Thứ 7, 23/11/2024, 05:35[GMT+7]

Gia đình thứ ba

Thứ 2, 01/07/2013 | 11:14:17
1,306 lượt xem
Mọi người thường nói gia đình, nơi có ba mẹ, những người ta yêu mến là tổ ấm quan trọng nhất trong cuộc đời. Mái trường, nơi có thầy cô bè bạn, nơi ta được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức chính là gia đình thứ hai của ta. Với tôi, tôi còn có một gia đình thứ ba - Câu lạc bộ phóng viên.

Chuyến đi thực tế của CLB Phóng viên nhỏ, CLB Phóng viên Tuổi hồng về với thủ đô Hà Nội.

Ở gia đình ấy có những người yêu thương tôi như người thân trong gia đình, có những người chỉ bảo, dạy dỗ tôi như thầy cô và có cả những bạn bè chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc sống.

Những ngày đầu tiên tôi tham gia vào gia đình lớn ấy, quả thực đối với tôi là vô cùng xa lạ. Những người chịu trách nhiệm về gia đình ấy, tôi không biết. Những thành viên như tôi tham gia vào gia đình ấy, tôi không biết. Tôi chẳng hề biết, thậm chí chưa từng gặp mặt ai một lần. Lúc đó một con bé 11 tuổi như tôi thấy vô cùng lạ lẫm, rất bỡ ngỡ. Buổi đầu chúng tôi được giao lưu với nhau, nhưng tôi chẳng thể làm quen được với ai. Rồi chị quản lý nói với chúng tôi về công việc cần làm trong suốt những ngày tháng sinh hoạt tại đây, đó là viết báo.

“Viết lách à?” tôi thở dài ngao ngán, tôi rất ghét việc phải ngồi vào bàn, gò bó bản thân để viết ra một cái gì đó. Từ “viết báo” đối với tôi nghe khá “kêu” nhưng hơi lạ. Tôi chẳng thể hình dung ra viết báo là gì. Như viết văn ư? Không, tôi đọc mấy bài trên báo thì chẳng thấy giống những bài văn mà đã được học. Nhưng chẳng lẽ tham gia mà lại không viết gì hết à? Không, phải viết chứ, gần đến ngày sinh hoạt rồi. Thế là tôi tự ngồi vào bàn, ép bản thân mình viết. Vì phải gò bó mà nét chữ của tôi trở nên nguệch ngoạc, bài viết chán vô cùng, nhưng tôi chẳng biết làm sao. Vậy là tôi vẫn quyết định nộp bài viết ấy. Lúc nộp bài tôi thấy ngại lắm, nhưng thôi, tôi chậc lưỡi cho qua.

Một thời gian dài tham gia viết bài, có lúc tôi chán nản chỉ muốn bỏ cuộc, rút lui. Đôi khi tôi còn khóc thầm khi chẳng thấy bài viết mình được đăng trong khi các thành viên khác đều có bài đăng. Cho đến khi một lần nghe đài phát thanh, tôi nhận ra một bài viết ngắn của mình đang được đọc. Tôi đã hét vang khắp nhà, sung sướng vô cùng. Tôi khoe với mẹ, gọi điện khoe với ba và anh. Tôi chạy sang cả nhà hàng xóm bảo mọi người chú ý lắng nghe. Rồi tôi lại chạy về gọi điện thoại cho những đứa bạn trong lớp mà tôi có số. Ôi, cái cảm giác ấy có lẽ suốt đời tôi chẳng thể quên. Đó là cảm giác của một học sinh lớp 5, chờ cả ngày dài chưa thấy mẹ đi chợ về, rồi trong lúc chán nản, buồn rầu thì mẹ về và mua cho tôi nhiều hơn những gì tôi mong muốn. Quá tuyệt! Rất tuyệt! Tôi còn bắt anh hai ghi âm lại bài viết của tôi trên đài phát thanh để mỗi tối trước khi đi ngủ tôi nghe lại. Đến lần sinh hoạt tiếp theo, tôi nhận được tiền nhuận bút từ chị quản lý của câu lạc bộ, một món tiền nhỏ thôi, nhưng thực sự tôi đã vô cùng sung sướng. Cảm giác được cầm trong tay số tiền tự mình kiếm ra là quá tuyệt vời. Tôi trân trọng, giữ gìn phong bì nhuận bút.

Khoảng thời gian về sau, tôi đã viết báo với tâm trạng thoải mái nhất, tôi đã thực sự bất ngờ về các bài viết của tôi liên tục được đăng, hơn nữa tôi nhận được rất nhiều lời khen. Các anh chị trong câu lạc bộ luôn cố gắng giúp tôi chỉnh sửa bài viết hoàn thiện hơn. Từ đó giọng văn của tôi cũng sắc sảo hơn, tinh tế hơn trong cách dùng từ. Thậm chí, các thầy cô trong trường khen về cách viết văn của tôi, ngắn gọn mà súc tích. Tôi thực sự vui sướng, nhận ra rằng viết báo không chỉ giúp tôi thư giãn tâm hồn mà còn bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm riêng của bản thân. Hơn thế nữa, nhờ công việc này mà việc học văn của tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều. Bạn bè cùng tôi chia sẻ niềm vui đó, không chỉ là những người bạn ở trường mà còn là những thành viên của câu lạc bộ. Cũng nhờ công việc viết báo tôi được tham gia rất nhiều các hoạt động khác, thấy bản thân mình lớn hơn trong suy nghĩ, hành động, mạnh dạn thể hiện bản thân ở nơi đông người.

Chỉ một năm nữa thôi, tôi cũng giống như các anh chị đi trước, cũng sẽ vào đại học và tạm biệt đại gia đình đã gắn bó với mình. Một cảm xúc rất khó diễn tả. Nhưng dù chỉ còn chút thời gian ngắn ngủi, tôi vẫn sẽ cố gắng góp nhặt thêm cho mình những khoảnh khắc đáng quý cùng với tất cả mọi thành viên của câu lạc bộ.

Cái tên “Câu lạc bộ phóng viên nhỏ”, “Câu lạc bộ phóng viên tuổi hồng” đã trở thành những cái tên tuyệt đẹp trong quyển nhật ký của tôi! Yêu nhiều lắm, Trung tâm hoạt động văn hóa thể thao thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình.

Dương Hoàn Yến
(Lớp 11 Văn - Trường THPT Chuyên Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày