Chủ nhật, 05/05/2024, 12:08[GMT+7]

“Ðường đua trong bóng tối” Tiếng chuông thức tỉnh lương tâm con người

Thứ 2, 09/02/2015 | 08:56:17
1,132 lượt xem
“Ðường đua trong bóng tối” - kịch bản Nguyễn Ðăng Chương, đạo diễn NSƯT Xuân Vũ do Ðoàn cải lương Thái Bình thể hiện có nội dung nói về cuộc chạy đua quyền lực của một số người có địa vị trong xã hội. Ðề cập đến nhiều góc khuất của vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, vở diễn đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo, thức tỉnh lương tâm con người, thể hiện ước vọng của nhân dân về một đội ngũ công bộc đủ đức, đủ tài, giúp cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một cảnh trong vở diễn “Đường đua trong bóng tối” của đạo diễn, NSƯT Xuân Vũ .

 

Trần Tổ là con trai một vị lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao của Ðảng. Với vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế lớn, lại biết lợi dụng vị thế của người cha, Trần Tổ đã ngấm ngầm thực hiện thành công nhiều phi vụ chạy chức, chạy quyền, trở thành người nổi tiếng trong chuyện mua quan bán chức. Vở diễn bắt đầu với việc một bộ nọ đang khuyết chức thứ trưởng. Vợ chồng cục trưởng Việt Thắng và tổng giám đốc doanh nghiệp Ðinh Vũ Bạo lần lượt đến nhà riêng của Trần Tổ nhờ chạy chức thứ trưởng. Nếu như Ðinh Vũ Bạo không tiếc tiền cho tham vọng của mình thì cục trưởng Việt Thắng dù rất yêu vợ (Hương Ly) nhưng biết Trần Tổ say mê vợ mình vẫn quyết định “dâng vợ” để đạt được tham vọng danh lợi.

 

Ðường đua trong bóng tối càng quyết liệt hơn với sự xuất hiện của Kiều Loan - một nữ doanh nhân thành đạt, người tình cũ của Trần Tổ, bị Trần Tổ bội bạc. Kiều Loan cũng đang lo chạy chức thứ trưởng cho Hoàng Quang Tất. Sự xuất hiện của đại gia Kiều Loan cùng tuyên bố sẽ “đua” với Trần Tổ khiến cuộc chạy đua không chỉ dừng lại giữa các ứng viên mà còn là cuộc chạy đua giữa những người “dắt mối”. Ở những màn tiếp theo của vở diễn, tập đoàn của Ðinh Vũ Bạo bị thanh tra phát hiện sai phạm; Việt Thắng sau khi đánh đổi vợ để lấy danh vọng dẫn đến bi kịch gia đình, bị đồng nghiệp, dư luận xã hội dị nghị, phần thắng dường như đã nghiêng về phía Kiều Loan, Hoàng Quang Tất. Nhưng, kết của vở diễn lại rẽ sang một hướng khá bất ngờ: một phó chủ tịch tỉnh trẻ tuổi, không con ông cháu cha, có tài có đức đã được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng. Những phi vụ ngấm ngầm của Trần Tổ cũng bị bại lộ bởi cụ Trần Tiên - cha của Trần Tổ, đã phanh phui tất cả. Là một lão thành cách mạng, chứng kiến những việc làm sai trái của con trai, với vai trò người cha, cụ đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được nên dù rất đau lòng song cụ đã làm việc phải làm, đúng với lương tâm, trách nhiệm của một người cộng sản liêm chính.

 

 

Mạnh dạn đưa nạn chạy chức, chạy quyền, một vấn đề nóng bỏng, gai góc đang được dư luận xã hội quan tâm lên sân khấu để mổ xẻ phân tích, “Ðường đua trong bóng tối” đã phản ánh một hiện thực đã và đang tồn tại âm thầm trong xã hội. Lời thoại giữa các nhân vật trực diện, không vòng vo, né tránh, mang tính khái quát cao. Những câu nói thường gặp trong đời sống hàng ngày như "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư đồ đệ, thứ năm trí tuệ"; những câu khẳng định cuộc chạy đua chức quyền đã trở thành hiện tượng bình thường trong xã hội; những câu nói thể hiện toan tính được mất, vơ vét của công để lấy lại số tiền sau khi chạy chức thành công của các nhân vật… được đưa lên sàn diễn, khiến người xem phải suy nghĩ. Xung quanh cuộc chạy đua ấy, chân dung những kẻ cơ hội, xu nịnh, sống nhiều mặt như nhân vật Ðình Mai cũng được bộc lộ rõ nét.

 

Từ kịch bản kịch nói chuyển thể thành tác phẩm cải lương song lời ca giữa các nhân vật trong “Ðường đua trong bóng tối” khá nhuần nhuyễn, vở diễn không rơi vào tình trạng “kịch cắm ca”. Dàn diễn viên có ngoại hình phù hợp với đặc điểm, tính cách nhân vật, trang phục đẹp. Thiết kế mỹ thuật đơn giản song vẫn tạo được cảm giác chân thực, gần gũi với cuộc sống đời thường, hỗ trợ đắc lực cho nội dung cảnh diễn, giúp các nhân vật dễ dàng hoạt động. Bên cạnh đó, âm nhạc, ánh sáng được sử dụng hài hòa, khéo léo góp phần giúp các nhân vật bộc lộ tâm trạng, tạo ra những quãng ngắn khiến người xem xúc động. Cái kết của vở diễn là tiếng chuông thức tỉnh thiện tâm trong mỗi con người, là bài học đắt giá cho những kẻ ham danh vọng, đồng thời cũng ngợi ca tấm gương người cán bộ liêm chính - người cán bộ sống mãi trong lòng dân. Ðây là vở diễn hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”, đồng thời cũng là vở diễn được dàn dựng với mục đích tuyên truyền phục vụ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Vũ Hường

 

Ðạo diễn, NSƯT Xuân Vũ, Trưởng Ðoàn cải lương Thái Bình

Không giống như lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn có điều kiện chọn diễn viên có ngoại hình, nội tâm, cách diễn phù hợp với nhân vật trong kịch bản, với Ðoàn cải lương Thái Bình, do số lượng diễn viên ít nên để vở diễn có chất lượng tốt nhất, sau khi chọn lựa kịch bản, diễn viên, tôi bắt đầu chuyển thể kịch bản kịch nói “Ðường đua trong bóng tối” của nhà viết kịch Nguyễn Ðăng Chương sang kịch bản cải lương. Khi dàn dựng vở diễn, tôi đã cố gắng phát huy sở trường, hạn chế sở đoản của từng diễn viên đảm nhiệm các vai. Sau khi ra mắt, vở diễn đã nhận được lời khen ngợi từ phía lãnh đạo các cấp, đồng nghiệp, khán giả.

Bà Trần Lệ Hằng, phường Ðề Thám, thành phố Thái Bình

Tôi và nhiều người cùng xem rất tâm đắc với vở diễn “Ðường đua trong bóng tối”, hiện thực cuộc sống đã được sân khấu hóa. Cảm ơn tác giả kịch bản đã viết một tác phẩm có tính thời sự, có tính chiến đấu. Cảm ơn đạo diễn, NSƯT Xuân Vũ và các diễn viên Ðoàn cải lương Thái Bình đã dàn dựng, biểu diễn vở diễn rất hay, giúp người dân nói lên tiếng nói tự đáy lòng mình.

Bạn Nguyễn Thị Hà

Tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm sân khấu như “Ðường đua trong bóng tối” để góp phần đấu tranh chống các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong xã hội, làm trong sạch bộ máy công quyền, xây dựng nhà nước và đội ngũ cán bộ thực sự của dân, do dân và vì dân.

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày