Quê tôi
Tôi tự hào khi nói quê tôi là quê hương năm tấn với những cánh đồng lúa bát ngát xanh, và đến mùa thu hoạch, cả cánh đồng chuyển thành màu vàng ươm. Ngay lúc này, tôi đang đứng giữa biển lúa vàng đó. Nếu bạn đứng cạnh tôi, bạn cũng sẽ có cảm giác giống tôi vậy. Bao mệt mỏi, căng thẳng đều tan biến, đều bị những cơn gió mát thổi bay, chỉ còn lại màu vàng của lúa, màu xanh nhạt của bầu trời, màu xanh lục của cỏ cây, và cả những đám mây trắng như bông nữa.
Tôi yêu những con người thôn quê hiền lành và chất phác, nhân hậu và vui tươi. Họ luôn giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Khi còn ở quê với ông ngoại, có lần ông bị ốm rất nặng, là một đứa trẻ 6 tuổi tôi chẳng biết phải làm gì, nhà chỉ có hai ông cháu, vì bà ngoại tôi đi bế con cho dì. Khi đó nếu không có bác Mến hàng xóm bên cạnh sang nấu cháo, đánh cảm, trông nom, chăm sóc chắc ông tôi đã không qua khỏi, rồi những người hàng xóm khác nữa, họ cũng sang giúp đỡ, hỏi thăm… Với cuộc sống bận rộn nơi thành thị, liệu bạn có mấy khi bắt gặp tình cảm làng xóm sâu đậm như vậy không?
Tôi yêu con đê quen thuộc, với bãi cỏ xanh non và con sông hiền hoà uốn lượn, những chiều thả diều trên triền đê, cùng đám bạn bắt chuồn chuồn, cào cào, rồi cùng nhau lăn lộn trên thảm cỏ xanh mơn mởn, cùng nhau làm con trâu bằng lá đa… Bạn đã bao giờ được chơi những trò chơi dân gian như chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi cù, rồng rắn lên mây…? Nếu chưa thì các bạn nên thử, dù chỉ một lần. Những trò chơi dân gian không chỉ giúp bạn vận dụng óc sáng tạo, sự khéo léo, mà còn giúp bạn thư giãn, dạy bạn biết cách đoàn kết để chiến thắng… Các bạn hãy chơi thử nhé!
Tôi yêu cảnh vật quê tôi, yêu những ngôi nhà mái ngói, mái rơm, những bức tường được trát bằng rơm trộn với bùn, những cánh đồng bát ngát nào lúa, nào hoa màu… Tôi nhớ ngày còn nhỏ, đám trẻ con chúng tôi hay đi đào trộm khoai lang, bẻ trộm ngô,… rồi cùng nhau “trổ tài nấu nướng” (thật ra là toàn nướng, hoặc ăn sống chứ không nấu). Ăn thì chẳng mấy, toàn chơi ném nhau, chơi đánh trận giả… Vui lắm lắm! Và sau những cuộc vui đó đứa nào cũng bị ông bà hoặc bố mẹ mắng cho một trận, nhưng chứng nào tật đó, chúng tôi vẫn cùng nhau trốn ông bà, bố mẹ đi chơi… Chơi xong lại bị mắng, nghe mắng xong lại trốn đi chơi… Trẻ con mà, trách sao được! Còn có lần, chúng tôi cùng nhau đi vặt trộm quả roi. Ai dè, nhà đó mới mua một con chó rất dữ và thế là chúng tôi cùng nhau ù chạy vì bị chó đuổi. Sau khi lừa được con chó dữ, chúng tôi cùng nhau thưởng thức “thành quả lao động”, tưởng thế nào, mấy quả roi chín đỏ chúng tôi vặt được đều đã dập nát, còn mấy quả nguyên vẹn thì... sao mà khó ăn thế? Nhưng cuối cùng đứa nào cùng đều thấy vui!
Nhưng tất cả những kỷ niệm ấy đối với tôi giờ chỉ còn trong tiềm thức. Những ngôi nhà mái ngói bị phá đi để xây những ngôi nhà mái bằng, một vài thửa ruộng thì được dùng để xây công ty, xí nghiệp, những trò chơi dân gian cũng mất dần để nhường chỗ cho những trò chơi điện tử vô bổ, rồi những quán Internet mọc lên ngày một nhiều. Đám bạn cũ của tôi giờ cũng không vô tư như ngày xưa nữa, dường như có một khoảng cách giữa chúng tôi. Tôi nhớ hình ảnh quê tôi ngày xưa, yên bình và trong lành biết bao!
Nhưng dù thế nào đi nữa tôi vẫn yêu quê tôi, vì đó là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, vì ở quê có ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em họ hàng… Tôi yêu ông ngoại tôi lắm. Ông già rồi, sức khỏe cũng kém, ông nặng tai, răng đã bị rụng vài chiếc, tóc cũng chỉ còn lưa thưa, khuôn mặt ông có nhiều nếp nhăn, nếp nhăn vì lo cho gia đình, nếp nhăn vì chăm lo cho con cháu, nếp nhăn vì những khó khăn của cuộc sống. Tôi cũng không đếm nổi những nếp nhăn của ông, tôi chỉ biết, ông đã khổ nhiều, đã chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi vì con cháu… Ông là người nhân hậu, tốt bụng, chất phác, lương thiện nhất trên đời. Cả đời ông chưa bao giờ gây hại cho ai, làm ai tổn thương. Đối với con cháu ông luôn dạy bảo nhẹ nhàng, tha thứ cho mọi lỗi lầm. Có lẽ vì vậy mà tình cảm tôi dành cho ông nhiều hơn cho mọi người trong nhà. Từ khi còn nhỏ tôi đã ở với ông bà ngoại. Ông bà chăm sóc cho tôi, ông bà thay bố mẹ ở bên tôi suốt những năm tháng tuổi thơ vì bố mẹ đều đi làm ăn xa. Có lúc tôi hỏi ông bà: “Cháu bà nội, tội bà ngoại. Ông bà có thấy “tội” không?”. Các bạn biết không? Ông bà chỉ cười và bảo: “Ông bà chỉ muốn được “tội” như vậy thôi! “Tội” mà có cháu ngoan thì tội mấy ông bà cũng chịu!”. Vì vậy tôi luôn cố gắng phấn đấu để là “cháu ngoan” của ông bà, để không làm ông bà thất vọng.
Đó, quê hương thân yêu của tôi đó. Dù không còn như ngày xưa nữa, nhưng tôi vẫn luôn yêu quê, yêu cảnh vật ở quê, yêu con người thôn quê và yêu gia đình tôi!
Phạm Nguyễn Nguyên Thảo
(CLB Phóng viên nhỏ)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh