Thứ 6, 22/11/2024, 01:31[GMT+7]

“Mùa lúa chín” Khúc ca về “biển vàng” quê hương

Thứ 2, 06/04/2015 | 09:30:51
22,197 lượt xem
Thái Bình vốn được gọi tên là quê lúa, và hình ảnh đồng ruộng, cây lúa luôn không thể thiếu trong những lời văn, câu thơ, bài hát viết về vùng đất này. Trong đó có một bài thơ do một người con Thái Bình viết riêng về đồng lúa quê hương đã mang hình ảnh “biển vàng” Thái Bình đi vào tuổi thơ biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua.

Ảnh minh họa.

 

Bài thơ “Mùa lúa chín” do nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng sáng tác, thể hiện tình yêu dành cho những cánh đồng bát ngát trĩu bông lúa chín vàng của quê hương. Một bài thơ rất giản dị mà tinh tế với nhiều liên tưởng đặc sắc và giàu âm điệu - minh chứng là nó đã được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành một bài hát rất thành công, được đặt tên bằng một hình ảnh đặc sắc nhất trong bài thơ - “Em đi giữa biển vàng”.

 

Em đi

Giữa biển vàng

Nghe mênh mang

Trên đồng lúa hát

 

Nhắc tới Thái Bình, hiện trong tâm trí mỗi người không thể thiếu hình ảnh ruộng đồng - “những cánh đồng phù sa ngạt ngào hương lúa chín” mà nhạc sĩ Bùi Anh Tú muốn giới thiệu trong bài hát “Anh hãy về quê em”. Và nghĩ tới cánh đồng mùa lúa chín, chắc hẳn hình ảnh “biển vàng” đã trở thành một biểu tượng quen thuộc, thân thương trong tiềm thức của rất nhiều người đã lớn lên với những câu hát của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo. Sự so sánh, liên tưởng đắt giá này cùng với những hình ảnh nhân hóa “đồng lúa hát”, “Hương lúa chín thoang thoảng bay/ Làm lung lay hàng cột điện/ Làm xao động cả rặng cây” khiến hình ảnh cánh đồng lúa chín hiện lên vô cùng sống động, đầy đủ màu sắc, hương thơm của lúa chín, âm thanh xôn xao của gió. Nhà thơ, một cách nhẹ nhàng, tinh tế đã giúp độc giả hình dung, cảm nhận trọn vẹn hình ảnh đồng lúa mênh mông một màu vàng, trải dài tít tắp, và gió làm cả cánh đồng nhấp nhô trầm bổng như đang cất tiếng hát vui tươi, hòa nhịp cùng hương thơm lan tỏa làm “hàng cột điện” và “rặng cây” cũng phải phụ họa theo. Đúng là chẳng cần một từ gió mà gió vẫn hiện diện khắp nơi. Những câu thơ tràn đầy sức sống, niềm vui, trong trẻo và ngọt ngào qua thủ pháp của một cây bút tài tình và cảm nhận của một tâm hồn trẻ thơ. Cái nhìn hồn nhiên và niềm hân hoan, tình yêu thiên nhiên quê hương thơ ngây, trong sáng toát lên qua từng ý thơ.

 

Trong một lần phỏng vấn, tác giả Nguyễn Khoa Đăng đã chia sẻ về kỷ niệm và cảm xúc khi sáng tác bài thơ: “Tôi viết bài thơ rất đơn giản bằng tình cảm yêu đồng lúa quê hương. Khi tôi là giáo viên dạy toán ở xa nhà và mỗi lần về thăm vợ con ở làng bên phải đi qua cánh đồng lúa chín, bát ngát mênh mông. Về đến nhà, tôi bỗng có ngay trong đầu những vần thơ tự nhiên ấy”. Khi tình cảm chân thành và dạt dào thì tâm hồn nghệ sĩ sẽ đưa lối cho vần thơ. Trong câu từ mộc mạc có bút pháp tinh tế, trong tình cảm hồn nhiên có nỗi niềm sâu lắng.

 

Bông lúa quyện

Trĩu bàn tay

Như đựng đầy

Mưa gió nắng

Như đeo nặng

Giọt mồ hôi

 

Những cảnh quen thuộc mà hóa ra lại gắn bó máu thịt với ta, bởi đó là cội nguồn của quê hương, nuôi sống ta cũng như đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ con người nơi đây khôn lớn trưởng thành. Trên mảnh đất được đắp bồi phù sa sông Hồng, mỗi một bông lúa chín trĩu xuống là kết tinh những giọt mồ hôi, những vất vả khó nhọc của “bao người nuôi lúa lớn”. Đó là mẹ, là chị, là các bậc cha anh của chúng ta, cần cù, chịu thương chịu khó để “Mà trong nắng trong mưa lúa vẫn lên xanh tốt” (Nắng ấm quê hương, nhạc sĩ Vĩnh An), từ đó có những “biển vàng” bao đời nay.

Đã xa Thái Bình nhiều năm, nhưng qua những sáng tác và những dịp về thăm, tình cảm với quê hương của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vẫn vẹn nguyên như những ngày tháng đi về trên những cánh đồng lúa bát ngát ấy. Với bài thơ “Mùa lúa chín”, tác giả đã thay lời mọi người con Thái Bình nói lên tất cả những tình cảm yêu thương, tự hào, trân trọng, biết ơn mảnh đất quê hương “năm tấn” tươi đẹp những “biển vàng” của gian lao, cần cù, kiên cường, anh dũng.

 

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày