Thứ 3, 23/07/2024, 02:26[GMT+7]

Những người lính trong cuộc sống hòa bình

Thứ 2, 02/06/2014 | 09:06:38
4,138 lượt xem
Làm người lính đúng là rất cực nhọc. Những lúc đi làm nhiệm vụ giúp dân chống bão thế này chú nghĩ gì khi mà gia đình của chính mình có cha già, mẹ yếu, vợ trẻ, con thơ đang gồng mình lên chống chọi lại bão tố? Rồi những chuyến công tác, những lần thực hiện trọng trách đơn vị giao phó, những mệnh lệnh thường trực sẵn sàng chiến đấu của quân đội...

Gặt lúa giúp dân. Nguồn: baoquangtri.vn

Rào rào... Gió và mưa thét ngoài kia thật dữ dội...

Pính poong... Pính poong...

Cơn bão Haiyan lớn nhất từng được ghi lại trong lịch sử thế giới đã qua Philippineson> và tiến vào vùng Ðông Bắc Việt Namon>. Từ mấy ngày trước trên loa đài đã liên tục thông báo những tin tức khẩn cấp, thúc giục người dân chống bão. Nhà nhà, người người đều gấp rút chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với bão. Hôm nay, bão chính thức đổ bộ vào đất liền, đổ bộ vào miền biển quê tôi. Mới xẩm tối, các nhà đã bắt đầu đóng hết cửa, lo lắng... chờ đợi... và cả nguyện cầu.

Ðã gần 9 giờ tối, tiếng chuông cửa nhà tôi chợt vang lên trong đêm bão lớn. Tôi cùng mẹ soi đèn ra mở cửa. Chú tôi xuất hiện với bộ quần áo mưa ướt sũng, xiêu xiêu dáng người theo cơn gió mạnh, bên cạnh chú là chiếc xe máy vẫn còn bật đèn sáng.

- Chị ơi! Tìm hộ em cái bạt nhà chị với. Mấy nhà dân chỗ em sắp bị tốc mái. Nhà chị gần đây nên em tiện ghé vào nhờ, nhân thể lấy cho em mượn cuộn dây nữa.

- Chú cứ vào đây đã. Chờ chị tìm một lát, đang mất điện nên chắc tìm hơi lâu đấy.

Chú tôi bước vào nhà, gương mặt và tấm áo chú mặc vẫn đầm đìa nước mưa, nhỏ thành giọt tong tong xuống nền nhà. Thấy vậy, tôi vội chạy đi tìm khăn mặt đưa cho chú. Chú tôi là bộ đội, những lần bão lớn thế này đơn vị của chú lại được giao nhiệm vụ hỗ trợ dân chống bão. Ðêm hôm bão gió đi giữa đường, dưới những cơn mưa quăng quật, cây cối đổ, mái nhà tung, cột điện gãy,... thật nguy hiểm làm sao!  Chú cầm khăn lau khô mái tóc  rồi uống một ngụm nước lớn. Tôi hỏi:

- Chú ơi, thế cô và ông bà ở nhà có sao không ạ?

- Chú chằng cột chặt chẽ từ sáng rồi, chắc là an tâm thôi. Chú chỉ lo bé Nhi đang ốm, nhỡ sốt hay làm sao thì không ra được trạm xá.

Mẹ tôi đã tìm thấy tấm bạt và cuộn dây, mẹ buộc kỹ vào trong một túi bóng lớn rồi đưa cho chú.

Tiếng xe máy lại nổ, chú và ánh đèn xe lại vụt đi trong cơn mưa xối xả của đất trời, nhìn hình ảnh chú nhòa đi trên con đường tối vắng vẻ, tôi thấy lòng mình đau thắt lại, một tâm trạng lo lắng đến lạ. Mẹ tôi vừa đóng cửa, vừa thở dài bảo:

- Khổ thế đấy! Bộ đội như bố con thì xa nhà quanh năm suốt tháng, như chú con gần hơn một chút, nhưng những lúc quan trọng như thế này cũng có ở nhà đâu? Ngôi nhà trong bão cần người đàn ông biết bao nhiêu?

Tôi lặng ngồi, không đáp lời của mẹ và suy nghĩ. Làm người lính đúng là rất cực nhọc. Những lúc đi làm nhiệm vụ giúp dân chống bão thế này chú nghĩ gì khi mà gia đình của chính mình có cha già, mẹ yếu, vợ trẻ, con thơ đang gồng mình lên chống chọi lại bão tố? Rồi những chuyến công tác, những lần thực hiện trọng trách đơn vị giao phó, những mệnh lệnh thường trực sẵn sàng chiến đấu của quân đội... Công việc, miên man là công việc, để rồi những ngày kỷ niệm, sinh nhật, lễ tết cũng chẳng được chung vui cùng gia đình. Tôi hiểu, những người lính như chú tôi, bố tôi khi đã khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính là xa nhà, đi làm nhiệm vụ là mang theo trái tìm đầy lo lắng, nhớ nhung về mái ấm gia đình thân yêu mà không sao làm khác được. Họ luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình.

Tôi yêu chú, yêu bố, tôi rất yêu “nghề bộ đội” và cũng rất tự hào khi gia đình tôi là gia đình có truyền thống quân nhân, có thể sau này tôi và em trai tôi đều sẽ là người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng – Những con người luôn khao khát giữ bình yên cho Tổ quốc.

Hà Thanh Huyền

(Lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày