Thứ 2, 06/05/2024, 04:23[GMT+7]

Ký ức tuổi thơ

Thứ 2, 08/06/2015 | 08:26:05
2,204 lượt xem
Giờ đây, tôi đã lớn. Mỗi lần nghĩ lại, thấy thương cho tuổi thơ tội nghiệp. Ký ức ngày xưa vỡ òa... Đó là món ăn tôi nhớ nhất bởi nó chứa đựng cả tình yêu thương và sự vụng dại của mình.

Nhà tôi chỉ có ba mẹ con vì bố tôi mất sớm. Một mình mẹ vất vả nuôi hai chị em tôi lớn khôn. Từ khi vào lớp một, tôi đã theo mẹ lặn lội khắp cánh đồng làng từ vùng cao cho đến vùng trũng để tìm bắt con cua, con ốc đắp đổi qua ngày. Hè nào cũng vậy, dưới cái nắng chói chang như đổ lửa tôi vẫn theo mẹ ra đồng. Tôi đi theo xách giỏ giúp mẹ để lưng mẹ bớt đau. Rồi dần dần tôi cũng tập bắt cua và là đứa bắt cua giỏi. Tôi thông thạo mọi chỗ nông sâu trên khắp các xứ đồng. Những ngày sau mưa, nước lớn thì tìm bắt ở chân ruộng vàn cao. Những ngày nước cạn thì bắt ở chân ruộng trũng. Cứ thế, mẹ con tôi không bao giờ hết việc bắt ốc mò cua.

Dịp nghỉ hè, người ta thì đi du lịch đó đây còn tôi lại được thỏa thuê “du lịch” trên khắp cánh đồng quê mình trong cái nắng đến cháy tóc. Sau mỗi buổi bắt cua, người lấm lem đầy bùn đất tôi lại nhảy ùm xuống sông tắm cùng đám bạn, vẫy vùng trong làn nước trong mát, tập thử các kiểu bơi. Nước sông quê rửa sạch hết bùn đất trên người. Tiếng cười vang cả mặt nước. Số tiền có được từ việc bắt cua tôi thường để vào lợn đất. Lúc bấy giờ, con lợn đất là cả một gia tài quý báu đối với tôi. Khi trời cao và trong hơn, nắng vàng suộm trải đều trên đồng lúa căng mọng sữa là lúc tôi “mổ” lợn, hí hửng đếm từng tờ tiền vẫn còn vương mùi bùn non rồi nhanh chân ra hiệu sách đầu phố. Tôi mua sách, mua vở, mua đồ dùng học tập cho năm học mới mà không phải xin tiền mẹ. Số tiền còn lại được dùng để đóng học phí. Tuổi thơ tôi cứ thế trôi đi...

Một lần, mẹ phải lên phố làm thuê đến tối mới về. Mẹ dặn tôi bắt được cua mang ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn về nấu cơm cho hai chị em. Khổ thay, hôm đó tôi ham bắt nên về trễ buổi chợ, không bán được đồng nào. Không có gì trong bữa trưa, tôi bèn đem mấy con rắn nước mới bắt được ra lột da. Cũng băm lúc cúc, cũng thêm gia vị... Không có mỡ để rán nên tôi cho vào nồi cơm để hấp. Lúc ấy đun bếp rạ chứ đâu có nồi cơm điện như bây giờ. Tôi nấu cơm, đốt thêm bao nhiêu là rơm bên ngoài để món rắn băm mau chín. Mồ hôi túa ra nhễ nhại, ướt đầm cả lưng áo nhưng tôi lại thấy vui vì hôm nay đã “tiết kiệm” được một khoản tiền nho nhỏ. Đến bữa, tôi hí hửng mở vung nồi cơm. Chao ôi..., tro đen phủ kín. Tôi nhanh tay lấy hết phần tro ra. Nồi cơm vơi đi phân nửa. Nhìn bát thịt rắn băm không nhuyễn còn trơ cả xương lẫn trong tro bếp, em gái tôi không dám ăn. Tôi ăn thử và lấy roi dọa nó. Nó sợ, vừa khóc vừa nhắm mắt cố ăn nhưng nuốt xong rồi chạy vội ra ngoài sân nôn ọe. Tối mẹ về, nghe em kể lại, tôi lo sợ sẽ lãnh đủ một trận đòn. Tôi nấp sau cánh cửa, chờ đợi phán quyết của mẹ, thời gian tưởng dài hơn thế kỷ. Nhưng không. Mẹ gọi tôi ra rồi ôm hai chị em vào lòng, vỗ về:
- Lần sau con không được làm thế nữa nghe không. Không có tiền con sang bác vay tạm để mua thức ăn cho em rồi mẹ về sẽ trả.
Giọng mẹ chùng xuống, nghẹn lại: Em còn bé nên em sợ con à...
Có từng ấy câu mà mắt mẹ đầy nước.

Giờ đây, tôi đã lớn. Mỗi lần nghĩ lại, thấy thương cho tuổi thơ tội nghiệp. Ký ức ngày xưa vỡ òa... Đó là món ăn tôi nhớ nhất bởi nó chứa đựng cả tình yêu thương và sự vụng dại của mình.

Lê Thị Nhung
(Thụy Hồng, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày