Chủ nhật, 26/01/2025, 13:25[GMT+7]

Thoi tình dệt lụa hương thu

Thứ 6, 21/04/2023 | 06:44:48
30,258 lượt xem
Nhà giáo Vũ Đức Bình sinh ngày 10/6/1948 tại xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy). Năm 1966 học khoa Anh văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1968 nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1974 ra quân, trở lại học tiếp sư phạm. Với tấm bằng cử nhân văn khoa, năm 1977 ông về dạy học tại Trường THPT Thái Phúc và Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh. Năm 2008 nghỉ hưu và là hội viên Câu lạc bộ thơ nhạc Chiều Thu tại thành phố Thái Bình. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, trân trọng giới thiệu tập thơ đầu tay “Hương thu” của cựu chiến binh, nhà giáo Vũ Đức Bình cùng bạn đọc.

“Hương thu” - tập thơ của Vũ Đức Bình.

“Hương thu”, thơ của cái tình, cái đẹp được dệt lên từ tâm hồn Vũ Đức Bình -  một cựu chiến binh thời chống Mỹ cứu nước, một dịch giả Anh ngữ, một nhà giáo: “Anh say đắm một mùa yêu đẹp lắm/Vương lung linh trong đôi mắt biết cười/Và chẳng tin màu vàng kia sẽ vợi/Chỉ thì thầm cất tiếng gọi - Thu ơi” (bìa 4). Thế giới thơ Vũ Đức Bình là trữ tình, nuôi thơ bằng sự kiện tâm hồn, nhuốm màu lãng mạn: “Trăng vàng rớt xuống vần thơ/Giọt đời lóng lánh bên bờ nhân gian” (Trăng vàng, trang 87). Giọt đời chốn nhân gian ân tình, trong sáng đã dâng tràn lên trang thơ “Hương thu”.

“Hương thu” được dệt lên bằng 162 bài thơ, 1 bài ký và 3 bản nhạc với chủ đề Bốn mùa, Kỷ niệm, Giao lưu - một chân dung thơ đẹp của thi nhân: “Để sớm sương cài tươi nét hạnh/Cho ngày gió quyện ngát tình xanh/Hôm hòa khúc nhạc sao xòe cánh/Buổi vịnh bài thơ lộc trỗi nhành” (Nhớ nhé em, trang 183). Chao ơi! Tiếng đàn, nhạc phổ thơ ông cất lên đã rung động đến vũ trụ thiên hà (sao xòe cánh), tiếng thơ ông ngân lên thì cỏ cây tự đơm chồi nảy lộc (lộc trỗi nhành). Phép tu từ mức ấy đã xứng bút pháp chuyên nghiệp để tôn vinh thơ nhạc trên thi đàn quê hương.

Thơ bốn mùa trong “Hương thu” - nhà thơ không tả về khí âm dương ngũ hành không gian đất trời, sắc màu cỏ cây non nước như thường tình thi ca kim cổ mà bút thơ ông nghiêng về cảm xúc tự tâm hồn trước cảnh sắc vũ trụ thiên nhiên của từng mùa mà thăng hoa, sáng tạo nên câu chữ thơ. Thơ về mùa xuân: “Mưa rơi trên tay nhỏ/Một mùa xuân yêu thương/Mưa thấm qua lời hẹn/Ngày ấy lòng vấn vương” (Mưa rơi, trang 23). Chỉ có mưa xuân mới thấm qua lời hẹn cho lòng vấn vương. Đọc chậm câu thơ này ta thấy sự tinh tế, trong sáng, đặc sắc lối thơ của nhà giáo Vũ Đức Bình. Chữ thấm là mắt của bài thơ xuân. Thơ về mùa hạ: “Nắng gội trăng treo chiều xế bóng/Mưa dồn nước chảy sớm ven bờ/Giao mùa hạ biệt làn ngâu tới/Ô thước lệ sầu lã chã rơi” (Giao mùa, trang 42). Mùa hạ thường có mưa và “Bão dập tan tác chim muông/Cây xanh đổ nát người không còn nhà/Ngôi trường đang độ trổ hoa/Biến thành đống rác trẻ già đau thương/Nước dâng ngập trắng ruộng nương/Lúa thoi thóp khấn trời thương từng giờ” (Thảm họa, trang 46). Nhà thơ đã mượn tiết mùa hạ để cảnh báo nạn thiên tai trên đất nước ta và nhấn thêm truyền thống tình đồng bào trong lúc hoạn nạn: “Lá lành lá rách bọc nhau cơ hàn” để vượt qua cơn bĩ cực. Thơ của nhà giáo Vũ Đức Bình lấy vị nhân sinh lập ý “Trăng vàng rớt xuống trang thơ/Giọt đời lóng lánh bên bờ nhân gian” (Trăng vàng, trang 87) là như thế. Thơ về mùa thu: “Thu đi lòng những tái tê/Ai mang trăng mật gửi về lối xưa/Thương người bạc nắng, dầm mưa/Gió đưa xào xạc giậu thưa trăng tà” (Chờ thu, trang 41). Một tâm trạng buồn trước cảnh sắc mùa thu được dệt lên câu thơ có: âm thanh xào xạc của gió, có hình ảnh giậu thưa cuối vườn và mảnh trăng tà... đêm thu. Có lẽ mùa thu với nhà giáo Vũ Đức Bình mang nhiều kỷ niệm. Với chủ đề này, trong “Hương thu” xuất hiện nhiều bài thơ hay về mùa thu. Và nhà thơ đã mượn cảnh sắc mùa thu để gửi tâm tư bằng những ngôn từ đắc địa. Mùa thu đã đem đến sức cảm, sức gợi cho Vũ Đức Bình dệt tâm tư mình vào thơ. Thơ về mùa đông: “Ai còn réo rắt tiếng tơ/Giữa đêm thanh vắng càng ngơ ngẩn lòng/Một mình với mảnh sầu đông/Lẻ loi nơi chốn cô phòng quạnh hiu” (Đêm đông, trang 28). Như nhà thơ Lương Hữu cảm nhận “Nghìn anh thi sĩ buồn lâu cả nghìn”, nay với nhà giáo, nhà thơ Vũ Đức Bình cũng không ngoại lệ.

Thơ kỷ niệm và giao lưu trong “Hương thu” chiếm đến bốn phần năm trang thi phẩm. Phần thơ này được khai thác vào nhiều đề tài cuộc sống. Nhiều nhất là thơ độc thoại, tự sự của tác giả về gia đình, mối tình đầu, những sự kiện bắt gặp trên mỗi bước đường đời từ ấu thơ, trong chiến tranh, trong hòa bình của nhà thơ. Đọc thơ Vũ Đức Bình ta gần như không chạm đến thế sự, đến phản biện xã hội... nên tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng trước cái ân nghĩa và cái đẹp của trang thơ. Nơi phòng văn tĩnh lặng, đêm đêm nhà giáo Vũ Đức Bình hoài niệm dệt thơ: “Tiếng gà cầm canh cho sự bình yên/Bếp nhà ai quên cái bùi nhùi giữ lửa/Mùi khói rơm nao lòng thương nhớ/.../Dắt em đi lối vòng qua giấc ngủ/Thương tiếng gọi/Dẫu đó là lối cũ/Em vẫn thèm một chút ở bên kia/Biên giới mỏng.../Khi giao nhau đường mập mờ chưa tỏ/Câu thơ ôm em vào lòng vò võ/Để thêm nhiều câu chữ thức thâu đêm” (Trầm mặc, trang 88 - 89). Đọc đến những dòng thơ viết ra từ tâm huyết này của nhà giáo Vũ Đức Bình tôi càng nâng niu trân trọng từng câu chữ ở “Hương thu”.

Thơ kỷ niệm về gia đình, các nhân vật trong thơ là nguyên mẫu người thân của tác giả. Lúc Vũ Đức Bình mới bốn tuổi, năm 1952 giặc Pháp tràn về, chúng đã giết người cha thân yêu của ông. Thân mẫu kể lại “Con ơi giặc bắn cha rồi/Tiếng kêu dậy đất xé trời khổ đau/Đào hoa ủ rũ bạc màu/Én ngồi chia cảnh âu sầu bên sông/Sáu con than khóc nát lòng/Sớm xuân hóa cảnh đêm đông lụi tàn” (Cha ơi, trang 130). Không cần giải mã, lời thơ chân mộc tự nó đã lên án tội ác chiến tranh xâm lược, của kẻ đến xâm lược nước ta. Thơ về người mẹ thân thương: “Vì con mẹ gắng dưỡng nuôi thành/Chẳng ngại mưa dầm gió trở quanh/Gội nắng thân gầy bên đất cứng/Dầm sương tháng rộng giữa đông mành” (Bao la lòng mẹ, trang 180). Ai từng đến và sống nơi miền đất nhiễm chua mặn Thái Thụy, quê sinh ra và nuôi dưỡng nhà thơ mới thấu hiểu từ đất cứng và gió trở quanh với đông mành trong bài thơ này.

Thơ kỷ niệm về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc mà chính tác giả là người trực tiếp cầm súng ra trận chống Mỹ cứu nước cho giang sơn thu về một mối, nước nhà được độc lập. Sinh viên Vũ Đức Bình đã “Xếp bút nghiên” (1968) từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam đi kháng chiến: “Chính nơi đây cuối mùa thu năm ấy/Ứ trong tim bao kỷ niệm đầy vơi/Buổi chia tay mỗi đứa một nơi/Giảng đường và chiến trường đôi ngả/Đã qua rồi bao lần rụng lá/Heo may về lay động những hàng cây” (Chia tay, trang 58). Từ ấy: “Đời trai đối mặt những thương tàn/.../Dạ vững như đồng dẫu nguy nan/.../Mà lưu luyến mãi tình dân tộc/Một thuở oai hùng... mãi tiếng thơm” (Anh hùng thời chiến, trang 91).

Thơ còn khai thác sâu sắc về đề tài tình yêu lứa đôi, thơ triết minh chiêm nghiệm, thơ về thơ... dành bạn đọc thưởng thức về góc riêng đời của thi nhân tác giả “Hương thu”: “Ủ men đời chút hương mơ/Rót đầy thương nhớ ngập bờ môi ngoan/Chén xuân nghiêng ngả mắt nàng/Ngấm vào ta những nồng nàn tình ơi” (Chén xuân, trang 141).

Thật bất ngờ và thú vị, khi sắp khép hương thu lại thì xuất hiện thiên bút ký “Phi công Mỹ John McCain” (trang184 - 189) của Vũ Đức Bình. Thời gian trong quân ngũ, nhà thơ Vũ Đức Bình được Quân đội giao cho làm quản giáo phi công Mỹ tại nhà giam Hỏa Lò từ 1969 - 1973. Trong ấy có tù binh Mỹ John McCain. Trong quá trình quản giáo, nhà thơ đã trực tiếp tiếp xúc và dẫn dụ cho người phi công này cải tạo tốt, hiểu về nguồn cội con người và văn hóa Việt Nam. Ngày 26/10/1967, máy bay của tù binh này bị quân ta bắn hạ, hắn bị thương, rơi xuống hồ Trúc Bạch (Hà Nội) và bị bắt. Hắn là con của một tướng Mỹ bốn sao Đô đốc hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ. Đến ngày 14/3/1972, Thiếu tá tù binh John McCain được Nhà nước ta khoan hồng trao trả cho về nước. “Ông McCain rời quân ngũ với hàm Đại tá và bắt đầu cuộc đời chính trị/.../Ông McCain là Thượng nghị sĩ năm 1992, 1998, 2004. Ông ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhưng thua ông George Bush năm 2002 và lại thua ông Barack Obama vào năm 2006... Ông McCain đã hoạt động rất tích cực để bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt Nam và mong muốn hợp tác toàn diện giữa hai nước” (trang 188 - 189). Qua thiên hồi ký này thấy thơ và đời của thi nhân Vũ Đức Bình là một chân dung đẹp.

Thường tình trên thi đàn hay từ điển văn học dùng từ: viết thơ, làm thơ, sáng tác thơ... Nhưng nhà giáo, nhà thơ Vũ Đức Bình dùng từ riêng cho mình là Dệt thơ. Tằm chín rút sợi tơ lòng dệt nên tổ kén vàng để con người ươm tơ dệt lụa may xiêm áo đẹp cho đời. Mẹ ta se chỉ suốt thoi dệt nên những tấm lụa tạo ra nền văn hóa trang phục áo dài đặc sắc của dân tộc. Hôm nay, Vũ Đức Bình chắt gạn ra từ tâm huyết những con chữ tinh hoa, dùng ngòi bút làm con thoi dệt thành tấm thơ lụa “Hương thu”.

Đỗ Lâm Hà
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày