Xóm cơ quan
Gọi là xóm, kể ra cũng hơi quá, bởi nó chỉ là dãy nhà tám gian, mỗi gian mười hai mét vuông, tường xây lợp lá cọ, nằm phía sau cơ quan. Tám gia đình hiện đang ở, có người đã ở đây từ ngày thành lập khu gia đình. Có người tiếp quản ba, bốn đời chủ. Nghĩa là, những gia đình đang sinh sống tại đây đều vào loại cùng đinh nhất nhì cơ quan, không sao xoay xở ra vài chục mét đất, hay cố có được đất cũng chưa có tiền mua vật liệu xây dựng. Thành thử họ buộc gắn cả gia đình vào gian nhà chật hẹp cho qua ngày đoạn tháng.
Nói thế thì cũng không công bằng lắm. Tôi còn nhớ có lần ông thư ký công đoàn đến tìm vợ tôi lấy chìa khóa phòng khách, chắc nể lắm, ông mới lưu lại uống chén trà ba hào. Nhân tiện cả tám bà vợ kéo đến chào ông và tranh thủ phàn nàn về nhà dột không ai sửa, điện nước mất xoành xoạch. Ông cũng tỏ ra bùi ngùi, cảm thông:
- Những đề đạt của các đồng chí rất đúng, rất đáng để chúng tôi suy nghĩ. Nhưng các đồng chí ạ, khó khăn này là khó khăn chung của toàn xã hội, cơ quan ta tránh sao được, phải không? Thôi, chúng ta cố gắng khắc phục, đóng góp thêm sức người, sức của cùng cơ quan giải quyết!
Nghe nói, khu tập thể này hai năm trước chung với cái sân rộng của cơ quan. Ông thư ký công đoàn kiêm trưởng phòng hành chính người có sáng kiến vĩ đại đã đề nghị ông thủ trưởng cho xây bức tường ngăn để tách bạch cơ quan và gia đình. Để nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên, ông cho xây chiếc hố xí nổi hai ngăn, cái bể chứa nước hai khối trên cái sân bốn mét vuông láng xi măng, một cái bếp xép đủ để được tám cái bếp trấu. Trong nhiều lần họp cơ quan, ông đều cho công việc của hành chính luôn đúng đắn, nhất tiện, lưỡng lợi. Đó là ta đã làm một công việc cho nó rõ ràng cơ quan ra cơ quan, gia đình ra gia đình. Còn điều này ông chỉ dám nói nhỏ với lãnh đạo, tất nhiên là không có mặt tám người đàn bà lắm mồm, lắm miệng, khu tập thể gần bếp ăn tập thể, mà các cô, các chị là hay tiện thể lắm. Lúc củ hành, khi muôi mỡ lợn, bát nước mắm, nắm muối, cô cấp dưỡng còn tiếc cả miếng cháy cơm đen thui thủi. Trẻ con thì reo hò đập phá bất cứ lúc nào, lại có tính tắt mắt lôi đi nắm đũa, cái muôi và cả những chiếc xoong chia cơm đã đục lỗ!
Tám gia đình chúng tôi sống cùng chung một mái nhà cũng khá yên bình. Nói năng cũng giữ ý, giữ tứ. Ồn ào nhất là mấy bà bên cái bể nước vào giờ nấu ăn hay ngày nghỉ. Thôi thì, mấy hôm nay chợ Bo sao lắm vọp thế, ba đồng một ống bơ loại một ký gạo, mà chỉ thấy các gia đình ăn gạo bông là đổ xô vào. Đúng là cái món ăn hợp túi tiền và cũng không kém phần bổ dưỡng! Cửa hàng bà Vóc hiện có lụa cát tăng nội cắt ô A1. Đi chen được mấy lạng thịt ở chợ Két Nước mất toi nửa buổi... Thôi thì, cũng ồn ã như đông buổi chợ và cũng tan nhanh khi các gia đình vào bữa. Dăm bữa nửa tháng ông chánh thư ký công đoàn cũng tạt qua xóm nhỏ này, uống đều mỗi gia đình chén trà nhạt và không quên nhắc nhở:
- Này, chú ý phân công nhau quét dọn cho có vệ sinh đấy nhớ. Công việc làm bọn này bận rối mù cả lên!
Tám bà vợ như đồng thanh:
- Vâng ạ!
*
* *
Cứ như vậy thì cái xóm này chẳng có gì đặc biệt để mà nói. Nhưng từ ngày vợ sinh thêm con gái, mẹ tôi từ quê ra giúp con dâu, thì cái xóm cơ quan này bỗng trở thành đề tài mà cả cơ quan vợ tôi phải để ý đến.
Ngày thứ nhất, mẹ tôi cứ bịt mũi và khạc nhổ liên hồi. Bà chẳng ý tứ gì:
- Eo ơi! Cái khu nhà này bẩn đến lợm giọng. Cứt chó, cứt mèo, cứt gà rắc quanh nhà mà chẳng hót. Cứ để vậy mà sống được à? Chị nào, anh nào cũng bô luyn trắng muốt, quần lụa, quần xi lượt là phủ cả gót, thế mà cũng nhắm mắt bước qua!
Tôi sợ ảnh hưởng đến tình đoàn kết của khu tập thể vốn giữ kẽ với nhau, chau mày:
- Bu làm sao vậy? Người ta chịu được thì mình cũng chịu được chứ!
Mẹ tôi chỉ ngón tay khẳng khiu và nhăn nheo vào mặt tôi y như hồi tôi còn nhỏ:
- Tiên tật cái nhà anh! Cứ thế mà cũng nhẫn nhục chịu đựng được à?
Cô Thanh làm cán bộ hành chính trong cơ quan, chồng lái xe tải, nói nhỏ với chồng nhưng cả xóm đều nghe thấy:
- Gớm, sao cái mụ nhà quê lắm mồm đến vậy?
Kể ra, mẹ tôi cũng thuộc dạng lắm nhời thật, nhưng nghe cô Thanh nói tôi cũng không chịu được, nhưng đành im lặng. Mẹ tôi mắm chặt đôi môi:
- Ừ, thì cái mụ nhà quê thật đấy, nhưng cứt không lộn lên đầu!
Tôi biết lúc ấy là bà giận tím người lại, chắc vì thương con, thương cháu bà mới dằn chịu. Ở quê í à, chắc bà phải gầm lên cho cả xóm điếc tai. Nói rồi bà băm băm đi nhanh ra bể nước. “Oách” và kèm theo tiếng bà “ự”, tôi vội lao ra. Mẹ tôi ngã chổng vó ra nền sân bể nước. Tôi vội nâng bà dậy cũng suýt nữa bị rêu xanh lôi tuột vào cái vòi nước. Mẹ tôi nhăn nhó, khập khiễng về phòng, vừa đi, vừa lẩm bẩm:
- Ối giời, trơn gì mà như đổ mỡ? Cái sân bằng cái dạng đái cũng chẳng bảo nhau đánh rửa. Có ngày ngã vỡ đầu chứ chả chơi. Bẩn khiếp!
Ngày thứ hai bà nói toạc ra rằng:
- Mang tiếng ở tỉnh nhưng không bằng nhà quê. Tiếng là nhà quê nhưng chúng tao sống trong sạch và thoáng đãng chứ không bí bích như ở đây. Ở đời tuy cái ăn, cái ở còn thiếu thốn, nhưng cái ăn chưa đủ mà lại ở một nơi ôi thối thì chịu sao được?
Tôi dần dà khuyên nhủ, thấy bà chẳng nói gì nữa, chắc bà cũng cảm thông và nhanh chóng hòa nhập vào cái khu tập thể nhỏ bé này.
Rồi đến ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm.
Đến ngày thứ sáu, sau bữa cơm chiều, bà nói với vợ chồng tôi:
- Thôi, mai chúng mày để bu về, chứ ở đây dăm bữa nửa tháng chắc cũng chết dần, chết mòn vì bẩn và có ngày ngã vỡ đầu chứ chẳng chơi đâu!
Chúng tôi giật bắn cả lên. Bà mà bỏ về quê thì chỉ còn nước vợ phải xin nghỉ không lương ở nhà ôm con, bốn cái miệng ăn chỉ nhìn vào mấy chục bạc lương của tôi. Tôi vội kêu:
- Bu mà bỏ về thì chúng con chết mất!
Vợ tôi phụ họa:
- Chết! Bu phải ở lại với chúng con, không thì...
- Dưng mà...
Tôi vội nói:
- Thì con đã bảo rồi, bu cần bao nhiêu nước để rửa tay, rửa chân con cũng xách cho. Nếu đi tắm thì men theo cái bờ ngăn, còn có đi cầu thì chui qua tấm bạnh gỗ ở cuối bức tường sang bên cơ quan cho sạch...
Bà tủm tỉm cười:
- Ối giời, họ lại tưởng con mụ nhà quê chui vào ăn trộm thì sao?
Vợ tôi hốt hoảng:
- Chết, sao bu lại nói vậy? Các bác ở cơ quan đều biết bu ra chơi mà. Các bác ấy tốt lắm, bu ạ!
Và vì quý con, thương cháu, bà đành ở lại...
*
* *
Trưa hôm sau, tôi đi làm về và sà xuống mâm cơm, thằng con trai sáu tuổi của tôi đứng dậy ra kéo chiếc mành cửa xuống. Bà mỉm cười và ngăn cháu lại:
Để cho nó thoáng. Chỉ có mấy lưng cơm “mậu” với đĩa vọp, yến tiệc gì mà giấu với giếm?
Vợ tôi đỏ mặt:
- Bu chỉ cứ... ở đây quen cái lệ ấy rồi, bu ạ!
Mẹ tôi lại tủm tỉm cười:
- Ờ, bu cũng chỉ nói vậy.
Ăn cơm xong, nghỉ ngơi một lúc, bà bật dậy, vén mành đi ra hiên. Cậu con trai tôi cũng bật dậy theo. Tôi ra theo. Thì ra hai bà cháu đã bàn với nhau trước. Bà cầm cái chổi tre, cái bàn chải làm bằng gốc tre khô, rễ tua tủa mà vợ tôi mới mua về để giặt chiếu. Cậu con trai tôi vác cái xẻng cũ két vôi không biết mượn ở đâu. Tôi ngạc nhiên:
- Bu đưa cháu đi đâu vậy?
Mẹ tôi thản nhiên đáp:
- Đi dọn cái chỗ bẩn! Chúng mày chỉ sạch mỗi cái lỗ mồm thôi. Cứt đái bừa cả ra sân, ra vườn cũng bịt mũi cho qua!
Vợ tôi ngồi bế con nhỏ mỉm cười và khẽ nói với tôi:
- Anh cùng đi dọn dẹp với hai bà cháu đi. Hai bà cháu bàn bạc với nhau từ sáng rồi đấy!
Tôi đi ra cửa. Bẩy bà vợ, bẩy ông chồng, nghĩa là bẩy cái gia đình đang sống trong ngôi nhà tập thể này, nhìn tôi rồi nhìn nhau cười, nụ cười thật khó chịu! Rồi họ quát tháo con cái. Rồi bẩy cánh cửa đóng sầm lại. Tôi cứ mặc, không nhìn ai, xách cái xô nước đi theo hai bà cháu.
Mẹ tôi tháo chiếc khăn vuông sợi bịt kín mũi miệng. Thằng con trai tôi cởi giày và ném vào gốc cây xà cừ. Tôi xắn cao tay áo và ống quần. Chưa đầy nửa tiếng sau, nhà vệ sinh sạch bong, khói giấy đốt nghi ngút. Bà còn đổ hai thúng tro trấu vào hai cái bệ xí nổi. Xong phần vệ sinh, chúng tôi dẫy cỏ và quét dọn lối đi, ra bể nước đánh rêu, kỳ cọ sân, bể. Màu xi măng nguyên thủy hiện ra. Chúng tôi lại dọn sạch cái sân lát gạch rộng ba mét trước hiên của ngôi nhà tập thể...
Đã hơn tuần nay tôi mới thấy bà vui, cái vui thật thà của một nông dân sau thu hoạch và cày cấy cho tiếp vụ sau. Tối đến tôi để ý thấy mấy gia đình trải chiếu ra hiên và mời mẹ con tôi đến uống nước. Chúng tôi đang nói cười vui vẻ thì ông chánh thư ký công đoàn cơ quan đạp xe đến. Chưa ai kịp chào thì ông nói ngay:
- Chào cụ ạ. Cụ mới ra chơi thăm cháu?
- Không dám. Tôi ra đã đến đây non chục ngày rồi. Ở nhà bây giờ chỉ đang vơ cỏ lúa. Tranh thủ rỗi rãi mới ra tỉnh thăm con, thăm cháu!
Vợ tôi chen vào:
- Bác chánh thư ký công đoàn kiêm trưởng phòng hành chính của cơ quan con đấy, bu ạ!
- Dạ. Mời ông thư ký xơi tạm chén nước
- Cám ơn cụ!
Nói rồi, ông thư ký công đoàn nhấm một chút nước và đặt cái chén xuống cái đĩa men, ngập ngừng mãi mới nói:
- Dạ. Thật tình chúng tôi có lỗi với cụ. Cụ thông cảm cho. Cũng bận công việc lắm cụ ạ. Hôm nay được tin cụ làm...
Mẹ tôi chép miệng cười:
- Ấy chết, có gì đâu ạ! Thấy bẩn thì dọn, đáng bao nhiêu mà ông lại... Mới lại, ở quê tôi í mà, vườn tược thì rộng, chăn nuôi thì nhiều, chó má lợn gà lại hay thả rông, ngày nào cũng phải dọn dẹp, không thì rác phân ngập đến tận mắt đấy chứ. Mấy lại, cái ông đội trưởng của xóm Quyết Thắng chúng tôi, về thứ bậc họ hàng còn là chú nhà tôi, hai em ở đây còn gọi bằng ông trẻ đấy chứ! Ông nóng như Trương Phi. Hễ thấy đường làng ngõ xóm bẩn là ông ấy gọi loa phê bình, dọn sạch mới thôi. Lúc đầu ai cũng ấm ức, nhưng sau thấy việc quét dọn có ích, đường ngõ thanh quang hơn, lá tre lá pheo đem về húi cám lợn, tro lại đổ vào nhà cầu làm phân bón lúa, bón khoai. Lợi lắm đấy chứ!
- Vâng ạ.
- Mới lại các ông ở đây phí phạm của giời. Cái lò này, mỗi tháng cũng có tiền chục. Khoai tây mà vớ được cái anh phân bắc này thì sai củ phải biết!
- Dạ, cụ lên đây thấy thế nào?
- Còn thế nào nữa! Nó cứ buồn buồn. Chứ nhà quê chúng tôi thì vui lắm, rảnh rỗi là đến thăm nhau ngay. Tối tối không họp sản xuất, tổ kinh tế gia đình, thì cũng được xem bọn trẻ tập múa hát. Bọn trẻ thì một điều thưa, hai điều thưa, không như bọn trẻ ở đây chỉ ăn nói trống không, bày biện ra nhưng chưa bao giờ tôi thấy chúng nó quét dọn. Nhà nọ thì không biết nhà kia, bao giờ cửa cũng im ỉm đóng. Tôi nghĩ, giá ở đây lâu chắc cũng chết sớm vì buồn bực. Mà tôi hỏi thật, ở đây không có phong trào sinh đẻ có kế hoạch à? Hãy còn trẻ măng mà đã hai ba bốn con, đứa nọ cách đứa kia bằng cái ngón tay!
Vợ tôi giật mình lo sợ, vội nói to như thể để trình bày với ông thư ký công đoàn:
- Ấy chết, bu chỉ...
Mẹ tôi mủm mỉm cười quay lại nhìn vợ tôi:
- Còn cái nhà chị nữa đấy! Đẻ đứa này thì thôi đấy nhá. Vợ chồng thằng em cô cũng chỉ đẻ có hai con, người khỏe như vâm, nghe bảo cuối năm nay còn có tiền đập nhà cũ, xây nhà mới!
Có thể cứ ngồi lâu mà nghe cái vùng quê của bà, những con người láng giềng của bà làm mọi người lại chạnh lòng đến người thành thị, ông thư ký công đoàn xin phép mẹ tôi đến thăm các gia đình trong ngôi nhà tập thể tám gian này. Thế là, cả bẩy gia đình bỗng ồn ào hẳn lên. Rồi bẩy bà vợ lục tục kéo sang cơ quan hội ý. Không biết họ họp hành ra sao, nhưng sáng hôm sau khi nghe tiếng đài tập thể dục, tất cả vợ chồng con cái của tám gia đình chúng tôi đều kéo mành và đi dọn vệ sinh quanh nhà, bể nước, hố xí...
Gần đến giờ làm việc thì ông thư ký công đoàn đạp xe đến. Sau chào mẹ tôi và mọi người, ông nói ngay:
- Thưa các đồng chí. Đồng chí thủ trưởng cơ quan đồng ý cho các chị nghỉ hai giờ đầu để đánh bể nước, thu dọn bếp núc, đặt gọn ghẽ các bao trấu đề phòng hỏa hoạn, nhặt cỏ sạch xung quanh nhà và lối đi!
Nói rồi, ông quay lại nhìn mẹ tôi và cười rất vui:
- Giá cụ còn ở lâu với khu tập thể này, chúng tôi mời cụ làm tổ trưởng!
Mọi người cười vui vẻ. Mẹ tôi cũng nhỏ nhẹ cười. Chỉ riêng ông thư ký công đoàn là nghiêm nét mặt. Ông kiễng chân lên đóng cái bìa giấy còn tươi nét mực lên đầu tường gian đầu. Đấy là cái nội quy gìn giữ vệ sinh công cộng và an ninh trật tự đầu tiên có mặt ở xóm cơ quan này!
*
* *
Câu chuyện nhỏ về cái xóm cơ quan từng xảy ra đã hơn ba chục năm nay. Và mẹ tôi cũng qua đời hai mươi bẩy năm rồi. Bây giờ, khu đất ấy cũng đã chia và nhượng bán cho ai đó. Tất cả đã xây dựng cho mình những ngôi nhà hai ba tầng sạch đẹp, mọi sinh hoạt đều khép kín. Mỗi lần có việc phải đi qua khu đất ngày xưa ấy, không hiểu sao tôi muốn đi chậm và nhìn lại cái khu tập thể xưa mà nhiều năm chúng tôi đã từng sống chung trong ngôi nhà lá tám gian chật hẹp. Không biết có ai trong tám gia đình chúng tôi đang đổi đời trong mảnh đất thân quen ấy, nhưng tôi lại chắc một điều, dù yên thất ở khu đô thị sang trọng hay chui rúc ở một hẻm ngõ nào, chắc chắn nhiều người vẫn có người còn nhắc đến mẹ tôi và sẽ mãi mãi nhớ đến câu nói bất hủ của bà:
- Ngày xưa, người ta chỉ mỗi chuyến đò cũng nên duyên, còn các anh, các chị sống với nhau cả đời ở cái khu tập thể này mà chẳng nên nghĩa!
Truyện ngắn Thiếu Văn Sơn
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh