Thứ 7, 23/11/2024, 12:46[GMT+7]

Hành trình tìm mộ (Phần II)

Thứ 2, 11/08/2014 | 09:47:05
1,079 lượt xem

Kỳ 3 - PƠ KAN VÀ NGƯỜI ÐÀN BÀ XINH ÐẸP

Ngay từ buổi đầu tìm hài cốt đồng đội trong rừng Sắc Rông, Tường đã để tâm đến liệt sĩ Quang bạn của anh.

Tường chỉ đạo anh em phát quang bụi gai quanh gốc sấu. Tuấn đi lại phía Tường:

- Anh Tường, chúng em đào nhé!

- Ừ, nhưng phải cẩn thận. Ðừng để lưỡi xẻng chạm vào xương nghe!

- Anh Tường ơi, anh lại xem, bạn anh tiêu gần hết rồi.

Tường cúi xuống, thục tay cào bới. Tấm vải đỏ gói Quang mối xông nát vụn. Hài cốt của Quang phần lớn đã tan vào đất. Chỉ còn cái hộp sọ là còn nguyên, nhưng rễ cây đã quấn chặt. Tường nhẹ nhàng gỡ từng cái rễ cây nhỏ xíu để hộp sọ không bị dập vỡ. Anh tỉ mỉ nhặt từng mẩu xương bỏ vào túi hài cốt. Gần nửa giờ sau, Tường và Tuấn mới gỡ được hộp sọ ra khỏi búi rễ cây.

- Sao ngày đó các anh không mai táng anh Quang trên gò đất cao, để tránh rễ cây và mối xông? Tuấn hỏi.

- Nếu để ngoài gò đất cao, chỉ một trận bom là thi thể tan tành. Có khi trúng bom tung lên rồi văng mỗi nơi mỗi mảnh. Ðể bên gốc cây, chúng mình cho là an toàn hơn, nhất là cây đại thụ sẽ che chắn cho thi thể. Tường nói tiếp:

- Dù bị rễ cây quấn chặt, mối xông, còn một phần còn hơn là mất hết.

Hài cốt của Quang nằm trong ba lô của Tường, các chiến sĩ tiếp tục rẽ cây tiến vào rừng sâu.

Giữa rừng Sắc Rông, một buổi chiều. Kan - người bản Ðắk La, thân hình cường tráng, bắp thịt săn chắc như thân cây mun, nước da nâu, hai bờ vai đỏ thẫm. Anh khoác tấm vải thô màu xẫm, đóng khố, tay cầm con rựa, vai vác khúc gỗ khật khưỡng đi dưới tán cây rừng.

Bất chợt Kan gặp một người thiếu phụ nằm im bên một hố đất như không hề hay biết có thế gian này. Ðưa một ngón tay hơ hơ lên mũi, thấy hơi nóng còn ra, Kan cởi tấm vải trên vai đắp lên người thiếu phụ. Anh vút chạy đi, lao vào bụi cây tìm lá thuốc mang tới. Một nửa nắm lá đặt lên trán nạn nhân, một nửa đưa lên miệng nhai vụn ra nước. Tay khẽ nâng người nạn nhân, mặt cúi xuống, chấm môi mình vào môi người thiếu phụ, nhả miếng nước lá thuốc vào miệng. Rồi khe khẽ đỡ đầu chị đặt lên đùi cho dễ thở và anh ngồi im chờ đợi. Lần đầu tiên trong đời Kan được gặp một người đàn bà xinh đẹp lạ thường. Người đàn bà đang nằm thiêm thiếp trên đùi anh. Cổ trắng ngần, bờ vai và thân hình tròn lẳn, đôi mắt khép mơ màng. Tai họa của người thiếu phụ là điều may đối với Pơ Kan. Anh nghĩ thế. Anh cảm như trời phú cho anh một nàng tiên đẹp, đẹp hơn cả giấc chiêm bao. Kan hồi hộp đặt một bàn tay lên trán chị, hơi ấm đang dần dần nóng lên. Lại nhai một miếng lá thuốc nữa, lại cúi xuống chấm làn môi khô bỏng lên môi người thiếu phụ mềm lạnh. Nước thuốc từ miệng anh nhỏ xuống, thấm dần, lan tỏa khắp cơ thể.

Người thiếu phụ đó là Hạnh Dung. Chị đang đi tìm hài cốt của chồng và hài cốt đồng đội của chồng. Thấy một mô đất hình con rùa, trên có đặt phiến đá màu xám, rêu đã phong phủ. Gặp nấm mộ nào chị cũng linh cảm trong sâu thẳm của lòng đất là hài cốt của anh Quang. Riêng nấm mộ này không hiểu sao chị tin hơn tất cả. Chị tin là mộ anh Quang. Niềm tin thành ảo tưởng, khiến chị cứ tưởng như là đang ngồi trên nấm mộ của chồng. Chị lo lắng hồi hộp. Chị hì hục đào, hì hục cuốc. Ðất rừng mùa khô kết như hóa thạch. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại tóe lên những tia lửa. Chị vẫn đào. Bao nhiêu sinh lực trong cơ thể dồn vào cán xẻng. Mồ hôi đầm đìa. Cái bệnh tim của chị đã từ lâu mỗi khi làm quá sức là cảm giác khó thở lại dâng lên nghèn nghẹn ở hai cánh mũi. Nhưng sức mạnh từ thế giới bên trong nấm mộ đã truyền sang chị. Cả một khối đất hình con rùa khô xác, hóa thạch được đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị kiên nại quật lên. Ðặt cái xẻng, cắm một nắm hương lên đống đất mới đào. Làn khói hương như những sợi mây trắng tỏa ra quẩn quanh bên đống đất rồi từ từ bay lên đám lá rừng. Chị đưa bàn tay khẽ gạt lớp đất vụn màu tro, lật miếng ni-lon đã rách, một bộ xương hộp sọ vỡ làm nhiều mảnh nhỏ hiện ra trước mặt. Chị rùng mình, không cưỡng nổi cơn bệnh và sự kiệt lả. Rừng cây như đưa võng, cổ nghẹn ứ, đôi mắt hoa vàng và rất nhanh chóng tối sầm lại. Chị ngã gục xuống.

Hạnh Dung nằm mê man gối đầu lên đùi người con trai Kà Tu, một quãng đùi trần mềm ấm. Cái cảm giác đầu tiên, Dung mơ hồ nhận ra là làn môi ấm áp, mạnh mẽ. Làn môi có lúc xa xăm, chờn vờn, run rẩy đặt lên làn môi bất động của chị. Rồi từ làn môi ấy, một dòng nước vừa đăng đắng, vừa ngọt ngào truyền vào miệng chị và lan chảy khắp cơ thể. Ngày chị và Quang yêu nhau, cảm giác hoàn toàn khác. Cả hai cùng hết mình truyền cảm sức sống kỳ diệu của tình yêu vào làn môi nồng nàn, cháy bỏng.

Lại một làn môi khẽ chạm lên môi chị vẫn ấm nóng nhưng rất mơ hồ. Lại một dòng nước ngòn ngọt, đăng đắng nhỏ xuống. Chị khẽ ngửa lên theo phản xạ, nuốt ngon lành những giọt nước nhỏ xuống. Hai bờ vai cựa quậy, mi mắt khép hờ. Bất chợt một luồng sáng vàng vọt ùa vào hai khóe mắt. Luồng sáng mờ đục như chiếu qua một làn  sương mỏng chứa hơi nước bỗng bừng lên. Hạnh Dung từ từ mở mắt. Mọi cảnh vật dần dần hiện rõ. Thoạt tiên Hạnh Dung nhận ra một người đàn ông rất lạ đang bế chị. Chị vẫn chưa định hình nổi cái gì đã xảy ra. Người đàn ông là ai ? Chị nghĩ tới Trần Quang. Những giây phút hạnh phúc lâng lâng như bay bổng, chập chờn, có lúc như tan vào trong vũ trụ. Kan nhìn chị - như nhìn vào cõi hư vô. Dung cựa mình, và dần tỉnh hẳn. Chị đã nhận ra người đàn ông từ từ nâng chị ngồi dậy là người hoàn toàn xa lạ. Chị cựa quậy, ngượng nghịu định vượt ra khỏi tay người đàn ông. Nhưng một giọng nói lạ và trầm:

- Nằm yên lát nữa cho tỉnh hẳn đã. Chị vừa bị ngất mà.

Dung chợt nhớ bộ hài cốt và nhận ra nỗi đau từ cái hộp sọ, hiểu ra một tai họa vừa đi qua. Ngực chị vẫn còn nằng nặng và thỉnh thoảng buốt nhói. Trước mặt Kan, chị không còn cảm thấy ngượng nghịu. Chị nhìn anh và cất tiếng nhẹ nhàng:

- Không có anh chắc là tôi đã đi theo anh ấy nhà tôi rồi.

- Ồ, không đi được. Chị phúc hậu và đẹp như một nàng tiên ấy, Giàng chưa cho chị đi mà.

Kan giới thiệu về mình. Dung thì nói lại công việc mà chị đang làm từ khi vào xây dựng quê hương mới ở Ðắc Min. Pơ Kan vẫn không rời chị. Anh giúp Dung bới đất lần tìm những mảnh xương vỡ dưới hố, đưa lên ghép lại và gói vào tấm vải hoa. Anh bảo Hạnh Dung:

- Chị là người Kinh nhưng vô đây là thành người Tây Nguyên rồi nên phải theo tập tục của người Tây Nguyên. Mùa này là mùa lễ hội, người Tây Nguyên không bỏ mả đâu. Rước người chết lên, Giàng không cho cái hồn theo cái xác đâu. Có khi còn bị quở đấy. Mùa khô, mùa nắng mới là mùa bỏ mả.

Trò chuyện với Kan, Dung đã rõ được đôi nét văn hóa và những tập quán của vùng đất Tây Nguyên mà dân làng Trà Tân của chị chưa có dịp am hiểu. Kan bảo: Ở Tây Nguyên khi năm cũ hết là lúc thóc đã lên sàn, mẹ lúa đã về ngủ với đất. Mọi người lao động đã xong. Con người đi thăm nhau. Mùa lễ hội bắt đầu, tiếng cồng chiêng vang động suốt ngày đêm. Tiếng vang dội từ sườn núi bên này âm âm, u u vọng qua sườn núi bên kia. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga, vang lên từ sâu thẳm. Người ta bảo đấy là tiếng hồn của rừng, của đất, của sông núi. Khắp nẻo buôn làng, gái trai, già trẻ cùng nhảy múa, ca hát, đốt lửa và đánh đàn. Tiếng đàn T’rưng trầm trầm vút cao. Ðàn KSi thánh thót, kèn Dinh Namon> vang xa. Trai gái hỏi vợ, gả chồng, mùa cưới say mê, cuồng nhiệt, cứ thế cho đến lúc Giàng phóng xuống những cái roi lửa lòng vòng lên núi, lên đồi, là lúc sấm gọi mẹ lúa dậy, mùa lao động lên nương, lên rẫy lại bắt đầu...

Rừng Sắc Rông một buổi tối, Phạm Tường cùng các chiến sĩ mắc võng quây quần bên nhau, y như ngày hành quân vượt Trường Sơn vào Namon> chiến đấu. Ðể tránh mối xông và mưa ướt, những bộ hài cốt tìm được trong buổi chiều chưa kịp đưa về nghĩa trang, mọi người xếp trong ba lô rồi lấy nilon bọc kín, treo lên cây.

 

Kỳ 4 - HÀI CỐT CHỊ EM

Cây khô được chất đống, đốt lửa sáng lên một góc rừng. Tám cái võng giăng sát bên nhau, trò chuyện rôm rả đung đưa dưới tán cây lập lòe ánh lửa.

Từ một cái võng, tiếng Thuần vọng ra:

- Mấy hôm nay chúng ta kiếm được toàn là hài cốt chị em.

- Sao cậu biết là hài cốt chị em? Tường hỏi.

- Trông biết quá đi chứ. Hộp sọ phụ nữ thường tròn, mặt và cằm nhỏ, ngắn. Namon> giới cằm nhọn, xương dài, hốc mắt rất sâu.

- Cậu có nghề đấy.

- Gần 3 năm đi kiếm tìm đồng đội, chuyên đào bới hài cốt, phải có nghề chứ. Nếu không có nghề, có khi gặp con vượn chết lại bảo xương đồng đội.

Từ cái võng gốc cây bên cạnh, tiếng Bùi Phán nói:

- Mình tìm được nhiều hài cốt con gái, chắc những năm chiến tranh, vùng này có nhiều đơn vị nữ đóng quân hoặc có các cô thanh niên xung phong ở đây phải không?

- Ðúng đấy. Ðây gần tuyến đường chiến lược, có nhiều đơn vị thanh niên xung phong vào mở đường. Các đơn vị thanh niên xung phong hầu hết toàn là con gái.

Phán bảo:

- Hồi đó qua đây, chắc Thuần gặp nhiều chị em lắm.

Thuần hồi tưởng: Ở vùng này ngày ấy bom Mỹ đánh suốt. Không ít đơn vị thanh niên xung phong trúng bom hy sinh gần hết. Những hài cốt chúng ta tìm được chắc chắn là của nữ thanh niên xung phong.

Từ cái võng đối diện, Hoàng nói vọng sang:

- Nếu không có chiến tranh, hẳn bây giờ các cô ấy đã là vợ, là mẹ, sống hạnh phúc như bao người đang sống. Hoàng tiếp tục nói, giọng anh lắng xuống vẻ căm giận:

- Vậy mà đế quốc Mỹ đã cướp đi tất cả. Tội ác của chúng, dẫu có mang cả nước Mỹ sang bồi thường cũng không xứng với những hậu quả, mất mát mà chúng đã gây ra.

Năm con đom đóm lập lòe trên ngọn cây từ từ bay xuống, lượn qua lượn lại quanh những cái võng. Chừng một lát, lại từ từ bay lên đậu vào những chiếc ba lô hài cốt. Bỗng một con sà xuống, thành một vệt sáng dài lao sát đầu võng của Tú. Tú nhổm dậy:

- Anh Tường ơi, đổi chỗ cho em.

Trong nhóm đi tìm hài cốt, Tú là người trẻ nhất, mới ngoài đôi mươi. Tường nói:

- Sao lại đổi chỗ. Cậu sợ mấy con đom đóm kia chứ gì.

Phán trêu Tú:

- Ðom đóm cõng ma. Nó bay đến cõng linh hồn những cô gái trẻ trong ba lô về võng của cậu đấy, vì cậu cũng trẻ mà.

Phạm Tường bảo:

- Sợ gì. Phán nó dọa đấy. Ở rừng làm gì có ma. Gặp đom đóm rừng là sắp có tin mừng. Chắc người yêu cậu đang gửi thư vào cho cậu đó. Tú vẫn không nghe:

- Anh không đổi, em sang nằm chung với anh đây.

- Thôi được, cậu sang đây, tớ sang đấy.

Tất cả cùng cười, cây hai đầu võng rung rung. Những con đom đóm buông chiếc ba lô lập lòe bay tít lên cao. Phạm Tường xuống võng, bước ra ném thêm mấy cành khô vào đống lửa. Anh cúi áp mặt xuống đống củi thổi phù phù. Ngọn lửa cháy bùng lên. Ði về phía võng của Tú, Tường ngồi xuống rồi nói:

- Thôi nhé, giờ các cậu trật tự, mình trao đổi một vài công việc rồi ngủ. Ngày mai tổ của Phán chuyển những bộ hài cốt đã tìm được về trạm để làm thủ tục nhập nghĩa trang. Còn anh em ta chuyển hướng về phía bắc của cánh rừng Sắc Rông này, tiếp tục tìm kiếm những đồng đội còn lấp khuất.

Ðống củi cháy sắp tàn. Thỉnh thoảng một đốm than còn đỏ lửa lòe lên rồi tắt hẳn. Khu rừng đen tối mênh mông. Những con đom đóm từ trên ngọn cây sà xuống, lập lòe lượn quanh những cánh võng.

*

*      *

Ba ngày sau, tốp chuyển hài cốt về trạm đã quay trở lại. Phán kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe mà các anh gặp trên đường và khuyên mọi người phải hết sức cảnh giác khi đưa hài cốt về nghĩa trang.

- Hôm ấy khi tới ngã ba gần đài liệt sĩ khu một, tôi và Ðức tạt vào một quán cơm bình dân bên đường. Lúc ấy anh nào bụng cũng đói meo. Chúng tôi đang ngồi ăn thì có hai người khách vào quán. Một người chột mắt, sau đó được bà chủ quán cho biết tên hắn là Hảo, Hảo chột. Một tên có chòm râu tỉa nhọn và bộ ria mép rất dày tên là Kiệt, Kiệt râu. Hai tên cứ quẩn quanh bên hai cái ba lô của chúng tôi. Khi chúng ra ngoài, bà chủ quán ghé tai tôi thì thầm: “Các chú có gì phải cẩn thận đấy”.

 

(Còn nữa)

Truyện ký của Minh chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày