Thứ 7, 23/11/2024, 05:12[GMT+7]

Nhật ký

Thứ 2, 09/09/2013 | 08:51:27
1,331 lượt xem
Viết nhật ký là một cách di dưỡng tinh thần, nuôi nấng trong ta những cảm xúc “không nông” về cuộc sống, về cách hành xử giữa con người với con người và hơn hết, đó còn là một cách “trau văn”, “sáng tạo văn” – điều mà mỗi người làm báo hay viết văn đều cần phải học.

Ảnh minh họa

Ấu thơ trong nó là những ngày đánh đáo, chơi chuyền, ô ăn quan... cùng bè bạn. Chẳng mấy khi thấy nó khóc, ngoại trừ những lúc bị bố đánh đòn vì tị nhau làm việc nhà với chị. Cấp 2, ngoài chức lớp phó văn thể mỹ, năm nào nó cũng được thầy cô chủ nhiệm cho kiêm thêm chức tổ trưởng tổ 4 -  tổ có chuỗi con trai học không giỏi lại nghịch ngợm, các bạn trong lớp nói nó đanh đá. Nó chỉ: “Ừ!” với cái cười lạnh tanh.

Lên cấp 3, con bé ít nói hơn. Lớp của nó đông con gái lắm nhưng nó không phải là đứa “hay buôn”, “thích buôn”. Vì thuộc loại “thấp bé nhẹ cân” nên nó luôn được thầy cô cho ngồi đầu bàn để dễ quan sát. Nhưng với suy nghĩ không giống ai của nó, việc ngồi đầu bàn chẳng có cái “vị” gì, trời mưa nắng các bạn trong lớp có ồ lên thì nó mới biết. Nó thích... được ngồi cạnh cửa sổ. Nó chấp nhận đổi chỗ mà bạn bè nghĩ là “ngon”, là “dễ nhìn lên bảng”, là có “nhiều bạn học giỏi” để xuống bàn gần cuối lớp, phải “nghển cổ” lên để nhìn thấy những dòng chữ trên bảng vì một lý do hết sức đơn giản: Đó là chỗ cạnh cửa sổ.  Trời mưa, nó có thể đưa ánh mắt lơ đãng của mình ra phía cửa sổ... ở đó có mưa bay. Ngày nắng, những tán cây rợp bóng, những chùm hoa xà cừ, cái lán xe nằm im nghe gió hát...  Rất ít khi nó thấy buồn, nó chỉ thấy mình là con bé mơ mộng.

* * *

Quê hương, chiều 4/8/2010, tin trượt đại học dội về trong sự “bình thường đến lạ” của tâm hồn nó. Biết trước điểm của mình sau khi kỳ thi kết thúc nhưng nó lại không lường trước được việc tưởng chừng bình thường này lại khiến bố thất vọng về nó như thế. Những câu nói của bố... thực sự khiến nó lần đầu tiên có cảm giác bị tổn thương, một sự tổn thương ghê gớm, khác xa cái cảm giác bị thầy cô gọi lên bảng không học thuộc bài xấu hổ trước bạn bè trong lớp. Nó...  bắt đầu ghi những dòng nhật ký đầu tiên, Thái Bình 20/10/2010...

Và đến bây giờ, khi đã là cô sinh viên đại học năm thứ ba, nó vẫn có thói quen ấy – thói quen viết nhật ký trên giấy. Những chuyện không muốn kể, những gì chưa  nói ra... “Nhật ký ơi! Gửi mi nhé”.  Bạn bè cùng phòng có đứa cười vì sống giữa thế kỷ 21 ở một thành phố năng động, khi Facebook, Zingme, Blog... có thể thoải mái chia sẻ thì nó lại làm một việc “đi chậm so với thời đại”, một việc làm mà các em tuổi teen thường làm... Nó lại cười, cái cười của một đứa con gái biết mình đang làm gì.

Các thầy cô trong khoa vẫn khuyến khích sinh viên viết nhật ký vì đó là một cách sáng tạo tác phẩm bằng thứ cảm xúc chân thật; một số sách dạy kỹ năng khẳng định viết nhật ký giúp cân bằng cuộc sống, giữ tâm hồn mình thanh thản. Nó không thích những cảm xúc không thật như một số bạn bè nó vẫn thường chia sẻ trên Facebook để nhận được nhiều lượt like (thích), nhiều lời bình luận. Nó muốn viết, viết những gì nó nghĩ... để được sống thật với chính bản thân mình, để được là mình.

Nó nhớ rõ lắm câu chuyện của một chị học khoa báo, có tâm hồn yêu cỏ cây. Chị kể với nó, chị đã viết đến cuốn nhật ký thứ 9 trong thời sinh viên của mình. Nhật ký với chị không đơn thuần là nơi để xem lại quãng thời gian đã qua ta đã làm được gì, ta đã gặp những ai, đã diễn ra những sự việc nào... mà còn là nơi niềm vui thêm một lần lan tỏa và nỗi buồn có cơ hội vơi đi, là quá khứ đã qua để ta nhìn lại, phấn đấu, để thấy mình trưởng thành... Viết nhật ký là một cách di dưỡng tinh thần, nuôi nấng trong ta những cảm xúc “không nông” về cuộc sống, về cách hành xử giữa  con người với con người và hơn hết, đó còn là  một cách  “trau văn”, “sáng tạo văn” – điều mà mỗi người làm báo hay viết văn đều cần phải học.

Và nó viết thường xuyên, đều đặn... từng đêm! Nó thấy mình tinh tế hơn, dễ rung động trước những cái đẹp giản dị của cuộc sống, thấy mình dễ nở nụ cười hơn với những người xung quanh và lòng bình yên hơn, dẫu thẳm sâu trong tâm hồn đang có những cơn sóng ngầm, những trận bão lớn. Hơn 2 năm, quãng thời gian không dài so với cuộc đời một con người, ở Hà Nội hay Thái Bình, không ai có thể chịu đựng nó, lắng nghe nó giỏi như cuốn nhật ký, nhờ nhật ký nó đã tự đứng dậy sau những bão dông đầu đời, tiếp tục bước trên con đường không trải những hoa hồng.

Có nhiều thói quen trong cuộc sống nó muốn đổi thay nhưng một việc làm chưa bao giờ nó muốn thay đổi – viết nhật ký. Nhật ký sẽ là người bạn tâm giao đi bên cạnh nó trên mỗi bước đường đời.

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày