Thứ 3, 30/04/2024, 20:37[GMT+7]

Con là hạnh phúc của tôi

Thứ 2, 18/05/2015 | 08:41:22
980 lượt xem
Con tôi giờ đã vào lớp một, chưa một lần được bố thăm. Nó lớn lên trong sự bạc bẽo, vô tình. Nhưng tôi vẫn tự hào vì đã nuôi dạy con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học tập tốt. Những lúc mệt mỏi, con là niềm động viên vô bờ đối với tôi. Với phụ nữ, niềm hạnh phúc lớn nhất là được làm mẹ!

Ảnh minh họa

Tôi biết sau cái gật đầu của tôi là một đám cưới diễn ra đúng như mong mỏi của mẹ và ngoài sức tưởng tượng của chồng tôi. Tôi không đẹp nhưng cao ráo, sáng sủa, lại có một công việc ổn định, chưa kể việc đồng áng ở quê tôi rất chịu khó và đảm đang. Trong thâm tâm, tôi biết mình là “mơ ước” của nhiều chàng trai trong làng. Chính vì lẽ đó, họ bảo tôi “kiêu”, “già kén” sẽ có ngày “kẹn hom”. Với những ai không hiểu, những lời nói kia ứng với tôi thì họ lấy làm hả hê lắm. Một thời họ đã mất công theo đuổi còn tôi thì khước từ. Người thông cảm thì chép miệng: “Số phận nó thế”...

Tôi chấp nhận lấy chồng sau một tháng quen biết vì trách nhiệm chị cả trong nhà. Nhà chồng cách nhà tôi 5km. Bố tôi mất sớm, cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Lúc lâm chung, ông dặn tôi những lời trong nước mắt: “Con là chị lớn trong nhà, phải có trách nhiệm lo cho bà, cho mẹ và cho em”. Tôi cầm tay bố, hứa sẽ làm theo lời ông dặn... Nhưng cuộc đời không ai biết trước ngày mai của mình sẽ ra sao.

Em gái tôi bỏ học sớm, lấy chồng cùng xóm. Khi con gái đầu lòng chào đời thì chồng em theo đám bạn xấu rủ rê cờ bạc, rượu chè rồi trai gái, bỏ bê việc làm ăn. Khi say thì đuổi vợ về ngoại, hết hơi rượu lại sang xin lỗi, thề thốt. Một vài lần đầu, em tôi theo về rồi sau đó chán chường, không chịu. Chồng em lại uống, lại say, lại đến nhà tôi quậy phá, nhiều lần phải nhờ an ninh xã can thiệp. Mẹ tôi viết đơn lên ủy ban xã nhờ chính quyền giải quyết thì bị chồng em đe dọa sẽ cho cả nhà tôi người gãy chân, người mù mắt. Nó bắt nạt nhà tôi cảnh mẹ góa, con côi. Mẹ tôi suốt ngày sống trong nước mắt xót xa, buồn tủi...

Một ngày mùa đông lạnh giá, bà cô họ dẫn về nhà một thanh niên da đen “như kèo nhà bếp”, nói là làm mối cho tôi. Chả biết những lời thề thốt của cô thế nào mà mẹ tôi ra sức thuyết phục tôi lấy người đó. Anh đi lao động xuất khẩu, do làm việc tốt lại biết ngoại ngữ nên chủ cho về nước tuyển thêm công nhân đưa sang làm việc. Chả hiểu anh đã nói gì mà mẹ tôi dồn tiền nhờ anh cho chồng em tôi đi cùng. Nước mắt ngắn nước mắt dài, mẹ xin tôi thương em mà lấy người đó. Theo mẹ, khi có kinh tế, cuộc sống của gia đình em sẽ ổn định, đỡ va chạm hơn, cháu gái cũng bớt khổ. Chị em tôi mất bố đã thua thiệt nhiều rồi. Và tôi đã mềm lòng... Đám cưới diễn ra chỉ ba ngày sau đó...

Hôm tổ chức hôn lễ, bố chồng tôi phát biểu trước hai họ sẽ yêu thương và bù đắp những thiếu hụt mà tôi gặp phải. Mọi người đều khen tôi tốt số.

Mấy hôm trước khi cưới, tôi tạm thấy ổn khi chấp nhận cuộc hôn nhân này. Anh hết lòng chiều chuộng tôi. Tôi thích gì được nấy. Đồ đạc trong phòng cưới anh để tôi chọn hết. Anh bảo anh còn phải kiếm tiền 5 - 7 năm nữa anh mới về. Anh chỉ có thể bù đắp cho tôi như vậy để tôi thấy thoải mái nhất...

Đêm tân hôn, tôi sững sờ, chết lặng khi phát hiện mình đã lấy phải một người chồng cục cằn, thô lỗ. Tim tôi như vỡ ra hàng trăm nghìn mảnh khi anh nói rằng không ngờ tôi lấy anh. Anh đã qua một lần đò, cũng chẳng yêu thương gì tôi. Anh lấy tôi vì bị thách đố. Khi ấy, có nhiều người theo đuổi tôi. Và họ đã thách đố nhau...

Mười lăm ngày sau cưới, tôi định bỏ đi khỏi nhà anh nhưng phát hiện mình có thai. Những trận ốm nghén liên miên làm tôi khổ sở. Sau hai tháng, tôi sút 5kg. Nhà chồng coi thường tôi ra mặt, chê đồng lương công chức “ba cọc ba đồng” của tôi... Vì muốn con ra đời có cả bố và mẹ nên tôi nhẫn nhục ở lại.

Chồng tôi lại tiếp tục sang nước bạn làm việc. Hai ngày nghỉ cuối tuần, nhà chồng bắt tôi ra đồng làm, cắt một ngày mấy gánh cỏ cho cá ăn. Hàng tháng, tôi phải nộp tiền ăn bằng nửa tháng lương. Tiền chồng làm được đều gửi về cho bố mẹ hết. Lúc tôi sinh con, chồng không có một xu gửi về cho vợ.

Biết chồng có bồ ở bên đó, tôi chán nản vô cùng. Nhà chồng lại tìm mọi cách chia rẽ mẹ con tôi, họ làm như vậy là để khi tôi ra khỏi nhà, con tôi không có tình cảm với mẹ sẽ dễ nuôi. Chao ôi, đớn đau, tủi cực... Tôi cô độc ngay trong ngôi nhà mình đang sống. Nước mắt là thứ an ủi duy nhất mỗi khi đêm về. Nghĩ ngợi nhiều, lại phải dùng thuốc an thần nên tôi bị xuất huyết dạ dày.

Tôi ký hết bốn lá đơn ly hôn chồng gửi về nước và bế con về mẹ... Bố chồng ba lần mang đơn lên cơ quan tôi kiện để tôi mất việc vì tôi đem theo con ra khỏi nhà chồng khi chồng không có ở nhà để khi ra tòa tôi không được quyền nuôi con. Không ai tiếp nhận cái đơn vô lý và tàn độc đó.

Chồng tôi về nước, mang theo lá đơn ly hôn thứ năm xuống nhà bắt tôi ký. Anh nói, anh không ở gần con, không có tình cảm với con. Chiếc xe máy đăng ký tên tôi mà khi ra khỏi nhà anh tôi mang theo anh cũng đòi lại, mặc cho tôi thống thiết: Em ra khỏi nhà anh với hai bàn tay trắng cùng đứa con nhỏ dại. Chiếc xe cũ rồi. Ngày trước anh mua cho em một nửa tiền xe là tiền mừng cưới của em. Hàng ngày, em đưa con đi học, đưa con đi chơi, có lúc dùng để đưa con đi khám bệnh. Anh không còn lương tâm con người thì anh cứ lấy đi...

Anh bỏ qua tất cả những lời tôi nói, tháo chiếc ghế chở con trên khung xe, thây kệ con khóc khản cổ đòi xe cho mẹ dưới trời mưa rét của tiết đại hàn.

5 ngày sau, chưa đầy một tuần chồng về nước, chúng tôi hoàn thành thủ tục ly hôn với sự hỗ trợ của bố chồng. Gần một tháng sau, ông nội xuống thăm cháu. Mẹ con tôi không có nhà. Ông viết một tờ giấy đoạn tuyệt đứa cháu của mình để có lý do cho chồng tôi không phải nộp năm trăm nghìn tiền nuôi con hàng tháng như tòa phân xử. Căm phẫn, quẫn bách, tôi đã nghĩ dại. Tôi buộc chặt hai mẹ con lại, định nhảy xuống sông tự vẫn. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ lại. Con không có tội. Tôi cần phải sống. Cho dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải nghị lực để vượt qua. Nghe tiếng con líu lo chỉ ánh điện sáng hắt xuống dòng sông, tim tôi nghẹn lại. Và tôi gạt nước mắt quay về...

Thời gian trôi đi. Con tôi giờ đã vào lớp một, chưa một lần được bố thăm. Nó lớn lên trong sự bạc bẽo, vô tình. Nhưng tôi vẫn tự hào vì đã nuôi dạy con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học tập tốt. Những lúc mệt mỏi, con là niềm động viên vô bờ đối với tôi. Với phụ nữ, niềm hạnh phúc lớn nhất là được làm mẹ!

Lê Thị Nhung
(Thụy Quỳnh, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày