“Tuyển tập thơ Séc và Slovakia” lần đầu tiên đến với Việt Nam
Cuốn sách do NXB Hội Nhà văn in và phát hành, có độ dày 311 trang, bao gồm bản dịch hơn 150 bài thơ tiêu biểu từ tiếng Séc và Slovakia sang tiếng Việt, do gần 40 nhà thơ của hai quốc gia này sáng tác. Trong đó, có những nhà thơ tên tuổi, nhà thơ từng giành giải Nobel, những nhà thơ được độc giả Việt Nam biết đến và yêu mến từ trước, cho đến những nhà thơ khuyết danh. Nhưng có thể nói, đây là lần đầu, độc giả Việt Nam được đón nhận một tuyển dịch có hệ thống và cụ thể dòng thơ Séc và Slovakia từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Trong cuốn sách, dịch giả còn giới thiệu khá chi tiết tới người đọc về tiểu sử của các nhà thơ, và có cả bút tích của họ.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, đây là một công trình về thơ ca của Séc, Slovakia, gợi lại những ký ức về Tiệp Khắc, cách gọi thân quen về hai quốc gia này, vốn đã in đậm rất sâu trong lòng nhiều người, đặc biệt là giai đoạn những năm 1960 – 1970 của những du học sinh người Việt đã học tại đó.
Còn nhà thơ Đỗ Quyên đánh giá, “Tuyển tập thơ Séc và Slovakia” có gần đủ các trường phái, trào lưu trong sáng tạo nghệ thuật thơ hiện đại thế giới, mặc dù hầu như các tác phẩm được dịch đều mang tính trữ tình và dịu dàng thuần cổ điển. Có một số nhà thơ của Séc và Slovakia sáng tác theo khuynh hướng siêu thực, tượng trưng nhưng vẫn được Đỗ Ngọc Việt Dũng lựa chọn và diễn dịch “trữ tình hóa” theo phong cách truyền thống, vốn là sở trường của anh.
Thể thơ trữ tình như vậy cũng phù hợp với nội dung các bài thơ, khi chủ yếu đều tập trung diễn tả về những sự việc đời thường, về tình yêu, thiên nhiên, về quan niệm nhân sinh với cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng và lãng mạn. Các bài thơ còn thể hiện bản tính an hòa, giản dị của người Séc và Slovakia.
Người đọc dễ dàng nhận thấy khổ thơ lục bát quen thuộc của Việt Nam trong những bản dịch. Đỗ Ngọc Việt Dũng chia sẻ: “Để dịch được tất cả các tác phẩm thơ trong cuốn sách, tôi phải sử dụng đến một lượng từ điển khổng lồ. Ngoài ra, còn có những từ ngữ tôi sưu tầm, học được qua ngôn ngữ tiếp xúc hàng ngày của người dân Séc, Slovakia. Những tác phẩm được dịch rải rác trong nhiều năm, từ thời sinh viên khi tôi còn theo học tại Séc, Slovakia, thời đó được thân quen gọi là Tiệp Khắc. Những bài thơ được tôi chọn dịch theo thể bảy chữ, lục bát là về sau này. Có những bài được dịch gần đây nhất mới chỉ 1 năm trở lại đây”.
Trước Đỗ Ngọc Việt Dũng, ít có dịch giả nào chuyên tâm dịch thơ và giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp của các thi sĩ Tiệp Khắc, chỉ có thể kể đến như Dương Tất Từ, Diễm Châu. Các bản dịch thơ tiếng của hai quốc gia cũng thường chỉ xuất hiện trong một số tuyển chọn về thơ thế giới. Đỗ Ngọc Việt Dũng vốn không phải một dịch giả chuyên nghiệp, thậm chí mới chỉ chính thức gia nhập làng văn học Việt Nam từ cách đây vài năm, nhưng với niềm đam mê văn học – nghệ thuật của Séc và Slovakia, yêu ngôn ngữ của hai quốc gia, cộng với nhiều năm gắn bó, học tập tại đó, anh đã lặng lẽ dịch các tác phẩm trong vòng cả chục năm. Đối với anh, Séc – Slovakia, hay còn được gọi thân quen là Tiệp Khắc cũng giống như quê hương thứ hai của mình.
Ông Martin Klepetko – Đại sứ Đặc mệnh toàn quốc của CH Séc cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên vì ở Việt Nam, ngành dịch thuật vẫn rất phát triển, nhiều tác phẩm được dịch ra đều là tác phẩm mà độc giả Việt Nam cũng như thế giới yêu chuộng. Đây cũng là hình thức hữu hiệu để giới thiệu về những nét văn học đặc sắc của Séc và Slovakia. Tôi rất ủng hộ những người làm công việc như anh Việt Dũng, đã có công dịch các tác phẩm văn học tiếng Séc, Slovakia và đưa nền văn học của hai quốc gia tới người đọc Việt Nam gần hơn”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời khẳng định: “Cuốn sách chắc chắn sẽ gợi lại rất nhiều kỷ niệm và ký ức đối với những người đã từng gắn bó với Séc và Slovakia. Tôi chưa có cơ hội để được đặt chân đến hai mảnh đất này, nhưng qua những bộ phim, qua những tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam, và bây giờ qua những tác phẩm thơ do Việt Dũng dịch, tôi nhận thấy thi ca là một nhịp cầu nối. Tập thơ này càng tiếp thêm nhịp cầu mà chúng ta dựng lên bởi con người của hai dân tộc, đi qua các biên giới. Dịch giả Việt Dũng đã làm cho vẻ đẹp của Séc và Slovakia qua một con đường mới, trở nên đẹp, thơ mộng và rung vang qua ngôn ngữ tiếng Việt”.
Được biết, bản dịch cuốn sách được in theo hai phiên bản, một phiên bản sách dịch ra tiếng Việt và một phiên bản sách gồm cả các tác phẩm tiếng gốc cùng bản dịch, dành riêng cho những người yêu thích ngôn ngữ cũng như văn học Séc và Slovakia.
Trước cuốn dịch “Tuyển tập thơ Séc và Slovakia, vào năm 2012, Đỗ Ngọc Việt Dũng cũng đã cho ra mắt cuốn sách đầu tay mang tên “3 cuộc đời – Chuyện Tây Ta”, là tác phẩm truyện ký do anh sáng tác./.
Theo VOV.VN
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng