Hoa Đào vẫn nở
Tôi về đến đầu làng thì trăng đã lên cao đến ngọn cây đa. Ánh trăng trung tuần của tháng chạp tuy không sáng vằng vặc như trăng mùa thu nhưng cũng đủ để tôi nhận ra mọi vật xung quanh mình. Gió từ ngoài biển tràn tới làm tán lá đa xào xạc. Ánh trăng lọt xuống kẽ lá lay động mặt đất làm mặt đất loang lổ những vệt tối sáng. Tôi nhìn ra phía đầm cá mới đào, bóng hai người một lớn một nhỏ di chuyển như một vệt mờ trong hơi sương. Ðứa nhỏ cầm đèn pin cho mẹ lúi húi làm một việc gì đó, hình như là cho cá dưới ao ăn. Tiếng chim ăn đêm lạc đàn gọi bạn trên tầng không. Tiếng kêu khắc khoải, cồn cào một nỗi nhớ xa xăm của kí ức. Nỗi nhớ da diết ấy chưa được gọi tên. Tôi sững người, cảnh này tôi đã bắt gặp ở đâu đó. Rất đỗi xa, rất lâu lắm rồi…
Nhà tôi ngay đầu làng, cạnh cửa sông Gú đổ ra biển. Làng tôi nằm cuối cùng của sông nên cánh đồng làng tôi khá trũng rất nhiều tôm cá. Dân làng tôi vừa đi biển vừa làm đồng. Nhà chỉ còn hai bố con sống trên doi đất phù sa mới bồi. Chị Mây con bác Ðàm xóm trên hay xuống nhà tôi chơi, chả là bố tôi và bác là bạn. Chị hơn tôi ba tuổi, tôi coi chị như chị gái của mình. Nửa buổi học trên lớp còn nửa buổi ở nhà chị thường rủ tôi đi bắt cua, bắt cá. Cua cá bắt được bao nhiêu đem ra chợ chiều bán. Bác Ðàm có ba người con thì chỉ có mình chị là lớn không bị nhiễm chất độc màu da cam từ bác Ðàm. Bác là lính Trường Sơn năm xưa, khi xuất ngũ về nhà lấy bác gái muộn, lại gần chục năm thuốc thang mới sinh con được. Khi sinh được chị rồi lại sinh thêm hai năm liền hai đứa nữa.
Ngày còn nhỏ, quãng mười ba, mười bốn gì đó, tôi theo chị như con rái cá trên đồng. Chỗ nông sâu của từng con kênh trên khắp các cánh đồng tôi đều biết hết. Cứ theo chị đi thì hôm đó tôi cũng đeo giỏ lệch bên hông về nhà. Suốt cả mùa hè lặn lội với bùn đất, da đen nhẻm, tóc khét nắng thế nào các khoản đóng góp và sách vở chuẩn bị cho năm học mới tôi không phải xin tiền bố. Tôi cứ theo chị hì hụi bắt cua, đến khi nào mặt trời vượt khỏi cây sào thì tôi lên bờ vẹo người xách giỏ cho chị để chị bắt tiếp cho giỏ của tôi được đầy. Ra về lại lẽo đẽo theo sau chị để kịp bán buổi chợ. Có một lần, bán cua xong chị cầm tiền chọn mua vở cho tôi. Tôi hí hửng cầm chục vở mới đến hàng bán cặp sách để xem. Khi lựa được chiếc cặp vừa ý mình, hỏi giá định bụng dành tiền mua vì chiếc cặp sách của tôi đã quá cũ rồi thì chao ôi, tập vở của tôi đâu mất, chỉ còn tơ hơ chiếc giỏ trống không trong chiếc chậu thau bẹp dùng để đựng cua bán. Ai đó độc ác đã hẫng mất của tôi mồ hôi hai buổi móc cua rồi. Tôi khóc. Cả góc chợ xôn xao, người thương hại tôi, người nguyền rủa kẻ ăn cắp.Chị vạch đám đông ào tới vỗ về. Chị đưa cho tôi một nửa vở chị vừa mua:
- Thôi đừng khóc nữa. Coi như hôm nay chị em mình không bắt được nhiều.
Tôi ví chị như đám mây trắng bồng bềnh trên trời xanh, lúc nào cũng nhẹ nhàng như Cô Tiên trong cổ tích.
Bao nhiêu ngày, tôi cùng không nhớ nữa. Tôi và chị Mây cùng nhau bới bùn đất tìm con cua, con ốc suốt cả năm, mùa nóng cũng như mùa đông. Một ngày đầu tháng tám, cái nắng “rám trái bưởi” ngột ngạt rất khó chịu, tôi và chị mò ốc dưới kênh. Nắng như từ chảo lửa trên trời đổ chụp xuống. Hơi nóng từ đất bốc lên ngùn ngụt, bốn bề cây cối lặng im, không cả một ngọn gió mồ côi. Tôi và chị mặt đỏ phừng phừng. Chai nước nhựa mang theo cũng đã hết. Mồ hôi thi nhau đổ ra như suối. Cổ họng khô đắng. Chị rủ tôi vào gốc đa tránh nắng. Tôi ngồi phịch dựa vào gốc cây thở dốc. Chị ngả nón quạt lấy quạt để mà tôi vẫn thấy nóng.
Chị bên tôi rất gần. Mùi bùn tanh nồng nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi ngai ngái từ cơ thể tròn trịa của chị phả ra. Lúc này, tôi mới thấy chị đẹp. Chị đã cởi chiếc áo lao động bên ngoài ra. Chiếc áo lót ướt sũng mồ hôi dính bết vào cái eo lưng tròn lẳn. Cổ chị trắng ngần. Quần xắn ngang đầu gối để lộ đôi chân trần trăng trắng. Tôi liếc nhìn chị như thể sợ chị bắt gặp cái nhìn khác lạ của mình vội quay đi. Tôi thích được ở bên chị như thế này:
- Em mệt quá. Ngủ một giấc đây.
- Ừ. Gối đầu lên rễ đa mà ngủ. Ðể chị quạt cho.
Vậy là tôi ngủ. Lúc đầu còn thao thức. Tôi he hé mắt nhìn chị ngồi bên quạt mát. Quả thật, chưa khi nào tôi được ngắm chị tự nhiên một cách thỏa thuê như lúc này. Ðôi mắt chị đen huyền thẳm thẳm, có cái nhìn như hút lấy người đối diện. Gương mặt trái xoan tươi rạng rỡ, hai gò má luôn ửng đỏ. Có lần, bố tôi từng chép miệng nói khi chị ra về đi chưa khỏi cổng: “Con gái hồng nhan lại đa đoan thôi”. Tôi chả biết lời bố nói thế nào nhưng tôi cứ thấy chị đẹp. Một vẻ đẹp đằm thắm tự nhiên luôn tỏa sáng.
Sóng lúa khẽ lay động đưa hương sữa lúa dìu dịu, ngòn ngọt vào cánh mũi. Trời đã có chút gió hiu hiu từ phía biển thổi lại. Nước thủy triều đang lên. Ðôi mắt tôi cứ ríu lại. Trong cơn mơ chập chờn, tôi thấy mẹ tôi về. Mẹ mặc đồ trắng toát. Màu trắng như những bóng ma mà bọn trẻ trong xóm thường bịa ra kể để hù doạ những đứa trẻ nào nhát tối. Mẹ nhìn tôi lặng yên. Hai dòng nước mắt từ từ lăn dài. Tôi ôm chầm lấy mẹ. Mẹ nhẹ nhàng xoa đầu tôi:
- Con ốm mất rồi, để mẹ đắp khăn ướt cho đỡ sốt.
Và tôi cứ miên man, miên man đi trong vòng tay mẹ. Tôi cũng cảm nhận được hơi ấm nóng ở cổ và ở bên tai. Tôi chợt giật mình vì thấy người đột nhiên gai lạnh. Choàng mở mắt thấy chị nằm bên đang ngủ. Khuôn mặt trăng rằm của chị rất đỗi bình yên. Tôi nhấc người xoay sang hướng khác để không chắn gió thổi vào người chị thì chiếc khăn của chị rơi ra từ trên trán. Cả người tôi nóng ran. Thì ra, chị đã dùng chiếc khăn che mặt để tránh nắng của mình mỗi khi đi làm đồng làm dịu cơn sốt trong người tôi. Tôi ngồi dậy. Ruột gan tôi nôn nao. Ðầu óc tôi choáng váng lại nằm vật xuống.
Chị choàng tỉnh: - Em thấy trong người thế nào rồi? Chị mệt quá ngủ lịm đi mất.
Chị lấy tay sờ vào trán mình rồi đặt tay lên trán tôi:
- Sốt cao quá, em bị cảm nắng rồi. Ðể chị cõng về nhà kẻo trúng gió thì khổ.
Chị cong người cõng tôi. Tóc chị đen huyền sổ ra quấn vấn vít vào cổ tôi mơn man, mơn man.
Bố chị ốm nặng, chị phải bỏ học ở nhà để giúp mẹ lo toan việc nhà. Chị khóc đỏ cả mắt nhưng rồi hôm sau chị không khóc nữa, sợ làm bố mẹ phải suy nghĩ. Chị vẫn cười khi gặp tôi nhưng sao tiếng cười nghe buồn diệu vợi?
Mùa đông năm đó rét bất thường. Những đợt gió mùa liên tục ào đến từ phương bắc mang theo cái giá lạnh tím người. Ðồng ruộng trơ ra những gốc rạ nứt nẻ. Không còn cua ốc để bắt, tôi rủ chị đi riu tép ở dưới kênh sâu. Cái riu làm bằng lưới dệt dày quấn vào hai thân cây tre đóng lại hình chữ A. Phía đầu chữ A có đốc cầm hình chữ T còn hai chân chữ A đóng thêm hai gốc tre già cong cong để khi đẩy nó lướt trên mặt bùn được dễ dàng.
Tôi lội nước lên ngực, đẩy chiếc riu đi ào ào. Khi túi phía sau đầy, chị lọc bớt phần rong rêu to ra, số còn lại chị dùng rổ đãi sạch vấn sạn để lấy những con tép mang bán. Cuối buổi chợ, hai chị em chia đôi tiền.
Chị khéo lắm. Ðôi bàn tay ram ráp vì phải làm lụng nhiều đập nhẹ trên mặt nước. Rong rêu, vấn vụn theo nước ra ngoài, chị lựa lấy ra đám ốc đá và sạn. Nhấc rổ lên là những con tép nhảy lao xao. Tôi học chị, thử bỏ một nắm vào rổ đãi thử. Nước từ tay tôi bắn tung tóe. Khi vấn rác không còn nhấc rổ lên thì chỉ thấy đám ốc lẫn sạn dưới đáy rổ. Chị và tôi cười vang. Một người trong làng đi ngang qua thấy vậy đứng lại mỉa mai:
- Thằng Quyền học giỏi cũng chẳng để làm gì. Thôi hai đứa mày lấy nhau, làm đàn vịt về nuôi. Sáng chồng thì chăn vịt, vợ bán trứng. Chiều về đi riu tép hay bắt cua làm mồi cho vịt khỏi phải đi mua.
Họ bước đi còn cố tình ném lại tiếng cười khả ố, khinh miệt. Tôi nhảy lên bờ, định làm một hồi cho hả dạ. Con ông ta học cùng với tôi ở phổ thông cơ sở. Trên nó có mấy chị gái lên nó được cưng chiều. Chỉ giỏi trốn học la cà quán xá nên thi trượt tốt nghiệp. Năm sau thi lại nhưng thi vào cấp ba không đỗ, nhờ người quen xin cho học bổ túc. Ông ta đừng vội khinh thường chúng tôi. Nhưng chị đã gàn, tôi hậm hực mãi:
- Thôi đừng bực tức mà làm gì. Hãy cố gắng học tốt để sau này không có ai nói câu nào như thế này với mình nữa. Chị không còn cơ hội. Cố lên em nhé, chị tin em!
Tôi phải tập trung bài vở cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học phía trước nên không đi cùng chị ra cánh đồng như trước nữa. Tối ba mươi Tết, tôi hí hửng xách một cặp bánh chưng bé xinh mà năm nao gói bánh tôi cũng nài nỉ bố gói cho sang nhà chị. Sau khi bánh vớt ra, bóc hai chiếc cúng mời ông bà và mẹ là tôi đi luôn để mặc bố ép bánh. Tôi khựng lại vì tiếng rì rầm nói chuyện ở đầu ngõ. Mùi bồ kết lẫn mùi hương hoa bưởi phả bay theo gió. chẳng cần đoán tôi thừa biết một người ngồi kia là chị. Tôi tức tối đi vào. Hai bóng đen quay ra. Qua ánh điện hắt ra từ hiên nhà, tôi nhận ra hai bàn tay của hai người còn đang nắm chặt. Tôi lẳng lặng bỏ ra về kệ chị gọi phía sau.
Tôi vứt cặp bánh lên bàn rồi vào giường trùm chăn. Thấy lạ, bố tôi hỏi:
- Con Mây không ăn bánh nữa à?
- Người ta có người cho bánh ăn cùng rồi, đâu cần mình. Mà không ăn thì mình ăn cả, càng béo.
- Cái thằng này, ăn với nói, rõ ẩm ương. Chị lớn rồi cũng phải có bạn như thế chứ…
Nằm trong giường nghe gió lạnh qua đầu hồi nhà tôi phấp phỏng chờ nghe tiếng chị như giao thừa mọi năm để ra chùa hái lộc. Năm nào cũng thế, sau khi đồng hồ điểm mười hai tiếng xong, bố lễ thiên địa rồi lễ gia tiên, xin mẹ phù hộ cho hai bố con sức khỏe và phù hộ cho tôi học giỏi, ngoan ngoãn, tôi hứa trước vong linh của mẹ sẽ vâng lời bố, nghe tiếng huýt gió của chị ngoài ngõ là tôi co chân chạy tót ra. Chị không dám vào nhà vì sợ con gái “xông nhà” sẽ dông cả năm.
Hai chị em thi nhau chạy băng qua cánh đồng để đến chùa. Thắp hương trong chùa xong là chị kéo tôi ra vườn chùa hái lộc. Chúng tôi nhắm mắt lại, cầu ước một điều gì rồi hái một cành lộc mang về nhà. Chúng tôi tin, điều ước đó sẽ thành hiện thực.
Trằn trọc mãi cũng không sao ngủ được. Ngoài đường, tiếng chân người thậm thịch, tiếng gọi nhau í ới đi chùa xin lộc đầu năm. Nhà hàng xóm vẳng sang lời chúc mừng năm mới. Lòng tôi như lửa đốt, không biết giờ này chị đang ở đâu và làm gì cùng ai?
Sớm tinh mơ, chị cười tươi rói vào nhà đặt vào tay tôi nhánh đào phai rất đẹp:
- Chị ra chùa hái lộc cầu xin cho em đỗ thủ khoa đại học đó.
Nhìn chị cười, nụ cười núm đồng tiền đong đưa ấy tôi quên hết tất cả hờn giận trong người.Tôi lại lấy xe đạp chở chị đi chơi. Ngồi sau xe, chị líu lo kể về anh Ngọc. Hai người đã đi chùa đầu năm như thế nào. Chị bảo chị thích anh ấy. Bên anh ấy, chị có cảm xúc rất lạ. Tôi dừng hẳn xe, ngồi xuống vệ cỏ ven đường. Chị vẫn vô tư ngồi kể tiếp. Hai mắt long lanh niềm hạnh phúc rạng ngời. Tai tôi như ù đặc đi.
- Anh ấy chở chị ra phố chơi. Vui lắm em ạ! Chị thấy cành đào phai đẹp quá, anh ấy mua cho chị. Chị bảo anh Ngọc trồng ở trước cửa nhà chị rồi. Nửa tháng nữa là anh ấy đi bộ đội rồi em à.
- Thế nhánh đào đưa em cũng là của anh ta chứ gì? - Tôi hỏi. Chị vội thanh minh:
- Không. Chị xin ở chùa đấy chứ. Tại chị khen cây đào ở chùa đẹp nên anh ấy mới chở chị lên phố mua.
Tôi không thể nghe thêm gì nữa. Tôi hét lên:
- Em không muốn nghe chị nói gì cả. Rồi chạy thục mạng.
Ngọc là anh họ tôi. Anh luôn được mọi người quý mến. Ðã có lần bố tôi bảo, đứa con gái nào sau này lấy được anh ấy là phúc cả một đời. Nhưng tôi vẫn thấy trong lòng bất an về chị quá.
Mẹ chị đau bụng dữ dội rồi nôn ra máu. Bác sĩ nói sau khi khám, làm các xét nghiệm là mẹ chị bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chị rưng rức khóc dựa vào vai tôi khi nghe thông báo kết quả. Và rồi chị sắp giống tôi, sẽ sống thiếu hơi ấm tình mẫu tử. Miệng lưỡi tôi cứng đơ, chả biết an ủi chị thế nào. Tôi ôm chị. Tóc chị nồng nàn hương bưởi. Ðột nhiên, tôi thấy chị nhỏ bé và yếu đuối không như ngày thường. Tôi ước mình có thể che chở cho chị mãi.
Tôi thi đỗ thủ khoa đại học, chả biết có phải nhờ chị cầu ước cho tôi không nhưng chị vui lắm. Một năm sau, tôi nhận được xuất học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Ngày tôi lên máy bay cũng là ngày tôi nhận tin dữ mẹ chị qua đời.Tôi gọi điện chia buồn, chị còn động viên tôi học tốt, đừng để ai coi thường mình. Mắt tôi cay sè, giọng run run:
- Chị đợi em nhé!
- Ừ. Chị đợi kết quả học tập tốt của em.
Tôi muốn nói cho chị rõ tình cảm của mình mà chẳng thể mở lời. Có phải chị đã không cho tôi một cơ hội? Dẫu sao thì tôi cũng phải tôn trọng lựa chọn của chị. Ngồi trên máy bay tôi không yên tâm về chị. Trong linh cảm mơ hồ, tôi vẫn có cảm giác bất an đó.
Chuyến bay đưa tôi trở về sau mấy năm ở xứ người không có chị ra đón như tôi đã từng tưởng tượng lúc tôi ra đi. Những lần gọi điện về nhà khi hỏi về chị, bố lúng túng tìm ra một lý do nào đó rồi lảng nhanh sang chuyện khác hoặc cúp máy sợ tôi tốn tiền điện thoại. Giờ thì bố đã kể cho tôi nghe về chị. Sau khi mẹ mất gánh nợ chồng vai. Hai đứa em cũng ốm đau liên miên còn bác Ðàm như quỵ hẳn. Trong nhà không còn tài sản gì đáng giá để trang trải nợ nần. Giữa lúc ấy thì một người bạn chiến đấu của bố chị đến thăm, giúp trả số tiền nặng lãi lại còn giúp xây lại ngôi nhà dột nát. Nhận tiền người ta coi như mắc nợ. Bố chị gả chị cho con trai bác ấy như một sự đền đáp. Hơn nữa, gia đình người ta cũng khá giả, có công ty xây dựng riêng. Và chị nhắm mắt lấy người mình không yêu. Ai cũng cho rằng chị tốt số. Ngày chị lên xe hoa, hai mắt chị đỏ hoe…
Tôi làm việc ở thành phố. Thỉnh thoảng cũng về thăm nhà. Cánh đồng trũng xưa kia không còn nữa. Nó đã nhường chỗ cho những nhà cao tầng mọc lên. Cánh đồng phía bên kia đê cũng đã quy hoạch chuyển đổi sang quây đầm nuôi tôm cá xuất khẩu. Ðôi lúc, tôi tản bộ đi dạo, thèm lắm cảm giác mát lạnh được giẫm chân trần trên cỏ khi xưa vào mỗi buổi sớm mai. Không khí thật trong trẻo, mát lành. Thấy nhớ mùi bùn đất tơi xốp đã quấn quýt lấy cả tuổi thơ tôi.
Tôi mua được nhà ở thành phố liền đón bố lên ở cho tiện việc chăm sóc ông khi tuổi già đến. Ðã mấy năm rồi tôi không về quê ăn Tết vì công việc bận lu bù. Năm nay, chiều lòng bố, tôi cố gắng sắp xếp về quê. Tôi phải về trước để tu sửa nhà cửa vì nhà tôi để trống lâu lắm rồi. Tôi về ở để khi bố tôi về đến nhà, ông sẽ không chạnh lòng vì ngôi nhà lạnh lẽo thiếu hơi người.
Tôi đứng lặng trước dòng kênh đầu làng. Hồi còn bé, mỗi lúc nhá nhem tối, chị rủ tôi ra đây cất vó tôm. Chạng vạng, tôm đi ăn nên cất được nhiều nhất. Tôi cầm đèn cho chị thả vó… Tôi để mình thả nỗi nhớ xa xăm về chị.
- Quyền. Có phải là em không?
Tôi quay lại. Nhận ra chị, tôi không tin nổi vào mắt mình. Chị gầy quá. Duy nhất đôi mắt còn phảng phất vẻ đẹp thuở thiếu thời. Ðứa nhỏ khoanh tay chào.
- Con gái chị đó. Về nhà rửa tay chân trước đi con.
Ðứa bé vâng dạ rồi chạy về làng. Nghe chị kể mà sống mũi tôi cay cay.
Ðường đời của chị thật long đong, lận đận. Chị đã bị chồng phụ bạc và ôm đứa con gái nhỏ về đây sau khi kết thúc phiên tòa. Chị lại trở về với cánh đồng quê giờ đã thay đổi. Không còn cánh đồng chạy dài tít tắp sóng lúa đến tận chân trời. Bố chị yếu lắm rồi, một đứa em đã theo mẹ còn một đứa cứ trở trời là gào thét, đập phá. Số phận chị là ở đây. Ngôi nhà nhỏ trong làng kia cần chị. Chỉ có ở đây chị mới cảm nhận được tình người và ý nghĩa của cuộc sống.
- Thế còn anh Ngọc giờ thế nào? - Tôi buột miệng hỏi.
Mắt chị lấp lánh: - Anh ấy đang đi xuất khẩu lao động ở Ðài Loan, mấy tháng nữa là hết hạn về nước. Chị cũng không ngờ mình lại có một tình yêu thánh thiện và cao thượng như thế. Cuộc sống cũng thật công bằng với chị phải không em?
Như thể qua cơn xúc động, chị kể tiếp:
- Biết chị như thế này anh ấy vẫn không thay đổi. Lúc đầu, chị không dám đón nhận vì mặc cảm nhưng tình cảm chân thành của anh ấy như mưa dầm thấm lâu làm con tim chị hồi sinh trở lại. Thấy anh yêu quý con bé và nó cũng quý mến anh ấy, chị không thể sống mãi trong mặc cảm. Anh đi làm ăn xa lấy tiền gửi về cho chị để chị gây dựng trang trại này.
Quê tôi từ khi xây dựng nông thôn mới đã thay da đổi thịt. Từng ngõ xóm không còn cảnh trời mưa chân lấm lem bùn nhão nữa mà ngõ nào cũng được bê tông hóa sạch sẽ cả rồi. Tối đến điện ngõ bật sáng trưng. Tôi đã phì cười trước lời của đứa em trên điện thoại: “Anh về mà xem, ngõ nhà mình giờ “lên phố”. Ðố tên trộm nào dám vào nhà nữa”. Giờ đứng từ đầu làng nhìn vào xóm, thấy lòng mình rưng rưng lạ. Bố tôi đã đúng khi ông dành một khoản tiết kiệm gửi về ủng hộ mọi người trong xóm làm ngõ. Chị đã gộp phần ruộng nhà anh và nhà chị thành một số bốc chung rồi chị xin nhận phần ruộng chua úng đầu làng để quy hoạch chuyển đổi trồng lúa năng suất thấp sang mô hình trang trại. Trên bờ chị xây dãy chuồng lợn gà để chăn nuôi còn dưới ao chị thả cá vược. Lúc chiều có việc mải chưa cho cá ăn được nên giờ hai mẹ con mới cho cá ăn mồi. Cá vược ăn tạp, tận dụng được nguồn thức ăn từ các con cá nhỏ mà dân làng chài xã bên đi lưới về giá rẻ. Chị nuôi giống cá này dễ chăm. Anh có mơ ước nuôi ba ba nhưng một mình chị không kham nổi nên khi nào về nước thì anh liệu tính sau.
Rõ ràng chị đã đúng khi chọn anh ấy trao gửi trái tim mình khi xưa. Giờ thì tôi đã tin, phụ nữ có giác quan thứ sáu rất đặc biệt.
- Mai sang chị chặt cành đào về chơi Tết. Cây đào anh ấy trồng giờ to cao và nở hoa đẹp lắm.
Tôi khẽ mỉm cười gật đầu. Tôi hình dung ra một cây đào phai bừng nở những nụ phơn phớt hồng căng mẩy. Những bông hoa năm cánh rung rinh cười với gió xuân. Và còn giao thừa năm nay nữa. Tôi cũng sẽ dành riêng điều ước của mình cầu chúc cho chị và anh sớm được đoàn viên.
Hàng năm, hoa đào vẫn nở bừng thắm mỗi độ xuân về.
Hân Du
(Thôn 3, Thụy Lương, Thái Thụy)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh