Thứ 3, 23/07/2024, 04:22[GMT+7]

Cửa sổ mở ra ngõ

Thứ 4, 24/04/2013 | 17:17:31
1,486 lượt xem

Ảnh: Thành Tâm

1.Cửa sổ gian chái nhà Yên mở ra phía ngõ chung. Bộ song tròn sáu chiếc đôi cánh đóng kiểu “quân bài” đều bằng gỗ xoan vườn.

Thật dễ nhớ, phần gỗ của ô cửa sổ ấy bằng tuổi cây nhãn lồng bên vườn nhà Hảo. Ô cửa ấy còn là minh chứng cho lời ví dân gian: “Một năm làm nhà ba năm làm cửa”.

Năm đầu thập kỷ chín mươi thế kỷ trước, bố mẹ Yên, mới tính đến việc xây nhà. Ông bà nội cả đời tằn tiện tích cóp. Bố mẹ Yên tảo tần nuôi tiếp mong muốn ông bà có ngôi nhà khang trang, bớt lo khi bão giò. Những chặp nông nhàn bố đi đánh gốc củi thuê, bốc vác, thổ mộc đủ việc, mẹ mò xúc sông xa ngòi gần, gánh cá khô, thuốc lào đi ngược, gánh về sắn khô, chè lá. Làm nhà là một trong ba việc lớn của kiếp con người. Mẹ Yên đến nhà cụ Đoàn làng Đông xin chỉ giáo. Cụ Đoàn dòng dõi nho học nổi tiếng thông tuệ lý số, phong thủy. Mẹ Yên đem lời bậc cao minh về nhà giãi bày. Bố mẹ phải năm tuổi xấu nhưng vôi gạch đã đủ, việc không thể trì hoãn. Lấy tuổi con trai làm nhà được yên đẹp mọi bề nhưng nhiều tổn hại đến song thân. Bố Yên cười hể hả, ông bà bố mẹ nối đời mong ước xây cho con cháu gian nhà thì tổn hại đến đâu cũng cam. Năm ấy Yên tròn ba tuổi.

Ngôi nhà kiểu mới năm gian được khen là đẹp nhưng chưa hoàn hảo vì thiếu cửa. Hai cây xoan vườn hạ ngâm từ trước, phần gỗ của ngôi nhà cũ thợ mộc tận dụng tối đa vẫn thiếu một khuôn cửa đại và cửa chái trổ ra ngõ. Bố Yên chọn tre nhà cũ ken đôi cánh liếp, thêm hai đoạn trẻ để khi mở thì chống, khi khép thì gài. Bố khéo ken liếp nóng mốt cải hoa cạp mây sợi kết đồng tiền. Những lời khen cánh liếp đẹp ngang ngửa với lời khen thợ mộc thợ xây cao tay nghề.

Đôi cánh liếp cứ nâng lên hạ xuống  cho đến một ngày làng lọt vào tâm cơn bão lớn. Ngôi nhà bình yên, chỉ đôi cánh liếp bị gió giật ném cái bay ra vườn, cái bay ra ngõ. Hai khuôn cửa có là gỗ xoàng cũng phải tiền triệu. Nhà Yên chưa dóc nợ “hậu làm nhà” lại liền hai mùa thất bát. Bố rồi mẹ thay nhau nằm viện vì chứng lao lực. Bác Thỏa sang nhà đúng lúc bố Yên đang cắt cót cũ làm phên cửa. Vãn chầu thuốc nước bác Thỏa bảo bố Yên sang nhà có câu chuyện. Bác Thỏa kéo bố Yên ra vườn, chỉ cây xoan: “Ngót ba năm ngôi nhà chưa đủ bộ cửa. Tôi biết, nhưng cũng chẳng thể đỡ chú thím. Cây xoan được việc rồi. Tôi với chú hạ cây, đốt qua rồi ngâm ao. Bằng giờ tháng sau ta gọi thợ mộc. Ít hôm sau ngày hạ cây xoan, bố Yên được lính tặng hai cây nhãn lồng ươm từ hạt cây nhãn tổ. Cây nhãn lồng được trồng đúng chỗ cây xoan. Có một mùa hoa nhãn Yên quên bị Hảo và cô út dí trán véo tai: “Đầu óc đã để vào cô nào mà quên! Mùa thứ năm rồi. Mùa hoa đầu tiên năm em với Hảo lên mười”. Hai cô út bằng tuổi nhau, múi bưởi để phần củ khoai bẻ nửa…

2. Thật tuyệt vời một thời ô cửa sổ không chấn song. Cánh liếp không mấy khi hạ khép. Cụ Đoàn làng Đông thật tài tình đặt hướng ngôi nhà. Mặt trời lên độ con sào là nắng ùa qua ô cửa. Tới những ngày trăng cứ từ mùng bảy tới khuya mười bảy là ánh trăng tràn qua ô cửa sáng khắp gian hồi. Mùa hè, dù có nắng nôi đến đâu ngồi trong gian chái vẫn không cần quạt.

Vừa mới đây thôi Yên khiến đám bạn thợ cày phải ngạc nhiên đến trố mắt rồi cười vang cánh bãi sông Lăng. Yên bảo rằng “tớ có món tài sản kếch sù nhưng rất keo kiệt không thể cho ai, dẫu ai đó đặt giá bạc tỷ. Đó là một thời ô cửa sổ không chấn song. Ngõ chung nhà Yên rộng dài rợp bóng cây là “sân chơi” của lũ trẻ xóm cuối làng. Ló đầu qua ô cửa là cả một thế giới hôn nhiên và ầm ĩ. Lũ con gái chơi rải gianh, chơi thuyền dưới gốc cây khế nhà cô Lai. Quanh gốc nhãn thóc nhà ông Nguyện là “trận địa” đấu con quay, chọi cỏ gà.

Trước vòm cổng kết bằng cây vọng cách nhà chú Bảo là điểm đặt túm lá làm cờ để cướp, là vạch thua thắng kéo co. Yên thường tót qua cửa sổ để phá rối trò chơi của bọn con gái và làm “thủ lĩnh” đủ trò của bọn con trai. Đánh trận giả, ô cửa không song là “cứ điểm” của bên quân nào mà Yên làm tướng. Chơi trò “nấp xét” thì thôi rồi. Nhót qua cửa sổ, hạ cánh cửa liếp xuống, chui vào gầm giường thì quân kia chỉ có nhờ trời tìm. Cũng lắm phen Yên nhót qua cửa sổ để trốn những ngăn cấm của bố mẹ.

Ô cửa không song hơn một lần là nơi “chứa chấp”. Thằng Ban dỗi cơm nhót qua ô cửa vào ngồi đọc truyện “Không gia đình”. Cái Hảo là hay hờn dỗi nhất. Một lần dỗi Hảo nhót qua cửa sổ, lên giường của Yên buông màn nằm: “Anh hạ cửa cài chặt, mai em cho bánh rán”. Hàng bánh rán của mẹ Hảo ngon nổi tiếng. Yên ứa nước miếng, ra điều kiện: “Hai chiếc”. Hảo đồng ý ngay, còn rủ Yên lên nằm cùng “như đã đi ngủ” để cho tha hồ đi tìm. Yên nằm bên Hảo đang kể chuyện cổ tích thì ngoài ngõ nháo nhác người đi tìm. Yên đành cho qua bánh rán, mở cửa còn xui Hảo chạy thật nhanh. Những khi trời đổ mưa bất chợt, ô cửa không song đón cả lũ ùa vào. Gian chái rộ lên đủ trò trêu chọc chí chóe. Thú nhất là trò chơi ném bong bóng mưa. Những mẩu giấy vo trò nhằm mục tiêu bong bóng mưa trôi trên mặt ngõ, trong lòng rãnh nước...

Năm ô cửa chái có song có cánh, Yên đã sang tuổi mười ba. Tuổi ấy vẫn nguyên vẹn những niềm ham chơi trẻ con nhưng đã ít nhiều nhận thức được những buồn vui, hay dở, được mất nơi ngõ quê dài ruộng lượn hình vai cày.

Đã lắp song nhưng cánh cửa không mấy khi khép cài trừ khi mưa to gió cả. Ngoài đường lớn ở đâu xa không biết. Với ô cửa chái thuở chưa có song, cánh, rồi khi đủ bộ cánh – song đời sống ngõ vai cày vẫn cứ trôi qua với rất nhiều nhịp điệu cung bật. Người vác cày, dong trâu, gánh phân, gánh mạ đi ra. Các bà, các thím tất cả chợ sớm, chợ chiều. Lũ trẻ đi học. Xe lúa, gánh khoai vào ngõ. Lũ trẻ ầm ĩ chí chóe đủ trò. Dấu chân người đạp lên lốt chân trâu bò. Lốt xe đạp, xe bò chồng lằn lốt xe máy, làm đứt đoạn, mất đi những vạch dấu trò chơi trẻ con. Những vạch dấu trẻ con ấy vừa mất đi lại nhanh chóng được vạch lại, hiện lên. Chiều nay gánh lúa cuối vụ vào ngõ, sáng sớm mai lại gánh mạ ra đồng. Cứ thế, qua rồi lại đến, hết lại có...

Ngày đầu tiên ô cửa chái có song có cánh. Yên và lũ bạn trọng ngõ đi học về đứng ngơ ngác nhìn bác thợ chốt bản lề, đóng thử hai cánh cửa. Nỗi buồn tiếc nuối ắp đầy lòng Yên và trong đôi mắt lũ bạn bè. Thế là từ nay hết những trò nhót ra nhót vào. Hết cơ hội chiến thắng trò nấp xét, trận giả. Hết nơi ẩn nấp cho cái Hảo khi hờn dỗi. Hết cơ sở cho thằng Công, thằng An trốn việc. Yên còn hết cơ hội nhiều trò hơn. Những gian chái không vì ô cửa có cánh, có song mà bớt vui. Lũ bạn vẫn đến học nhóm quanh chiếc bàn kê bên cửa sổ. Chiếc giường một của Yên vẫn là “sân chơi” của lũ bạn, là chỗ ngủ thêm ngủ bù của bọn con trai. Lắm khi cô út nhà Yên, cái Hảo, cái Len học nhiều mỏi mắt rủ nhau lên giường giải lao rồi lăn ra ngủ. Cái Hảo giận Yên cả tuần vì cái tội “sợi tóc ngoáy mũi làm nó vỡ giấc mơ hay. Rồi chính cái Hảo chủ động làm lành. Một hôm Yên đang thiu thiu ngủ giật mình vì đầu que chọc vào tay. Cứ tưởng thằng An rủ đi soi chim ngủ đêm hóa ra cái Hảo. Yên đi ra cửa sổ lập tức ngửi thấy mùi bánh rán thơm phức. Và cái Hảo chưa nói hết câu: “Phần... này” Yên đã thò tay qua song cửa: “Có gì cứ gọi... cửa sổ không khép đâu...”.

Đúng là cửa sổ mở ra ngõ không mấy khi khép cánh trừ những chặp mưa to gió cả.

Vậy mà có một buổi sáng, nắng sớm vừa rơi những tia nắng đầu tiên qua ô cửa Yên đã phải khép cánh, cài chặt chốt. Thằng Trí, con trai lớn nhà chú Cao đi như chạy vào gian chái. Lúc ấy Yên đang chuẩn bị đi làm. Thằng Trí nhót lên giường nằm quay mặt vào tường. Yên đang định hỏi nguyên do thì thằng Trì gắt lên: “Anh khép cửa sổ lại giúp em”. “Sao khép?” – Yên gắt lại. Thằng Trí ngồi lên, nghẹn ngào: “Bố em bán con Tứ Khoáy. Người ta sắp đến giao tiền dắt nó đi. Bố em mang tiền lên bệnh viện cho mẹ. “Thím Cao đi đội đá thuê ở bến Bàng bị đá lăn gẫy chân. Bó bột được ba tuần, chân vẫn sưng đau, chú đưa thím đi khám lại. Bác sĩ khám rồi phán “Phải mổ xếp lại xương. Có mười lăm triệu thì đi cấy được”.

Lần trước bó bột, mười ngày nằm viện chú Cao đã phải cầm “sổ đỏ”. Lần này, con trâu mộng đẹp nhất nhì cánh bãi phải ra đi. Yên cũng thường chịu nỗi buồn khi phải chia tay với những con vật, dù nó đã đến tuổi phải bán, phải thay. Đằng này thằng Trí vĩnh viễn mất con trâu nó chăn dắt từ ngày còn là con nghé. Con Tứ Khoáy đem về nhà có khoản thu nhập đáng kể và thằng Trí có những niềm vui, niềm tự hào nơi đồng bãi. Biết có nói gì với thằng Trí cũng chưa thể làm nó nguôi buồn, Yên khép cửa sổ đi ra ngõ. Người mua đã dắt con trâu qua cổng. Chú Cao đứng nhìn theo, hai cánh tay buông thõng, bàn tay nắm chặt tựa hỗ như chú sắp khụy xuống. Yên đi theo con Tứ Khoáy ra đến đầu ngõ, nhìn theo cho đến khi người và trâu khuất bóng. Yên trở lại đứng nép ngoài cửa sổ lắng nghe. Thằng Trí rấm rứt khóc. Có lẽ nó đã không kìm được tiếng khóc khi con Tứ khoáy gõ móng đi qua cửa sổ đã khép chặt hai cánh nhưng không đủ tầm ngăn chặn tiếng vọng bước chân trâu. Rồi có tiếng cái Bình, em út Yên: “Nghe tớ nào. Nín đi...”

Có một chặp sau tiết xuân phân ông trời đóc chứng nắng nóng như tiết đại thử mùa hạ. Nhà Yên có mấy ô cửa đều mở hết. Chỉ duy ô cửa mở ra ngõ cài chặt. Cô Út Bình, sinh viên đại học y, vào gian chái định mở chốt cửa sổ bị Yên ngăn lại, quay ra bĩu môi: “Anh mà cũng nhát đến thế nha”. Thằng Trí hôm trước sang chơi cũng nói thế. Đứa khóc đứa dỗ vì con Tứ Khoáy ngày nào đã là một cặp đôi hoàn hảo. Yên chưa muốn nói thật với hai đứa. Thực là Yên chưa quen với việc mỗi sớm mỗi chiều vắng bóng một người già đi qua cửa sổ.

Cụ Tơ đến tuổi tám mươi vẫn săm sắn đủ việc đỡ đần con cháu. Tầm tuổi Yên trở xuống đứa nào cũng được Cụ đón tay, bế ẵm, ru nhời. Cụ thuộc làu truyện Kiều, Lục Văn Tiên, có cả một kho chuyện cổ tích. Lớn lên, mỗi lần nghe tiếng cụ ru, kể chuyện cho lứa con em, các cháu Yên mới hiểu vì sao đứa trẻ khó tính khó nết đến đâu được cụ bế ắm ru dỗ đều ngoan ngủ ngoan ăn. Làng xóm không ai ngờ cụ Tơ ra đi đột ngột đến vậy. Buổi sáng cụ vẫn quảy gánh rau đi chợ làng. Cụ về chợ muộn hơn mọi ngày còn nán lại với Yên đang sửa chốt bản lề. Cụ bảo bán hết sớm gánh rau rồi đi thăm mấy bạn già. Tiện lối vào chơi với đứa chắt ngoại cho nó tiền mua truyện tranh. Cụ bước lại sát ô cửa nhìn vào một lúc quay ra với Yên: “Bà nghe ngoài chợ xì xào vợ chồng con Hảo chẳng ra làm sao. Đã đành nó đáng trách. Các cháu đừng giận, nó đỡ buồn tủi. “Yên cầm bày tay cụ Tơ, nói cho cụ yên lòng”. Thì cụ đã chả nói con người ta ai cũng có duyên có số. Hảo có là vợ ai, chúng cháu vẫn là bạn bè, là người chung một ngõ. “Cụ Yên gật đầu: Mày nghĩ thế là phải. Biết đường ăn ở, có phúc có phần. Lời cổ nhân cấm có bao giờ sai. Mà mày bắt già này chờ đến bao giờ mới được nhìn mặt cháu dâu...“. Nửa buổi chiều, đứa cháu đạp xe ra đồng gọi Yên đang vun luống ngô: “Chú về ngay. Cụ Tơ...”. Yên phóc lên xe guồng hết sức. Giấc ngũ vĩnh viễn ở tuổi tám mươi. Cụ đi sau cơn đau đầu bột phát.

Buổi trưa, trước lúc đi làm Yên mở cửa sổ. Bất trời đã hoàn nguyên tiết xuân phân Yên đứng bên cửa sổ nhưng không dám nhìn sang bên kia ngõ. Bên kia ngõ là vườn nhà cụ Tơ, xế xuống dưới là vườn nhà Hảo. Ngõ “vai cày” chín nóc nhà, chín khu vườn rộng. Tuốt một thời trẻ con khu vườn nào cũng là vườn nhà mình. Leo trèo bắt chim, hái quả, luồn lách, chui nấp. Mảnh vườn quê là chứng nhân của nhiều lắm những nỗi niềm buồn vui, những số phận kiếp con người. Hơn một lần Yên thầm trách cái đầu mình quên thói chăm chăm  lưu giữ thật lâu thật bền những hình ảnh mà mỗi lúc chợt lóe hiện con mắt đã cay xè. Đó là một chiều sau bão, cụ Tơ ra vườn nâng vui từng gốc rau, khóm cây. Đó là khóm cây lá lốt góc vườn nhà bà Gái. Người mẹ con đàn, hết mò xúc chợ sớm chợ chiều lại lên rừng gánh chè gánh sắn. Khóm lá lốt quanh gốc cây ổi, mỗi khi leo lên lũ trẻ né chân khỏi chạm nát cây. Khóm lá bình yên tươi tốt để bà Gái lấy làm thuốc chườm những con đau lưng, đau đầu gối. Cửa sổ không mấy khi khép những đã mấy năm rồi không còn vọng lại tiếng bổ củi.

Ông Thơ, ngoài việc đồng áng, có nghề bổ củi, đánh gốc thuê. Những chặp nông nhàn ông vác mai, búa đi “chia lứa” với mảnh ruộng. Việc thuê mướn có khi được trả công bằng gốc củi, đoạn cây quy ra tiền. Đứng bên mép cửa sổ nhìn về phía khu vườn cuối ngõ rất rõ đống củi gộc đủ hình thù. Khuya sớm tiếng bổ củi khi nhanh khi chậm thẩm vào nhịp điệu cuộc sống ngõ “vai cày”. Người đàn ông dáng cao săn lẳn đóng quần lửng, ở trần đứng thế lựa vung từng nhát búa đã tạc vào ký ức mỗi người dân ngõ, ghi  dấu vào lịch sử ngõ “vai cày” một vóc dáng đẹp, khỏe khoắn – một biểu tượng của những con người lam lũ mà rất thanh cao.

Bất giác ngoài đầu ngõ rộ lên tiếng người ríu ran. Yên áp mặt vào song cửa nhìn ra, vội vàng lùi nép bên mép cửa. Một niềm vui vô biên đang ùa vào ngõ “vai cày” – Cậu bé nay mai sẽ lon ton, sẽ đủ trò trên quãng ngõ ngoài song cửa đang được bế ẵm đón rước về nhà. Ông bà nội, bố mẹ cậu bé, các bà, các thím. Cả đoàn người hân hoan đi bên người mẹ trẻ bế trên tay chàng trai tương lai của ngõ vai cày. Chiều hôm nay Quân đưa vợ xuống trạm xá làng. Đẫy đêm ngõ vai cày thao thức. Cuộc vượt cạn bình an, cô gái Huế mẹ tròn con vuông. Nếu không có Hải đi bên cạnh Mơ sẽ đương nhiên Yên không phải nép bên mép cửa. Yên sẽ áp mặt vào song cửa chào đoàn người và sẽ chạy xuống nhà nói lời chúc vợ chồng Quân, sẽ thơm lên má cậu bé.

Yên đi ra ngõ, nhìn xuống thấy thím Chiên đang ở trong vườn chọn cam. Sau tiết thu phân vườn cam chín vàng, mê tơi mắt người ra vào ngõ. Thím Chiên chọn quả sắp lễ thắp hương kính cáo tổ tiên. Lát nữa thôi, nơi cõi khác, cụ Thơ, cụ Tơ, cụ Gái... các bậc tiền nhân sẽ nhận được tin vui “ngõ vai cày” thêm một chàng trai. Yên rảo bước trong niềm xốn xang khôn tả. Chàng công dân trẻ nhất ngõ vai cày hội đủ tinh hoa của miền quê lúa vàng và xứ Huế mộng mơ. Đương nhiên Yên sẽ có quyền “bật mí” cho chàng trai tường tận về mối tình của bố mẹ cậu. Một lần dẫn đầu nhóm đoàn viên tham quan cố đô Huế, chàng thợ cày làng Quang làm quen cô gái cháu nội vị quan đầu tỉnh. Quân bàn giao chức trưởng đoàn cho bạn “liều” ở lại ba ngày. Ba ngày, cô giáo dạy văn trung học đưa Quân đi tham quan kỹ hơn cố đô. Gia đình, bạn bè cô giáo “lác mắt” trước chàng trai đẹp như hoàng tử nhưng không dấu nổi thất vọng với chức danh “thợ cày”. Mối tình thư kéo dài đẫy năm lẻ ba tháng. Cho đến một ngày hè, đích thân bố mẹ cô gái ra mắt nhà “thợ cày”. Một lần vui chuyện Mơ kể sáu, báy chàng “con nhà” bằng cấp chức tước phải chào thua tay thợ cày quê lúa.

3.Chỉ còn ô cửa chái nữa là Yên hoàn thành định kỳ năm một lần sơn lại toàn bộ cánh cửa của ngôi nhà vẫn như những lần trước Yên dùng màu xanh pha thêm dầu bóng.

Xế chiều Quân đi họp về rẽ vào giúp lắp cánh cửa đã khô sơn. Lắp đến cánh cửa chái Quân cứ lật đi lật lại cánh phải; con mắt xăm xoi. Yên vỗ vai Quân.
- Gỗ tốt sơn tốt, ông tổ nhà mối mọt cũng phải chào thua. Lắp nhanh cho tao rồi về chào mệ Huế. Mau.
Quân vẫn xăm xoi, bỗng như reo:
- Thấy rồi:
- Có chỗ mọt rồi hả! – Quân lo lắng. Quân chỉ vào vết hằn nông to cỡ vài hạt ngô trên mặt ngoài khung cánh.
- Tao sực nhớ một lần chơi nấp xét mày dấu cái Hảo trong gầm bàn. Bọn tao biết nhưng mày gài cửa. Biết chỗ nấp mà không tóm được tay Quân tao chịu thua. Tao tức quá vớ hòn gạch ném đại, ông già nghe tiếng động chạy ra quát cho cả lũ một trận.
- Mày nhớ dai thật đấy. Cảm ơn cái đầu “sếp” thanh niên.

Bâng khuâng đẫy cả buổi chiều khiến Yên động việc gì cũng chán. Buổi tối bật ti vi, nửa chừng chương trình thời sự Yên tắt cả đi vào gian chái. Vẫn là cái niềm bâng khuâng hừng lên từ việc Quân sực nhớ níu Yên đứng áp mặt vào song cửa. Đêm không trăng nhưng vòm trời cao sáng, chi chít sao rắc vừng. Niềm bâng khuâng quá vãng vô hình chung cho Yên những tự hào về ô cửa sổ trổ ra ngõ. Ô cửa đã in vào ký ức của Yên với Quân, với út Bình, với Hảo... với nhiều cô cậu trong ngõ vai cày. Mới hôm nào Miên ở Sài Gòn ra đứng bên cửa sổ, chợt reo: “Anh vẫn còn nợ em ba trận ném bong bóng mưa...”.

Từ ở Trường Sa về, bạn bè đến chen nhau đứng bên cửa sổ, tớ đứng trong này pằng... pằng ra thế mà các cậu đích chịu chết... Mình ném đùa quả xoan, trúng ngay mắt cái Len... Tớ nhớ rồi. Cái Mai tuồn ổi qua song cửa. Đến lúc vào thì hết phần, tức khóc ầm lên. Cương đã có vợ con, công việc trên thủ đô, lần nào về cũng sang gian chái đứng bên ô cửa sổ. Trời mưa, bà Gái đi mò về, trượt chân ngã ngay ngoài cửa sổ. Yên này, tớ chưa thấy ớt nào cay bằng ớt vườn cụ Tơ. Cậu biết không. Thằng Phước đóng hộp cất chiếc búa bổ củi của bố. Vật gia bảo đấy. Chiếc búa, những gộc cây nuôi con đàn ăn học... Phước bây giờ đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ hóa học, làm việc trong Đà Nẵng. Đêm trước ngày Yên nhập ngũ, Phước ngủ lại. Đã lên giường nằm một lúc Phước ra đứng bên cửa. Đột ngột Yên bị Phước dựng dậy, kéo ra cửa sổ: Nhìn xem. Có người đứng bép bên gốc vối bờ vườn cụ Tơ. Hình như cái Hảo. Yên nhìn ra. “Đúng là Hảo”. “Mày đã nói gì với Hảo chưa?”. “Tao nói năm cuối cấp rồi, em tập trung học, thi đỗ đại học báo tin ngay cho anh. Tốt. Còn nói gì nữa không? Còn nói gì khác nào. Đồ ngu, ra nói thêm đi. Yên gỡ cánh tay Phước, lên giường.

Bâng khuâng và tự hào về ô cửa sổ Yên chợt băn khoăn. Có vô tình không Quân nhắc đến vết hằn khung cửa, nhắc đến việc trốn nấp ngày nào? Có vô tình buổi sáng Mơ đến trường về rẽ vào “thông báo” em với Hảo ngồi với nhau cả giờ? Dẫu là thế nào thì vợ chồng Quân đã buộc Yên phải tự xem lại mình. Yên biết mình ít nhiều có lỗi với Hảo. Yên đi bộ đội trong “kho” đầy những kỷ niệm quê nhà luôn ở hàng đầu cô bé hay ngủ quên trên chiếc giường tre gian chái và cái đêm có cô gái đứng bên gốc cây vối nhìn sang ô cửa mở ra ngõ. Trong “kho báu” ấy có một “cuộn băng” âm thanh giọng con gái trong trẻo: “Bài lượng số ba khó quá...”. Kệ xác. Khó quá thì bổ đầu ra là dễ. Tớ van hắn đấy. Van cái cục than. Hắn phải hứa làm chị dâu tớ.... “Ừ. Để tớ tính. Đồng ý, ngoéo tay nào. Chỉ có út Bình, Len và Quân biết Yên “phải lòng” cô gái đẹp nhất thôn Bàng nhưng âm thầm giấu nhẹm để Hảo dốc lòng học hành, thi cử.

Ngày Yên ra quân về quê, làng đã khác: Một thôn của làng trở thành phố của thị trấn mới. Và cô bé hay ngủ quên cũng đã khác nhiều. Hảo là nhân viên kế toán phòng tài chính. Chồng chưa cưới của Hảo đã có nhà cửa đàng hoàng trung tâm thị trấn. Ngày cưới Hảo, vẫn như ngày nào, Yên đàng hoàng trách nhiệm người anh cả của lớp trẻ trong ngõ. Dựng rạp, căng phông trang trí, loa đài, việc nào cũng có bàn tay Yên. Đón bạn bè của Hảo, tiếp khách, chúc rượu... cũng là Yên. Chỉ đến khi đoàn đón dâu bước qua vòm cổng hoa thì Yên thấy đau nhói vồng ngực, đất dưới chân như sắp sụt... Yên về nhà vào gian chái, vừa cài chốt cửa sổ thì cô dâu lộng lẫy xiêm áo đi qua. Đêm ấy khuya lắm Yên mới run run mở cánh cửa số. Ánh trăng như chỉ chờ có thế, ùa vào.

Yên đi ra nhà ngoài, bàn tay vừa chạm núm bật ti vi vội bật ra vì bước chân người gấp gấp lên hiên.
- Tớ đây. Đi ngay.
Yên quay ra thoáng lo lắng trước vẻ mặt Quân như bực dọc giận dữ với ai.
- Có chuyện gì thế!
- Cứ đi khắc biết.

Cả tốp nam nữ trẻ ngõ vai cày đứng chờ đầu ngõ. Nhìn thấy Hảo đứng nếp bên Mơ, Yên hiểu ra sự tình. Quân kéo tay Yên vượt lên trước, bực dọc.
- Hảo lại bị đánh, phải chạy lối tắt về nhà. Cái My sang nhà sụt sịt, các anh cứu chị em mới. Mơ sang động viên thuyết phục mãi Hảo mới đồng ý. Tớ đã gọi điện báo công an khu phố. Anh ấy hẹn đợi ở ngã ba. Lần này phải làm cho ra nhẽ.

Lần này... Yên không biết lần này là lần thứ bao nhiêu Hảo trốn đòn chồng về nhà mẹ đẻ. Nhưng có hai lần Yên biết và oái ăm cả hai lần đều vào đêm trăng sáng. Lần thứ nhất, chừng vài tháng sau ngày cưới, Yên ngồi bên chiếc bàn kê bên cửa sổ. Vừa gập trang sách nhìn ra thấy có người đi nép bên kia bờ dậu. Yên biết ngay là Hảo nhưng không biết có việc gì mà con gái khuya khoắt xách túi về nhà đẻ. Lần thứ hai, thoáng bóng người qua cửa. Yên buột miệng “Hảo phải không: Vâng em”. Háo nán lại như có ý chờ. Vậy mà Yên nhanh tay khép cửa. Rất lâu rồi ô cửa chái mới chợt kín hai cánh, chặt chốt cài. Phải sau lần ấy Hảo thường đi lối sau về nhà đẻ!

Ngôi nhà hai tầng giữa phố sáng đèn, cống khép hờ, trên sân dựng bốn năm xe máy. Quân và anh công an hội ý rồi tất cả cùng vào nhà. Bính – chồng Hảo và đám bạn đang bù khú. Mặt bàn nhổn lổn thịt chó, rau thơm. Không khí nặng mùi rượu, mắm tôm.
- Các anh đến có việc gì? Bính sừng sộ.
Anh công an tìm được chỗ đứng bên cạnh gã trai đầu đỏ.
- Chúng tôi nhận được tin báo anh đánh người.
Bính đứng phắt lên.
- Vu khống. Các anh ra khỏi nhà tôi, chậm một tôi sẽ a lô cho ông già.
Mơ kéo Hảo ra vùng sáng giọng Huế nhẹ nhàng.
- Anh nhìn cho kỹ. Những vết bầm tím là do ai?
Bính cười nhạt.
- Nếu cứ thấy mặt vợ bươu tím quy tội cho chồng thì mời ông công an về rửa bát cho vợ. Sao các vị không điều tra xem nó bị ngã hay bị đánh ghen.
Mơ gạt lọn tóc trên trán Hảo, lộ ra quầng tím mắt. Thoáng chút ngần ngại, cô nhanh tay gỡ khuy áo. Vồng ngực Hảo bầm tím vết cào cắn.
- Như thế này là bị ngã hay đánh ghen? Bính vỗ tay đánh bộp, cười hô hô:
- Xin thưa cùng các vị. Đấy là dấu yêu lúc cô ta hứng tình yêu cầu tôi đáp ứng, dưới thấp còn nhiều dấu đẹp hơn.

Hảo với lấy cốc rượu trên bàn hắt vào mắt Bính. Cô rít lên căm hận:
- Đồ chó.
Anh công an kịp giữ tay Hảo với lấy cốc thứ hai. Anh bước lại trước mặt Bính nghiêm giọng.
- Anh hành xử rất vô văn hóa, xúc phạm danh dự người khác. Đó là một vi phạm. Dưới đĩa thịt chó, rổ rau thơm là quân bài, gầm bàn là tiền. Các anh nhanh tay lắm. Đó là vi phạm thứ hai. Anh cứ việc a lô cho bố mẹ.
Ba chiến sĩ công an đã đứng ngoài hiên từ lúc nào. Yên kịp hiểu, trước lúc đến đây anh công an và Quân đã lên kế hoạch cụ thể.
- Chúng tôi về được chưa? – Quân hỏi:
Anh công an gật đầu.
- Các bạn về đi. Ngày mai gặp nhau nói chuyện vui hơn. Giờ chúng tôi làm thủ tục với mấy vị này.

Về đến đầu ngõ, mấy người bạn chủ động vượt lên. Yên cũng toan bám theo, nhưng ánh mắt Mơ lướt qua Hảo sang với Yên.

Ô cửa chái không khép, ánh điện trong nhà hắt ra quầng sang ngang mặt ngõ lên bờ dậu râm bụt rực mấy chùm hoa đỏ, phía sau mấy bước Yên nửa muốn, nửa lo Hảo vượt qua quầng sáng ô cửa. Thực là Hảo có dợm qua vài bước rồi quay lại đứng bên ô cửa sổ rộng mở. Yên bắt gặp ánh mắt Hảo nhìn nhanh vào trong nhà rồi cúi xuống. Bàn tay Hảo bám chặt vào song cửa tựa hồ như cô sẽ gục xuống nếu không có song cửa ấy.
- Hảo này. Yên chỉ nói được thế rồi vội nhìn vào cửa sổ.
Hảo bám cả hai bàn tay vào song cửa.
- Chuyện đã từ năm ngoái nhưng em xấu hổ không dám nói ra. Nó cặp với người làm cùng cơ quan lớn hơn cả chục tuổi, trước là nhân tình của bác ruột nó. Không đi với nhân tình thì nó rủ người đến nhà cờ bạc. Nó bắt em mặc đồ lót tiếp rượu hội bạc. Lắm đêm thua nhiều nó lôi em lên giường dày vò đủ trò bảo là giải đen. Em dứt khoát rồi... em là đứa bỏ đi rồi.
- Đừng nói thế. Yên vội vàng. Anh cũng có lỗi không nhỏ. Em đã quyết thế, đã về đây là tốt rồi. Chúng mình còn cơ hội nói với nhau. Em về đi. Khuya rồi.

Yên đứng giữa quầng sáng nhìn theo. Một quãng nhọc nhằn rồi Hảo cũng thường được bước chân. Qua gốc vối. Qua vòm cổng vọng cách... Yên nhìn rất rõ Hảo nép bên gốc cây nhãn ngày xưa bọn con gái hay rủ bọn con trai chơi trò đám cưới. Ngay bên gốc nhãn là vòm cổng nhà Hảo.

Truyện ngắn của Trần Văn Thước

(Vũ Lăng – Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày