Thứ 4, 01/05/2024, 00:28[GMT+7]

Lời nói dối

Thứ 2, 27/04/2015 | 08:52:56
1,129 lượt xem
Ngày nào cũng vậy, vào mỗi bữa ăn cơm, cô em gái mới học lớp 3 của tôi lại thánh thót để đủ thứ chuyện ở lớp mình. Nào là bạn này được cô khen, bạn kia bị cô phạt, rồi phe này, cánh nọ, đôi bạn kia đang thân nhau lại xít nhau... Bố mẹ tôi cũng chỉ cười xòa vì thái độ hồn nhiên mà sốt sắng của cô em lúc kể chuyện.

 

Còn tôi thì chẳng bao giờ để ý đến chuyện của em vì tôi cho đó chỉ là mấy chuyện trẻ con, không đáng bận tâm. Có lẽ cũng vì vậy mà em chỉ hay kể cho bố mẹ chứ chưa lúc nào chủ động trò chuyện với tôi. Thế mà đến một buổi tối, khi tôi đang ngồi học bài thì em rón rén bước vào phòng, vẻ mặt bối rối và có phần ngại ngùng. Tuy ngạc nhiên, nhưng thấy em ngập ngừng không nói, tôi mở lời trước: “Có chuyện gì vậy, Trang ?” Em đã tự nhiên hơn, nhưng cũng chỉ đặt lên bàn tôi một mảnh giấy nhỏ, kèm theo một tờ giấy khuôn lớn, được trang trí vụng về bằng viền hoa tự vẽ, có vẻ như một bức thư. “ Chị đọc đi” - Trang chỉ nói thế rồi chạy đi. Tôi mở tờ giấy lớn qua mấy nếp gấp, bên trong là những dòng chữ được viết rất nắn nót:

 

“Thảo Nguyên.

  Linh Trang thân mến,

 

 Tớ rất buồn vì từ bây giờ tớ phải xa cậu rồi. Tớ sẽ chuyển sang trường khác để sống cùng với mẹ. Học kỳ vừa qua, tớ rất vui vì được làm bạn với cậu. Cậu rất tốt bụng, đã giúp đỡ tớ rất nhiều trong học tập. Trước đây, tớ học kém môn Văn và Toán, khi cô trả điểm tớ rất xấu hổ với các bạn. Nhưng sau đó có cậu kèm cặp, tớ đã học tốt hơn nhiều, bài tập luôn được trên 7 điểm. Cám ơn cậu nhiều lắm. Còn nữa, tớ xin lỗi vì tớ đã nói dối cậu, nói dối tất cả mọi người. Nhà tớ không giàu, không có 5 tầng, cũng không có sân chơi riêng. Bố mẹ tớ không phải là giám đốc, bố tớ là bộ đội ở ngoài đảo xa, còn mẹ tớ thì buôn bán hàng, cả hai người đều ở xa tớ, tớ phải ở nhờ nhà bác. Nhà bác tớ ở dưới quê, cách trường mình 5 cây số, bác tớ cũng chỉ làm nghề nông, trồng trọt và chăn nuôi thôi. Tớ rất xin lỗi. Tớ chỉ không muốn mình bị các bạn xa lánh vì nhà nghèo, tớ muốn được hòa nhập, được là người thành phố giống như các cậu.  Tớ nói điều này chỉ cho riêng cậu thôi, đừng nói với ai nhé. Một lần nữa, tớ xin lỗi cậu, Trang ạ. Dù đã nói dối cậu nhưng tớ rất quý cậu, cậu là người bạn tốt nhất của tớ. Giá như cậu là chị của tớ thì tốt nhỉ. Tạm biệt cậu, cậu hãy cất kín bức thư này, đừng vứt đi nhé. Dưới đây là địa chỉ nhà tớ ở, cậu nhớ viết thư cho tớ nhé!

                                                            Nguyên

                        Trần Thảo Nguyên”

 

Đọc xong thư, điều tôi nhận thấy rõ nhất là tình cảm, trong sáng, chân thật của một đứa trẻ mới 8 tuổi. Từng câu chữ mộc mạc nhưng có cảm giác thật sâu sắc, xúc động. Chợt nhớ ra là còn một mẩu giấy nhỏ kèm theo nữa, tôi vội mở ra. Đó là chữ của Trang: “Chị ơi, em nên làm gì? Em phải viết lại cho bạn ấy như thế nào đây?”.  Trầm ngâm bên bàn học, tôi suy nghĩ rất mông lung: “Hai đứa trẻ 8 tuổi, có thể có những câu chuyện sâu sắc và suy nghĩ như thế này sao?”. Có lẽ từ trước đến giờ, tôi nhìn nhận về em tôi, bạn bè cùng trang lứa của em sai rồi...

 

Ngày hôm sau, Trang cứ nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi mà không nói gì. Chắc em chưa nói gì cho bố mẹ cả, em gửi gắm niềm tin nơi tôi. Tôi khẽ lắc đầu, ra hiệu chưa tìm ra lời giải cho em. Càng suy nghĩ về câu chuyện, tôi càng bối rối với những cảm xúc không rõ ràng. Tôi cũng không nói gì với bố mẹ cả, bởi tôi vốn là người tự lập, cái gì cũng muốn tự mình tìm cách giải quyết. Tối hôm đó, tôi xem chương trình truyền hình nói về người lính biển, những con người không quản gian nguy, chấp nhận xa gia đình, xa vợ con để giữ vững biển trời của Tổ quốc. Họ xứng đáng được nhân dân, được Tổ quốc tôn vinh. Tôi chợt nảy ra một ý tưởng, một lời giải thích đáng cho em gái. Sau khi ăn cơm xong, hai chị em lên tầng, Trang hỏi lại tôi: “Chị ơi, chị đã tìm ra cách giải quyết chưa?” Tôi cười nhỏ nhẹ: “Chị biết rồi” và kéo em lại gần, thì thầm: “Em hãy viết thư cho bạn ấy, rằng em hiểu và thông cảm cho bạn, đồng thời khuyên bạn sau này đừng nói dối nữa. Bởi vì bố của bạn là một chiến sĩ, một anh hùng của Tổ quốc, mặc dù bố không thể sống gần bạn được nhưng công lao của bố rất đáng trân trọng. Bạn nên tự hào về bố của mình mới phải. Còn nữa, nghề kinh doanh của mẹ bạn ấy cũng là một nghề được xã hội thừa nhận, để nuôi bạn ấy khôn lớn, không có gì phải xấu hổ cả. Chắc chắn bạn em sẽ vui lên thôi”. Trang cười tít cả mắt và nói với tôi: “Vậy là em không phải lo bạn ấy sẽ cảm thấy ngại ngùng khi thú nhận lời nói dối với em rồi. Em sẽ giải thích cho các bạn cùng lớp để cùng chia sẻ, động viên Nguyên, chị nhé”. Nhìn theo cái dáng tròn như hạt mít của Trang chạy ra ngoài với vẻ mặt vui mừng, rạng rỡ, tôi thầm nghĩ: “Có lẽ em tôi đã lớn thật rồi!”.

 

Phan Vũ Anh Thư

Trường THCS Kỳ Bá

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày