Thứ 7, 18/05/2024, 21:21[GMT+7]

Thời chúng tôi trọ học

Chủ nhật, 31/08/2014 | 17:29:27
882 lượt xem
Chủ nhật hai tuần trước, tôi về xin tiền, gạo, mẹ tôi bảo: “Ở nhà vẫn chưa làm gì ra! Thôi con hãy đến nói với bà chủ hoặc bạn bè cùng trọ học bên ấy cho vay gạo, vay khoai ăn chịu. Lần sau về, có tiền, có gạo mang đi sẽ trả sau”! Vậy mà lần này về, ở nhà lại vẫn chưa có gì. Ý nghĩ bỏ học lại có cớ nhen nhóm trong đầu… Nhưng nghĩ đến câu dạy của ông bác - là ông đồ nho: “nhân bất học bất tri lý” tôi vẫn phải tính chuyện ra đi.

Các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2014 tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình. Ảnh: Đặng Anh

Như mọi lần, cứ vào khoảng gần một giờ chiều chủ nhật, tôi phải vội vàng đi bộ sang chỗ trọ. Bởi trường cấp III cách xa nhà những hơn 50 cây số. Tôi mếu máo bật khóc. Nhưng tiếng khóc chỉ ức… ức… nghẹn lấy cổ, chứ sự buồn tủi, cơ cực của cảnh nông dân nghèo khổ, không thể khóc lên thành tiếng. Tuổi học đường, đang ăn đang lớn, nhưng vì đã phải qua hai đận đói nên thân hình tôi, tuy đã học lớp 8 - lớp đầu cấp III, mà vẫn bị liệt vào loại xanh gầy như dọc khoai. Nhìn cảnh con gầy guộc, tiều tụy, não nùng, cúi đầu ra đi không tiền, không gạo, mà lại khóc ức ức, nấc lên như bị đánh chửi, mẹ tôi rũn người, thở dài, mắt đỏ hoe rồi ứa lệ. Ðầu óc chao đảo, mắt tôi nhòe đi, vì nước mắt vẫn trào ra từ  nhà và suốt đoạn đường tôi phải ra đi. Ra đầu làng, nhìn cánh đồng chiêm, tôi hình dung cảnh bố tôi đơm tôm, đơm rạm, đánh lưới cá ở mãi đồng xa tít tắp. Bố tôi lặn lội đêm khuya, sáng sớm, nhưng nước đồng chua trong vắt thế kia, làm gì có con tôm, con cá nào vào rọ, mắc lưới để mẹ tôi được đi bán lấy tiền? Và dù có nhiều ngày bố mẹ tôi ra biển cào don để bán thì một gánh nặng con don cũng chỉ tương đương tiền vài cân gạo. Bố mẹ và các em tôi ở  nhà ăn gì? Tôi đã thấu cảnh bao ngày phải ăn vã canh don. Ðến thính thóc lép cũng chẳng có để chan với nước canh này.

Ngày học lớp 4 - đúng năm mất mùa, tôi đã phải mang quài xuống những bụi dứa ven biển để đào, để rút những cây rau má về cho bố tôi thái nhỏ, phơi tai tái rồi nấu để người lớn ăn. Còn các em tôi được ăn rau má nấu với một ít gạo. Tôi lại hình dung cái bị gạo năm ấy bố tôi treo trên quân xỏ xà thượng ở vì kèo giữa nhà. Bị gạo chưa đầy hai cân, mà phải treo cao thế, vì nhiều lý do. Bố mẹ tôi đi làm. tôi phải ở nhà trông các em. Ðói ăn, đứa nào cũng khóc, không chịu chơi những trò tôi bày ra như lấy đất nặn con trâu, con gà, ông bụt, vật pháo nổ (đất nặn thành hình trụ tròn như cái sáp thuốc lào, rồi vật mạnh xuống sân tạo tiếng nổ). Riêng em Nhàn đói quá, xỉu đi, tôi phải bế vào ổ rơm đắp chiếu. Trưa về, bố mẹ tôi bảo: Sao con không biết lấy cái que chọc vào bị để gạo rơi xuống, nhặt cho em ăn đỡ đói? Thực ra, nếu muốn lấy gạo, tôi có thể leo lên xà thượng. Nhưng nghĩ đó là “kho báu” của cả gia đình, chuyên để nấu với rau má, rau khoai cho các em ăn, làm sao tôi nỡ lấy xuống... Giờ đi học cấp III, nếu mỗi lần về xin, chỉ cần được cái bị gạo vài cân ấy là tôi đã mừng rơn lên rồi. Vậy mà… tôi lại phải đi không thế này! Càng nghĩ lòng càng quặn đau. Ðau thắt từng bước đi tới trường. Ðến bến đò, gặp bạn bè, tôi không dám khóc nữa. Nỗi đau lặn hẳn vào trong, hoặc bị pha loãng bởi những ý nghĩ khác. Lên đò, từng tốp đi với nhau. Mặt đứa nào cũng ỉu xìu. Có nói với nhau câu chuyện cũng không ngoài sự kêu ca: Sao trời cao, trời gần cứ làm mất mùa mãi, để bọn học sinh trọ học phải đói khổ, xanh gầy!

Tôi với Miền cùng trọ học ở nhà cụ Liệu - thuộc xã Tây Sơn, cạnh trường. Nhà cụ là một trong những gia đình khá giả của xã. Cụ ông mất sớm. Con trai lớn và con dâu làm bác sĩ ở Hà Nội. Ở nhà chỉ còn cụ sống với người con gái - chị Hoài, chưa lấy chồng, và đứa cháu trai bốn tuổi - cháu Hưng, con của con trai cụ, để ở quê cho cụ vui. Nhà cụ có nhiều nồi đồng, mâm đồng, bát đĩa cổ… Chúng tôi được mượn một nồi đồng nhỏ (nấu vừa khoảng một cân gạo) để nấu cơm và một niêu đất để nấu thức ăn. Nhưng vì chúng tôi chuyên ăn “cơm tổng hợp” nên cái niêu đất chẳng mấy khi dùng đến. Một ngày chúng tôi chỉ “đỏ lửa” một lần vào buổi trưa. Còn sáng sớm, sau khi thắp đèn dầu học lại cho thuộc bài, dậy rửa mặt là chúng tôi đi học luôn. Vừa đi, chúng tôi vừa truy bài cho tới trường (trường, lớp có khẩu hiệu “đi truy, về trao, học bài nào, xào bài ấy”. Dọc đường đi học, có những chỗ bán xôi, bán bánh tẻ, bánh ú, bánh đa, bánh đúc… chúng tôi đều… bỏ qua. Thực ra, không đứa nào có tiền để ăn sáng. Hằng tháng tranh thủ thứ bảy, chủ nhật về xin tiền, xin gạo ăn bữa chính còn chưa có, lấy đâu ra tiền để ăn sáng. Ðã nhiều lần cụ Liệu cho chúng tôi vay tiền, vay gạo. Cụ còn chủ động đi chọn và mua hộ hai đồng rưỡi một thúng khoai. 

Trưa về, một đứa lấy độ nửa cân khoai ra cạo vỏ, rồi thắt thành từng miếng nhỏ. Một đứa lấy một lẻ gạo (độ một lạng) cho vào nồi, đổ nước, bắc lên đun. Sau khi rửa sạch, khoai được cho tiếp vào nồi, để ninh chung với gạo như ninh cháo. Nhưng do ít nước nên nồi cơm sôi kỹ, chỉ đặc lại như nấu bánh đúc. Lúc đó, chúng tôi lấy một ít muối - từ giỏ muối chuyên để ở góc bếp của cụ Liệu để tra vào nồi cơm, rồi đảo đều. Nấu cơm bằng rạ nên nhanh và nhiều tro nóng. Húi nồi “cơm tổng hợp” xuống tro nóng độ 15 phút, để gạo và khoai ngấm muối, chín ngấu, chúng tôi đi rửa chân tay, chuẩn bị cho bữa ăn duy nhất của một ngày.

Ngày nào cũng vậy, sự “thèm ăn” được đánh thức từ hồi trống tan trường. Ðến lúc rửa chân tay là cái đói, cái thèm đã lên đến điểm đỉnh. Dạ dày “bóp không” mãi đã khuấy động “đồng minh” là nước bọt tứa ra, chân tay run lẩy bẩy để… “biểu tình”. Chúng tôi sắp cơm ăn theo nghi thức giản dị hơn cả nông dân. Hai chiếc ghế nhỏ đặt đối xứng qua nồi cơm để hai đứa ngồi ở gian giữa nhà ngang. Miền cầm trên tay hai chiếc bát và hai đôi đũa con. Còn đũa cả đưa cho tôi làm nhiệm vụ “tạo bánh đúc khoai”. Nghĩa là tôi đánh thật nhuyễn nồi cơm khoai, đến khi không nhìn rõ đâu là hạt cơm, đâu là miếng khoai nữa. Thế là hai đứa cứ tự đơm lấy từng bát mà ăn. Dạ dầy lép, bánh đúc khoai thì dẻo nhuyễn, cứ bỏ vào miệng là trôi tuột xuống chỗ “vô thiên, vô địa”. “Ăn kỹ” nhẵn như chùi mà nồi vẫn còn nóng đến bỏng tay. Ruồi, và kiến đều “mất nhờ”. Ðược ăn mỗi ngày một bữa “cơm tổng hợp” kiểu này, chúng tôi tự an ủi: ở đời chắc còn nhiều người đói khổ hơn? Mình vẫn còn sướng chán!

Ngủ trưa dậy, chúng tôi xem kỹ lại lý thuyết, rồi hì hục làm hết bài tập của các môn vừa học buổi sáng. Chẳng có bài nào chúng tôi chịu bó tay. Mọi bài tập chúng tôi đều làm rất cẩn thận, chu đáo, trình bày sạch đẹp, cốt để nếu ngày mai thầy cô gọi lên bảng và kiểm tra vở bài tập, sẽ đạt điểm tối đa. Sở dĩ xem lại lý thuyết ở sách giáo khoa từ lúc ngủ trưa dậy, nó “vào hơn”, hiểu hơn và làm bài tập tốt được như vậy, chúng tôi cho là thời điểm này “cơm tổng hợp” đã “phụng dưỡng” tốt, để cái dạ dầy trở nên “ngoan” hơn. Tầm bốn giờ chiều, chúng tôi đi quét sân, múc nước giếng lên ang, chặt củi chà rào thành từng bó để khi hết rơm rạ, hoặc có việc giỗ chạp, gia đình cụ Liệu sẽ dùng đến. Khi chị Hoài đi làm đồng về, chuẩn bị nấu cơm chiều, chúng tôi lại cầm sách (thường là văn, sử, địa, Trung văn) ra những gò đống ở cánh đồng màu sau nhà để học thuộc lòng. Nhá nhem tối, không đọc được nữa, đứa đóng vai thầy giáo hỏi bài, đứa là học sinh trả lời. Cứ bị “đè nén, áp bức, cải huấn” theo kiểu học hành như vậy, “bọn” nơ ron thần kinh đánh thức sự “thèm ăn” bữa chiều, cũng “bái đầu quy phục”. Tất cả đều “thấm nhuần” chữ “nhẫn”.

Ngày nào cũng thế, cứ gia đình cụ Liệu ăn cơm tối xong rất lâu - nghĩa là hơi cơm, hơi các món ăn thơm ngon quyến rũ đã bay cao, bay xa, loãng vào bầu trời đêm, chúng tôi mới dò về. Chúng tôi lại chưng đèn chuẩn bị sách vở cho ngày mai. Ngày mai học đến bài nào, phần nào, chúng tôi cùng nằm đọc cho nhau nghe. Việc “cày vỡ” này giúp chúng tôi ngày mai nghe lời thầy, cô giảng bài, như ruộng được cày bừa lại kỹ càng, nhuần nhuyễn hơn.

Thời gian cứ “kín” như vậy, cơ thể có xanh gầy, nhưng cái đói không tìm ra “kẽ hở” nào để rủ đầu óc kêu ca, phàn  nàn, than thân trách phận. Cũng bởi thế, mặc dù thang điểm Liên Xô, điểm 5 là cao nhất, bài vở chúng tôi luôn đạt điểm 4, điểm 5. Cả hai học kỳ lớp 8 chúng tôi đều đạt học sinh tiên tiến.

Ngày chuẩn bị chia tay gia đình cụ Liệu để về nghỉ hè ba tháng, chúng tôi được ăn một bữa mít nhớ đời. Nhớ đời không phải vì quả mít dai to, thơm ngon ở vườn cụ Liệu bị mất trộm và chúng tôi đã có mưu tìm ra, mà là vì lúc ăn mít gần xong, chị Hoài hỏi chúng tôi một câu rất chân thành, giản dị, nhưng chúng tôi lại không trả lời đúng ý. Chị hỏi là: Trong suốt năm học, các cậu nấu cơm khoai với muối, có thấy lúc nào giỏ muối bị hết không? Miền chỉ trả lời: Chúng em thấy lúc nào giỏ muối cũng có nhiều. Mà toàn muối trắng, muối ngon!. Chị Hoài chỉ cười, không nói thêm… Sáng hôm sau, trên đường về, hai đứa bàn luận và đều hối hận rằng: Mang tiếng đã học xong lớp 8, trọ học 9 tháng trời mà trước khi ra về, chúng tôi lại không nói lên được sự biết ơn gia đình đã nhiều lần cho chúng tôi vay tiền, vay gạo, đi mua hộ khoai. Thời buổi khó khăn, muối đắt, giỏ muối cứ vơi đi, chị Hoài lại âm thầm mua về, để chúng tôi nấu “cơm tổng hợp” ròng rã chừng ấy tháng. Từ muối, đến nồi niêu, bát đĩa, rơm rạ… cụ và chị đều “viện trợ không hoàn lại”. Vậy mà… Văn hóa ứng xử của chúng tôi quả là còn kém cỏi, đáng trách! Ngẫm ra, việc vượt khó, ăn đói, học giỏi mới chỉ là người có chí học hành lý thuyết sách vở, còn trường đời, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày mới luôn luôn dạy ta những bài học bổ ích!

Nguyễn Mai Sơn

(Thụy An, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày