Thứ 7, 23/11/2024, 20:14[GMT+7]

“Cõi người rung chuông tận thế” và cuộc đối đầu thiện - ác

Thứ 2, 26/01/2015 | 08:11:54
11,884 lượt xem
Tiểu thuyết “Cõi người rung chuông tận thế” mang thấp thoáng nét quen thuộc của văn học dân gian, trong những câu chuyện cổ tích: Cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, lòng căm ghét cái ác và sức mạnh trừng phạt của cái thiện. Tư tưởng chủ đạo có sám hối, nhân quả, báo ứng làm tác phẩm mang đậm màu sắc Phật giáo. Nhưng nó không hề xa xôi, lớn lao, trừu tượng, khó nắm bắt mà ngược lại còn có phần gần gũi bởi đó chính là vấn đề mà xã hội, nhân loại, “cõi người” luôn phải đối mặt, từng ngày,

Tiểu thuyết mở đầu bằng một cái chết kỳ lạ, rồi sau đó là vòng lặp trả thù, những cái chết bí ẩn tiếp diễn mà giữa chúng đều có một mối liên hệ xuyên suốt, rõ ràng mà cũng mơ hồ. Những sự kiện xảy ra liên tiếp, ly kỳ, mạch truyện khơi dậy trí tò mò rồi hé mở từng chút, dẫn độc giả đi từ cao trào này qua cao trào khác, hồi hộp, nghẹt thở như truyện trinh thám. Tình tiết dồn dập, chi tiết giàu sức gợi, các nhân vật mang đầy tính biểu tượng, tác giả phơi bày một hiện thực trần trụi, xấu xí, ghê tởm. Ðó là xã hội thực dụng, thác loạn của những “cậu ấm” với lối sống buông thả, sa đọa ích kỷ, vô đạo đức, bệnh hoạn, được bao che, tiếp tay từ phụ huynh. Cùng với đó lại có một hình ảnh giả tưởng được dựng nên như là hiện thân của báo ứng, quá khứ cao đẹp, thanh khiết, tình nghĩa bị vùi dập trở về trừng phạt cái ác, bảo vệ cái thiện, sự trong trắng, những điều tốt đẹp trên đời. Cái ác theo đuổi để trả thù nạn nhân của nó mà đâu biết rằng chính mình đang bước vào con đường tự gánh lấy nghiệp báo.

 

" Nhà văn Hồ Anh Thái đã rung được một hồi chuông cảnh báo, để con người hãy tránh xa cái ác như tránh xa ngày tận thế. Tránh xa cái ác, có thể chỉ bằng cách đến với cái đẹp, như ai đó đã nói: Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới. Vì vậy, mặc dù viết về cái ác, thanh điệu chủ đạo nhất trong tiểu thuyết vẫn là thanh điệu tình cảm, hay gọi là giọng điệu tình cảm. Cho nên, gấp cuốn sách lại, ta thấy lòng bằng an".

(Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái)

 

Hồ Anh Thái nói rằng: “Tôi không đặt văn chương vào tháp ngà mà để nó chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội”. Trong tiểu thuyết pha trộn giữa trinh thám, hiện thực và huyền ảo này, nhà văn đã đặt những mảng đối xứng của bức tranh xã hội đối mặt nhau: cái thiện và cái ác, quá khứ và hiện tại, tình yêu và thù hận, những giá trị truyền thống và tư tưởng mới du nhập... để cuối cùng, những điều tốt đẹp vẫn chiến thắng cái xấu xí. Nhân vật “tôi” đi giữa cái ác, dửng dưng, bàng quan, đồng hành và nhiều khi là đồng phạm với nó. Nhưng hành trình “Phải chứng kiến tận mắt, phải ôm người chết trong tay, phải khâm liệm cho một tử thi... người đó mới xem như thực hiểu đời, hiểu người, hiểu sự sống. Khi đã hiểu cái chết, anh mới bình thản và tự tin để quan sát tất cả những người không hiểu cái chết. Khi ấy, anh thấy mình cần phải sống” cũng đồng thời là hành trình sám hối, hướng thiện của nhân vật. Câu chuyện khép lại mà còn nhiều trăn trở, suy tưởng nhưng cũng là một kết thúc có hậu như những câu chuyện cổ tích.

 

Theo lời nhà văn Lê Minh Khuê, độc giả đến với “Cõi người rung chuông tận thế” sẽ thấy bên cạnh việc vạch trần hiện thực xấu xí, nhức nhối một cách lạnh lùng, thẳng thừng, cuối cùng đọng lại một tấm lòng: “Yêu cuộc sống mà như không chịu thừa nhận tình yêu ấy vì nó không được như mình muốn. Nhưng yêu và muốn bảo vệ nó nên tìm ra được cái ý như là có siêu nhân, có con người ảo đi cùng tác giả để bảo vệ chân lý cuộc sống”.

 

  • Hồ Anh Thái sinh năm 1960. Ông được xem như một hiện tượng văn chương của thế hệ nhà văn hậu chiến. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. “Cõi người rung chuông tận thế” được tác giả viết năm 1996, in lần đầu năm 2002, sau đó tái bản nhiều lần tại Việt Namon>. Năm 2012, tác phẩm ra mắt tại Mỹ, Nhà xuất bản Ðại học Tổng hợp Texas ấn hành, cả bản bìa cứng và bản điện tử với nhan đề “Apocalypse Hotel” - “Khách sạn ngày tận thế”, dịch giả Jonathan McIntyre
  • Theo dịch giả Jonathan McIntyre và người hiệu đính - nhà văn Wayne Karlin, cuốn sách được đổi tên với hàm ý: “Thế gian này như một cái nhà trọ, một cõi tạm đang ngổn ngang trước những nguy cơ về đạo đức, về tinh thần, về điều kiện sống ngày càng đòi hỏi tranh đua khốc liệt”
  • Tạp chí ForeWord của Mỹ nhận định: “Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái vẽ lên một bức tranh cảm động về xã hội Việt Namon> thời hậu chiến. Bàn tay tác giả xử lý những đề tài nặng nề có đủ độ tinh tế để khiến người đọc nhầm tưởng rằng nó thật giản dị”

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày