Thứ 6, 17/05/2024, 21:08[GMT+7]

Lời thầm thì xin lỗi

Thứ 2, 17/11/2014 | 10:40:01
923 lượt xem

Ảnh mang tính minh họa.

 

Giờ ra chơi, Nga rủ được Liên cùng nhảy dây đôi với mình. Cả hai đếm được hơn năm mươi lần không vấp. Bỗng chuông điện thoại trong túi reo.

 

- Vâng, vâng, còn tiết nữa thôi, được nghỉ sớm, con nhớ rồi.

Lắng nghe cuộc điện thoại, Liên nghĩ nhà Nga hẳn có việc quan trọng, liền hỏi:

- Có việc gấp sao mà mẹ cậu gọi giờ này?

Nét mặt Nga ỉu xìu.

- Bà ngoại đêm qua ngã bệnh, sớm nay cậu tớ lên báo, ở nhà mẹ đã mua những thứ cần thiết mang về cho bà nên bây giờ gọi điện giục.

- Cần gì cứ bảo tớ nhé?

- Có lẽ cũng chưa nguy cấp đến thế đâu, có gì mình sẽ báo sau.

 

Giờ tan học vào giữa lúc tan tầm, xe máy, xe đạp, ô tô chen chúc, ngột ngạt đổ về ngã tư đang lúc nắng gay gắt. Cả thành phố như một chảo lửa, ai cũng muốn nhanh chóng về nhà tránh nắng. Nga đánh mắt sang ngang, sát vỉa hè, một bà cụ vẻ mệt nhọc, lưng hơi còng có lẽ đứng ở đó đã lâu không dám sang đường. Nga thoáng nghĩ hay dừng xe xuống giúp bà… Nhưng ở nhà... Bỗng rầm rầm... Một thanh niên luồn lách đâm vào xe đi phía trước, xe và người văng đi… Mọi người bàng hoàng, xúm lại. Nga dừng xe, chạy về phía bà cụ, tự trách mình giá ngay lúc đó đưa cụ sang đường thì cái xe kia không văng vào cụ. Bây giờ Nga mới nhìn kỹ trong cơn đau đớn những nếp nhăn khắc khổ hằn lên trên khuôn mặt cụ giống bà ngoại mình. Những lớp người như cụ già như bà ngoại Nga đều khổ vì thời đó chiến tranh, thiếu thốn đủ bề. Ngoại một nách nuôi bốn người con ra chiến trường ba thì hy sinh Hai, ngày hai bác hy sinh ngoại khóc cạn nước mắt, cả một đời chỉ biết hy sinh mà không một lời ca thán, đòi hỏi. Ngoại bây giờ chỉ còn mẹ Nga và cậu, cậu thì vết thương hay tái phát mỗi khi trái gió trở trời không giúp được nhiều cho ngoại, rồi lúc mẹ sinh Nga từ đó đến nay chẳng ngơi tay ngoại chăm sóc. Nhìn cụ già khắc khổ giống như ngoại của Nga, nghĩ thế tự dưng nước mắt Nga rơm rớm…

 

- Bà ơi… Bà…

Mọi người ái ngại, họ nhìn Nga.

- Sao để cụ đi giữa trưa nắng thế này, đưa vào viện ngay.

Vừa lúc ấy may sao ô tô chạy qua, mọi người giúp Nga bế cụ lên xe, Nga nhanh ý gửi xe, vội vã ngồi ôm bà. Người tài xế cũng lo lắng bấm còi xin đường đi nhanh về phía bệnh viện.

 

Ở nhà, mẹ Nga sốt ruột hết đứng lại ngồi:

- Con bé này thế cơ chứ, biết bà ốm mà còn… Hỏng… Hỏng.

Cô Hà nghe mẹ Nga thốt lên những lời bực dọc vội chạy sang.

- Có chuyện gì căng thẳng thế bác?

- Lúc hơn mười giờ tôi gọi điện cho nó, nó biết rõ bà ốm từ đêm qua, hết giờ học hai mẹ con sẽ về, ở lại với bà ngày chủ nhật rỉ rón động viên bà ăn nhiều cho nhanh khỏe mà giờ này chưa thấy mặt mũi đâu.

- Bác gọi lần nữa, ngộ có sự trắc trở gì thì sao.

- Nó tắt máy mới tức chứ.

- Nó là đứa con ngoan, lại hay quan tâm đến người xung quanh, đó là đức tính em quý mến con bé đấy bác ạ. Bây giờ em không bận mải gì, em với bác về quê xem bệnh tình của cụ thế nào, nó về rồi cũng biết lý do, thôi ta đi kẻo ở nhà cụ mong.

 

Còn Nga, xe vừa vào tới cổng bệnh viện được chú bảo vệ hướng dẫn nhập ngay phòng cấp cứu. Một mình Nga loay hoay, cuối cùng thì mọi thủ tục cũng xong. Bỗng nhiên mặt cụ già tái đi, miệng khô, Nga vội chạy đi mua chai nước. Vừa uống được vài hớp người cụ mềm nhũn. Nga hoảng quá nghĩ đến ngoại ở nhà bây giờ cũng chỉ có một mình. Bất thần Nga gào lên: Bà ơi… Bà ơi… Các bác sĩ chạy sang đo mạch tim. Mạch tim hơi nhanh, huyết áp 190/90. Bác sĩ đưa thuốc cho Nga, Nga hòa ra để vào môi, bà cụ nhấp dần, nhấp dần, một lát sau cụ tỉnh, tay run run ra hiệu lấy hộ vật gì trong túi áo. Nga vén lần áo ngoài, để lộ bên trong chiếc áo màu cháo lòng, móc ra chiếc túi được cài kim băng rất cẩn thận. Mở ra thấy mấy đồng bạc lẻ cuộn tròn, một tờ giấy ghi rất nhiều điều quan trọng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Mai, hy sinh 26/4/1954, ngày giỗ… Nga nghĩ thầm, cụ ông là chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa chăng? Liệt sĩ Nguyễn Văn Hòa, hy sinh tại phía Namon>…, ngày giỗ…Con liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền, hy sinh tại biên giới phía Bắc… và những địa chỉ, số điện thoại. Mắt Nga dừng lại ở dòng chữ: cháu đích tôn Nguyễn Văn Hùng, điện thoại… Nga vội lấy điện thoại ra gọi người tên Hùng thì ôi thôi, điện thoại của Nga đã hết pin. Nga bèn chạy sang phòng bên xin một cuộc điện thoại… Ðầu bên kia nghe giọng hốt hoảng của người thanh niên… Một lát sau ba người nhà của cụ đến, Nga trao lại sự chăm sóc cho người cháu tên Hùng. Bây giờ Nga mới nhớ đến công việc của mình thì đã hai giờ chiều. Nga chưa biết đi bằng phương tiện gì thì người nhà cụ lên tiếng.

- Em muốn về phải không? Gia đình anh cảm ơn em nhiều lắm.

Nga vội vã ngồi lên xe Hùng chở.

- Nhà em ở đây ư?

- Không ạ, còn cách đây hơn một cây số nữa, lúc nãy em gửi xe ở đây. Ở nhà đang có việc bận, anh về ngay chăm sóc bà đi.

Ruột gan Nga nóng ran, ở quê chắc bà mong lắm. Nó thầm xin lỗi, bà ốm mà cháu lại về trễ. Thương bà quá.

Nga đạp như bay về nhà, đúng lúc mẹ và cô Hà ở quê lên. Vừa thấy Nga, mẹ đã nổi trận lôi đình.

- Con biết rõ bà đang ốm mà bây giờ mới về…

Ðúng lúc ấy, người thanh niên tên Hùng đã đứng ở cửa từ lúc nào mà ba người không hay.

- Thưa bác, lỗi là tại gia đình cháu không đưa đón bà đến nơi đến chốn nên xảy ra tai nạn. Hôm nay nếu không có em Nga tận tình giúp đỡ đưa bà vào viện kịp thời thì đã… Cháu đến đây là để cảm ơn bác, cảm ơn gia đình đã sinh ra em Nga, một người con hiếu thảo. Thay mặt gia đình cháu rất cảm ơn ạ!

Cô Hà nghe người thanh niên nói lời cảm ơn từ đáy lòng thì vui như trẩy hội, phấn khởi khoe:

- Tôi cũng bảo thế, cháu Nga ở tổ này là người nết na, người như thế ai cũng quý mến, đó là tiếng thơm có phải không?

Mọi người cùng cười. Bây giờ mẹ Nga mới hiểu, nét mặt vui hẳn lên. Bố Nga cũng vừa về đến nơi, nghe người thanh niên đến tận nhà nói lời cảm ơn, họ vô cùng tự hào về cô con gái của mình.

Thu Thời

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày