Chủ nhật, 02/06/2024, 08:39[GMT+7]

Người trở về từ quá khứ

Thứ 6, 28/02/2014 | 16:51:58
2,180 lượt xem
Bẵng đi hàng chục năm, bỗng nhiên người ấy trở về, trong một buổi họp đồng niên trung học phổ thông. Tôi hoàn toàn không nhận ra, chỉ ngờ ngợ như đã gặp ở đâu đó. Về nhà, vắt tay lên trán suy nghĩ, cố lục trong trí nhớ còn một chút mong manh nào đó để xem người ấy có đúng là Toàn không?

Ảnh minh họa: Việt Hùng

Sau trận ốm vì bệnh nan y, tôi hoàn toàn mất trí nhớ. Không nhận ra mẹ chồng, các con và những người thân yêu nhất. Bây giờ trí nhớ đã được cải thiện nhưng quá khứ thì gần như bị xóa sạch. Mấy tháng sau, người ấy đột ngột xuất hiện ở nhà tôi, đúng lúc nhà vừa bê mâm cơm lên. Chồng đi làm ăn xa, chỉ có hai mẹ con ở nhà. Mâm cơm cũng chẳng có gì: Một đĩa cá kho, rau luộc và bát nước rau. Sau khi đã xem một hồi quanh nhà, người ấy rất tự nhiên ngồi xuống ăn cơm cùng. Tôi bối rối, không biết làm thế nào để ngăn lại được vì mâm cơm quá đạm bạc, không được chuẩn bị cho chu đáo. Nhưng, người ấy ăn tự nhiên, không hề khách sáo, nên cũng đỡ áy náy. Đột nhiên, người ấy hỏi:
- Hoài không biết tôi thật à!
- Anh là ai, tên gì? Ở đâu đến, đã giới thiệu gì đâu mà biết!
Người ấy cố tình không giới thiệu mình là ai, cốt để tôi phục hồi trí nhớ, nhưng cũng bất lực và ra về trong nỗi thất vọng.

Sau khi có anh nhà báo tỉnh viết bài báo về tôi có tựa đề trích từ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Em đã sống bởi vì em đã thắng”, người ấy đã rất bàng hoàng, xúc động và thật sự ân hận vì đã hiểu sai về cô bạn một thời từng thầm yêu, trộm nhớ, từng làm cô bé khổ vì chính cô bé đã là ân nhân, vực anh ta đứng dậy làm người tử tế.

Ngày ấy, anh học Trung học phổ thông ở trường thị xã, còn tôi là cô bé nhà quê, cách thị xã ba mươi cây số. Do có thành tích cao trong thể thao, là vận động viên điền kinh có hạng, nên tôi được Trung tâm thể thao của tỉnh rút lên đào tạo. Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành học sinh trường tỉnh. Tôi vẫn phải học văn hóa ở trường Trung học phổ thông. Toàn là học sinh cùng lớp. Ở quê lên nên tôi rất ngại tiếp xúc với con, em các gia đình ở thành phố, thị xã. Tôi sống khép mình, ngoài buổi học văn hóa là những buổi tập luyện ở Trung tâm thể thao. Toàn hơn tôi vài tuổi, ở lớp là học sinh cá biệt, rất nghịch ngợm, bạn bè không ai dám chơi với Toàn. Bố tôi làm cán bộ tuyên huấn ở huyện, được phân phối một chiếc xe đạp Thống Nhất. Ngày ấy, xe đạp là cả một gia tài, giá trị không lớn, nhưng khó mua, vì là hàng phân phối và không phải đối tượng nào cũng được mua. Bố tôi yêu quý tôi nhất trong số các chị, em trong nhà nên khi thấy tôi đi học xa, từ nhà lên thị xã hơn ba chục cây số, rồi lại từ trung tâm thể thao đến trường học văn hóa nữa, đã để xe đạp cho tôi đi, vừa bớt khổ hơn, vừa thỉnh thoảng được về thăm bố, mẹ. Ngoài giờ học văn hóa, những buổi tôi tập luyện ở Trung tâm, Toàn vẫn đến xem tôi tập luyện. Gần đến ngày đi thi giải đấu lớn, các chú, các anh ở Trung tâm đặt rất nhiều kỳ vọng vào tôi và ai cũng nghĩ tôi sẽ đem thành tích cao về cho tỉnh. Bất ngờ, tai nạn xảy ra. Người gây tai nạn cho tôi lại chính là Toàn. Anh ta không biết vô tình hay hữu ý khi tôi đi xe đã làm tôi bị ngã và không thể tập luyện được nữa, khả năng hồi phục để thi đấu cũng rất mong manh. Trung tâm làm công văn sang trường trung học phổ thông đề nghị nhà trường đuổi học Toàn. Tôi đã cố sức van xin các chú ở Trung tâm không nên làm thế, lỗi do tôi sơ ý thôi. Tôi cố gắng điều trị để chóng hồi phục. Không hiểu do nghị lực hay vì sợ Toàn bị kỷ luật mà sức khỏe tôi chuyển biến rất nhanh. Tôi đã có thể tiếp tục thi đấu và lần ấy thật bất ngờ, tôi đã đem vinh quang về cho tỉnh với kỷ lục chạy tốt nhất. Mọi người cũng không còn nhớ đến cái cậu học sinh đã gây tai nạn cho tôi nữa. Không bị đuổi học là cơ may để giúp Toàn tiếp tục được đến trường, đến lớp. Nhưng, chứng nào vẫn tật ấy. Một lần anh ta mượn tôi chiếc xe đạp, rồi đem bán lấy tiền. Chiếc xe là tài sản quý nhất, lớn nhất của đời tôi, vậy mà anh ta mượn và bán đi. Mấy tuần liền, tôi không dám về nhà, sợ bố mắng. Lo lắng con gái bị ốm, bố tôi đã lặn lội lên thị xã và biết được sự thể, bố tôi hỏi tôi để đâu mà mất? Không dám nói cho Toàn mượn, tôi chỉ nói là sơ ý để mất. Bố động viên là đừng buồn, của đi thay người. Bây giờ, ông đã trở thành người thiên cổ. Ngày tôi đi Hà Nội chữa bệnh, ở nhà ông đột ngột qua đời. Tôi không có mặt để tiễn đưa ông, không được chăm sóc ông lúc lâm chung vào những ngày cuối cùng. Gia đình không cho tôi biết, vì lúc ấy bệnh tình tôi đang rất nặng, có thể cú sốc sẽ làm tôi cũng vĩnh viễn ra đi. Sau này, tôi không trách ai vì mọi người lo cho tôi mà thôi. Tôi chỉ trách bố, không đợi con gái về để tiễn đưa bố lúc ra đi.

Sau khi đọc trên báo có bài viết về tấm gương đầy nghị lực của tôi, Toàn đã liên hệ với tác giả bài báo và chuyển tặng tôi mười triệu đồng. Các nhà báo đã về tận trường trung học cơ sở nơi tôi công tác để trao lại số tiền bạn đọc gửi, có sự chứng kiến của tập thể lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo địa phương. Thông qua tác giả bài báo, Toàn đã tâm sự hết về nỗi ân hận, sự dày vò và đã hiểu sai về tôi - cô bé học cùng lớp ngày xưa. Anh không lấy vợ, ở với người mẹ già. Qua bạn bè được biết, có thời gian cô Hoài định cho con gái thứ hai đi làm con nuôi nhà khác vì không có khả năng chăm sóc, Toàn đã bàn với mẹ để sang xin con bé về làm con nuôi, nhưng không thành, vì bà nội cháu nhất mực không nghe. Cơ hội đã tuột khỏi tay. Toàn cố gắng đi làm, làm thật nhiều tiền để giúp Hoài chữa bệnh, đó là điều tâm sự của Toàn với nhà báo.

Đúng là bệnh nan y, tôi đã bán tất cả những gì cần bán từ đất đai, đầm ao nuôi hải sản... để chữa bệnh vẫn không đủ, phải vay ngân hàng. Cán bộ tín dụng sợ tôi chết đã khước từ không cho vay nữa. Những chuyện đó Toàn đều biết và biết rõ cả việc đến bây giờ dư nợ ở Ngân hàng Nông nghiệp huyện của tôi còn bao nhiêu? Hàng tháng, tôi vẫn phải trích từ lương để trả lãi và một phần gốc cho ngân hàng. Ba tháng một lần phải lên Bệnh viện K để kiểm tra lại và bổ sung thuốc. Mỗi bận đi như thế cũng hết năm, bảy triệu đồng.

Thông qua anh nhà báo tốt bụng và có tấm lòng nhân ái, thương người, được biết dịp nghỉ hè vừa qua Toàn đã đi vào các tỉnh phía Nam làm thuê, lấy tiền chữa bệnh cho tôi. Nghe đâu anh đã kiếm được hơn hai mươi triệu đồng, xin của bạn bè được một ít nữa, dự tính đem ra nhờ anh nhà báo gửi cho tôi trả nợ vay ngân hàng. Nhưng, người tính không bằng trời tính. Bất ngờ, Toàn bị tai nạn. Số tiền anh kiếm được dồn vào chữa chạy hết. Toàn không cho tôi biết, chỉ kể cho anh nhà báo nghe. Tôi đã nhắn tin nhưng không gửi được, gọi điện cũng không thấy trả lời. Mãi sau này, nhờ anh nhà báo nhắn tin là tôi rất lo cho Toàn thì Toàn mới trả lời bằng tin nhắn để nói rằng: Anh không việc gì, chỉ xây sát nhẹ thôi.

Một lần, anh nhà báo kể với tôi rằng: Toàn rất biết ơn tôi vì nhờ tấm lòng bao dung, độ lượng và cả sự cam chịu của tôi, mà Toàn thoát khỏi hai lần án kỷ luật. Toàn đã đứng vững trong cuộc đời này. Toàn nói: Toàn nợ tôi nhiều lắm, có đi hết cuộc đời này cũng không trả hết được món nợ mà anh đã gây ra cho tôi. Còn với tôi, chuyện đó đã đi vào quá khứ từ rất lâu rồi. Nếu tôi không tha thứ thì hậu quả sẽ xảy ra với Toàn thế nào? Tôi đã nhận ra người đó chính là Toàn, vì đã gây cho tôi không ít nỗi sợ hãi, lo lắng. Thực tình, tôi đã quên Toàn, quên cả cái quá khứ không đẹp đẽ ấy để hướng tới tương lai nhưng bước qua được khúc quanh này lại gặp khúc quanh khác. Bệnh tật đã như bóng mây che phủ con đường tôi đi. Nếu không có nghị lực và bản năng sống của con người thì tôi đâu còn tồn tại đến bây giờ, đâu còn được gặp Toàn? Nếu không có bài báo của một nhà báo tâm huyết với nghề, tôi đâu được nhiều người chăm sóc, sưởi ấm như hôm nay và Toàn cũng không còn cơ hội để tìm gặp tôi, làm tiếp những việc nhân ái mà anh đã dằn vặt, day dứt mấy năm qua. Tôi đã nhớ lại quá khứ, nhưng không muốn nhận ra Toàn, sợ anh ấy mặc cảm thì tội lắm. Tôi đã tha thứ cho hành động bồng bột của lứa tuổi mới lớn, không trách móc, không nhận sự thương hại của bất kỳ ai. Toàn hiểu tính tôi như thế nên lặng lẽ giúp đỡ tôi thông qua anh nhà báo. Chỉ có điều, Toàn chưa tâm sự hoặc thấy tôi chưa nhận ra mình nên Toàn không nói gì đến chuyện gia đình. Cuộc sống của anh thế nào, nghề nghiệp ra sao... tôi rất muốn biết. Nhưng, lần gọi điện thoại nào cho Toàn tôi cũng không thấy trả lời. Tuy nhiên thỉnh thoảng có vài tin nhắn của Toàn, anh cũng gửi quà nhân ngày sinh nhật của tôi. Tết Nguyên đán Toàn cũng có quà. Con gái lớn tôi đi lấy chồng cũng gửi quà. Vậy mà tôi vẫn chưa biết Toàn ở đâu?

Giá như người ấy đừng trở lại tìm tôi vì anh đến đã để lại lòng tôi trăm mối tơ vò. Có thể tôi đã cứu anh, giúp anh đứng lên trong cuộc sống đầy cám dỗ của phố phường... thì anh cũng đừng trả ơn, trả nghĩa theo cái cách này nữa. Anh gặp tôi, cứ giới thiệu tỉ mỉ hơn là cứ mờ mờ, ảo ảo, hư hư, thực thực như thế này. Tôi đã trằn trọc suốt mấy đêm liền để cố nhớ lại anh. Hậu quả là tim tôi lại bóp chặt, mất ngủ và sức khỏe không được tốt. Tôi đã cầu mong rằng: Người từ quá khứ trở về ơi, hãy sống với hiện tại đi.

Truyện ký: Việt Hải
(Báo Công Thương)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày