Lặng thầm vợ lính
Tết về, gia đình nhà lính lại ao ước một bữa cơm tất niên. Đâu cũng thế. Biên giới tây nam xa xôi là bộ đội chủ lực đã đành, nay về công tác ở cơ quan quân sự địa phương vẫn ít khi thỏa được cái ao ước chính đáng ấy của vợ con. Vợ anh bảo: “Bộ đội chán chết đi được, cứ tưởng được ở gần nhà thì có điều kiện chăm sóc gia đình, ai ngờ...”. Nói vậy nhưng nhìn mắt nàng vẫn chan chứa tình cảm, sao thấy thương thương lạ! Chỉ biết động viên: Mình còn sướng chán đấy, đồng đội của anh ở biên giới hải đảo một, hai năm mới được về thì sao... Nghe nói vậy nàng lại cười cười có pha đôi chút cảm thông. Rồi nàng tâm sự về những người bạn giáo viên có chồng bộ đội đang công tác ở cụm đảo Đông bắc, ở Tây nguyên hay mang quân hàm xanh tận Lai Châu xa xôi với bao lo toan, khó khăn thiếu thốn bộn bề.
Mỗi lần nghe tiếng xe máy của bố, từ xa cô con gái đang học “năm cuối” mẫu giáo đã chạy sấp chạy ngửa ra ngõ reo to “A mẹ ơi, bố về! bố về!”. Tuần được về thăm nhà một vài lần, thành ra con gái quý bố hơn mẹ, cứ đòi được bố ôm, ngủ, đi chơi cùng bố, theo bố khi bố làm bất cứ việc gì khiến mẹ đôi lúc phát ghen. Vắng bố, ở nhà mẹ nhiều việc bận bịu, hay cáu gắt, la mắng. Bố thi thoảng mới về nên nâng niu, chiều chuộng. Chắc vì thế mà con gái có phần yêu quý bố hơn.
Thường khi về nhà, anh hay kiểm tra xem hệ thống điện, nước có vấn đề gì không, bếp ga có an toàn không, hỏi nàng xem việc cư xử với gia đình hai bên nội ngoại, bà con xóm ngõ thế nào... Nhiều lúc, anh hay gắt lên vì việc cư xử với hàng xóm láng giềng của vợ chưa được khéo léo. Sắp xếp, vệ sinh nhà cửa chưa gọn gàng, sạch sẽ. Lúc ấy nàng lại phàn nàn ở nhà nhiều việc, hết đối nội, đối ngoại, tang ma, cưới hỏi, tân gia, thôi nôi, đầy tháng... thời gian đâu mà mọi việc đều tròn trịa được.
Lên cơ quan, ngẫm nghĩ thấy thương vợ lo toan vất vả mọi đằng mà mình thì không giúp gì nhiều được. Tội nhất là khi có bão lụt, ngày lễ tết phải trực sẵn sàng chiến đấu. Cơn bão số 8 năm ngoái, vì mất điện nên không theo dõi kịp thời, cứ tưởng bão vào miền Trung, ai ngờ lên cơ quan trực mới tá hỏa khi hay tin bão đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ. Nhà cửa chưa chằng chống, rau cỏ thực phẩm chưa dự trữ, điện thoại mất sóng không liên lạc được... Đêm, bão về nghe tiếng gió rít gào mà bụng như lửa đốt. Bão tan, nhà cửa, cây cối tan hoang, chẳng biết vợ con có việc gì không. Mừng đến phát khóc vợ điện thoại: “Anh ơi, nhà mình không việc gì!”
Năm kia, chiều 30 tết. Sau khi tranh thủ đưa vợ con đi chúc tết hai bên nội ngoại, thắp hương tổ tiên, ăn bữa cơm tất niên xong khi đã xế chiều, anh bảo vợ con: “Hai mẹ con chịu khó nhé, sáng mồng 3 anh về”. Nàng “vâng” rồi chuẩn bị ít đồ cho chồng đi trực tết ở cơ quan, tâm trạng cứ để đâu đâu. Nhân lúc con gái đang mải chơi với đám bóng bay bố mới mua, anh ôm vợ động viên, khi nàng ngẩng đầu nhìn lên, mắt nàng đã đỏ hoe từ lúc nào. Giọng ngàn ngạt, nàng dặn “Anh đi đường cẩn thận nhé, tết xe cộ đông lắm đấy!”. Đang tìm cách an ủi vợ thì con gái đã níu ríu bắt bố bế, rồi nó thơm má bố chùn chụt, đòi đi theo bố lên cơ quan đi “diêu thì” (siêu thị). Mẹ nó tần ngần tiễn bố ra cổng, anh không dám quay lại nhìn, đi thẳng một mạch lên cơ quan... Sáng mồng một điện thoại về nhà, chưa kịp nói gì, đã nghe tiếng con gái bi bô “Bố ơi, bố về với con đi, con nhớ bố nắm...”.
Nàng hay điện thoại cho anh vào lúc sắp đi ngủ khi anh trực cơ quan. Nàng bảo lúc ấy con nó ngủ rồi, đỡ quấy mẹ. Giọng nàng thủ thỉ, lúc đầu anh chỉ nghe vậy thôi, dần dần thấy quen quen, tối nào trực không thấy vợ điện là lại nhớ. Như người ta thì điện về, đằng này anh cứ chờ. Ấy là anh chờ cái cảm giác được vợ quan tâm. Có lần vợ trách vì chả mấy khi anh điện thoại về cho vợ con, anh bảo “đấy là quà của vợ dành cho lính” khiến nàng cười khúc khích ra chiều thích thú lắm.
Trẻ con mong Tết. Người lớn sợ Tết. Cứ nhìn con gái và nàng thì biết ngay. Trước Tết một tháng, nàng đã thúc chồng chuẩn bị “ngân sách” phục vụ Tết, nàng hí húi ghi ghi, chép chép ra chiều quan trọng lắm. Đôi lúc mặt lại đần ra. “Thế này thì chết anh ạ!”- “Sao lại chết được?”- “Âm nặng rồi!” – “Sao lại âm?” – “Em tính sơ sơ mà đã thấy đi tong lương của em và của anh, ra giêng thì làm sao...”. Anh thừa biết là nàng tính toán mua quà đi tết bên nội, bên ngoại, tết lãnh đạo, tết bạn bè... năm nào chả thế. Nét lo toan cứ phảng phất trên khuôn mặt nàng trái hẳn với vẻ phấn chấn của con gái. “Bố ơi, tết bố cho con đi diêu thì, con thích lắm!”. “Mẹ mua áo mới cho con để con sang bà ngại”. Bé tí mà mặc quần áo mới đã thích soi gương, chải đầu, điệu đà ra phết! Chuẩn bị quà đi chúc tết xong, con gái đã ngồi trên xe máy bấm còi bim bim rồi... Lên cơ quan, nói chuyện vui với đồng đội, hóa ra nhà bộ đội nào cũng thế: Người lớn sợ Tết, trẻ con mong Tết!
Trần Văn Nguyên
(Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh