trong câu từ khi viết về vùng đất Tây Nguyên của anh. Cảm giác bước chân như vừa mới đây thôi còn ấm nóng trên tàn tro nham thạch, niềm say mê đầy yêu thương đang tràn trề chảy trong huyết quản. Hồ Huy đã ví Chư Đăng Ya giống như một cô gái nồng nàn yêu, nồng nàn thương, nồng nàn giận dỗi. Phải chăng, càng nồng nhiệt, càng sâu sắc, càng mãnh liệt thì khi sầu cũng khiến cái nắng, cái gió cũng biết buồn. Chư Đăng Ya biến cái nắng trên mình kia thành màu hồng yêu thương, để rồi độc giả còn ngửi được cả mùi thơm của đất đỏ bazan trong tác phẩm. Đã đến Chư Đăng Ya từ rất lâu mà sao nhớ thương của anh vẫn chòng chành như vừa mới đây, dù Tây Nguyên không có sóng, để rồi nhặt hạt nắng, nhặt diệu kỳ, nhặt cả rưng rưng Chư Đăng Ya… Hãy cháy hết mình, hãy yêu hết mình khi còn có thể. Bởi “Cô gái Chư Đăng Ya” của anh nhiệt thành mình vào cây, nhiệt thành mình vào đất, vào nắng gió Tây Nguyên.

Mỗi tác phẩm của Hồ Huy đều để lại trong lòng người đọc nỗi tự sự, niềm khát khao, là triết lý về cuộc sống rất sâu sắc, hay yêu thương ở lại. Nếu trong “Một mai Tà Xùa” với triết lý về cuộc sống: “…Tà Xùa quanh năm mây phủ, bầu trời như thấp xuống, nhưng khi lòng con người mở rộng thì mọi thứ dường như cao hơn và đẹp hơn” thì trong “Những người thiên cổ”, người ta lại cảm nhận được thông điệp yêu thương luôn ở lại. Độc giả nhận ra được sự hòa quyện tinh tế giữa vẻ đẹp trong ngôn từ với vẻ đẹp hồn người, của trí tuệ. “…Nắng nhìn qua song thưa, chim hót qua song thưa, tiếng ai nói qua song thưa, còn tôi chạy một lèo qua song thưa ngắm nhìn những bờ bến cũ. Than ôi những bờ bến cũ! Những bờ bến cũ giờ đã ồn ã hơn những buổi chiều xưa ông tôi dong buồm lưới chài… Con sông quê vẫn đằm mình nhớ thương ngày tháng cũ. Bóng dáng những người thiên cổ như quê hương bằn bặt ráng chiều…”.

Tản văn của Hồ Huy đôi khi có những câu từ vừa thực, vừa hư, vừa huyền ảo, cuốn người đọc vào chốn nơi anh như chuẩn bị sẵn để làm thỏa mãn độc giả bằng bữa tiệc ngôn từ thịnh soạn của mình. Rất nhiều những câu, những đoạn có tính nhạc, nhịp điệu bởi cách đặt vần tự nhiên, ngắt nghỉ, nhấn nhá trong mạch văn làm tăng vẻ đẹp và ý nghĩa của câu văn, của đoạn văn đó. Có những tác phẩm giống như một bài ca mà người đọc cũng muốn được hòa mình để cất cao lời hát... Ở đó chứa đựng nỗi khát khao, niềm đam mê và đáng kể là những dẫn dắt người đọc hướng đến điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Có thể nói, đọc những tác phẩm của anh khiến độc giả cảm nhận, liên tưởng được như chính mình cũng đã từng đến nơi đó. Bởi, cách chuyển tải sâu sắc, ngôn từ biểu cảm, sáng tạo với đầy đủ các cung bậc cảm xúc trong từng bài viết mà tản văn của Hồ Huy đã chạm tới trái tim người đọc. Những quan sát rất tỉ mỉ trước những sự vật, hiện tượng một lần nữa cho ta thấy anh là một người rất tinh tế trước những rung động dù là nhỏ nhất của cõi lòng, càng khiến ta thêm trân quý, say đắm, yêu thương hơn những gì ta đang có, mà đây đó chính ta cũng đã từng bắt gặp trong cuộc đời mình: “Khóc một loài sâu”; “Những người thiên cổ”; “Đi tìm nụ cười Ang-ko”.

Chính lối viết lạ, rất riêng ấy đã khiến người đọc như nhớ được lâu hơn, thấm được nhiều hơn. Phải chăng, Hồ Huy được thừa hưởng chất văn, chất nhạc từ người cha của mình, thầy giáo - nhạc sĩ Hồ Thùy với những ca khúc trữ tình, sâu lắng của miền đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những ca khúc được nhiều người biết đến như “Trăng trên sông quê”, “Hoa mùa thi” hay “Đừng là hoa diêu bông”. Là một người có cuộc sống phong phú, trải nghiệm qua rất nhiều vùng đất, nhiều quốc gia nên Hồ Huy có nhiều kiến thức, phong vị, nơi anh từng đặt chân đến, khám phá những vỉa tầng văn hóa của nhiều vùng miền. 

Tôi nghĩ, tản văn là hương sắc của tâm hồn, người viết nó dùng lời từ trái tim. Cảm xúc trong từng bài viết của Hồ Huy luôn được đan cài với những điều đẹp đẽ về cuộc sống ra sao, sẽ là cảm nhận riêng của từng độc giả. Cuốn tuyển tập tản văn mang tên “Thấp thoáng đời nhau” gồm 35 tác phẩm chắc chắn sẽ gợi mở thêm nhiều giá trị tốt đẹp về yêu thương, về cuộc sống, về thiên nhiên và về con người…

“Thấp thoáng đời nhau” chính là sự lựa chọn của bạn, người yêu thích tản văn.

Lê Minh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày