Thứ 3, 21/05/2024, 13:01[GMT+7]

“Những tấm lòng cao cả” Giáo dục là một nghệ thuật

Thứ 2, 17/11/2014 | 10:35:28
4,188 lượt xem
Một cuốn sách giản dị, những câu chuyện xoay quanh thế giới nhỏ của cậu bé tiểu học, những con người bình thường nhất nhưng đã làm rung động và để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người đọc, bất kể lứa tuổi, dân tộc, thời đại. Ấy là bởi trong đó có tấm lòng, những tấm lòng cao cả, là hình tượng để tác giả gửi gắm trách nhiệm và lý tưởng cao đẹp đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.

“Tấm lòng” (Cuore), hay thế giới quen gọi là “Những tấm lòng cao cả” là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Edmondo De Amicis (1846 – 1908). Cuốn sách được xuất bản đầu tiên vào ngày 18/10/1886, ngày khai trường ở Ý và ngay lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản. Nhiều câu nói, trích đoạn, nhiều phần trong tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa các nước, được lưu truyền rộng rãi, như câu nói về lòng ghen tị của thầy Pecboni, câu chuyện “Cậu bé viết thuê thành Firenze” và nổi tiếng nhất là bức thư “Trường học” mà người bố viết cho cậu con trai Enrico. Tại Việt Namon>, bản dịch đầu tiên của cuốn sách với nhan đề “Tâm hồn cao thượng” do Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp Grands Coeurs của A.Piazzi, rất phổ biến trong những thập niên 1950, 1960. Một bản dịch khác quen thuộc hơn hiện nay là “Những tấm lòng cao cả” do Hoàng Thiếu Sơn dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành lần đầu năm 1977 và còn được tái bản nhiều lần.

 

Trong văn học Ý cũng như văn học thế giới, “Những tấm lòng cao cả” không có vị trí như một kiệt tác. Nhưng với riêng sự nghiệp giáo dục của thế giới thì tác phẩm này có một vị thế không nhỏ. Edmondo De Amicis là người suốt đời chiến đấu cho độc lập và thống nhất của đất nước, cho công bằng xã hội. Tác giả cầm bút hơn 40 năm, trong đó một nửa thời gian viết du ký và phê bình văn học, một nửa còn lại viết về các chủ đề chính trị - xã hội. Nhưng tác phẩm giúp tên tuổi nhà văn nổi tiếng khắp thế giới suốt hơn 100 năm qua lại là cuốn sách nhỏ viết về thiếu nhi - “Những tấm lòng cao cả”. Với một nhà văn - chiến sĩ như De Amicis, người luôn nặng lòng và đầy trách nhiệm với xã hội, viết về thiếu nhi đâu chỉ đơn thuần dành cho thiếu nhi. “Những tấm lòng cao cả” còn là một cuốn sách viết cho các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cho những người lớn trong xã hội - tất cả đều có vai trò và trách nhiệm riêng của mình trong việc dạy trẻ nên người.

 

Tác phẩm được viết dưới dạng nhật ký của một cậu bé 11 tuổi người Ý – Enrico Bottini, ghi lại hành trình 10 tháng của năm học lớp 3, những sự việc lớn, nhỏ xảy ra ở trường, ở nhà, ngoài phố cùng những suy nghĩ, cảm tưởng của Enrico. Trong đó còn có những câu chuyện đọc hàng tháng trên lớp, những lá thư mỗi tháng bố mẹ viết cho cậu. Ðọc cuốn nhật ký, ta được gặp các thầy cô giáo, bạn học của Enrico và cả những học sinh cùng trường hay khác trường của cậu nữa. Ta cũng yêu mến bố mẹ Enrico cùng bố mẹ các bạn, những phụ huynh học sinh, những trẻ em, người lớn khác mà cậu có dịp gặp gỡ… Tất cả các nhân vật trong truyện đều có những đặc điểm khác nhau về ngoại hình, tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh…, đặc biệt là các bạn của Enrico hiện lên vô cùng sinh động, ai cũng có nét đáng nhớ. Nhưng tựu chung, tính cách, phẩm chất của các nhân vật đã được cách điệu hóa để trở thành hình tượng đại diện cho một nết tốt hay một tính xấu, qua đó phản ánh chân thực đời sống xã hội, nền giáo dục nước Ý cuối thế kỷ XIX. Nhưng không chỉ có thế, De Amicis còn có ý mượn những hình tượng nghệ thuật này để nói lên những quan điểm, suy nghĩ của mình về phương pháp giáo dục con trẻ và những người làm nghề giáo dục.

 

Ðối tượng giáo dục mà tác phẩm hướng tới là học sinh tiểu học - thế hệ măng non đang bước những bước đầu tiên thu nhận kiến thức và hình thành nhân cách. Theo quan niệm rất đúng đắn của tác giả, giáo dục trẻ cần sự tham gia của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Mỗi bộ phận có vai trò riêng, nhà trường dạy trẻ những bổn phận đối với bố mẹ và gia đình, những bổn phận với thầy, với bạn, nhà trường là việc của gia đình và xã hội. De Amicis chú trọng dạy trẻ tính thật thà, lòng thương người, tình yêu và bổn phận với đất nước, xã hội, tránh tính hèn nhát, ích kỷ… Quan trọng hơn, dạy trẻ phải nhẫn nại, nghiêm khắc nhưng thận trọng, tế nhị, biết tận dụng mọi sự việc xảy ra để uốn nắn ngay.

 

Cảm động và ghi dấu ấn đậm nét nhất của “Những tấm lòng cao cả” là hình tượng những thầy giáo, cô giáo hết lòng vì học sinh. Các thầy cô không chỉ dạy học với tất cả tinh thần trách nhiệm mà còn thương yêu học trò hết mực. Thầy hiệu trưởng phúc hậu, các thầy giáo nghiêm khắc nhưng hết sức ân cần, các cô giáo dịu dàng mà mạnh mẽ…, Mỗi người đem đến bao sự cảm phục, yêu kính. Thầy Pecboni, chủ nhiệm lớp Enrico treo trên đầu giường những tấm ảnh của các học trò cũ suốt hơn 20 năm: “Khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ”. Thầy để cho Coretti ngủ gục trong lớp đến hết giờ mới đánh thức vì biết cậu bé phải vác củi từ sáng sớm. Kỳ thi cuối năm, để làm học trò vui, thầy làm bộ trượt chân khiến học trò nhỏ của thầy phải thốt lên trong nhật ký: “Phải chăng đó là cái phút vui độc nhất của thầy? Một sự đền bù cho chín tháng trời yêu thương, kiên nhẫn và phiền muộn nữa?”. Cô giáo lớp một trên của Enrico hao mòn vì bệnh nặng, nhưng nhất định “không muốn xa học trò của mình, cho đến ngày mà sức cô không còn cho phép cô làm theo ý muốn được nữa”.  Trước khi mất, cô cho học trò mọi thứ cô có trên đời và yêu cầu thầy hiệu trưởng đừng cho học trò bé quá đi theo đám tang, sợ các em khóc. Ở nước Ý thời ấy, thầy cô giáo không có lệ phải về hưu vì càng có thâm niên càng được xã hội quý trọng. Thầy giáo của bố Enrico, sau 60 năm dạy học, vì run tay trót đánh rơi một giọt mực lên trang vở học sinh, đành xin về: “Tôi hiểu rằng cuộc đời với tôi như vậy là hết rồi”. Học trò đã hai thứ tóc, nhìn căn nhà trống trải, tồi tàn của thầy đã phải suy nghĩ: “Ðó là tất cả phần thưởng của thầy”.

 

Những thầy giáo, cô giáo coi nghề nghiệp của mình là lẽ sống, là cuộc đời, chẳng cần báo đáp. Nhưng gia đình và xã hội sẽ dạy trẻ biết ghi ơn. Bố mẹ dạy bảo, đưa con đi thăm thầy cô giáo, mọi người tôn trọng, kính yêu và không quên nhắc nhở: “Ra khỏi đây, các con ạ, các con không được quên gửi một cái chào và một lời cám ơn đến những người đã vì các con mà không quản bao mệt nhọc, những người đã hiến tất cả sức mạnh của trí thông minh và lòng dũng cảm cho các con, những người sống và chết vì các con”.

 

Dù mắc một số điểm yếu về nghệ thuật nhưng qua sự đánh giá cân bằng và đúng đắn nhất - thời gian, “Những tấm lòng cao cả” đã chứng tỏ giá trị to lớn của mình. Mỗi xã hội, mỗi thời đại có những yêu cầu, nguyên lý khoa học giáo dục khác nhau nhưng những thông điệp của “Những tấm lòng cao cả” sẽ mãi tồn tại và hữu ích.

  Mai Hiền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày