Thứ 3, 18/06/2024, 09:43[GMT+7]

Ấn tượng Tết cổ truyền

Thứ 2, 27/01/2014 | 07:56:52
1,218 lượt xem
Việt Nam – nếu ai đã từng một lần đón năm mới ở nơi đây ắt hẳn sẽ không quên được các cảm giác ấm cúng, thân thương, bầu không khí náo nức, rộn ràng tràn ngập trên từng con đường, góc phố. Cảm xúc ấy đã đến và theo chân tôi trở về nước Mỹ để tôi có thể giới thiệu với bạn bè mình về những ngày Tết cổ truyền mang đậm phong vị Á Đông của người Việt Nam.

Ảnh minh họa

Tôi rất may mắn khi đến thăm một người bạn ở Việt Nam vào đúng dịp Tết nên được cùng gia đình bạn ấy đón một năm mới rất đặc biệt và đầy ý nghĩa. Những ngày đầu năm mới ở Việt Nam hay còn gọi là Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch. Nhưng bầu không khí Tết đã rộn ràng ngay từ ngày 23 âm lịch - một ngày quan trọng mà theo quan niệm của người Việt, đó là thời điểm ông Táo cười cá chép về trời.

Cũng từ hôm đó, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chào đón năm mới. Tôi đặc biệt ấn tượng với một truyền thống rất thú vị của người Việt Nam là tục lệ gói bánh chưng. Bạn tôi kể rằng: “Xã hội phát triển nên ngày nay nhiều người không còn gói bánh nữa mà ra cửa hàng mua cho tiện. Nhưng trước đây, gói bánh chưng là một tập tục không thể thiếu với mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền”. Thật vui khi gia đình bạn tôi là một gia đình rất trân trọng những nét đẹp truyền thống, nên tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng và tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn. Đặc biệt hơn, tôi cùng gia đình bạn ấy đã thức trắng đêm,  ngồi bên bếp lửa bập bùng để luộc bánh. Cầm trên tay chiếc bánh chưng nóng hổi, thơm nồng, tôi bỗng thấy lòng mình bừng lên một niềm vui ấm áp.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, háo hức chờ đón đêm giao thừa cuối cùng cũng đến. Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, báo hiệu khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người chủ gia đình – thường là ông hoặc bố - sẽ thắp nén nhang thơm, tỏ lòng tri ân với tổ tiên và cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng. Ngay sau đó, gia đình sắp một mâm cơm tất niên vô cùng thịnh soạn với những món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò lụa, thịt gà, củ kiệu,... đó thực sự là một bữa cơm ấm cúng, tràn ngập tiếng  cười và chan chứa thương yêu. Ngồi bên mâm cơm đông đúc, rộn ràng, chính lúc này đây tôi mới thấy hết được ý nghĩa của gia đình. Gia đình là những điều gần gũi nhất, thân thuộc nhất và chân thành nhất. Dù có đi đâu về đâu, dù giàu sang hay nghèo khó, dù thành công hay thất bại, gia đình mãi mãi là bến đỗ bình yên để chúng ta trở về.

Sau một năm lao động vất vả, xuôi ngược khắp nơi, ngày Tết là lúc mọi thành viên trong gia đình được sum tụ, tề tựu đông đủ và kể cho nhau nghe những câu chuyện của một năm đã qua. Tết Nguyên đán không chỉ là một nét văn hóa, đó còn là chất keo gắn kết mọi người lại với nhau – một điều mà chắc chắn không tiền bạc nào có thể mua được.

Trần Thị Quỳnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày