Thứ 7, 23/11/2024, 04:39[GMT+7]

Những dấu chân trên đường phố

Thứ 2, 13/05/2013 | 08:59:26
1,258 lượt xem
Những đôi chân nhỏ nhắn, gầy guộc lê bước khắp các hang cùng ngõ hẻm, những cuộc mưu sinh đưa lối chúng lầm lũi đi trên hè phố đầy bụi bặm dù trời nắng chang chang hay rét cắt da cắt thịt. Mỗi mảnh đời như vậy đều có một câu chuyện bất hạnh riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều phải bươn trải vì miếng cơm manh áo.

Ảnh minh họa

“Cô ơi mua giùm con tờ vé số”. “Chú ơi mua cho cháu ổ bánh mì”...

 

Giọng mời gọi trong veo của các em xen giữa âm thanh xô bồ, náo nhiệt của phố phường. Những đứa trẻ lang thang vẫn phải ngày ngày vật lộn với khó khăn, đói khổ, chạy dọc đường để kiếm tiền ăn từng bữa. Những đôi chân trần bé nhỏ như vậy vẫn đang vội vàng trên đường phố, mặc kệ nắng mưa, nóng gắt hay giá lạnh; mặc kệ đói rét, đòn roi, bệnh tật...

 

Trên những con phố, trong những quán cà phê hay trong công viên ta có thể dễ dàng bắt gặp những chú bé, đủ mọi lứa tuổi phải bươn bả với túi vé số, hộp đánh giầy, giỏ bánh mì để kiếm sống. Ở cái tuổi ăn tuổi chơi, khi mà những đứa trẻ khác được đến trường, được cha mẹ chăm lo cho từ bữa ăn đến giấc ngủ thì những cô bé, cậu bé này lại phải làm quen với cuộc sống đầy phức tạp, khó khăn, phải lo từng bữa ăn cho chính mình. Ðứa thì đen nhẻm, bẩn thỉu bởi xi giầy. Ðứa thì chạy dọc đường rao mời mua vé số, bánh mì. Ðứa thì ăn xin với đủ mọi mánh khóe...

 

Những đôi chân nhỏ nhắn, gầy guộc lê bước khắp các hang cùng ngõ hẻm, những cuộc mưu sinh đưa lối chúng lầm lũi đi trên hè phố đầy bụi bặm dù trời nắng chang chang hay rét cắt da cắt thịt. Mỗi mảnh đời như vậy đều có một câu chuyện bất hạnh riêng, nhưng điểm chung là tất cả đều phải bươn trải vì miếng cơm manh áo. Có những đứa bé chỉ đơn giản muốn có một bữa ăn no, có những đứa bé lại phải nuôi cả gia đình...

 

Hai anh em Nguyễn Bình Minh, Nguyễn Anh Sáng lặn lội hàng chục cây số ra miền Bắc làm nghề đánh giầy, bán bánh mì bởi: “Nhà em nghèo lắm. Bố em đi biển rồi không về nữa. Ðất thì không trồng được lúa”. Phạm Trọng Hiếu bị liệt một chân mà vẫn phải đi ăn xin bởi ở nhà còn ba chị em bị thiểu năng. Em đã hai lần trốn khỏi làng trẻ vì vào đó chỉ em no còn cả nhà sẽ đói... Hay những đứa trẻ gia đình tan vỡ, bị bỏ rơi; hoặc phải thay cha mẹ làm trụ cột gia đình... Tất cả đều phải vật lộn khó nhọc để có được miếng ăn. Tội nghiệp các em, trời nắng hay rét cũng chỉ có manh áo cũ nhàu, đầu trần, chân đất mà đi. Có những đứa do không kiếm đủ tiền nộp lộ phí cho đàn anh, đàn chị nên thường xuyên bị đánh đòn rất đau; hoặc khi niềm nở mời mua hàng thì nhận lại những thái độ thờ ơ, lạnh lùng. Lang thang nơi đầu đường xó chợ, chỉ chừng mười tuổi đầu mà chúng già dặn không kém gì người lớn, vất vả, khổ cực vô cùng...

 

Tôi đã nghe câu chuyện của một em bé bán vé số kể “những ngày đầu vào nghề”: nào là chen lấn lấy hàng, giành địa phận, đánh nhau... rồi lạc, rồi mệt lả trên đường. Cậu bé chìa cho tôi xem những vết lằn trên cánh tay. Nhìn mà thương!... Mấy đứa bé mặt tím tái lấm lem vì đói, vì gió bụi đường, toàn thân co rúm lại khi trời lạnh mà vẫn phải đi mải miết, đói thì nhai vội hai ba miếng bánh mì, hụm nước cho đỡ đói rồi lại tiếp tục chuỗi ngày dài không biết tương lai sẽ ra sao...

 

Chúng cần được yêu thương! Chập chững bước vào đời ai là người không muốn một gia đình êm ấm, được chăm sóc. Những đứa trẻ đường phố hơn ai hết càng cần được bao bọc, che chở. Ðói khổ, vất vả nhưng trên môi các em vẫn nở nụ cười tươi rói khi có người mua hàng. Bởi bán được càng nhiều hàng là càng có thêm nhiều niềm hy vọng để biến khát khao cháy bỏng một lần được cắp sách đến trường như bao bạn bè trang lứa trở thành hiện thực.

 

Chứng kiến những tuổi thơ vô tư phải rong ruổi khắp nơi trên đường đời của những trẻ em đường phố làm tôi nghẹn ngào. Hòa vào dòng người tấp nập, các em học những bài học đầu tiên trên vỉa hè, đường phố. Mong sao những mảnh đời lang thang ấy rồi sẽ trưởng thành, vượt lên những khó khăn, thách thức của vòng xoáy cuộc đời để trở thành những công dân hữu ích.

Ðinh Thị Nhàn

(Lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày