Thứ 3, 21/05/2024, 10:17[GMT+7]

Muốn làm lớp trưởng

Thứ 2, 10/11/2014 | 09:51:14
3,638 lượt xem
Bé đang học mầm non về khoe với mẹ: Mẹ ơi hôm nay con được làm lớp trưởng. Làm lớp trưởng thích lắm mẹ ạ! Ðược đứng lên chỉ chữ, được chia đồ chơi cho các bạn. Bạn nào nói chuyện, con còn được nhắc bạn nữa!

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Anh bé đang học THCS cũng nói chuyện với mẹ: Mẹ ơi, mẹ xin cô giáo cho con làm lớp trưởng. Bạn đang làm lớp trưởng không xứng đáng. Bạn đã không học giỏi nhất lớp lại còn không gương mẫu. Giờ học, bạn cũng nói chuyện, bạn cũng không làm bài về nhà. Nhưng bạn khác nói chuyện, không làm bài về nhà là bạn mách cô, bạn còn quát các bạn!

Người mẹ nhớ lại thời đi học của mình, hầu hết học sinh không muốn làm lớp trưởng, chỉ muốn chuyên tâm học. Chị thấy mừng. Thế hệ của các con chị đã khác, mạnh dạn và tự tin hơn. Nhưng cùng với mừng, câu chuyện muốn làm lớp trưởng của hai con làm chị có nhiều suy nghĩ. Chị đem chuyện muốn làm lớp trưởng của con kể với các phụ huynh khác và cũng bắt gặp những niềm vui và lo lắng tương tự. Không chỉ có con chị mà rất nhiều trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS đều thích làm lớp trưởng.

Tại sao trẻ em ngày nay muốn làm lớp trưởng? Trong tâm lý tự nhiên, các em đều mong muốn được khẳng định mình trước bạn bè, thầy cô. Nếu được làm lớp trưởng, các em rất tự hào. Song cùng với tâm lý muốn khẳng định mình, có một nguyên nhân khác khá quan trọng đó là làm lớp trưởng thường được thầy cô ưu ái. Tại trường học hiện nay, công tác quản lý trong lớp đang được chuyển dần sang phương thức tự quản. Cán bộ lớp được thầy cô giáo giao một số nhiệm vụ như: quản lớp, kiểm tra bài cũ, nhắc nhở bạn ôn bài… Ðược giao nhiệm vụ, nhưng ít phải chịu giám sát trong thực hiện nhiệm vụ, cộng với nhận thức còn non nớt nên không ít em khi thực hiện nhiệm vụ lớp trưởng đã sử dụng quyền lãnh đạo lớp một cách quá đà, tự cho phép mình làm nhiều việc theo ý thích. Không ít phụ huynh có con làm lớp trưởng lo lắng khi con ngày nào về nhà cũng khản tiếng vì quát các bạn. Công tác tự quản từ mục đích tốt là nhằm hình thành tính gương mẫu, tự giác, độc lập, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học sinh dần mất đi ý nghĩa ban đầu, thay vào đó là tâm lý dựa dẫm vào sự ưu ái của thầy cô, thích quát nạt, ra oai với các bạn, thích cảm giác thống trị tự mãn của các em được chọn làm cán bộ lớp. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ lớp, nội bộ học sinh, bạo lực học đường, lớn hơn là sự mất niềm tin về cung cách quản lý, điều hành, cầm cân nảy mực của người lớn đối với trẻ em.

Giao nhiệm vụ phù hợp, kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ để phát huy mặt tốt, hạn chế mặt chưa tốt trong mỗi người khi làm việc ở mỗi vị trí, bài toán thuộc lòng trong công tác quản lý nhưng vẫn thường bị lơ là không chỉ ở trường học với riêng vị trí lớp trưởng. Ngẫm câu chuyện làm lớp trưởng của con trẻ càng thấm thía và rút ra nhiều bài học sâu sắc.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày