Thứ 7, 23/11/2024, 09:20[GMT+7]

Chuyện nhỏ ngày xuân

Thứ 3, 14/01/2014 | 08:35:59
1,361 lượt xem

Ảnh minh họa

Thắp xong nén nhang lên bàn thờ, khấn vái tổ tiên, ông Tơ nhìn ra lối ngõ, nơi những lá cờ đỏ sao vàng được ông treo lên, chào đón mùa xuân mới.

Mờ sáng. Cái lạnh thấm trong giọt mưa li ti như rây bụi. “Lại một mùa xuân đến. Nhanh quá. Thời gian như tên bay, ngựa chạy, mới đó, đã qua đi, hơn nửa thế kỷ đời người. Ai bảo, thời gian không sắc màu, mùi vị?... Với ông, ký ức về một quãng mờ xa thường hiện về sâu đậm vào những ngày xuân đến, nó giống như thước phim với đủ bóng hình, âm sắc, luôn bùng lên dù một động chạm nhỏ.

Ngày ấy, chiều giáp Tết, bên dốc Vọng, một ông già đang chậm rãi đặt từng bước trên đoạn đường vắng. Bỗng ông giật mình, sợ. “Trời. Cậu bé nào quằn quại bên đường? Cậu đói lả. Chừng còn bị đau từng cơn dữ nữa. Cậu là ai? Quần áo rách bươm, từ đâu dạt tới đất này? Mà Tết nhất đến nơi rồi. Thật tội..     

Ông già vội bế cậu bé vào nhà, dùng dầu xoa khắp người. Khi được bón lưng cháo hành nóng, cậu bé dần tỉnh. Bấy giờ, ông già mới dò hỏi. Cậu bé lễ phép đáp:
- Thưa ông. Cháu tên Tơ. Năm nay tám tuổi ạ.
- Tám tuổi? Sao đẹn vậy. Quê cháu ở đâu ?
- Dạ. Cháu quê Láng Cáp… ạ !
Ông già chợt giật mình :
-  Láng Cáp ư ? Láng Cáp nào cơ chứ?
-  Dạ. Cháu chỉ nhớ vậy. Nhà đông em. Đói. Hơn ba tuổi, bố mẹ cháu phải đem cho ông bà chài lưới làm con. Tháng trước, tàu giặc về đầy sông, càn dữ. “Ông bà chài” trúng đạn. Mình cháu bơ vơ, lang bạt đến khắp vùng…
- Tội nghiệp vậy ? - Ông già hỏi vặn: “Ở Láng Cáp, cháu có nghe nói cụ Pháp Chiểu nào không?
Cậu bé vẻ nghĩ, nói như reo :
-  Ôi. Có. Cháu có nhớ. Ông biết cụ Pháp Chiểu ư ? Có phải, cụ Chiểu, ông ngoại cháu ngày xưa không ạ?
Ông già im lặng. Thi thoảng ông ngước nhìn Tơ rất kỹ rồi vội lảng đi.  
Câu chuyện chiều giáp Tết ông già gặp Tơ bên đường chỉ có vậy. Mấy ngày, vào xuân mới, cậu bé Tơ được ông già lưu lại trong nhà, cậu “liều mạng,” năn nỉ cụ.
- Ông ơi. Cháu chẳng biết đi đâu. Ông cho cháu ở đây với ông, được không. Cháu hứa sẽ làm tốt mọi việc.
 Ông già nhìn Tơ, không tỏ thái độ gì. Ông xoa đầu cậu, hỏi:
- Cháu không muốn về quê sao ?
- Thưa không. Cháu chả biết quê mình ở đâu. Với lại, bố mẹ nghèo, đã bỏ cháu. Cháu chịu khổ quen rồi. Ông thương cháu nhé.

Ông già không nói. Một chấn động nào đó bỗng làm ông choáng váng. Có phải Tơ, con trai mẹ Chỉ đẻ ra không? Nó là con mẹ Chỉ, bố Tá, cháu ngoại cụ Pháp Chiểu Láng Cáp đó à? Nom Tơ chẳng khác nào cái bóng được in từ dáng hình mẹ nó. Ông trời “cao xanh”ơi. Tơ bé bỏng, đáng thương kia ơi. Nếu thật sự câu chuyện là vậy? Thì, chỉ có “ông trời” tự đặt bày, tự khoác lên chúng sinh kiếp đời mỗi chúng ta đi trên cõi đời này những khổ đau, buồn vui, những cảnh ngộ lạ kỳ là thế. Riêng hạt bụi là ta, là đứa trẻ này, ai biết được thân phận “con ong, cái kiến” là gì ? Ai biết được sự tình, bốn mươi năm về trước ?      

Ngày ấy, vào những năm 1930, ông Giang, tên ông già có ngôi nhà bên Dốc Vọng. Vốn côi cút, ông Giang bỏ quê ra vùng than đào mỏ. Những năm giặc dã, vợ mất dọc đường tản cư.  Cảnh nghèo, “gà trống nuôi con.” Không lối thoát, một buổi, ông Giang phải ôm đứa con vừa đầy hai tháng tuổi tìm đường về quê, hy vọng kiếm được người nuôi giúp .

Chuyến “bồng bế lên đường” của cha con ông Giang diễn ra thật cám cảnh. Vai khoác ba lô, một tay ẵm con thơ, một tay lỉnh kỉnh đồ đạc. Ông Giang bế con xuống tàu đi qua bến phà Rừng.

Sau một ngày, tàu cập bến. Ông Giang vội bồng con, nhằm lối mòn cuốc bộ. Đang lếch thếch kéo từng bước. Bỗng hai người, dường như cặp vợ chồng đang tiến lại, vẻ ân cần. Người chồng đưa tay vỗ nhẹ lên vai đứa trẻ, hỏi.
- Sao bé khóc dữ vậy ?
- Dạ… Ông Giang không biết nói câu gì. Người đó lại hỏi.
- Anh là cha đứa bé này ư ?
- Dạ …
- Sao đi một mình ? Mẹ cháu bé đâu chứ ?
Nhìn đôi vợ chồng người lạ mặt đem lời sởi lởi. Dáng hiền lành, tốt bụng. Sau lời qua lại, biết vợ chồng người đồng hương này là Pháp Chiểu, cách quê mình vài ba cây số, ông Giang không ngần ngại kể hết sự tình, chuyện đau buồn về gia cảnh đời ông.

Không ngờ, cuộc hội ngộ giữa đường của cha con ông Giang và vợ chồng Pháp Chiểu trở nên thân thiết. Rồi, bà vợ Pháp Chiểu bộc bạch: “Nếu được, sẽ mang cháu bé về nuôi. Xin bé được làm con, làm cái  sau này.”
Giây phút bần thần, đến nước này, ông Giang không còn phương cách cứu vãn. Ông vừa khóc, vừa lấy bút viết dòng “văn tự” rồi trao đứa con cho vợ chồng Pháp Chiểu.
Bên vệ đường, một chiều buồn, khi vuông khăn gói đứa con bé bỏng vừa rời khỏi tay mình, ông Giang khóc rống lên. Ông đứng như cái cây héo rũ mà ai vừa trồng xuống. Giọng ông nhòa đi, đứt đoạn. “Ới, ông trời ơi. Ới con gái ơi. Ới, bé bỏng, tội nghiệp của bố ơi. Hãy tha thứ cho bố. Hãy cầu nguyện sự tốt lành cho giọt máu tội tình, mong manh trong kiếp người phù vân bèo bọt. Hãy đội ơn ông bà Pháp Chiểu, trên đời…

Suốt những năm sau này, biết mình mang tội, không nuôi nổi dòng máu sinh thành. Dù nhớ thương, nhưng để tránh sự phiền lòng cho ông bà Pháp Chiểu, ông Giang luôn nén lòng, né mặt. Nhưng ở nơi xa khuất, ông biết. Con gái ông đã nên người, đã yên bề trong niềm vui gia thất...            
Tại căn nhà bên dốc Vọng, ba năm trời từ buổi được người ông cưu mang. Ông Giang cho bé Tơ sống chung trong một mái nhà. Ông hợp tính cháu. Cháu lam làm, chịu khó. Trong mê cung câu chuyện của một già, một trẻ, một buổi, câu chuyện dài dặc, khó nói kia đã được ông kể hết ngọn ngành với Tơ, đứa cháu bé thân yêu, bất hạnh của mình. Để rồi, hai ông cháu bỗng ôm nhau  khóc như mưa như gió. Để rồi, người ông phải gắt lên trước câu hỏi ngây dại. Rằng, “Ngốc nghếch ơi. Tơ bé bỏng của ông ơi. Ta chính là ông ngoại của cháu đây. Ta là bố đẻ ra cái Chỉ, con mẹ yêu thương nhất trên đời của thằng bé trai này. Ta là bố của đứa bé mới hai tháng tuổi đã phải cho đi, làm con nuôi ông bà Pháp Chiểu. Trời ơi. Tất cả là ở ông trời. Ông trời bắt ông chịu lìa tan. Ông trời bắt ông mất vợ, mất con. Ông trời lại mang cháu về tận nơi này cho ông cháu ta có ngày hôm nay, buổi đoàn viên đẫm lệ…”
Ông già nói chưa hết câu, Tơ đã khóc nấc lên, ghì chặt cổ ông, kéo áo ông. Tơ ôm lấy cột nhà khóc như chưa bao giờ được khóc. Ông già ôm lấy Tơ. Ông kéo cháu vào lòng. Hai ông cháu vùi đầu vào vai áo nhau. Những giọt lệ rơi đầm đìa trong đêm khuya vắng lặng.
Bên dốc Vọng, ở với ông suốt bốn năm trời, bé Tơ còn chứng kiến một ngày thật cảm động. Đấy là, sau “mẩu tin” của nhóm người bỏ làng tản cư, bố mẹ đẻ đã tìm được Tơ, vào một chiều trên đường chạy giặc. Buổi ấy, dưới mái nhà thấp tè bên dốc Vọng, trước ngọn đèn vặn to đủ nhìn rõ mặt người. Bà Chỉ nhận được người cha đẻ của mình. Còn ông Giang, ông ngoại của bé Tơ cứ vật mình xuống đất kêu trời. Ông than vãn, khi mê, khi tỉnh. Rằng, “Ối. Trời cao đất dầy ơi. Ối, cái Chỉ. Đứa con đẻ đứt ruột của ông kia ơi! Đứa con gái hai tháng tuổi, ngày nào còn đỏ hỏn, ông gói trong chiếc khăn vuông, bế từ đất mỏ tìm về bến Phà Rừng. Ông đau lòng, vì đói nghèo, vì chiến tranh bom đạn, ông đã phải đem cho người khác. Ôi. Trời đất. Thoắt mà, ba tám năm có lẻ. Thoắt mà đã sắp qua đi mấy mươi năm chìm nổi kiếp người …     

Dường như, đã chờ đợi và biết trước, rồi sẽ có ngày này, ông già bình tĩnh hơn. Ông nói trong nghẹn ngào, đứt đoạn :
-  Các con ơi. Chỉ ơi. Con gái tội nghiệp của bố ơi. Hãy tha thứ cho bố. Gần bốn chục năm qua, bố đã mất con. Bố đã không làm nổi phận sự của người cha sinh thành, bú mớm, nuôi con khôn lớn lên người. Phúc giời. Con được làm con, làm cái ông bà Pháp Chiểu. Ba mươi tám năm. Chiến tranh, đói nghèo, cơ cực. Cha tội tình. Lầm lỗi. Cha không xứng là người được nắm cầm niềm vui hôm nay mà ông trời còn rủ lòng thương, giành tặng …
Ông già chưa dứt lời than thân trách phận, bà Chỉ, cô con gái ông già đã mừng mừng, tủi tủi, ôm lấy người bố, kêu khóc. Rồi bố Tơ, cả Tơ nữa, ai nấy, nước mắt đầm đìa trong ngày vui đoàn tụ.
Giống như nghìn ngày đi trong đêm tối, bỗng trước mặt mở ra khoang trời nắng hồng rực rỡ. Đêm ấy, cả nhà Tơ không ai ngủ được. Mọi người thức tới tận khuya. Lần đầu tiên trong đời, ngoại sáu mươi năm lẻ loi, có mặt trên dương thế, hôm nay, người bố già này mới một lần được ngồi ngắm các con, các cháu của mình. Một lời gọi cha, gọi ông. Một bữa cơm quây quần, ấm cúng. Một gian nhà chật ních niềm hân hoan sau bao ngày hợp tan, ly biệt.

Ông Tá, bố Tơ kể lể sự tình, cúi lạy bốn phương trời đất, xin ông ngoại cho Tơ về ở cùng bố mẹ.
Vắng Tơ, ông Giang lại trở về bóng dáng côi cút của ông già bên dốc Vọng. Một chiều, đang buồn, ông Giang bất ngờ, nhìn bà Chỉ, cô con gái của mình xuất hiện ngay trước hiên nhà. Bà Chỉ gọi như reo:
- Bố ơi. Bố thu xếp về ngay Láng Cáp với con.
- Ô. Con gái. Về Láng Cáp ư? Không sợ ông bà Chiểu chạnh buồn, hả con.
-  Không. Về với nghĩa tri ân, bố ạ. Cụ Pháp ốm nặng, sắp qua đời rồi mà…
- Vậy à? Trời ơi. Xót thương… Người nhân nghĩa…
Ông Giang vẻ luống cuống, khoác chiếc “tay nải” lên vai. Hai bố con nhằm lối mòn, cuốc bộ.

Buổi ấy, còn khoảng ba ngày nữa là tết đến trên đất làng kháng chiến. Bà Chỉ dẫn bố đẻ về tới nhà cụ Pháp. Quăng vội chiếc tay nải xuống bàn, ông Giang ngồi phục xuống bên giường ôm lấy tấm thân khô đét của cụ Pháp. Ông Giang nói trong tiếng nấc. Ông kể lể sự tình, buổi ẵm con dọc đường gặp ông bà, thời đầu xanh tuổi trẻ. Tiếng nói ân nghĩa ở đời. Tiếng nói vĩnh biệt người sắp ra đi về cùng tiên tổ.
Đang lau dòng nước mắt, ông Giang ngước lên nhìn gương mặt một người lính đang ôm chặt vai mình. Ông ngỡ ngàng trong tiếng gọi.
- Ông ơi. Ông ngoại của con ơi. Ông nhận ra con chứ?
- Cha đẻ anh. Thằng Tơ bé bỏng, lạ gì. Nhưng này. Oách vậy. Cháu ông thành anh lính vệ quốc rồi ư ?
- Thưa vâng. Con thành lính cụ Hồ rồi. Lính mới “tò te” ông ạ. Huyện đội mới nhận, cho con vào “bộ đội địa phương,” chi viện cho trận đánh Đông Xuân này. Mai mốt con sẽ được giao súng. Chúng con sẽ tham gia giết giặc khắp đồng bằng châu thổ. May quá. Ông về. Con lại được ông tiễn “con  ra trận.”

Ông Giang nắm chặt bàn tay cháu. Đêm ấy, giáp tết. Trời rét đậm. Huyện đội về đình Láng Cáp mở cuộc mít tinh mừng xuân, cổ vũ tinh thần toàn dân kháng chiến. Ông già theo Tơ, bập bõm bước trên đường làng gập ghềnh sống trâu. Ông nhìn không mỏi mắt, những dòng người, những cờ sao, băng biển, khẩu hiệu. Những tiếng hô vang “Thề một lòng giết giặc, cứu nước, cứu nhà…”
Thoắt, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Bây giờ, bên dốc Vọng, chuyện cậu bé dạt về đây thuở nào đã lùi về xa ngái. Nhưng, dân Dốc Vọng ai cũng biết và kể về chuyện này khi họ gặp ông già, đầu bạc trắng, nước da đỏ hồng, cặp môi rộng và đôi mắt rất sáng. Bởi, năm nào cũng vậy, từ những ngày giáp Tết, ông già vận quân phục, huân chương đeo lấp lánh vồng ngực. Ông mang cờ đỏ sao vàng treo la liệt dọc bên đường dốc Vọng. Ông bảo. “Ông mừng đón mùa xuân. Mừng cuộc đổi thay thật lớn lao của đất nước với cuộc đời ông trong đó.”
Vâng. Ông, chính là Tơ. Một cựu chiến binh. Một ông lão, tuổi đã chừng “xưa nay hiếm”…

Truyện ngắn của  Kim Chuông
(Hồng Bàng – Hải Phòng)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày