Thứ 7, 23/11/2024, 08:46[GMT+7]

Mẹ chồng tôi

Thứ 2, 24/02/2014 | 09:05:04
1,094 lượt xem
Mẹ tên là Gấm - Nguyễn Thị Gấm. Chẳng biết các cụ thân sinh ra mẹ, ước mong sau này mẹ có một cuộc sống gấm hoa hay không, mà đặt cho mẹ cái tên đẹp như thế.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

 

Ngày tôi về làm dâu, mẹ vẫn còn rất đẹp. Bố, mẹ quê tận bên Thụy An, nhưng vì đất chật người đông, năm 1964, khi thành lập xã Thụy Tân thì bồng bế nhau ra đây sinh cơ lập nghiệp. Mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió chỉ thừa nước mặn và muối, còn thì thiếu đủ thứ. Mẹ sinh hạ được 7 người con - 4 trai, 3 gái. Mẹ nói đấy là gia tài lớn nhất của đời mẹ. Tôi về làm dâu của mẹ, dâu trưởng các em đông còn nhỏ lít nhít, mẹ thương yêu lắm. Ðến nỗi các cô con gái của mẹ bảo, mẹ thương con dâu hơn cả con đẻ. Lấy chồng được hơn một năm thì vợ, chồng xin phép mẹ cho ra ở riêng. Mẹ đồng ý, của nả chẳng có gì, chỉ có tấm lòng của mẹ theo chúng tôi đi suốt dọc thời gian sau này.

 

Về làm dâu nhà mẹ, tôi có may mắn là được mẹ yêu quý và chiều chuộng nhiều nhất. Anh Thúy là con trai trưởng, tôi lại chỉ sinh cho anh, cho mẹ được hai cô con gái. Mẹ chẳng buồn, ai nói gì mẹ chỉ cười. Con nào cũng được, bà có hai đứa cháu gái xinh đẹp là sung sướng rồi, nhất là Phương Anh cháu nội đầu lòng lại giống bà như đúc. Tưởng mẹ chỉ nói cho tôi đỡ buồn, nhưng trong cách cư xử và thái độ hàng ngày, biết mẹ thật lòng. Dân vùng biển, kiếm được hạt thóc còn khó hơn kiếm được con cá, con cua. Nhưng, ngày về làm dâu, ngoài gia tài là bảy đứa con, trong nhà mẹ có vài ba bồ thóc, được xếp vào gia đình kinh tế khá giả.

 

Mẹ có tài mò cua, bắt ốc. Làng lúc đó có nhiều bãi triều ven biển. Cả một cánh trồng cói rộng mênh mông, mẹ lần hồi ở đó cũng đủ sống. Mẹ bắt cua rất tài, cả làng không ai theo kịp. Bắt cua bán lấy tiền, đong thóc cất vào bồ. Cái điệp khúc ấy cứ theo mẹ hết ngày này qua ngày khác. Nắng thì bắt kiểu nắng. Mưa bắt kiểu mưa. Con sông Hóa rộng là thế, sâu là vậy, mẹ vẫn mò cua, mò ốc. Các em bên chồng lớn lên nhờ cua, ốc, nhờ sự tần tảo, chịu thương, chịu khó của mẹ. 5 trong số 7 người con trai, con gái của mẹ học hết cấp III. Cả làng, cả xã ai cũng tấm tắc khen mẹ tài, mẹ giỏi. Anh Thúy, con trai cả của mẹ thi đỗ vào Ðại học Nông nghiệp, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư, ở vào thập kỷ 80, xin đâu chẳng được việc. Thế mà, anh về địa phương công tác. Nghe nói kỹ sư về làng làm ruộng có kẻ chê, người khen, dân làng bàn ra, tán vào. Mẹ nghe được hết mẹ không mắng mà động viên con ở đâu cũng phải làm, về quê cũng tốt chứ sao. Anh phấn đấu lên được chức Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. 

 

Về làm dâu mẹ, công việc hàng ngày của tôi là đến lớp dạy học sinh. Trường cách nhà không xa, có thể đi bộ cũng được. Nhưng có một điều rất lạ là cứ đúng giờ tan trường, về đến cửa nhà đã thấy mẹ cầm nón đứng đợi, tôi như đứa trẻ trong mắt mẹ vậy. Cây hoa giấy trước cửa nhà là nơi mẹ cầm nón đứng đợi con dâu đi dạy học về. Bảy người con trai, con gái, 13 đứa cháu nội, ngoại đều qua bàn tay mẹ chăm sóc. Mẹ có ba con dâu đều tham gia công tác, là viên chức nhà nước, mẹ tự hào lắm. Cuộc đời mẹ vốn lam lũ giờ các con mẹ trưởng thành, được ăn học tử tế, lấy vợ có địa vị xã hội, mẹ bảo đấy là gấm, là hoa đấy.

 

Ngày tôi sinh cháu thứ hai - Quỳnh Trang, mẹ chăm bẵm lắm, có hôm luộc trứng gà ở nhà cậu em, đem ra cho con dâu bồi dưỡng. Ngày tôi ốm đi nằm viện, mẹ lo thắt ruột, thắt gan. Biết tôi bị căn bệnh hiểm nghèo, ngày nào mẹ cũng thắp hương xin ông bà, ông vải, cha mẹ đừng đem con dâu mẹ đi. Nếu có bắt thì bắt mẹ để con dâu mẹ được sống. Tôi đi nằm viện, bé Quỳnh Trang được bà nội bế đi xin bú nhờ các bà mẹ có cháu nhỏ trong làng. Tôi được bệnh viện cho về điều trị ngoại trú trong tình trạng ngộ độc thuốc, mất trí nhớ và bại liệt cả hai chân. Mẹ kiên trì tập cho tôi đi từng bước như trẻ lên ba. Có lúc mất đà hai mẹ con cùng ngã lăn ra đất, sợ con dâu đau mẹ lấy thân già của mình đỡ, để con dâu nằm lên trên.

 

Người ta bảo: “con dâu khác máu, tanh lòng” và quan niệm theo lối “mẹ chồng, nàng dâu”. Nhưng may mắn và hạnh phúc cho tôi là có được mẹ chồng tốt tính, tốt nết yêu quý con dâu hơn cả con đẻ. Người trong xóm, trong làng nói: Mẹ hiền, dâu thảo, ý là khen mẹ. Mẹ bảo: dâu thảo nên mẹ hiền. Tôi ốm nặng, từ một cô gái vạm vỡ, đầy sức sống, trở nên một “bà già” ít tuổi; từ 50 cân, chỉ còn 37 cân, tóc rụng sạch, da nhăn nheo, bọc xương, mắt lồi… ai nhìn cũng sợ. Mỗi lần tắm và gội đầu là khổ nhất. Mẹ để tôi ngồi trên một chiếc ghế rồi lau mặt, bế tôi lên lòng để gội đầu. Sau đó tắm cho tôi từ trên xuống dưới. Mẹ chu đáo và tỉ mỉ như chăm đứa trẻ lên ba. Mẹ đi chợ xa nhà mua chanh về gội đầu. Mùa đông đi hái lá ngải, xương sông, hương nhu nấu nước tắm cho tôi đỡ lạnh. Năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, bệnh tình tôi chuyển biến dần, tôi đã nhận ra mẹ, ra chồng và các con. Tôi chập chững biết đi trong vòng tay yêu thương của mẹ chồng. Mẹ còn mua chim sẻ về nấu cháo bồi dưỡng cho tôi chóng khỏe.

 

Tôi bắt đầu nhúc nhắc đi làm, hàng ngày mẹ vẫn đợi con dâu về ở gốc cây hoa giấy trước cửa nhà. Cứ sắp đến Tết Trung thu, từ chiều mười bốn, mẹ ăn cơm sớm ra trông nhà cho con dâu và cháu nội Phương Anh đi đến nơi hội trại. Ngày tết biết tôi không có tiền, mẹ ra nhà mừng tuổi cho con dâu, cho cháu nội. Năm 2010, mẹ chẳng ốm đau gì, chỉ nằm một chỗ, ăn ít và tuần sau mẹ đi. Mẹ ra đi thanh thản, nhưng thực ra mẹ giấu các con, các cháu. Mẹ nén nỗi đau không để con trai, con gái, con dâu, rể lo lắng đưa đi viện cho thêm tốn kém. Mẹ cũng bị căn bệnh ung thư. Ngày đưa tang, không chỉ con, cháu trong gia đình thương khóc, mà cả làng ai cũng xót xa thương mẹ. Ông thổi kèn đám ma mấy chục năm trời phải thốt lên rằng: Chưa từng gặp đám ma nào mà con dâu khóc thương mẹ nhiều thế, nỗi đau ngập tràn trên gương mặt tất cả những người con dâu của mẹ. Các cháu nội, cháu ngoại lăn lộn vật vã, không cho đưa bà chúng ra đồng. Sau rằm tháng tám, có bốn ngày mẹ mất. Chúng tôi không kịp hỏi là vì mẹ thương các con, các cháu nên không đi vào ngày rằm để được vui trung thu. Mẹ đã dành tất cả tình yêu thương cho con, cho cháu đến tận phút cuối cùng.

 

Mỗi năm đến ngày giỗ mẹ, anh, chị em chúng tôi lại quây quần ôn lại kỷ niệm với mẹ, với bà. Những bức ảnh chụp trước ngày mẹ mất lại được đưa ra để mọi người được sống lại những kỷ niệm ngọt ngào với mẹ. Riêng tôi, cho đến bây giờ vẫn không thể nào lý giải được vì sao mẹ chồng thương con dâu như vậy. Ngày mẹ sống, đã có lần tôi hỏi câu ấy, mẹ chỉ cười và mắng yêu: Cha bố nhà chị, mẹ thương con vất vả với cái nhà này chứ sao. Thật ra thì mẹ vất vả vì tất cả các con, các cháu. Với tôi, mẹ vất vả nhiều hơn. Nhất là những ngày tôi đi nằm viện rồi về nhà hồi phục trí nhớ, tập đi… Hai mươi ba năm sống bên mẹ chồng là quãng thời gian tôi hạnh phúc nhất.

 

Mẹ là thế. Mẹ là Gấm, là Hoa trong lòng tất cả anh em chúng tôi.

Phạm Thanh

(Thành phố Thái Bình)

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày