Thứ 7, 23/11/2024, 09:33[GMT+7]

Ðội văn nghệ xã Hùng Dũng Tích cực đổi mới nội dung, nâng hiệu quả tuyên truyền

Thứ 5, 29/05/2014 | 15:25:21
1,038 lượt xem
Xác định văn nghệ là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống, khi một tiết mục văn nghệ được biểu diễn trên sân khấu không chỉ có ý nghĩa giải trí mà còn tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của người xem. Những năm qua, đội văn nghệ xã Hùng Dũng (Hưng Hà) đã không ngừng đổi mới ca từ các bài hát chèo, xây dựng tiểu phẩm mới theo hướng phù hợp với nhiệm vụ chính trị của xã trong từng giai đoạn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tại địa phương.

Đội văn nghệ xã Hùng Dũng (Hưng Hà) trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Với suy nghĩ thành lập đội văn nghệ của thôn sẽ tạo điều kiện cho những hạt nhân văn nghệ, có sở trường về ca hát của làng có dịp thể hiện tài năng, góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, ông Nguyễn Ðình Hòe (thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng) đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền thôn thành lập đội văn nghệ thôn Nhân Phú. Ðề nghị của ông được chính quyền thôn ủng hộ.

Ông Hòe kể: Chèo là thể loại được đông đảo người dân trong làng yêu thích, biết đội văn nghệ xã An Châu (Ðông Hưng) hoạt động rất hiệu quả, có nhiều diễn viên, nhạc công nghiệp dư nhưng hát hay đàn giỏi, tôi chủ động liên hệ và được các thành viên trong đội tạo điều kiện giúp đỡ. Gần một tuần, sáng đi tối về, tôi cùng 4 chị em có năng khiếu hát múa trong làng (dự kiến sẽ là những hạt nhân nòng cốt của đội văn nghệ thôn) đi xe máy đến xã An Châu nhờ chị em ở đó dạy các làn điệu chèo.

Sau khi các chị em trong làng đã luyện thành thạo, đội văn nghệ thôn Nhân Phú mới chính thức ra đời với các thành viên đến từ các đoàn thể trong thôn như: Ðoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Những ngày đầu tập múa, tập hát chèo, với cách thức “người biết dạy người chưa biết”, 4 chị em được học tại xã An Châu có nhiệm vụ  truyền dạy các làn điệu chèo cho chị em trong làng. Về âm nhạc phục vụ cho đội múa hát, chúng tôi tiếp tục mời các nhạc công trong đội văn nghệ xã An Châu đến dạy các nhạc cụ như: líu, nhị, sáo, đàn tam thập lục, trống chèo cho các thành viên dự kiến sẽ là nhạc công của đội.

Ngày ngày, các anh chị em trong đội đi làm, buổi tối tích cực luyện tập, chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả các thành viên trong đội đã nắm cơ bản các làn điệu chèo, biểu diễn thành thạo các bài hát múa. Vào dịp thôn Nhân Phú vinh dự đón nhận bằng công nhận “Làng văn hóa”, đội văn nghệ của thôn ra mắt dân làng nhận được sự cổ vũ, tán thưởng của đông đảo nhân dân trong thôn.

Ðến năm 2004, được sự giúp đỡ của Trung tâm văn hóa thể thao huyện Hưng Hà, UBND xã Hùng Dũng mở lớp hát chèo tại xã với mục đích sẽ thành lập đội văn nghệ chung cho toàn xã. Với nền tảng đã thuộc các làn điệu chèo, biết hát chèo và biết chơi các nhạc cụ chèo, phần lớn các thành viên trong đội văn nghệ thôn Nhân Phú được cán bộ xã tin tưởng cử đi học.

Ban đầu, không ít chị em còn dè dặt vì gia đình phản đối, nhưng sau đó được sự động viên của cán bộ và các thành viên trong đội, các chị em đều thu vén được công việc gia đình và tích cực tham gia lớp học. Ðội văn nghệ xã Hùng Dũng được thành lập với gần 30 thành viên đến từ tất cả các thôn trong xã nhưng nòng cốt vẫn là đội văn nghệ thôn Nhân Phú. Vốn có năng khiếu hát chèo lại năng nổ với phong trào văn nghệ của địa phương, ông Hòe tiếp tục được bầu làm đội trưởng đội văn nghệ xã Hùng Dũng.

Nhân dân xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Linh

Từ đây, mỗi khi xã Hùng Dũng chuẩn bị tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc như: Ngày  thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2), ngày Quốc khánh (2/9), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18/11)... ông Hòe lại dựa trên những làn điệu chèo sáng tác lời mới, xây dựng những tiểu phẩm kịch mới có nội dung sát thực với tình hình địa phương, mang tính giáo dục sâu sắc, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của xã sau đó cho anh chị em trong đội tập nhạc, tập múa hát, tập diễn. Rất nhiều tiết mục nhận được sự cổ vũ của đông đảo nhân dân như: “Lời ru bên tượng đài”,  “Chuyện ở khu tự quản”, các tiết mục có nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm; thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Ðặc biệt, năm 2013, trong “Liên hoan văn nghệ, thể thao các xã xây dựng nông thôn mới” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, với ca cảnh chèo “Hùng Dũng xây dựng nông thôn mới”, đội văn nghệ xã Hùng Dũng đã đạt giải nhất.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động, ông Nguyễn Ðình Hòe, đội trưởng đội văn nghệ xã Hùng Dũng cho biết thêm: Trong giai đoạn đầu mới thành lập, kinh phí hoạt động của đội không có, vấn đề trang phục, nhạc cụ  cho diễn viên, nhạc công gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Hưng Hà cho đội mượn trang phục nhưng vẫn thiếu nhạc cụ biểu diễn. Vì vậy đội phải đi vận động cán bộ và nhân dân trong thôn, trong xã ủng hộ tiền mua sắm. Tuy nhiên những khó khăn đó là tạm thời và dễ dàng giải quyết được, vấn đề đáng lo nhất của đội văn nghệ xã hiện nay là không có đội ngũ trẻ kế cận, duy trì hoạt động.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn phổ cập dễ dàng  đến các làng quê, một vài cái nhấn chuột, một vài từ khóa trên internet, một chiếc phen điều khiển ti vi có thể đem đến cho người dân những tiết mục văn nghệ chuyên nghiệp và đặc sắc. Nhưng, các tiết mục của đội văn nghệ địa phương luôn được đông đảo nhân dân trong thôn, trong xã chào đón bởi những diễn viên, nhạc công biểu diễn các tiết mục ấy là những người vốn quen “tay cuốc tay cày”, là người trong làng, trong xã, là bạn bè người thân của họ. Việc luôn làm mới nội dung các tiết mục của đội văn nghệ xã Hùng Dũng là việc làm rất đáng ghi nhận không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ ngày càng cao của nhân dân mà còn tuyên truyền có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày