Thứ 7, 23/11/2024, 20:28[GMT+7]

Thiếu Văn Sơn - Người đồng hành cùng số phận

Thứ 2, 13/07/2015 | 08:26:12
2,789 lượt xem
Cuối năm 2014, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Phận đời của Thiếu Văn Sơn. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông sau Gió lạnh, Nhà xuất bản Thanh niên và Nửa đời còn lại, Nhà xuất bản Hải Phòng.

Phận đời được Thiếu Văn Sơn viết sau những ngày trực tiếp tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường rồi trở về làm báo, viết văn - khoảng thời gian đủ để người viết chiêm nghiệm quãng đời mình. Cả cuộc đời ông chỉ có ba việc: cầm súng, làm báo và viết văn.

Khoảng hơn chục năm gần đây, Thiếu Văn Sơn cho ra mắt 6 tập sách mà Phận đời là khẳng định sự vững vàng, trải nghiệm với không ít thành công của một “tiểu thuyết gia”.

Trong Phận đời, Thiếu Văn Sơn lấy bối cảnh một làng quê nghèo nằm bên dòng sông Đa Độ, gần như nguyên mẫu một vùng đất mà hàng chục đời nay dòng họ của ông di cư từ vùng Thanh Hóa thượng về xứ này lập nghiệp. Đó là những gò đất và cả một vùng bãi bồi ngập ngụa bùn đất, những cây vẹt, cây mắm, cây sú... mọc chằng chịt thành rừng cây ngập mặn. Cái làng Bụa nhỏ bé mà ông tả như một cái áo nâu bạc phếch vắt hờ bên dòng sông không bao giờ có một giọt phù sa. Nhiều thế hệ lấy đó mà mưu sinh bằng những tấm lưới bén mỏng như tơ, bằng những cái lờ bóng, lờ rạm, bằng những mảng le rậm rạp ngập chìm trong nước.

Dòng sông ấy hình thành từ một huyền thoại về dải lụa màu thiên thanh mà công chúa Trà Phương xin vua tung dải lụa bay từ dãy núi Ông Voi đến tận miền Kim Sơn cửa sông Văn Úc.

Dòng sông ấy là cuộc thủy chiến giữa Ông Hổ và Ông Song tranh giành tôm cá mà ngày nay bên bờ hữu vẫn còn miếu Ông Hổ linh thiêng dưới gốc cây sộp quanh năm ngợp trong hương hoa mẫu đơn và râm bụt.

Dòng sông ấy trở về thực tại lại bắt đầu bằng những câu chuyện buồn. Đầu tiên là xuất hiện một con người từng là đại đội trưởng chằng chịt những vết thương chiến tranh, trốn chạy với chiến công chỉ vì một lần đến với tình yêu với Nguyên, nhân vật mà suốt những năm sau đó dù đã cố gắng nhưng vẫn không gặp, đành phải dừng chân trên dòng Đa Độ với cái nghề câu tôm kiếm sống qua ngày và giấu biệt thân phận.

Dòng sông ấy tiếp nối những cuộc đời nan trải, những mối tình đẹp lại bắt đầu từ những số phận như vợ chồng anh Khắc, chị Ngoan, vợ chồng anh Hoán, chị Bí, vợ chồng ông Hoạch, của mười hai cặp vợ chồng và người yêu đợi nhau suốt cuộc đời khi các anh ra trận và mãi mãi không về.

Kết thúc những mối tình oan trái ấy là người đại đội trưởng đào ngũ cũng vì chỉ tình yêu là Hoàng Tuân (Kích) và cô Mũn tật nguyền... Tuyến nhân vật trong Phận đời đều là những con người với những thân phận tưởng như bị xã hội vùi dập, lãng quên. Vậy mà, họ đều vượt lên số phận, làm lại cuộc đời như Kích, như ông giáo Thành mẫn cảm với cuộc đời. Như Huyền, cô học trò yêu quý của ông giáo với bài văn điểm 0. Như Ngoan, có được chồng bắt đầu từ việc bị thương những ngày chống di cư ở làng Duyên. Như người vợ của ông giáo Thành, nghe đội mớm lời đã nhảy lên tố bố chồng để rồi phải bỏ làng ra đi khi còn bụng mang dạ chửa, sau thành đạt ở xứ Mường, giả danh người bán thuốc để về chữa bệnh cho người chồng bị bệnh phong thấp hành hạ...

Ở Phận đời, Thiếu Văn Sơn đã khá thành công với nghệ thuật xây dựng những nhân vật, những cuộc đời, những kiếp người với những éo le, trắc trở. Qua những biến thiên từ cuộc đời, từ chính sự vật vã nội tại, họ đều trở về với bản chất con người trong yêu thương, nhân ái. Trong đạn bom ác liệt, con người trở nên cao cả, họ bỏ qua mọi hiềm khích, mọi tội lỗi, đoàn kết lại và càng yêu nhau hơn.

Thành công nhất trong Phận đời chính là sự đan xen tài tình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa huyền thoại và thực tại, giữa quá khứ với tương lai, giữa mất mát với sinh sôi và mối quan hệ biện chứng giữa tội lỗi và tha thứ, giữa đau thương, mất mát và thành quả và cao hơn là giữa con người với con người...

Với kết cấu đa tầng, với các tuyến truyện đan xuyên, các nhân vật trong Phận đời được mô tả hết sức sống động, giàu sức gợi. Các chi tiết, sự kiện được người viết dẫn dắt khá hấp dẫn và cuốn hút. Nghệ thuật điển hình hóa với lối vận động hoạt, mang nét riêng của văn phong, qua những trang tự sự, qua phân tích tâm lý, không ít nhân vật và sự kiện trong Phận đời của Thiếu Văn Sơn đã tạo được sức ám ảnh, những khoảng trống nghĩ suy mà người đọc phải day trở, phải tự tìm cách lấp đầy…

Với Thiếu Văn Sơn, với Phận đời, người viết thực sự là “người trong cuộc”, từng đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc, từng chiến đấu và cầm bút, xông xáo trên khắp các chiến trường, từng khắc khoải với số phận con người trên mỗi trang viết.

Với thời gian không ngừng trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Với 367 trang tiểu thuyết Phận đời và 5 tập sách, những tác phẩm đó khẳng định chính mình trong cuộc đời cầm bút. Người đọc tin rằng, những gì được viết ra từ tâm huyết, từ ý thức luôn hướng về cái đẹp, hướng về cái muôn thuở của cõi nhân sinh, Thiếu Văn Sơn và tác phẩm của ông sẽ mãi còn lưu giữ trong lòng bạn đọc, trong khát khao vươn tới trước sứ mệnh cao đẹp của một người cầm bút.

Kim Chuông 
(Thành phố Hải Phòng)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày