Thứ 7, 18/05/2024, 23:14[GMT+7]

Số phận con người qua một số tác phẩm văn học hiện đại thời kỳ hậu chiến

Chủ nhật, 31/08/2014 | 17:35:25
16,439 lượt xem
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại gần 40 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn đang tiếp diễn và ngày càng thảm hại. Chúng tôi, các nhà văn Việt Nam lên tiếng kêu gọi các nhà văn Mỹ với lương tâm và thiên chức của người cầm bút hãy tiếp tục viết về đề tài hậu quả chiến tranh nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chính phủ Mỹ, chính phủ các nước có liên quan để họ có hành động vì sự sống và số phận những con người đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Hai tập truyện “Hậu chiến Việt Nam” và “Di họa chiến tranh” của nhà văn Minh Chuyên được lưu giữ tại thư viện Trường Đại học Harvard - Mỹ.

Văn chương thời đại nào và ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều kỳ vọng mang đến cái đẹp chân - thiện - mỹ cho con người, cho cuộc sống. Cái đẹp văn chương là cái đẹp tâm hồn thuần khiết, tỏa ra ở mỗi ngòi bút, bằng sự cảm nhận từ chính trái tim được rung động.

“Mãi mãi tuổi hai mươi” - nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã làm rung động hàng triệu con tim của bạn đọc bằng vẻ đẹp hình tượng con người qua sự cảm nhận dung dị của chính tác giả, một người lính viết trên đường hành quân ra trận cứu nước và đã dâng hiến cả quãng đời thanh xuân của mình cho đất nước.

Ngược lại, một vẻ đẹp khác về nghị lực con người bị chiến tranh hủy hoại, lùa đuổi. Hình ảnh em bé Lại Thị Hà, một bi kịch của thời hậu chiến, hiện hữu trong tác phẩm “Chiếc cũi người” đã vượt lên dành lại sự sống. Chiến tranh đã cướp đi tất cả, đã làm biến dạng hình thể con người của em. Cái còn lại duy nhất là cái bóng vẫn lấp lánh mang hình người cùng sự man rợ do hậu quả chiến tranh tàng ẩn trong con người em.

Xin nêu hình tượng hai con người trong số hàng ngàn thân phận qua các tác phẩm văn học, phần nào thấy được hậu họa khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam qua tác phẩm văn chương. Cuộc chiến đã xô đẩy con người vào các hoàn cảnh sống nghiệt ngã khác nhau, nhưng họ cùng chung một nỗi đau quằn quại trong cuộc sống thời bình. Từ hiện thực cuộc sống dần dần đã hình thành nên dòng văn học mang đậm dấu ấn thời hậu chiến tranh ở Việt Nam.

Bất kể cuộc chiến tranh nào cũng đem đến cho con người nỗi bất hạnh. Chết chóc tang thương, li tán, hận thù luôn luôn song hành cùng con người. Cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh đẫm máu tàn khốc nhất, dai dẳng nhất trong lịch sử của người Việt. Cuộc chiến đã khép lại gần 40 năm từ tháng 5 năm 1975, nhưng rất nhiều người Việt Nam vẫn cất lên tiếng nói thảng thốt: “Chưa một ngày nào, không một đêm nào gia đình tôi không có chiến tranh”.

Chiến tranh đã xâm nhập vào thể xác, tâm thần con người, khiến họ và con, cháu của họ ngày ngày vẫn đau đớn quằn quại, chết dần, chết mòn suốt gần 40 năm qua. Tiếng súng đã im, nhưng tiếng lòng vẫn khắc khoải không nguôi.

Cuộc chiến tranh một bên là quân đội các nước vào xâm lược Việt Nam cùng với chính quyền Việt Nam cộng hòa do người Mỹ dựng lên. Sự có mặt của quân đội các nước Hoa Kỳ, Úc, Ðại Hàn, Thái Lan… cùng với những vũ khí giết người tối tân nhất thời đại, dội xuống Việt Nam kể cả vũ khí hóa học. Một bên là người Việt Nam yêu nước vùng lên giải phóng dân tộc. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1955 và kết thúc năm 1975.

Trong chiến tranh Việt Nam, một số tài liệu cho biết Việt Nam là nơi bị đánh bom nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Với 7,85 triệu tấn bom dội xuống mảnh đất hơn 30 triệu dân thời đó, gấp 3 lần số bom sử dụng trong thế chiến thứ 2.

Theo giáo sư người Mỹ J.M.Stellman và tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành 19.000 phi vụ rải trên 80 triệu lít chất độc hóa học có chứa 366kg Ðiôxin cực kỳ độc hại xuống 26.000 làng, bản Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Hậu quả từ cuộc chiến tranh đã làm gần 8 triệu người Việt Nam bị chết và bị thương tích tàn tật. Trên 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam - Ðiôxin, hơn 1 triệu người đã không còn, trên 150.000 trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3 bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn. Phía người Mỹ, 58.000 binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 300.000 người Mỹ bị tàn phế. Hàng vạn người Mỹ và quân lính các nước chư hầu chịu hậu quả chất độc hóa học và di chứng chiến tranh tại Việt Nam…

Từ những đau thương mất mát quá lớn đối với con người, với môi trường sống đã hình thành một chủ thể văn học, hình thành đề tài về văn học hậu chiến tranh Việt Nam sau năm 1975.

Rất nhiều nhà văn và các cựu chiến binh Việt Nam, Hoa Kỳ cùng tác giả một số nước đã dùng ngòi bút mô tả hình bóng con người cùng nỗi đau của họ sau cuộc chiến với góc nhìn khác nhau. Thân phận con người bị xô đẩy, chà đạp thể xác, tâm hồn cô đơn, trống vắng, sự chết chóc tang thương. Tất cả toát lên tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm một bức thông điệp gửi cho nhân loại, gửi tới mai sau về một thời con người bị hủy diệt bằng những thứ vũ khí tối tân nhất, cùng những hành động man rợ nhất của chính con người đối với con người. Phần nhiều tác phẩm chống lại cái ác, tố cáo tội ác của những người âm mưu chủ trương cuộc chiến tranh. Chia sẻ với những số phận bất hạnh, cứu giúp, nâng đỡ họ đứng dậy, giành lại sự sống đang bị cái ác chiến tranh bao vây dồn đuổi trên con đường cùng kiệt.

Ðề tài hậu chiến, mỗi câu chuyện, mỗi tình tiết như một dấu ấn, không có bất kỳ một sự hư cấu nghệ thuật nào, một sự tưởng tượng nào có thể vượt được sự thật khủng khiếp của hiện thực. Một hiện thực không bị mờ khuất mà luôn hiện hữu trên mỗi con người, mỗi vùng đất nơi chiến tranh đã đi qua. Ðó chính là đối tượng miêu tả của văn học hậu chiến, của những ngòi bút khám phá nỗi đau và sự bất hạnh của con người trong thế giới thời bình.

Các nhà văn Hoa Kỳ cùng các cựu chiến binh Mỹ từng có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã viết hơn 500 cuốn sách bằng các thể loại tiểu thuyết, truyện ký, hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam và hệ lụy của hậu quả chiến tranh trút lên con người, đè nặng tâm hồn, thể xác con người của hai đất nước. Một số tác phẩm từ cái nhìn số phận một cá thể con người cùng nỗi bất hạnh thời hậu chiến để nhìn lại cuộc chiến tranh trước đó. Dù viết dưới hình dạng nào ngôn ngữ độc thoại hay tả trực diện, tự thuật hay sáng tác văn học đều mang dấu ấn hiện đại của thời hậu chiến.

Tác phẩm “Ðếm xác” - tiểu thuyết của W.Hughet miêu tả nỗi kinh hoàng của lính Mỹ tham chiến ở Khe Sanh. Nhìn rõ sự thật, hoài nghi tột cùng, đã đẩy người lính vào những ám ảnh bởi cái chết đau đớn thảm hại. Hậu Khe Sanh là gì? Lại những cuộc đụng độ và “Ðếm xác”. Một sự thật quá sức mường tượng của hư cấu nghệ thuật. Phần lớn các sáng tác dù là tiểu thuyết hay hồi ức, con người cùng số phận của họ luôn là Trung tâm của tác phẩm.

Tiểu thuyết “Ngày sinh mùng 4 tháng 7” của John Cowike nói về một thế hệ thanh niên có tri thức, có văn hóa của nước Mỹ bị lừa vào cuộc chiến tranh Việt Nam để rồi nhiều người phải gánh nỗi hận vì bị tàn phế suốt cả cuộc đời. Nhân vật Robert Muler đã phải thốt lên: “Tôi đã mất 3/4 thân thể ở Việt Nam. Cuộc đời còn có nghĩa gì đâu. Tất cả những gì đối với tôi đều là vô nghĩa”. Thân phận con người sau chiến tranh bĩ cực như thế đấy. Sống ở một đất nước giàu sang như nước Mỹ mà cuộc sống vô nghĩa. Thế mới biết hậu họa cuộc chiến tranh khủng khiếp biết nhường nào. Nó không chỉ biến con người thành một cơ thể vô hồn mà thực tại con người phải khắc khoải trong nỗi đau tuyệt vọng. Bằng ngôn ngữ độc thoại John Cowike đẩy hình tượng nhân vật đạt tới thứ ngôn ngữ đối thoại của tiểu thuyết hiện thực. Từ góc nhìn cá thể số phận của một nhân vật để nhìn lại cuộc chiến tranh tàn khốc và vô nghĩa. Ðó cũng là một thông điệp mới về cách nhìn chiến tranh của John Cowike. Chiến tranh - theo ông - đã dẫn con người tới sự sống vô nghĩa. Ðó là cuộc chiến tranh phi nghĩa?

Tác giả John Nicholair với tiểu thuyết “Máu Mỹ” không chỉ lên án sự tàn bạo của cuộc chiến tranh, coi người chủ trương cuộc chiến tranh Việt Nam là kẻ sát nhân và ông đã ví chiến trường như một cái chợ bán thịt người. Ðiều sâu sắc trong tiểu thuyết “Máu Mỹ” là chiến tranh mới chỉ kết thúc ở chiến trường, nhưng chiến tranh vẫn đeo đẳng người lính Mỹ về tận nước Mỹ tàn phá cuộc đời của họ. Chỉ có dòng văn học hậu chiến tranh Việt Nam mới có hình ảnh kết cục với người Mỹ như thế. Nhưng suy cho cùng, đó là số phận con người mà bất kỳ cuộc chiến tranh nào, người lính nào cũng phải gánh chịu.

Trong cuốn hồi ký “Cha con tôi” Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia dịch in 1998, tác giả Ðô đốc E.Junwalt đã thú nhận nỗi bi thảm của gia đình mình. Ông viết: “Do những mệnh lệnh mà tôi đã đưa ra để tăng cường rải chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam. Lúc đó, trong ý thức tôi không hề nghi ngờ rằng, cuối cùng bằng cách gián tiếp, tôi đã phải chịu trách nhiệm trước việc Elmo con trai tôi khi đó đang đi tuần tiễu ở Việt Nam, những vùng mà chính tôi đã ra lệnh dải thảm chất độc. Elmo và cả đứa cháu nội của tôi sau này cũng bị nhiễm nặng chất da cam. Ðiều đó đã biến tôi thành một công cụ trong tấn thảm kịch của gia đình mình. Những gì đã xảy ra đối với con trai tôi và Russell cháu tôi đã hằn sâu thêm cảm xúc về sự phù phiếm của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó là bài học đau đớn nhất của cuộc đời tôi”.

Nhà văn Minh Chuyên trao đổi cùng nhà văn Mỹ Wayne Karlin - tác giả truyện "Những linh hồn phiêu bạt".

Nhà văn Minh Chuyên tặng tập truyện "Di họa chiến tranh" cho giáo sư Kevin Bowen.

Nhận ra sự thật, viết lại sự thật bằng cảm và nhận từ chính nỗi đau của người cầm bút, nên hầu như các tiểu thuyết, hồi ký về hậu quả chiến tranh Việt Nam đều được mô phỏng chủ thể rất rõ ràng. Hình tượng về con người và thảm họa con người sau cuộc chiến tranh được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ của trái tim bị rung động thực sự. Bị cuốn hút bởi một thực tế, một hiện thực không thể tưởng tượng, không thể hư cấu hơn, tự nó đã làm nên giá trị tư tưởng của tác phẩm. Một cuộc chiến tranh phi nghĩa đã hủy diệt tận cùng đối với con người, cần phải ngăn chặn những cuộc chiến tranh như thế.

Tại Việt Nam, đề tài hậu quả cuộc chiến tranh gần như đã trở thành tiếng nói của lương tri, được chuyển tải qua nhiều phương tiện xuất bản và truyền thông. Hàng trăm tác phẩm dưới hình thức truyện ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký... về đề tài hậu chiến tranh đã ra đời, cùng các đề tài khác đã tạo nên tiếng nói nhân đạo, bênh vực và chia sẻ với những số phận đang từng ngày phải đối mặt  trước thần chết và khổ đau. Tuy còn có mặt hạn chế của phương pháp biểu cảm nghệ thuật, nhưng qua những tác phẩm, bạn đọc biết được sự thật khủng khiếp của cuộc chiến tranh dội xuống xứ sở Việt Nam, làm biến dạng hủy hoại bao sinh mạng, đẩy hàng triệu con người vào hoàn cảnh nửa sống, nửa chết, quằn quại, đau đớn suốt gần 40 năm hòa bình.

Trong phạm vi bài viết và cuộc trao đổi đối thoại cùng các nhà văn tại Boston - Mỹ, chúng tôi muốn đề cập đến hình ảnh cuộc sống mỏng manh của những phận người trong tập truyện ký “Di họa chiến tranh” của tôi - nhà văn Minh Chuyên - một tác giả cũng đang “mang họa” của chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tập truyện đã được dịch và xuất bản tại nước Mỹ.

“Di họa chiến tranh” gồm 17 câu chuyện cùng cất lên tiếng nói về sự sống bất hạnh và nỗi đau khôn cùng của những kiếp người đang phải gánh chịu hậu quả của thứ vũ khí mà người Mỹ và quân đội các nước chư hầu sử dụng ở Việt Nam. Chuyện “Người không cô đơn” trong tập kể lại cuộc hành trình của nhân vật Nguyễn Ðình Thúc, một người lính còn sống sót từ chiến trường trở về, nhưng không nhớ được đường về với gia đình. Vết thương đã làm biến dạng thân hình anh, cướp mất cái trí khôn làm người, biến anh thành một kẻ tâm thần, điên dại, ngày ngày sống lang thang nơi đầu đường xó chợ. Giữa lúc hấp hối, anh được một gia đình nghèo ở Hà Nội thương tâm đón về nhà chữa trị, nuôi dưỡng suốt hơn 10 năm trời. Chính lòng nhân đạo của con người đã cứu anh, đưa anh về sống cùng cha mẹ đẻ sau 15 năm lang thang lưu lạc.

“Vào chùa gặp lại” là một câu chuyện cảm động kể về người con gái có tên Lương Thị Thân, một thanh niên xung phong ở Trường Sơn những năm chiến tranh. Khi hòa bình trở về tuổi xuân đã phai tàn, lại mang trên người hai vết thương, một vết thương cột sống, một vết thương chất độc. Chính cái vết thương thkhông có mảnh đạn này, đã triệt hại người con gái trong cuộc đời của Thân. Thấy cảnh người bạn lấy chồng sinh ra những đứa con nửa là người, nửa không phải là người, Thân không muốn mình cũng sinh ra những đứa con như thế, chỉ thêm gánh nặng cho xã hội. Thân đã từ biệt người yêu để vào chùa tu hành. Vào nơi cửa phật có thời kỳ Thân còn nuôi 9 đứa trẻ tật nguyền là con các nạn nhân da cam. Nghị lực, bi kịch và lòng nhân ái của nhà sư đã trở thành một hình tượng đẹp, làm rung động hàng triệu trái tim khi tác phẩm ra đời.

Trong truyện “Cha con người lính”, tác giả tả và kể lại bi kịch một gia đình cựu binh Việt Nam 3 thế hệ cùng bị di chứng chất độc Ðiôxin. Tác giả viết: “Họ cố sức nương tựa vào nhau, ngày ngày vượt qua cái dốc “tử thần” dành giật lại sự sống. Nhưng khốn thay chiến tranh hóa học như một con rắn độc đã phục sẵn trong cơ thể họ. Tưởng chất độc trong phủ tạng của ông Trần Văn Ngô đã trút hết vào các con, nào ngờ nó lại truyền sang cả đứa cháu nội của ông nữa. Ai cũng nghĩ đã trút hết cho con, cho cháu, máu ông hết độc, ngờ đâu nó vẫn phun mù hai con mắt ông, biến ông thành một gã tâm thần hoang tưởng”.

Ba cuộc đời, ba số phận đã đẩy gia đình ông vào con đường cùng quẫn. Trần Cao Nguyên  người con trai của ông Ngô 30 năm quằn quại trong cơn đau hoang tưởng. Trần Thị Thủy người cháu nội của ông toàn thân lông đen dày đặc như một con gấu. Trần Cao Nguyên hàm răng nghiến chặt, hai tay ẵm đứa con hơn một tuổi, bước lại trước mặt người cha rồi nói:

- Tôi trả con tôi cho ông đấy. Vì ông mà con tôi khốn khổ thế này đây! Ông Ngô giang tay đỡ người cháu:

- Khổ quá cháu ơi! Bố cháu nó lại điên rồi.

- Vâng tôi điên, ông điên, con tôi điên. Ông có hiểu vì sao cả cái nhà này điên không. Vì sao bao nhiêu năm qua, ông, tôi và bây giờ cả con tôi nữa phải sống lay lắt thế này không?...Vì sao? Ông Ngô vẻ mặt đau khổ:

- Vì người Mỹ, con ạ. Người Mỹ họ rải chất độc ở chiến trường, bố nhiễm độc thế nên con và các cháu của bố mới phải mang căn bệnh hiểm nghèo.

Chiến tranh hóa học không chỉ triệt hại gia đình ông Ngô mà biết bao gia đình khác số phận của họ được tác giả ghi lại trong cuốn sách “Di họa chiến tranh” như “Nước mắt làng, “Chiếc cũi người”, “Ðứa con màu da thú”, “Những linh hồn da ca”, “Vết thương không rỉ máu”... Không có nỗi đau nào dai dẳng, cơ cực, tuyệt vọng như nỗi đau da cam.

“Câu chuyện sau chiến tranh”, một câu chuyện ân nghĩa tình người và lòng nhân đạo của con người được tác giả kể lại có nhiều tình tiết hấp dẫn. Trong một trận quyết chiến giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ trên một vùng rừng của tỉnh Kon Tum, trong lúc Paud Reed người lính Mỹ bị trúng đạn, cái chết đang đến gần, thì được một chiến sĩ quân giải phóng tên là Nguyễn Văn Nghĩa lao vào băng bó, cứu sống. Ngay sau đó, lính Mỹ lướt tới, cướp thương binh, bắn uy hiếp, ông Nghĩa nhanh chóng rút về phía sau bỏ lại chiếc ba lô bên cạnh Paud Reed. Trở về nước Mỹ, Paud Reed kể lại câu chuyện cho người mẹ của mình. Mẹ Paud Reed bảo khi nào chiến tranh kết thúc con phải sang Việt Nam, đến tận gia đình người lính ấy mà trả ơn cứu mạng. Năm 1993 theo lời mẹ Paud Reed đã sang Việt Nam, nhờ quyển sổ có ghi địa chỉ, tên tuổi trong chiếc ba lô mang về Mỹ, Paud Reed đã tới được gia đình ông Nghĩa ở xã Tây Giang - Tiền Hải - Thái Bình. Ðược biết Nguyễn Văn Nghĩa bị di chứng chất độc Ðiôxin, Paud Reed đã đưa ông Nghĩa sang Mỹ chữa bệnh rồi đề nghị ông ở lại sống chung với gia đình mình. Ông Nghĩa đã từ chối. Giữ ông không được, Paud Reed xin nhận đỡ đầu người con trai của ông là Nguyễn Văn Diễn sang sinh sống tại thành phố Dallas quê hương của Paud Reed, đến nay đã gần 20 năm…Thật kỳ diệu, câu chuyện về hai con người từng là kẻ thù của nhau rồi lại ân nghĩa vì nhau.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại gần 40 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn đang tiếp diễn và ngày càng thảm hại. Chúng tôi, các nhà văn Việt Nam lên tiếng kêu gọi các nhà văn Mỹ với lương tâm và thiên chức của người cầm bút hãy tiếp tục viết về đề tài hậu quả chiến tranh nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chính phủ Mỹ, chính phủ các nước có liên quan để họ có hành động vì sự sống và số phận những con người đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

  Boston - Mỹ tháng 6/2014

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày