Thứ 6, 22/11/2024, 17:29[GMT+7]

Kỷ niệm mái trường: Bài học của thầy tôi

Thứ 4, 17/11/2010 | 09:49:11
2,461 lượt xem
Không còn những bài học được lập trình sẵn, chúng tôi sống bằng cảm xúc của mình, suy nghĩ bằng chính sự học hỏi và cảm nhận của mình…

Không có những bài học lý thuyết suông, không phải là một hệ thống giáo dục cũ kỹ nặng nề mà học sinh chỉ như những chú rùa chậm chạp và giấu mình trong mai. Một phương pháp giảng giải hiệu quả và sinh “lời” trong não bộ người đi học. Một bộ môn vốn thường buồn chán và lạc lõng nay trở nên thú vị và cuốn hút. Một nỗ lực để vượt lên những lỗi mòn của tư duy…

Tôi biết có một người thầy đã làm được tất cả những điều trên. Tôi biết mình may mắn được hiện diện trong lớp của thầy. Tôi xin kể về con người ấy, về người thầy dạy môn “Giáo dục công dân” của tôi - thầy Thắng

Ấn tượng đầu tiên…

“Em nào có thắc mắc có thể gửi email cho thầy!”
Buổi học đầu tiên thầy đã nói với lớp như thế! Bằng cách này hay cách khác, thầy sẵn sàng lắng nghe chúng tôi và mong đợi chúng tôi độc lập, tin vào chính mình và nói những gì mình nghĩ. Thái độ tích cực ấy không thể nào tôi quên được và vẫn thầm biết ơn thầy…

Những tiết học của thầy là những tiết học chưa – bao - giờ - chán. Những dẫn chứng sinh động được lồng vào như một quyển sách đầy màu sắc. Dạy bài giữ chữ tín, thầy kể về truyền thuyết người võ sĩ đạo tự sát để giữ trọn lời hứa với bạn mình.

Nói về trách nhiệm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thầy nhắc đến nền văn hoá Việt mang tính chất “ thuỷ tinh”, có thể xói mòn đất đai nhưng cũng mềm mại, dung hoà các nền văn hoá. Bàn tới vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, thầy nói tới bộ “ Quốc triều hình luật” thời Lê đã quy định về việc xử phạt nghiêm tội đổ rác trên đường từ rất lâu…

Khi chúng tôi thắc mắc một khuyết điểm chung là “chúi mũi” vào lý thuyết, không gắn bó với thế giới xung quanh, thầy luôn đề cao tính thực tiễn và những bài học của thầy đều liên hệ rõ ràng với cuộc sống. Tuy không phải điều gì chúng tôi cũng mới biết lần đầu, nhưng những bài học như thế đã nhắc nhở chúng tôi quan tâm đến xã hội bên ngoài, rằng đôi khi phải “khao khát” được nhảy lên một xe lửa, chạy “dưới đất” và đi đến nơi xa…

Người học trò cảm thấy sự học là quý báu khi nào nếu không phải là khi cảm nhận được rằng kiến thức mình học là nảy sinh từ nhu cầu thực tế? Vì suy cho cùng, việc học không nhằm mục đích gì khác ngoài “để biết, để làm, để làm người”. Và cứ như thế, những bài giảng của thầy đi vào lòng trò chúng tôi một cách đầy thuyết phục.

Nhưng vẫn chưa đủ…

Tôi mong muốn mọi người biết nhiều hơn thế, không phải chỉ là những gì thầy đã dạy, mà là từng điều thầy đã làm, từng lời thầy đã nói để khắc ghi trong lòng chúng tôi những bài học tưởng chừng nhỏ nhất của lứa tuổi mình.

Sự thật...

Hãy phân bịêt rạch ròi trắng – đen, đúng – sai. Hãy nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của nó, hãy quan sát con người khách quan hơn, ít cảm tình và định kiến hơn.

Hãy hành xử trung thực hơn! Phải, trung thực – hai tiếng ngỡ đơn giản nhưng dường như chúng tôi đang quên lãng. Từ bao giờ người ta tập cái cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khi trót không giữ đúng một lời hứa, một lời lấp liếm khi nói dối, một tiếng biện minh muộm màng sau việc làm sai trái…? Nên khoan dung với người khác, nhưng với chính mình có phải ta cũng đang dễ dãi mà sống chung với khiếm khuyết, vì một lời tự an ủi “ Tại vì….”?

Thầy dạy chúng tôi hãy bỏ cách đó đi, bởi vì thầy nói rằng “ không lấy phương tiện để biện minh cho hành động, lấy động cơ này, động cơ khác đẻ biện minh cho việc làm sai trái?”. Chỉ có thế thì mới học thật, làm thật, mọi thứ minh bạch, rõ ràng như 1 + 1 là 2 vậy. Sống trung thực với nhau, với người khác, với chính mình, để mà tự tin thể hiện, đủ can đảm để đặt vấn đề và đủ dũng khí để tìm ra chân lý…

Sáng tạo…

Đáp án cuối cùng không phải là thứ duy nhất quyết định điểm số, những câu hỏi thầy đưa ra, những tình huống thầy cho đều rất đa chiều mà ở đó tất cả các giải pháp khác nhau đều được tôn trọng.

Cách kiểm tra không quá chú trọng vào việc học thuộc lòng, gò ép trong khuôn khổ mà trên hết là phát huy sự độc lập để những cá nhân đều được khai phóng óc sáng tạo riêng, thầy làm chúng tôi cảm thấy thật thoải mái và tự tin. Không còn những bài học đã được lập trình sẵn, chúng tôi sống bằng cảm xúc của riêng mình, suy nghĩ bằng chính sự học hỏi và cảm nhận của mình.

“Học thức không phải là bình nước cần được đổ đầy mà là một ngọn nến cần được thắp sáng”. Thầy chính là “chất xúc tác” cung cấp nhiệt độ cho ngọn nến ấy bùng cháy bằng chính sự tìm tòi và nỗ lực của riêng mình. Những điều thầy đã làm cứ khắc đi khắc lại vào tâm trí tôi lời nhắc nhở về ý thức, sự nỗ lực không bao giờ được bằng lòng với những gì dễ dãi, sẵn có nhưng đã thành ngày hôm qua. 

Dương Hoàn Yến

CLB Phóng viên nhỏ tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày