Thứ 7, 23/11/2024, 08:45[GMT+7]

Trận chiến phía Tây Nam

Thứ 4, 27/11/2013 | 10:52:01
1,731 lượt xem
Sắp đến tháng ba, bầu trời đã bắt đầu lởn vởn những đám mây đen. Gió mang hơi nước thổi về như đang xua tan suốt sáu tháng mùa khô bụi bặm và oi bức. Cây cối cũng đang xanh lại. Tháng ba ở Campuchia, cái ranh giới giữa mùa khô và mùa mưa là sự chuyển mùa. Người ta chuẩn bị đón Tết Chôn Chơ Nam Thơ Mây, để rồi bước vào vụ gieo sạ lúa, trồng màu và đón đợi mùa cá đẻ.

Ảnh minh họa

Các phum, sóc bắt đầu có tiếng trống. Tiếng trống gọi trai gái ra bãi cỏ để ôn lại những điệu múa. Tiếng trống gọi các em nhỏ ùa ra sông. Người già xem lại các bồ thóc giống. Các bà, các chị xếp lại những tấm sà rông đủ màu sắc cho ngày hội... Mùa xuân trên đất nước Chùa Tháp bắt đầu từ tháng ba...

Sau hơn một tháng tiến vào Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt, đêm nay chúng tôi trụ lại ở một rừng chuối. Không có cây để mắc võng, lấy lá chuối khô làm đệm, trải chiếc võng dù lên trên và lăn ra ngủ. Nằm bên tôi là Vũ Tập mới từ Bắc vào bỗng giật mình và cấu vào vai tôi:
- Anh ơi, mưa đến nơi rồi!
Tôi mở mắt. Bầu trời sa sầm, mọng nước, như đang sắp đổ xuống hàng núi nước. Cánh lính trẻ lục sục lấy tăng ra che, tôi bật cười:
- Mưa làm sao được! Phải non tháng nữa mới có mưa. Ngủ tiếp đi mấy ông lính tò te!
Không hiểu mấy chú tân binh này có ngủ được nữa không, còn cánh cựu binh ngủ lại rất nhanh, mặc cho trời đất vần vũ với những tiếng sấm ngắn và đục.

Buổi sớm ở đây đến rất nhanh. Mới năm sáu giờ sáng, mặt trời đã vượt qua rừng thốt nốt thưa thớt. Khô và nóng bức. Chuẩn bị bước vào mùa mưa, sự trở dạ ấy làm cánh lính trẻ thích thú. Nhưng điều thích thú và lạ lẫm hơn là chúng tôi đang nằm gần Thị trấn Sa - Lông (Cha Lon) nhỏ nép mình vào rừng xanh, bên dòng Mê Kông ăm ắp nước. Đứng trên đồi bạt ngàn chuối, Sa Lông thật là đẹp. Một vài mái chùa uốn cong như làn sóng nhấp nhô xen nấp trong những vườn xoài, dừa, thốt nốt và cây trái sum suê. Những mái nhà sàn nhỏ nhắn lợp lá dừa, lá thốt nốt hoặc lá trung quân được cài từng chiếc lá khô thành những chiếc phên nhỏ, xen bên những mái ngói bạc thếch với thời gian...

Đơn vị chúng tôi cùng với một đại đội của bạn được lệnh trụ lại cái thị trấn bên sông Mê Kông, nhằm bảo vệ Đoàn an dưỡng thương bệnh binh của Quân Giải phóng Đông Nam bộ. Những thương bệnh binh về đây được khám tuyển lại. Đây cũng là nơi phân loại cuối cùng, ai khỏe trở lại chiến trường, yếu vừa thì biên chế vào các đơn vị hậu cần, mất khả năng chiến đấu thì hành quân ra Bắc. Hầu như buổi chiều nào cũng vậy, tôi, Vũ Tập và Đại đội trưởng Hên Chan Xi (chúng tôi đều gọi anh là Hên cho nó thân mật) ra bờ sông. Chúng tôi ra bến cá chọn mua thực phẩm cho đơn vị và ngắm nhìn dòng sông xanh biếc lấp lóa trong ánh trời chiều. Đấy là lúc bến cá nhộn nhịp nhất, nhiều tiếng nói cười nhất và sặc sỡ váy áo của những thiếu nữ Miên, Việt kiều, Hoa kiều, nghe nói có cả người Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện...

Hên hăm tám tuổi, còn rất trẻ, nhưng nắng gió và chiến tranh làm nước da anh ngăm đen và gân guốc. Anh vừa mới học xong Trường Sĩ quan lục quân ở Việt Nam về, nói với chúng tôi bằng tiếng Việt khá sõi:
- Có thể hiểu, Sa Lông như một vùng đất thu gọn của vùng Đông Nam Á. Cứ nhìn áo quần hay sà rông thì biết ngay họ từ quốc gia nào. Nhiều dân tộc vậy mà ai cũng sống thân thiện, lịch sự, giữ nguyên bản sắc và lễ phép!

Chúng tôi nhận ra cái bình đẳng ấy bắt đầu từ lời chào chân thành. Đêm ấy trời không trăng, những ngôi sao xanh chi chít trên bầu trời xám đục, chúng tôi ngồi bên dòng Mê Kông, ngắm nhìn thị trấn trong đêm. Ngoài bến cá nhấp nhoáng những ánh lửa. Bỗng phía cuối bến cá có tiếng trẻ thét lên đau đớn cùng tiếng người lớn thất thanh gọi nhau. Chúng tôi lao về phía có tiếng gọi kêu cứu. Chao ơi, một thằng bé gày gò đang bị kẹp giữa hai mạn thuyền. Vũ Tập vội bế cháu bé đến quân y của tiểu đoàn. May mà cậu bé chỉ bị rạn xương ống. Chúng tôi đề nghị Hên để em bé ở lại dưỡng thương cho thật lành, nhưng cháu bé không chịu. Hên dịch rằng, em tên là Phiêu Sam Choai, sau ngày ấy chúng tôi gọi là Chai, cha chết thê thảm trong trận càn năm 1970 của Mỹ và Ngụy Sài Gòn, ở nhà chỉ còn mẹ và đứa em gái sáu tuổi. Em không muốn để mẹ và em ở nhà một mình. Từ bữa ấy, chúng tôi có thêm một bạn nhỏ mới. Chúng tôi thường gặp Chai ở bến cá cuối mỗi buổi chiều.

*
*       *

Đơn vị tôi được lệnh đến Sóc Tac Tum giúp bà con Miên dựng lại nhà sau cuộc tàn sát của Mỹ và Ngụy trong cuộc hành quân tìm diệt mang tên Chenla 2 đẫm máu. Sóc Tác Tum tan hoang vẫn còn khét mùi lửa. Nhiều vườn soài, khế, chua me đất bị xé tướp. Đặc biệt những vườn thốt nốt nối dài thành rừng, thân dừa, lá cọ, ôm gọn từng chùm quả mà người dân nơi đây dùng các ống lồ ô lấy nước cô lại thành đường và là nguyên liệu cho cho những vò rượu say mềm trong các bữa nhậu, bị đạn pháo  phạt ngang hay xé ra, nhựa còn ri rỉ, qua ánh nắng đỏ như máu. Bà con đã trốn chạy nhưng vẫn có hàng chục trẻ em, phụ nữ, người già vẫn chết thê thảm.

Chai đón chúng tôi ở đầu sóc. Em ôm chặt Hên và Vũ Tập và kéo về nhà. Gọi là nhà cho sang thôi, chứ nó chỉ là một cái lều bằng lá dừa và thốt nốt khô, y như cái chòi vó bè ngoài Bắc. Mẹ Chai khoảng ngoài ba chục tuổi gày đen, khuôn mặt nhỏ quắt lại, chỉ còn mỗi đôi mắt đen láy là giữ lại một thời con gái của mình. Hên dịch lại rằng, không có Giải phóng thì chưa biết lúc nào có được cái nhà nhỏ mà đẹp như hôm nay để tránh mùa mưa đang đến gần. Bà con trong và sóc cũng đến đông, hỗ trợ chục phên lá dừa, dăm ba ống gạo, vài rổ rau, dăm lọ mắm bò hooc...Ai cũng nói, các anh Giải phóng Việt Nam tốt quá. Đuổi bọn Lon Non, Pôn Pốt, cứu cho Sa Lông và cả dân tộc Miên, đánh cái máy bay A Mê (Mỹ), lại dựng nhà cho bà con trong phum, trong sóc...

Từ ngày ấy, Tac Tum như quê hương thứ hai của chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi được mời đón Tết Chôn Chơ Nam Thơ Mây ngay trong sóc. Chúng tôi múa hát, uống rượu thốt nốt và ăn cá nướng đặt trên lá chuối. Lửa lại bập bùng. Trống, thanh la, đàn ống vang lên như không bao giờ tắt. Vườn cây như xanh hơn. Ánh nắng dịu hơn. Nụ cười cũng rạng rỡ hơn...

Đêm đã khuya lắm rồi mà chẳng ai muốn về nghỉ. Lại quây quần nhìn nhau, cười đấy mà chẳng hiểu lòng. Lại uống rượu thốt nốt với cá khô và học tiếng của nhau. Hên có việc phải vội về, thành thử chúng tôi tự học lẫn nhau.
- Việt Nam thơ mếch? (Tiếng Việt nghĩa là đây là cái gì)
Một chị chỉ vào cây xoài. Vũ Tập nói to:
- Việt Nam... xoài tượng!
Lại cười. Tôi bỏ mấy hạt gạo vào lòng bàn tay:
- Miên thơ mếch?
- Co!
Một chị bế đứa nhỏ lên, chỉ vào tóc:
- Việt Nam thơ mếch?
- Tóc!
-  Việt Nam thơ mếch?
- Tay, chân!
 Đến khi chị tỉnh bơ, chỉ tay vào “chim” đứa bé:
- Việt Nam thơ mếch?
Vũ Tập cười:
- Việt Nam ót miên! (không có)
Các cô gái đỏ mặt tía tai và lăn ra cười...

*
*      *

Trong một trận chiến đấu ác liệt, tôi bị thương nặng và không ngờ lại về K160 trên bờ sông Mê Kông, bên Thị trấn Sa Lông rợp bóng cây ăn quả. Hơn một tháng sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, những thương bệnh binh chúng tôi được chuyển về Sài Gòn chữa trị tiếp và phân loại. Bên kia biên giới, dân Campuchia bắt đầu bước vào cuộc thảm sát mà không hề có tiếng súng. Và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của Tổ quốc bắt đầu. Bọn Pôn Pốt mở cuộc chiến tranh suốt một dải biên giới và tràn sâu vào đất nước ta, gây đau thương cho nhân dân An Giang, Tây Ninh, Bình Phước... Đồng đội tôi lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, ác liệt và đẫm máu.

Gần một năm nằm dưỡng thương, đang chuẩn bị làm thủ tục xuất ngũ thì Vũ Tập đột ngột đến thăm tôi. Anh ôm chặt lấy tôi, cười đấy, nói đấy nhưng cặp mắt kia sao u buồn và hai dòng nước mắt cứ tuôn chảy. Tôi hiểu. Cuộc gặp gỡ sau chiến tranh bao giờ cũng hiếm hoi và xúc động, chỉ có nước mắt mới khoả lấp được tâm trạng của người lính chiến. Vậy sao anh lại có tâm trạng buồn vui lẫn lộn? Hỏi mãi, anh mới kéo ống quần lên. Một vết thương lớn cướp đi cả bắp chân trái. Tôi cười và nói rằng, suốt cả chục năm trời lăn lộn trên chiến trường, vết thương nhỏ này mùi mẫn gì. Thế là may rồi, phúc đức rồi. Anh nhìn tôi:
- Suốt hơn chục năm chiến đấu, bom đạn bọn Mỹ Ngụy đều tránh tôi. Thế mà chiến tranh biên giới tôi lại dính. Mà anh có biết ai bắn tôi không? Chúng ta là ân nhân của nó đấy. Thằng Chai!
- Thằng Chai ở Sa Lon?
- Nó đấy!
- Anh không tin, phải không? Một trăm phần trăm là viên đạn từ nòng súng AK của nó. Bởi đúng thời khắc ấy, tôi phát hiện có một nòng súng từ trong cái công sự nông choẹt giương lên, tôi hô anh em chú ý, tức thì băng đạn xối xả bắn về phía chúng tôi. Cậu Thông tức thì nổ súng. Tên địch gục xuống. Anh em lao lên và bắt được nó trong lúc đang quằn quại bên công sự. Khi tôi tỉnh dậy, trước mặt tôi là tên tù binh oắt con, gày nheo và đen nhẻm, nhưng nét mắt thì quánh lại, già nua đến cả chục tuổi. Nhìn thấy nó mà tâm can tôi cuộn đau và tức giận. Một tên lính Pôn pốt tý nhau. Cũng chiếc bao se trước ngực chứa năm băng AK. Cũng quần áo Tô Châu xanh màu lá. Cũng đôi dép đúc cao su đen nháy... Khi y tá đơn vị băng vết thương trên đầu cho nó bỗng hai mắt nó mở to và thét lên, hai tia máu trong đôi mắt thơ dại đỏ sọc và có vẻ rất căm phẫn. Nó nhìn nhanh trên chân trái băng kín của tôi như khiêu khích. Nó mắm chặt đôi môi nhợt nhạt và nói bằng tiếng Việt khá sõi:
- Bắn chết tao đi!

Cái tiếng non choẹt và nhâng nháo ấy làm tôi suýt nữa không giữ được bình tĩnh. Nó đã bắn trúng tôi còn bây giờ là một tù binh dễ sợ. Tôi  nhoài người túm lấy cái cổ dài, khẳng khiu và định tát mạnh vào cái bộ mặt ấy, nhưng không hiểu sao tôi thả tay ra và nhìn nó. Hình như nó là thằng Chai, mà đúng là thằng Chai thật rồi! Cái sẹo dài khi nó bị kẹp vào hai mũi thuyền trên bến cá ở bên cái thị trấn nhỏ xinh và rợp bóng cây ăn quả. Thật là chua chát. Và trước cặp mắt bốc lửa của tôi, hình như nó cũng đang dần nhận ra người đã cứu nó thoát chết hai năm về trước. Nó cụp mắt và cúi xuống rồi bỗng rú lên cái âm thanh như tiếng hú gọi bầy đàn vượn trong khu rừng bị cháy bởi bom napan của Mỹ. Hình như nó đang gọi mẹ nó, gọi tên em gái nó.

Sau khi vết thương tạm ổn định, tôi tập tễnh với chiếc nạng tre dã chiến đến khu lán giam giữ tù binh. Nhìn thấy tôi, nó gục mặt khóc. Mãi sau khi nghe tôi quát: “Chai, Phiêu Sam Choai, ngẩng đầu lên!”, hình như đôi mắt non thơ của nó dại đi một cách đau đớn. Nó đã nhận ra tôi, nhận ra người từng cứu nó, từng cưu mang gia đình nó. Mấy năm rồi mà nó chẳng lớn lên là bao. Đôi mắt hõm sâu và đục thêm. Nước da màu tro bếp săn lại. Chỉ còn cái miệng tuy lợt lạt vẫn giữ nguyên cái tuổi niên thiếu của nó...
- Vì sao đi lính?
Tôi khẽ hỏi và nhìn nó không chớp mắt. Nó cúi xuống lắp bắp:
- Dạ. Cháu bị bắt làm quân giải phóng!

Tôi chua chát khi nghe đến ba chữ quân giải phóng mà cổ tắc ngứ lại. Nó kể rằng, cái thị trấn xinh đẹp bên dòng Mê Kông và các phum sóc, hàng loạt mạng người gục chết bởi cán cuốc, búa đinh, lao phóng cá, gậy gộc, báng súng và cả tiếng súng nhặt khoan từng tiếng một của bọn tự xưng là Angca. Gia đình nó cũng chịu số mệnh ấy. Mẹ và em gái nó bị đẩy đi cải tạo một nơi mà đến bây giờ cũng bặt vô âm tín. Nó bị đẩy vào đội chăn bò. Bò cũng bị giết để khao quân, cả bọn trẻ thơ bị đẩy vào lính, làm những chú tiểu hồng binh để đến bây giờ đang nằm trong trại tạm giam của ta...

*
*      *

Cách đây đúng sáu ngày, nhận được thư của Tập gửi từ Campuchia về giữa lúc tôi đang hồi tưởng và suy ngẫm về bạn bè một thời máu lửa. Thư không kể về súng đạn, sức khỏe và tâm tư người xa xứ. Lá thư chỉ là một thông báo vui vẻ. Một đoạn trong lá thư nhỏ mà cho đến bây giờ và có thể mãi mãi tôi không thể quên. Xin phép Vũ Tập, tôi chép nguyên văn đoạn thư đáng nhớ ấy:
“...Anh có biết không, tháng trước (thư đề ngày 12-2-1985), em có gặp thằng Chai, bây giờ có thể gọi là đồng chí Phiêu Sam Choai. Hiện cậu ta đang là một đại đội trưởng có trách nhiệm của quân đội nước bạn. Thấy em, cậu ta hét lên vui sướng: “Chú Vũ Tập!” và gục vào vai em mà nức nở khóc như cái hồi chúng ta cứu sống nó, cưu mang gia đình nó và như đứa trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình. Không hiểu sao em cũng không cầm được nước mắt, anh ạ. Em hiểu. Cũng như hàng triệu người dân Campuchia được hồi sinh, thằng Chai của chúng ta đã nhận ra ai là kẻ thù và ai là bạn của dân tộc nó, đất nước nó và của chính gia đình nó...!”

Truyện ngắn của: Thiếu Văn Sơn
 (Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày