Chủ nhật, 05/05/2024, 03:59[GMT+7]

Vở kịch “Bắc Sơn” Ghi dấu trang sử hào hùng

Thứ 2, 09/03/2015 | 10:06:46
1,509 lượt xem
Vở kịch “Bắc Sơn” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác phẩm được xem như cột mốc thành công rực rỡ đánh dấu điểm khởi đầu của nền kịch nói cách mạng. Tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu sôi sục của nhân dân và sức cảm hóa quần chúng của cách mạng là những dấu ấn đậm nét của vở kịch trong lòng khán giả.

 

Vở kịch “Bắc Sơn” lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn diễn ra tại làng Vũ Lăng. Qua câu chuyện của một gia đình, tác giả đã tái hiện cuộc khởi nghĩa từ khi bùng nổ đến lúc thất bại qua vài nét khái quát. Gia đình ấy có cụ Phương và cậu con trai Sáng, hai người nhiệt tình ủng hộ khởi nghĩa, ủng hộ cách mạng, hăng hái chiến đấu. Cụ bà và cô con gái Thơm thì sợ hãi, lẩn tránh. Trong khi đó, Ngọc - chồng Thơm lại là tay sai bí mật cho Pháp, đã chỉ điểm cho quân Pháp đàn áp phong trào, đi lùng giết dân làng và các chiến sĩ cách mạng, gây nên nhiều thảm cảnh (như cái chết của cụ Phương và Sáng), cuộc khởi nghĩa bị thiệt hại nặng nề. Còn có những nhân vật như Cửu - thành viên cốt cán của cuộc khởi nghĩa tại Vũ Lăng và thầy giáo Thái - người cán bộ cách mạng được cấp trên cử về làng để lãnh đạo phong trào. Vở kịch đã xây dựng một cách sinh động, gần gũi chân dung chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng anh dũng, kiên cường, đầy lòng tin và lý tưởng. Đặc biệt là nhân vật trung tâm - Thơm, một hình tượng đặc sắc, đậm nét và có sức tác động mạnh mẽ.

 

Ban đầu, Thơm là một cô gái nhu nhược, sợ hãi, trốn tránh trước những diễn biến sôi sục, căng thẳng và quyết liệt quanh mình. Nhưng qua từng sự việc, tận mắt chứng kiến tội ác của quân Pháp và sự kiên cường của cách mạng, hình ảnh tốt đẹp của những chiến sĩ, trong đó có cha và em trai mình, trong Thơm đã có những băn khoăn. Và mọi cao trào dồn lại trong hồi IV của vở kịch, khi người chồng mà Thơm đã bắt đầu nghi ngờ vì những hành động mờ ám và số của cải bất minh dẫn quân Pháp đi lùng bắt Cửu và Thái, hai anh vô tình lại trốn vào chính nhà của vợ chồng Thơm - Ngọc. Xung đột kịch lên đến đỉnh điểm, mỗi lời đối thoại là một cuộc đấu trí căng thẳng giữa hai vợ chồng, Ngọc mưu mô, gian xảo - Thơm lương thiện, trong sáng, giàu tự trọng và nay đã tỉnh táo hơn, không khoan nhượng trước những điều xấu xa. Kịch tính hơn cả là những mâu thuẫn, đấu tranh, giằng xé trong nội tâm nhân vật Thơm qua từng hồi, sau khi đối mặt với sự xảo trá, hèn nhát của chồng và sự ngay thẳng của Cửu, sự chân thành, vững vàng, đầy tin cậy của Thái; đối mặt với sự yếu đuối và lương tâm, lòng tin của bản thân vào những điều tận mắt chứng kiến, cảm nhận, những điều cha và em trai cô tin tưởng và sẵn sàng hy sinh vì nó. Cuối cùng, Thơm đã thấy rõ bộ mặt thật của chồng, dứt khoát đứng về phía cách mạng, dù cô không hiểu nhiều, nhưng cô quyết định đặt trọn niềm tin. Tuy có lúc hoang mang, sợ hãi, Thơm cũng đã thể hiện được sự khôn khéo, mưu trí của mình, qua mắt chồng và bè lũ tay sai, bảo vệ an toàn cho các chiến sĩ cách mạng.

 

Quá trình chuyển biến, giác ngộ của Thơm là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh cảm hóa của cách mạng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Thơm đầy chân thực, cảm động, là một đại diện cho quần chúng cách mạng, chất phác, ngay thẳng, tuy có lúc cả tin, ngây thơ nhưng một khi đã đặt niềm tin, sẽ có sức mạnh, ý chí, quyết tâm đối mặt với mọi hiểm nguy, đi theo đến cùng. Ngôn ngữ, hành động kịch tự nhiên; khắc họa nhân vật tinh tế; cách sắp xếp, dẫn dắt chi tiết, tình huống để tạo nên xung đột kịch hấp dẫn, ấn tượng đã làm nên một “Bắc Sơn” hào hùng, đầy sức lay động. Trong những ngày đầu cách mạng năm 1946, cùng với bản nhạc “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao, vở kịch đã đi vào lòng công chúng với nhiệt huyết cách mạng sôi trào, chính thức mở đầu cho nền kịch nói cách mạng Việt Nam.

 

Cho đến hiện tại, đánh giá của báo “Vì Nước” phát hành năm 1946 vẫn còn nguyên giá trị: “Bắc Sơn” đã cảnh tỉnh cho những người còn nghi ngờ kịch nói cách mạng và xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước đến nay”. “Bắc Sơn” kết thúc với thất bại của cuộc khởi nghĩa nhưng hy vọng, niềm tin, lý tưởng vẫn còn đó, ngọn lửa cách mạng vẫn rực cháy trong nhân dân, kiên định, ngoan cường…

 

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày